Chương trình Can thiệp sớm là gì?

Can thiệp sớm là việc tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục tại gia đình dành cho trẻ rối nhiễu tâm lý (Bao gồm các tình trạng Chậm nói – hiếu động kém chú ý  – Chậm phát triển trí tuệ và các tình trạng nguy cơ Tự Kỷ)  với sự cộng tác giữa gia đình và các chuyên gia dựa trên nhu cầu của trẻ và sự quan tâm của mỗi gia đình.

Can thiệp sớm nhằm giúp cho đứa trẻ phát triển: 

  1. Khả năng di chuyển, vận động, nhìn và nghe.(Thể chất)
  2. Khả năng nhận thức và tiếp thu  (tri thức)
  3. Khả năng hiểu lời, nói ra và diễn tả (Ngôn ngữ )
  4. Khả năng tiếp xúc và chấp nhận người khác (Quan hệ)
  5. Khả năng tự phục vụ (Cá nhân)
  6. Khả năng hòa nhập với môi trường (Thích ứng)

Can thiệp sớm là đối kháng lại với sự chờ đợi thụ động, bằng những hoạt động từng bước một, xây dựng đường đi, định hướng phát triển cho trẻ. Đây  là những tác động giúp cho sự  tiến bộ mỗi ngày thêm một chút, là sự đấu tranh một cách khoa học, có phương pháp để đẩy lùi giới hạn của những khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Nói cách khác, đó chính là sự tham gia tích cực và có kế hoạch của bạn dành cho con mình.

Chúng ta nên biết rằng Can thiệp sớm giúp cho các cháu bé từ 2 – 4 tuổi có được những tiến bộ tại gia đình, nhưng ngay cả những trẻ lớn tuổi hơn cũng vẫn có được những tiến bộ đáng kể nếu bố mẹ áp dụng một cách tích cực và đầy đủ mọi kế hoạch phát triển.

Vai trò của phụ huynh trong chương trình Can thiệp sớm:

Trong chương trình Can thiệp sớm thì việc can thiệp có được kết quả tích cực hay không là do sự tham gia của gia đình. ( của chính bố và mẹ )

Cần phải biết rằng, theo những thống kê chính thức (của nước ngoài) một đứa trẻ được chăm sóc tại một cơ sở tập trung tiến bộ chậm hơn một đứa trẻ được chăm sóc tại môi trường trong gia đình. Nhưng sự chăm sóc ấy phải được vận dụng một cách thường xuyên, liên tục theo một kế hoạch đã định trước, và đứa trẻ phải được đối xử như một trẻ bình thường từ việc khen thưởng tới những biện pháp kỷ luật.

            Với một trẻ có những khó khăn về giao tiếp và ngôn ngữ thì  việc tác động cần giúp cho trẻ phát triển nhiều khả năng về thị giác, thính giác, và cả xúc giác để giúp cho trẻ có những nhận thức đa đạng hơn về môi trường xung quanh.

Chúng ta nên biết là trong giai đoạn đầu, chưa nên đặt mục tiêu về ngôn ngữ, vì chỉ khi nào trẻ có được sự thoải mái và chấp nhận những sự tiếp xúc chung quanh cũng như có được một số “vốn liếng” về âm ngữ thì lúc đó, trẻ sẽ có nhu cầu để giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Rate this post

Viết một bình luận