Cầu Siêu rất cần thiết cho người mất (nhất là trong 49 ngày)

Tụng niệm và làm các việc phước, cách cầu siêu cho người đã mất đã đem công đức ấy hồi hướng cho vong linh, cũng như gởi lương hướng cho người đi xa vậy. Người đã siêu rồi mau được Phật thọ ký; người ở cõi trên mau lên các địa vị cao hơn, hào quang càng sáng tỏ. Người đang sa đọa trong 3 đường ác thì cũng nhờ các công đức ấy mà siêu sanh Tịnh Độ hay thoát khổ lên làm Trời, làm người v.v…

Về từ nguyên, khái niệm “ “cầu siêu” có nghĩa là “cầu cho người chết được siêu độ, được sanh về thế giới của chư Phật.”Cầu siêu là nguyện vọng hay ước muốn một người nào đó được siêu thoát hay sanh về thế giới chư Phật. Do đó, chữ “cầu siêu” có thể là hình thức viết ngắn của từ “cầu siêu độ” hay “cầu siêu sanh” hay đầy đủ hơn “cầu siêu sanh Tịnh độ.” Như vậy cầu siêu là nguyện vọng và ước muốn nhắm tới chủ yếu là người quá cố. Trong các nước Phật giáo Bắc tông do chịu ảnh hưởng của pháp môn Tịnh Độ, các kinh được đọc tụng vào các lễ tang và đám giổ thường là kinh A-di-đà, kinh Địa Tạng và Vu-lan. Tụng kinh A-di-đà chủ yếu là nhắc cho người chết nhớ lại pháp môn niệm Phật thiền “nhất tâm bất loạn” như là điều kiện tiên quyết để vãng sanh Tịnh Độ, để hương linh nương theo đó niệm Phật mà vãng sanh. Tụng kinh Địa Tạng một mặt nhằm ôn lại công đức hiếu thảo của bồ-tát này, mặt khác phát huy và tu tập mảnh đất tâm (địa = tâm địa). Khi tụng kinh này, con cháu của người quá vãng được dịp học hỏi về hiếu hạnh và còn có cơ hội để trau dồi tâm tánh cho thuần thục. Đọc kinh Vu-lan để học hỏi tấm gương báo hiếu đặc biệt của ngài Mục-kiền-liên. Nói chung các bài kinh trên không chỉ có tác dụng tốt cho người quá cố mà hơn hết là nhằm giáo dục cho thân quyến của người chết về các phương pháp tu tập và làm phước. Theo đạo Phật, không ai có thể siêu độ cho ai. Không ai có thể giải thoát cho ai. Sự cầu nguyện chỉ mang tính cách biểu tượng, thể hiện tấm lòng thương kính và biết ân đối với người quá cố, và ở phương diện khác nhằm nhắc cho người quá cố biết về quy luật sanh tử mà không còn quyến luyến thế gian, dễ dàng ra đi hay tái sanh. Do đó, để tránh hiểu lầm, thuật ngữ “kinh cầu siêu” nên đổi thành “kinh siêu độ” hay “kinh siêu thoát.”

Cầu siêu cho người đã mất

Đặc biệt, cầu siêu trong 49 ngày thật sự có ý nghĩa chỉ đối với những người đã mất chưa quyết là được tái sanh về cảnh giới nào, hoặc đang trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh của thân trung ấm. Việc cúng cầu siêu như vậy có tác dụng nhắc nhở, gợi cho người quá vãng hướng tâm về các thiện sự đã làm hoặc thiết tha thực hiện những tư tưởng tốt đẹp, nhờ đó thần thức được tái sanh về cảnh giới tốt đẹp hơn.

Cầu siêu là mục đích sám hối tội lỗi cho người quá vãng, hầu chuyển nghiệp nhân xấu của người, khiến họ xa lìa quả báo đau khổ, rời khỏi cảnh giới tối tăm đọa đày, cầu cho thần thức người được nhẹ nhàng thảnh thơi, siêu sanh về nơi thế giới tịnh lạc, chóng thoát luân hồi.

