Đau đầu hay nhức đầu là một trong những triệu chứng phổ biến hiện nay đối với tất cả mọi người. Nguyên nhân gây đau đầu rất phức tạp và đa dạng, và kèm với đó sẽ là những vị trí đau, mức độ đau cũng như tần suất đau của mỗi nguyên nhân sẽ khác nhau. Trong đó, đau đầu do căng thẳng stress kéo dài là một hiện tượng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là vùng đầu và cổ của chúng ta.
1. Căng thẳng stress kéo dài
Căng thẳng stress kéo dài là tình trạng lo âu, căng thẳng về những vấn đề trong cuộc sống như công việc, học tập và gia đình. Căng thẳng stress kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cụ thể là những vấn đề như:
- Tăng huyết áp
- Có cảm giác thèm đồ ăn ngọt và chất béo
- Tích tụ chất béo trong cơ thể dẫn đến tăng cân
- Đau tim
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ
- Đau đầu, có thể là đau nửa đầu
- Giảm trí nhớ
- Rụng tóc
- Tăng nguy cơ sinh non đối với những bà mẹ mang thai
- Tăng đường huyết của cơ thể
- Những rối loạn đường tiêu hóa như ợ nóng, đau bụng, tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích…
- Khó điều chỉnh cảm xúc và hành vi
- Những vấn đề về da như mụn trứng cá
- Đau lưng cấp tính và mãn tính
Trong đó, đau đầu là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của căng thẳng stress kéo dài, khiến người bệnh nhức đầu âm ỉ và có cảm giác như có một vòng đai xiết chặt xung quanh đầu.
2. Đau đầu
Có các loại đau đầu khác nhau, nhưng đau đầu khi căng thẳng stress kéo dài là hiện tượng bệnh nhân bị đau do co thắt những cơ ở vùng mặt, cổ và da đầu, dẫn đến đau đầu vùng trán, đau đầu 2 bên thái dương hoặc đau nửa đầu. Nguyên nhân là do khi cơ thể căng thẳng stress kéo dài, lo lắng, trầm cảm sẽ làm những cơ ở vùng này trở nên căng cứng và gây ra cảm giác đau.
Những tác nhân kích thích đau đầu kéo dài bao gồm:
- Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
- Ăn quá nhiều hay quá ít
- Uống rượu thường xuyên
- Môi trường xung quanh ồn ào
- Làm việc quá sức
- Một số bệnh lý
Những triệu chứng của đau đầu do căng thẳng stress kéo dài là:
- Đau đầu âm ỉ, dai dẳng cả ngày và luôn có cảm giác nặng đầu cũng như bị siết chặt quanh đầu.
- Có thể đau đầu kèm theo đau gáy
- Khó tập trung khi làm việc và học tập
- Khó ngủ
- Khi mệt mỏi, có tiếng ồn hoặc gặp vấn đề căng thẳng trong cuộc sống thì đau đầu mức độ nhiều hơn.
- Các cơ vùng đầu, mặt, cổ trở nên co cứng.
Cần phân biệt được cơn đau đầu do căng thẳng stress kéo dài và đau đầu do đột quỵ để có thể điều trị cũng như xử lý kịp thời cho những trường hợp nguy hiểm. Cơn đau đầu do đột quỵ không chỉ đơn thuần là đau đầu âm ĩ như đau đầu kéo dài do căng thẳng mà thường kèm theo dấu hiệu yếu liệt một phần hai cơ thể, các hoạt động như đi lại, nói chuyện, thấu hiểu, thị lực trở nên khó khăn hơn.
Vì vậy, khi có những triệu chứng này không nên chẩn đoán nhầm với đau đầu do căng thẳng stress kéo dài mà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và xử trí.
3. Cách làm giảm đau đầu khi căng thẳng
Chúng ta có thể làm giảm đau đầu khi căng thẳng bằng những biện pháp sau:
- Dùng thuốc giảm đau đúng liều
- Tập thể dục thường xuyên
- Thư giãn đầu óc, tránh căng thẳng, lo âu.
- Tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ.
- Dùng những thiết bị làm giảm sự co cơ
- Xoa bóp những vùng trên cơ thể như gáy, cổ, vai, lưng…
- Không dùng rượu quá nhiều và không hút thuốc lá
- Không làm việc và học tập quá sức
Về thuốc, các bệnh nhân đau đầu khi căng thẳng stress kéo dài có thể sử dụng những thuốc giảm đau như paracetamol, tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng giảm những dấu hiệu ban đầu của cơn đau đầu và không nên dùng quá liều.
Những thuốc kháng viêm không steroid như diclofenac, ibuprofen, naproxen cũng được sử dụng để giảm cơn đau đầu theo nguyên tắc ức chế sản xuất men prostaglandin gây đau đầu.
Tuy nhiên, loại thuốc này có tác dụng phụ là gây loét dạ dày nên cần dùng thuốc ngay trong bữa ăn và chống chỉ định với những người có rối loạn đường tiêu hóa cũng như bệnh loét dạ dày. Một lựa chọn tốt hơn để giảm đau đầu kéo dài đó là thuốc phối hợp paracetamol và ibuprofen sẽ hiệp đồng giảm đau, giúp nhanh chóng giảm được cơn đau đầu.
Đau đầu do căng thẳng stress kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sức khỏe hằng ngày của mỗi người. Vì vậy, cần tránh những yếu tố khởi phát ra cơn đau đầu như stress, mất ngủ, sử dụng chất kích thích… và phải đi đến những cơ sở y tế nếu triệu chứng đau đầu không thuyên giảm khi sử dụng thuốc.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!