Học ngành Dược cần biết nhiều vi khuẩn, virus

Trong chương trình đào tạo của ngành Dược, chúng tôi được học rất nhiều loại vi khuẩn, vi nấm, virus, ký sinh trùng.

Đại học rất khác cấp ba, khi ta buồn chán, không có ai đốc thúc, khi ta học đuối, không có ai vớt ta lên. Không quá khó để chúng ta nhìn thấy cảnh tượng trong một lớp học tầm khoảng 50 sinh viên, thầy giáo cứ giảng trên bục còn sinh viên ở dưới làm đủ mọi thứ.

Tôi hơi mất bình tĩnh một chút những ngày đầu đi học. Mọi thứ xung quanh tôi đều xa lạ: Khối lượng kiến thức khổng lồ, không có nhiều bạn bè, tính độc lập của sinh viên là rất cao.

Học kỳ đầu năm nhất, tôi dừng lại ở mức học lực khá. Tôi đã mất hẳn kỳ đó để làm quen với mọi thứ. Ngày qua ngày, chúng tôi cứ học luân phiên giữa một buổi lí thuyết và một buổi thực hành với các thí nghiệm liên quan đến Hóa học trong thời khóa biểu. Ở quê thiếu thốn, hồi cấp ba, tôi không có nhiều điều kiện được thực hành thí nghiệm như bây giờ, chỉ hầu như học công thức, lý thuyết.

Lên đại học, phần thực hành chiếm gần nửa học phần, tần suất khá thường xuyên khiến tôi mới đầu có hơi choáng ngợp rồi cũng khá lúng túng vì chưa quen tay, sau khi thực hành nhiều, nhận ra làm thí nghiệm quan trọng vẫn là để rèn luyện kỹ năng thực tế của bản thân thì mọi chuyện dần ổn hơn.

Những thí nghiệm hóa học đó, tôi thực hành khá suôn sẻ, gần như chưa xảy ra sự cố hay tai nạn nào cả. Vấn đề chỉ thực sự bắt đầu khi tôi đi thực tập môn xét nghiệm máu của bên y học. Đó là một thí nghiệm thực hành lấy máu phục vụ môn học cơ sở về cơ thể sống, giải phẫu sinh lý.

Môn đó cung cấp cho chúng tôi kiến thức về các cơ quan trong cơ thể, để có thể biết được mầm bệnh ở đâu trong các cơ quan ấy mà đưa ra loại thuốc phù hợp.

Mỗi sinh viên sẽ phải tự lấy máu để xét nghiệm nhóm máu của mình, tôi vốn sợ máu, nghe đến đó thôi đã thấy chân tay bủn rủn rồi, cuối cùng đành phải nhờ cô giáo lấy hộ.

Bây giờ, tôi cũng đã quen hơn rồi, việc lấy máu xét nghiệm cũng không còn quá khó khăn như lúc đó nữa. Người dược sĩ muốn chế tạo được thuốc chữa bệnh thì nhất định phải biết chính xác nguyên nhân gây ra nó chứ không thể dò dẫm mơ hồ hay “thầy bói xem voi” được.

Trong chương trình đào tạo của ngành Dược, chúng tôi được học rất nhiều loại vi khuẩn, vi nấm, virus, ký sinh trùng.

Để hiểu về cơ chế gây bệnh của chúng, chúng tôi phải thực hành quan sát hình thái của nó qua kính hiển vi. Ban đầu, chúng tôi cũng chỉ cảm thấy hơi ghê, cho đến lúc học xong môn này, khi về quê hay ra ngoài đi ăn với bạn bè chúng tôi thấy chẳng có cái gì… sạch cả!

Đặc biệt là món rau sống. Đĩa rau sống đặt trên bàn ăn xanh mướt, tươi non mơn mởn, đã được rửa qua nhiều lần kia có vẻ rất sạch sẽ nhưng dưới con mắt của những sinh viên học xong môn Ký sinh trùng sẽ nhìn ra rất nhiều thứ: nào là trứng giun, trứng sán, nào là ấu trùng, vi trùng…

Có một điều tích cực là sau khi học xong môn này rồi, tôi và đám bạn đứa nào đứa nấy đều cẩn trọng hơn trong việc ăn uống hàng ngày.

Nếu học Dược mà không biết nhiều về sinh học, hay cụ thể hơn là không biết đến nhiều bệnh dịch thì sẽ rất khó khăn khi làm thuốc. Tất nhiên, khi vào trường dù có nền tảng tốt từ trước đó hay không, bạn vẫn được bổ túc thêm những kiến thức cơ bản cần thiết.

Thực ra những môn chung theo tôi thấy có tư duy khá giống nhau, ví dụ với triết học, nhiều bạn vẫn hay than thở rằng hơi khó để tiếp thu nhưng nếu ta biết cách tư duy logic thì sẽ nhận ra bản chất và cảm thấy vấn đề này không phải quá khó.

Bản chất của tư duy ấy phụ thuộc vào việc chúng ta nắm chắc bản chất của vấn đề đó. Đôi khi những kiến thức ở giảng đường tưởng như xa vời trừu tượng nhưng nếu bạn biết cách xâu chuỗi, vận dụng kiến thức từ môn này áp dụng sang môn kia, việc học tập của bạn sẽ bớt phải gồng gánh nặng nề hơn.

Đừng quên chúng ta có quyền cất lên những lời thắc mắc dù là thắc mắc với chính mình. Tại sao chúng ta lại không thể tự vấn rằng môn học đó nói về vấn đề gì, nó sẽ có ứng dụng gì trong nghề nghiệp của mình sau này hay có thể giúp mình rèn luyện được kỹ năng nào hay không.

Chính với một tinh thần cầu thị như thế này, tôi đã không bỏ cuộc trước cái khó. Tôi đã vượt qua được kết quả bết bát của kì đầu để giờ đây được đứng trên bục giảng, quan sát các em sinh viên trải qua nấc thang cuộc đời giống như mình.

Rate this post

Viết một bình luận