Phóng viên (PV): Đã có nhiều họa sĩ thể hiện hình dung của mình về nữ sĩ Hồ Xuân Hương hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm của bà, các ông đã làm gì để có gì đó khác cho mình?
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng (NQT): Tôi vẽ tả thực, thể hiện vẻ đẹp người phụ nữ bởi đó vốn là tác phẩm tuyệt đẹp của tạo hóa mà không cần phải bóp méo hay làm sai khác đi. Tôi đã bám vào những câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương để lột tả người phụ nữ đẹp, khao khát yêu đương và cũng rất phồn thực. Cuộc đời của nữ sĩ nhiều nỗi buồn khi hạnh phúc lứa đôi không đạt được. Nỗi buồn của người đàn bà có tài thơ phú chắc phải cô đơn hơn người đàn bà bình thường. Đặc biệt thơ bà có những chi tiết thể hiện thái độ phản kháng với hiện thực xã hội đương thời, tôi cũng mượn đó để vẽ bức tranh miêu tả bà khinh thường những kẻ học hành ấm ớ; hoặc bức bà bên đền thờ Sầm Nghi Đống với thái độ coi thường… Nói chung, trong mỗi bức tranh, tôi đều cố gắng để không chỉ là sự minh họa câu thơ mà xây dựng hình tượng nhân vật riêng.
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Nghiêm Nhan (NNN): Sinh thời Bà Chúa thơ Nôm sống ở Nghi Tàm và chúng tôi cũng đều đang sống ven Tây Hồ (tôi sống ở phố Nghi Tàm, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng sống ở phố Trích Sài) nên chúng tôi nghĩ tại sao mình lại không vẽ về bà? Chúng tôi cảm nhận bà rất đẹp, hay nhưng cũng rất phức tạp nên để có “chìa khóa” đến với tranh Hồ Xuân Hương là không đơn giản. Tôi đã cảm Hồ Xuân Hương. Cảm về người con gái ở Tây Hồ, sống trong không gian của sóng, của sen và quan trọng hơn nữa là cá tính của bà, đó là người mãnh liệt, luôn khao khát yêu đương.
PV: Cách thể hiện trong tác phẩm của hai ông khi đặt cạnh nhau liệu có gì mâu thuẫn?
NNN: Hai phong cách này đã bổ sung cho nhau và du dương như những con sóng Tây Hồ khi bày tranh cạnh nhau. Hai tác giả đã cùng cất lên bản song tấu của sắc màu ấn tượng và dường như đã miêu tả được cõi người và cõi hồn Hồ Xuân Hương. Một cõi thơ của bà vừa hiện thực vừa mơ màng vừa thăm thẳm nỗi buồn lại vừa nồng nàn khát vọng yêu đương. Trong mạch sáng tác ấy, chúng tôi còn đi tiếp được bởi một lẽ càng tìm hiểu, càng sáng tạo lại càng cảm thấy vô tận, với một danh nhân chúng ta không bao giờ hiểu hết được họ. Đó chính là những khoảng trống để chúng tôi sáng tạo miên man và trong hành trình vô cực ấy, dường như Bà chúa thơ Nôm đã mở lòng ra, mách bảo để giúp chúng tôi có cảm xúc, sự hưng phấn để vẽ về bà.
NQT: Hai chúng tôi tạo nên phong cách đối lập. Tôi thì rất thực, còn Nguyễn Nghiêm Nhan thì hoàn toàn thả lỏng trí tưởng tượng, hoàn toàn bay bổng, không câu nệ bất cứ quy luật nào cả. Khi chúng tôi đặt tranh cạnh nhau có người nói là sẽ tương phản nhưng kỳ thực nó đã hòa với nhau như trong một dàn nhạc mỗi nhạc cụ chơi một kiểu nhưng vẫn tạo ra bản nhạc hay.
PV: Đánh giá một cách khách quan, hai tác giả có nhận xét gì về tranh Hồ Xuân Hương của nhau?
NNN: Tôi thấy Hồ Xuân Hương hiện diện đầy sức sống trong suy tưởng hiện thực của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng. Cứ như thể anh quen biết nàng thơ từ lâu rồi để mà thuộc, mà tạo hình với nội tâm nữ sĩ cháy bỏng với khát khao tình yêu. Cứ như thể tòa thiên nhiên ấy khiến tạo hóa phải ngập ngừng dừng lại. Hồ Xuân Hương trong ý nghĩ của anh rất đẹp. Anh vẽ Hồ Xuân Hương trên cảm xúc dẫn đường từ những câu thơ của bà để ra một hiện thực Hồ Xuân Hương khiến cho trạng huống xuất xứ những câu thơ ấy dường như có câu chuyện. Anh đã vẽ được một Hồ Xuân Hương có đời sống và thật sự có cảm giác “chạm đất”.
NQT: Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Nghiêm Nhan đã tạo hình một Hồ Xuân Hương bay bổng, một Hồ Xuân Hương bay lượn trên sóng Hồ Tây. Là thực hay là những giấc mơ phiêu du dẫn dắt. Thủ pháp biểu hiện đã mở rộng không gian của nữ sĩ Hồ Xuân Hương với bồng bềnh sen Tây Hồ. Hồ Xuân Hương ngào ngạt trong hương sen hồ Tây. Tranh của anh đã diễn tả cõi mơ của nữ sĩ là nỗi lòng tự sự của nhà thơ, là sự cô đơn rỗng lòng, là ôm ấp hoài niệm bốn mùa đi qua, là cá tính mạnh mẽ và 200 năm sau ngày bà mất dường như cá tính ấy còn thấp thoáng đâu đây với những nữ sĩ ngày nay.
PV: Xin chúc triển lãm nhận được sự đón nhận của đông đảo người xem!
Sau khi triển lãm khai mạc chiều 21/7, đã nhận được một số phản hồi từ dư luận. Theo đó, có một số bức tranh không phù hợp từ góc nhìn văn hoá, nguyên mẫu nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, khi thẩm định tác phẩm triển lãm, trong Hội đồng có một số thành viên đi vắng. Thường vụ Hội đã quyết định đề nghị gỡ một số bức tranh của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng. Tối 23/7, sau khi nghe phía nhà triển lãm 16 Ngô Quyền cung cấp thông tin về ý kiến dư luận, hai tác giả đã chủ động rút hết tranh về.