Phản ánh các vấn đề hời hợt, thiếu chiều sâu
Như thường lệ, Táo quân trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều gia đình trong đêm 30 Tết. Mượn câu chuyện các Táo lên chầu trời báo cáo tình hình năm cũ, chương trình là dịp để phản ánh các sự kiện, vấn đề xã hội thông qua góc nhìn châm biếm, hài hước. Từ lâu, yếu tố này đã trở thành một “thương hiệu” của chương trình và mọi người luôn háo hức đợi xem năm nay, những sự kiện nào sẽ được các táo đưa lên bàn “mổ xẻ”.
Vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2019, Táo quân không còn hấp dẫn như trước. Thậm chí, nhiều khán giả cho rằng chương trình đang dần biến chất vì phản ảnh các vấn đề xã hội một cách hời hợt, thiếu chiều sâu. Cụ thể, vẫn là các gương mặt cũ từng làm nên thành công của Táo quân như Ngọc Hoàng (Quốc Khánh), Nam Tào (Xuân Bắc), Bắc Đẩu (Công Lý), Táo giáo dục (Chí Trung), Táo giao thông (Tự Long), Táo kinh tế (Quang Thắng), Táo xã hội (Vân Dung… chương trình đưa ra những vấn đề đáng quan tâm của năm 2018 như giáo viên tiểu học sử dụng ma túy, sai phạm trong việc chấm điểm ở kỳ thi THPT Quốc gia, đả kích nạn hối lộ, đút lót ở các ngành nghề, thu phí BOT, trào lưu đi bão cổ vũ bóng đá…
Điểm nhấn của chương trình là màn soi gương của các Táo để đánh giá mức độ tín nhiệm. Tuy nhiên, chỉ có Ngọc hoàng soi còn đa phần các Táo đều đùn đẩy trách nhiệm, né tránh, e ngại. Yếu tố này được đánh giá cao vì thể hiện đúng tinh thần châm biếm thói đùn đẩy trách nhiệm một cách sâu cay mà chương trình mang đến.
Ảnh: FBNV
Vẫn là gương mặt cũ, nhưng các vấn đề xã hội không được Táo quân phản ánh sâu cay
Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng chương trình Táo quân 2019 chưa tìm được lối đi mới sau 16 năm phát sóng. Mặc dù đưa ra nhiều vấn đề nổi cộm của xã hội trong năm, nhưng hầu hết nội dung kịch bản chỉ “đánh” ở phần rìa, tức là chưa nói hết bản chất bên trong, yếu tố châm biếm, trào phúng cũng chưa được thể hiện rõ. Một khán giả bình luận sau khi chương trình kết thúc: “Những vấn đề của Táo quân năm nay không tới, báo chí đã viết sâu hơn tỉ lần, trong khi đó tình tiết lại cũ như vũ trụ. Chưa nói được những vấn đề bức xúc đâu vào đâu thì lại khen nịnh một cách rất chối”.
Bên cạnh đó, nhiều khán giả không khỏi bức xúc khi chương trình lên tiếng đả kích ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bởi lẽ họ cho rằng câu chuyện của “ông vua cà phê” mang tính cá nhân, không đáng để trở thành một sự kiện có tầm ảnh hưởng đến đất nước. Một khán giả viết: “Công kích cá nhân và tự cười một cách khả ố trong khi chẳng có gì đáng cười trong trường hợp này cả…”. Trong khi sự “vắng bóng” của Táo y tế được xem là một thiếu sót rất lớn của chương trình khi nhiều vấn đề như câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc sau khi mất, 42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ… vẫn chưa được nêu lên một cách cụ thể.
