Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga
Phó Trưởng Khoa Dân vận
Vào năm 1946, trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[1].
Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã minh chứng rõ vấn đề này. Suốt cả cuộc đời, Người đã không sống cho riêng mình mà sống vì dân, vì nước. Chính từ ham muốn tột bậc, độc lập cho đất nước, thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ đôi bàn tay trắng đã vượt qua biết bao gian khổ với đủ các loại nghề như phụ bếp dưới tàu, phục vụ nhà hàng, quét tuyết, làm báo…; Người vừa làm việc, vừa học tập và hoạt động cách mạng, bôn ba năm châu bốn biển, nằm gai nếm mật, không hề lùi bước trước những khó khăn, hiểm nguy; Người đã trải qua biết bao cảnh tù đày khắc nghiệt nhưng vẫn hiên ngang với một tinh thần lạc quan cách mạng, chan chứa niềm tin vào một tương lai tươi sáng vì một lý tưởng cao cả là đem lại độc lập cho dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thấu hiểu nỗi khát vọng của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh suốt tám mươi năm chống lại ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Ham muốn tột bậc là câu nói không chỉ xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu hành động nhất quán của Người, một người suốt đời vì dân, vì nước, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “ham muốn tột bậc” cho chúng ta thấy được đó là sự ham muốn thiết tha nhất, duy nhất; niềm khát khao cháy bỗng. Nó như chiếm lĩnh toàn bộ trái tim, tâm hồn của Bác, không có một ham muốn nào khác, đam mê nào khác có thể chen vào trái tim Người. Bác đã đưa ra khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và cho rằng đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Bác đã đau với nỗi đau mất nước, nỗi đau của Bác là sự cộng gộp của tất cả các nỗi đau; ngày nào miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa thống nhất thì ngày đó Bác ăn không ngon, ngủ không yên.
Ham muốn tột bậc, một ham muốn vô cùng cao cả, Bác đã sống vì mọi người, điều đó đã tạo nên cuộc đời huyền thoại của Hồ Chủ tịch đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ca ngợi: “Cụ Hồ không có cái gì là của riêng mình, cái gì của dân, của nước là của Người”. Hồ Chí Minh, Việt Nam đẹp nhất tên Người, trái tim vĩ đại của Hồ Chủ tịch chỉ biết đập nhịp đập vì dân, vì nước. Bác không có gia đình của riêng mình, song Bác có một đại gia đình dân tộc Việt Nam, vì vậy, bởi một lẽ thường tình, Người cống hiến cả cuộc đời mình với mong muốn mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho quê hương, đất nước, dân tộc và nhân loại.
Độc lập có giá trị vô cùng quý báu, song, với Bác nếu có độc lập, tự do mà dân đói, dân khổ thì độc lập, tự do cũng chẳng có nghĩa lý gì. Chính trong cái “chuỗi” sự ham muốn tột bậc của Bác đã thể hiện trọn vẹn, đầy đủ tấm lòng của một con Người yêu nước, thương dân và thể hiện trách nhiệm của Người lãnh đạo. Từ những ngày đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến đời sống kinh tế, giảm tô thuế, mở lớp bình dân học vụ…; chú trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú ý quyền lợi và những lợi ích thiết thực hàng ngày của dân: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”[2]. Người nhấn mạnh độc lập rồi mà dân đói, dân rét, dân dốt, dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Người chỉ rõ cần tiêu diệt ba thứ giặc nguy hiểm là “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Người còn lưu ý xa dân là một trong những nguy cơ lớn dẫn mất chế độ của một Đảng cầm quyền.
Từ đó Người quan tâm nhắc nhở cán bộ ta: cần phải tin dân, dựa vào dân thì dân mới tin ta, theo ta; muốn dân tin thì phải đến với dân, làm cùng dân, phải lấy dân làm gốc; việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ cũng phải làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ cũng phải tránh; “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không tham người tâng bốc mình”[3] và nếu có ham thì “Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”[4].
Vấn đề này càng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện nay, giai đoạn mà toàn Đảng, toàn dân tập trung thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đặc biệt là chuyên đề năm 2017 “Học tập và là theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là chuyên đề quan trọng, có tính chất xuyên suốt toàn khóa. Chuyên đề 2017 chỉ rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng, quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội và định hướng cho cán bộ, đảng viên ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần phục vụ nhân dân cho cán bộ, đảng viên, nêu cao tinh thần “lo trước thiên hạ”, “vui sau thiên hạ”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để xứng đáng là “công bộc”, “đầy tớ” của dân.
Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta quyết tâm thực hiện ham muốn và lời dạy của Người, đưa lá cờ bách chiến bách thắng của Người tới đích cuối cùng – Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
________________________________
[1] (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, trang 161)[2] (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, trang 175)[3] (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, trang 252)[4] (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, trang 175)