Nếu nói rõ, cầu siêu là cầu nguyện cho người sau khi lâm chung, thời gian 49 ngày, cứ mỗi thất làm tuần, hoặc ngày giáp năm hay húy kỵ.v.v..Trong thời gian

này, gia quyến cần đặt vấn đề cầu nguyện và hiếu sự lên trên hết, nên tránh tất cả sự sát hại sinh linh và bao nhiêu việc làm khác có tính cánh gây tội lỗi, cần nhất là người cầu nguyện phải trai giới thanh tịnh, vận hết lòng thành tập trung vào việc tụng Kinh, niệm phật, sám hối để cầu nguyện. Thân nhân của người quá vãng cần làm thêm những việc từ thiện: Phóng sanh, bố thí, cúng dường, ấn tống Kinh điển.v.v…

Các vong linh khao khát được tu tập như nghe kinh, tham thiền, thọ trì Tam Quy và Năm giới. Sự tu tập của người thế gian sẽ tạo ra năng lượng nương tựa cho người cõi âm do cơ hội tu tập của họ nhiều hơn. Trên vũ trụ có hằng hà sa số thế giới, và ngay thời điểm này, hằng hà sa số đức Phật đang thuyết pháp và hằng hà sa số chúng sinh đang tu tập. Vong linh tiếp cận các bài thuyết pháp của đức Phật không dễ dàng như chư thiên hay loài người do nghiệp báo của họ và bị ngăn chặn bởi nghiệp lực. Vong linh không phải là người chết mà người đang sống, chỉ có điều họ đang ở một dạng khác, ở một cõi khác và mang theo năng lượng khác. Nói là khác nhưng họ đang tồn tại song song với cõi người ngay tại thế gian này và có mối liên hệ như hình với bóng.

***

Hỏi: Trong gia đình, nếu có người thân qua đời, con cháu cúng cầu siêu trong 49 ngày, niệm Phật mỗi đêm trước bàn Phật. Nhưng sau 49 ngày, thì còn cầu siêu bằng cách niệm Phật tiếp tục nữa không?

Đáp: Việc con cháu tụng kinh niệm Phật cho người thân của mình trong vòng thời gian 49 ngày, đó là điều rất quý kính. Đây cũng là noi theo trong kinh dạy mà Phật tử làm theo. Như thế, thì rất đúng không có gì là sai trái cả. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi tụng niệm, mọi người phải thành tâm tha thiết, đem hết lòng thành để tụng niệm cầu nguyện. Được thế, thì người tụng niệm được lợi lạc mà hương linh cũng được phần nào lợi lạc.

Theo kinh Địa Tạng nói: người chết sau 49 ngày, gọi là chung thất, thì vong linh của người mất, tùy nghiệp mà thọ sanh chiêu cảm quả báo. Nếu hiện đời tạo nhiều điều lành, thì sẽ thọ sanh về cảnh giới an lành. Ngược lại, thì thọ sanh vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo nghiệp thiện ác, mà thọ sanh qua các loài và các cảnh giới sai biệt trong vòng lục đạo luân hồi. Cũng chính theo lời dạy nầy, mà Phật tử thường hay cúng Trai Tăng vào ngày chung thất.

Mục đích là nhờ sức chú nguyện của chư Tăng Ni, gọi là đức chúng như hải, mà hương linh thác sanh về cảnh lành. Tuy nhiên, nếu luận theo ý nghĩa của hai chữ cầu siêu, thì không phải chỉ trong 49 ngày thôi. Vì cầu siêu có nghĩa là cầu mong vượt qua: “từ cảnh giới tối tăm xấu ác, vượt qua đến cảnh giới tốt đẹp an lành”. Hiểu theo nghĩa đó, thì lúc nào ta cũng phải cầu siêu, cầu siêu cho chính bản thân ta, đồng thời cũng cầu siêu cho mọi người luôn luôn được sống trong an lành.

Theo ý nghĩa đó, thì lúc nào ta cũng phải cầu siêu cho ta và cho người mãi mãi thoát khỏi khổ đau để được an vui giải thoát, chớ không phải chỉ trong phạm vi 49 ngày thôi.

Vì thế, sau 49 ngày, phật tử và những thân nhân trong gia đình tiếp tục tụng kinh niệm Phật, thì đó là điều rất tốt. Dù cầu siêu hay không, người Phật tử cũng nên tụng kinh niệm Phật để cho hiện đời mình được an lạc và đời sau cũng được an lạc. Và sau mỗi lần tụng kinh niệm Phật như thế, thì Phật tử cũng nên cầu nguyện cho hương linh thân nhân của mình, cũng như cho những vong hồn khác, rộng ra là cho cả pháp giới chúng sanh hữu tình vô tình đều trọn thành Phật đạo. Đây là thể hiện tấm lòng từ bi vị tha của người Phật tử, như thế, cũng rất là tốt đẹp vậy.

Nguồn : Sưu tầm

Rate this post

Viết một bình luận