Quảng cáo dày đặc, lộ liễu
Một trong những yếu tố khiến Táo quân bị lên án mạnh mẽ chính là việc quảng cáo quá nhiều. Cứ khoảng 30 phút phát sóng, chương trình lại chèn 5 phút quảng cáo vào khiến người xem khó chịu. Chưa dừng lại ở đó, việc các Táo liên tục nhắc tên thương hiệu và đọc cả slogan của thương hiệu trong chương trình đã tạo nên sự bức xúc cho đa số khán giả. Thậm chí, nhiều người còn hoang mang vì không biết đang xem một show quảng cáo có chèn Táo quân vào hay đang xem Táo quân và liên tục bị làm phiền vì quảng cáo. Điển hình là sự xuất hiện của Trung Ruồi và Đỗ Duy Nam ở phần đầu, mặc dù tạo ra nhiều yếu tố gây cười nhưng việc cả hai nói những chuyện không liên quan và quảng cáo lộ liễu khiến người xem ác cảm với chương trình.
Ảnh: VFC
Việc quảng cáo liên tục khiến Táo quân bị khán giả chỉ trích
Trên các trang mạng xã hội, khi chương trình chưa kết thúc, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự không hài lòng về kịch bản cũng như cách dàn xếp của đạo diễn Thanh Hải. “Chẳng ai cấm nhà đài quảng cáo cả nhưng quảng cáo kiểu này thật phản cảm. Điều đó thể hiện sự kém văn minh của ê-kíp sản xuất”, một khán giả bình luận.
Trong khi đó, tài khoản khác viết: “Em đang tự hỏi rằng em đang xem Táo quân hay xem một chương trình tổng hợp quảng cáo. Thấy các nghệ sĩ quá là vất vả khi cố gắng quăng từng miếng nhỏ để nhét tên thương hiệu vô. Nãy giờ em mở chưa được 15 phút mà dính 5 tên thương hiệu một cách gượng ép rồi. Cá nhân em thì em sẽ không sài 5 thương hiệu đó vì nó thô thiển quá. Cơ mà vốn dĩ mấy năm nay Táo nhạt giờ thêm vụ cố gắng tạo nét để nhét thương hiệu nên càng oải. Em chuyển kênh luôn đây”.
Song song đó, một số khán giả lên tiếng bênh vực cho rằng việc quảng cáo trong Táo quân là chuyện cần có để ê-kíp có thêm chi phí đầu tư cho buổi diễn.
Kịch bản theo lối mòn, thiếu tính mới lạ
Ảnh: VFC
Táo quân 2019 thiếu nhiều yếu tố gây cười như trước
16 năm phát sóng, Táo quân ghi điểm với khán giả bởi những màn chầu trời “có một không hai”. Nhưng bài hát chế, những câu chuyện được thể hiện theo hình thức mới lạ luôn là yếu tố thu hút khán giả đón xem chương trình. Năm nay, Táo quân cũng tạo ra những bản nhạc chế, những câu nói trào lưu để gây cười như “Thủ khoa không sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ thằng này sang đứa khác”, “Giáo dục không cải cách, không đổi mới không phải là giáo dục, tôi tính làm gì, sát kỳ thi tôi mới tung ra”, “Tính tao vốn dĩ thật thà, mày thả tim thật hay là auto”….
Tuy nhiên, điều này lại vô tình trở thành yếu tố khiến chương trình bị khán giả “quay lưng”. Bỏ qua nội dung liên quan đến các vấn đề xã hội, các yếu tố để gây cười khán giả trong Táo quân 2019 dần đi vào lối mòn, không còn nhiều điểm mới lạ như trước. Thậm chí, nhiều khán giả nhận xét phần chế nhạc của Táo quân năm nay không những không vui mà lại còn kém duyên dáng.
“Có vẻ như chương trình đang phân vân để tìm lối ra như thưở ban đầu vậy bởi hài về chính luận cho tới thì sẽ đụng chạm các quan mà nếu làm không tới, không mới, tránh né thì không đáp ứng được mong mỏi của dân. Nói chung thì vấn đề ”phong độ giật lùi” như vậy là do dám nghĩ nhưng không dám làm, sợ quan hơn sợ dân mà ra. Cho nên cuối cùng là cả một ”nồi lẩu” tránh né được dọn lên và thiên hạ nhìn vào thì chán phèo vì không gọi món này cho năm nay”, một khán giả bình luận.