Chùa Hang là 1 di tích thắng cảnh đẹp vào bậc nhất của Thái Nguyên, núi Chùa Hang, Động Tiên Lữ có thế phong thủy đẹp, là chốn địa linh, cảnh quan tĩnh lặng, thơ mộng như 1 bức tranh thủy mặc dã làm say đắm tâm hồn của nhiều danh nhân sĩ phu của nhiều thời đại từ thời Lê sơ đến hậu Nguyễn, hiện vẫn còn nhiều văn bia thơ phú bằng chữ Hán khắc trên vách hang ca ngợi cảnh đẹp thiên tạo vô song.
Vào ngày 20 tháng giêng hàng năm Chùa Hang lại tổ chức lễ hội lớn để cầu may cầu phúc cho nhân dân, phật tử xa gần và các trò chơi dân gian đa văn hóa đã tạo nên những nét đặc sắc riêng của lễ hội Chùa Hang. Trong tương lai không xa Chùa Hang sẽ trở thành 1 quần thể di tích lịch sử, thắng cảnh và văn hóa tâm linh đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên.
Chùa Hang (Kim Sơn Tự) nằm ở trung tâm thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Di tích thắng cảnh Chùa Hang có 3 ngọn núi đá lớn độc lập trên 1 vùng đất bằng phẳng, ngọn ở giữa là Huyền Vũ và 2 bên là ngọn Thanh Long – Bạch Hổ, 3 ngọn núi uy nghi đứng kề nối nhau bởi dải yên ngựa chạy dài, từ phía Tây nhìn 3 ngọn xếp hình tay ngai uy nghi, bề thế trầm mặc nhìn xuống dòng sông Cầu hiền hòa, thơ mộng.
Chùa Hang còn có tên gọi là Tiên Lữ Động gắn với 1 huyền thoại được lưu truyền trong dân gian là trên núi chùa thường có các nàng tiên xuống dạo chơi và tắm mát ở giếng Mắt Rồng, trong đó có nàng tiên thứ bảy vì yêu mến con người và cảnh đẹp nơi đây mà đã phạm luật tiên giới nên bị Ngọc Hoàng nổi giận đẩy vào hang vắng cấm không cho về thiên cung nữa.
Tương truyền, vào 1 buổi sáng mùa xuân năm Nhâm Tuất, Vua Lý Thánh Tông thức dậy đã kể lại cho Nguyên Phi Ỷ Lan nghe chuyện đêm qua trong giấc mộng được Phật dắt lên vùng đất địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Ỷ Lan lập tức thực hiện chuyến đi Thái Nguyên, quả nhiên bà thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, núi non kì vĩ, hang động rộng lớn bèn cho xây dựng chùa ở trong hang để thờ Phật và có lẽ Kim Tự Sơn được ra đời từ đây nhưng người dân trong vùng thường gọi nôm là Chùa Hang.
Cụm di tích Đình – Đền – Chùa Cầu Muối được khởi dựng từ thời Hậu Lê nằm tại trung tâm làng Cầu Muối, thuộc xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Quần thể này gồm 1 Đình, 2 Đền và 1 Chùa.
Đình Cầu Muối thờ Thành Hoàng làng là Cao Sơn Qúy Minh Đại Vương hay còn gọi là Dương Tự Minh – 1 vị tướng tài dưới thời nhà Lý.
2 ngôi đền là Đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Cách Đền Công Đồng 300m về phía Tây Bắc là Đền Thượng. Đền tọa lạc trên 1 quả đồi cao, trông xa như hình 1 con voi phủ phục. Kiến trúc Đền theo kiểu chuôi vồ. Đền thờ 1 trong 4 vị thánh “Tứ bất tử” của đạo Tứ phủ.
Cách Đình, Chùa Cầu Muối 150m về phía Bắc là Đền Công Đồng. Đền nằm trên 1 quả đồi cao hình bán nguyệt. Chính giữa trên hương án thờ Mẫu Liễu Hạnh. Nơi đây được tương truyền là rất linh ứng và thiêng liêng. Hàng năm thu hút rất đông khách thập phương. Ngoài ra trong dân gian còn lưu truyền 1 câu chuyện li kì, huyền bí về nguồn gốc lập nên Đền Công Đồng. Đó là, xưa kia có 2 mẹ con nhà nọ đi bán muối qua nơi lập Đền ngày nay thấy không khí trong lành thì có dừng chân tại đây. Người con khát nước và đòi mẹ mình đi lấy nước. Người mẹ có xuống dưới khe núi để lấy nước thì bị hổ tát chết. Người con đợi lâu quá không thấy mẹ mình trở về thì có đi tìm mẹ và cũng bị hổ tát chết. Nhưng kì lạ là con hổ không ăn thịt mà để 2 mẹ con nằm cạnh nhau bên bờ suối và cũng từ dâu mối đùn đất che kín 2 mẹ con chỉ để hở mỗi phần chân. Dân làng thấy lạ liền làm lễ cũng bái rồi chọn chỗ đất đẹp để chon cất 2 mẹ con. Dân làng rào chắn cẩn thận chỗ đó và cho đó là nơi linh thiêng và không ai được phép xâm phạm.
Từ khi có Đền, dân làng và người dân xa gần thường đến cầu nguyện, cầu của, cầu phúc, cầu người, cầu tài, cầu mưa… cầu gì được nấy rất linh thiêng. Từ lâu, du khách thập phương luôn nhớ ngày mùng 6 Tết Âm lịch hàng năm là ngày giỗ Mẫu ở Đền Công Đồng và tổ chức lễ hội ở cụm di tích này.
Chùa Cầu Muối còn có tên chữ là Linh Tự Sơn thờ Phật. Chùa quay về hướng nam. Các lớp tượng bày từ ngoài vào trong, bố trí từ thấp lên cao gợi không khí tĩnh lặng, linh thiêng.
Dân gian có câu “ Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để nói về phong tục tập quán của người Việt trong năm mới. Muối mặn đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bên cạnh đó tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, sự mặn mà trong các quan hệ làm ăn… như vị đậm đà của muối.