Thủ tục đăng ký kinh doanh vàng bạc đá quý; Quy định mới nhất

Thủ tục đăng ký kinh doanh vàng bạc đá quý

Luật Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email NguyenMAI….@gmail.com với nội dung như sau:

Vào đầu tháng 08/2022, Tôi có nhu cầu mở tiệm vàng bạc đá quý. Theo như tôi tìm hiểu và được biết kinh doanh vàng bạc đá quý là loại hình kinh doanh có điều kiện và phải thành lập doanh nghiệp. Vậy tôi muốn hỏi rõ về quy định có liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ này để tôi có thể chủ động tiến hành các thủ tục, hồ sơ thành lập ngay tại thời điểm này. Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Nghị định 24/2012/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Vàng bạc đá quý là gì?

Tiệm trang sức vàng bạc – đá quý được hiểu là những nơi mà bạn có thể dễ dàng thực hiện trao đổi, mua bán vàng bạc – trang sức  – đá quý. Nó có thể có nhiều quy mô khác nhau tùy thuốc vào số vốn và dự định kinh doanh của mỗi người.

Mở tiệm kinh doanh vàng bạc – đá quý chính là bạn đã chính thức vào tham gia hoạt động mua bán trang sức bằng vàng bạc – đá quý. Và để có thể mở được những mặt hàng này, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ về các điều kiện mà nhà kinh doanh cần phải có. Vì vậy, thương nhân muốn kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ nói chung và sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức nói riêng đều phải thỏa mãn các điều kiện pháp luật đặt ra để được cấp phép kinh doanh.

Các loại hình kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phổ biến hiện nay bao gồm:

– Gia công vàng trang sức, mỹ nghệ;

– Kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ;

– Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

2. Điều kiện kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ

Căn cứ theo Điều 5, Điều 7 và Điều 8, 10, 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cá nhân/tổ chức khi kinh doanh vàng, trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng các điều kiện dưới đây

2.1  Điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

2.2 Điều kiện hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ

Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2.3 Điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ

Doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

2.4 Điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Thứ nhất, Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

– Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.

– Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.

– Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).

– Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Thứ hai, Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.

– Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

– Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

3. Thủ tục mở tiệm kinh doanh vàng bạc đá quý

Bạn có thể thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp mở tiệm kinh doanh vàng như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp

Cá nhân, tổ chức khi mở tiệm vàng sẽ phải đăng ký kinh doanh. Sẽ phải lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp. Để từ đó tiến hành việc chuẩn bị hồ sơ thành lập. Cá nhân, tổ chức có thể tiến hành chuẩn bị hồ sơ thành lập một trong các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty cổ phần; Công ty TNHH 2 thành viên; Công ty TNHH 1 thành viên; Công ty hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân. Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có hồ sơ thành lập khác nhau.

Người nộp hồ sơ lập tài khoản đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn/). Sau đó tiến hành kê khai các thông tin về doanh nghiệp và đăng tải hồ sơ dưới dạng file PDF.

Bước 2: Ký số vào hồ sơ điện tử và tiến hành thanh toán lệ phí Công bố thông tin doanh nghiệp.

Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Sau khi nhận hồ sơ Phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả Giấy biên nhận cho doanh nghiệp để hẹn ngày trả kết quả.

Trường hợp, Phòng Đăng ký kinh doanh xem xét hồ sơ chưa hợp lệ sẽ có trách nhiệm gửi thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Doanh nghiệp phải tiến hành sửa đổi các thông tin theo đúng yêu cầu và tiến hành nộp lại. Nếu sau 60 ngày kể từ khi nhận được thông báo sửa đổi, bổ sung doanh nghiệp không nộp lại hồ sơ thì hệ thống sẽ tự hủy hồ sơ.

Trường hợp, hồ sơ doanh nghiệp hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả là một bản Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty sau từ 03-05 ngày làm việc.

Bước 4: Nhận kết quả

Doanh nghiệp có thể nhận kết quả qua đường bưu điện hoặc đến trực tiếp Phòng đăng ký kinh doanh –Sở kế hoạch và đầu tư để nhận kết quả. Khi đến cần mang theo Giấy biên nhận và Giấy ủy quyền (Nếu người nộp hồ sơ được ủy quyền của người đại diện doanh nghiệp) cùng Chứng minh thư của người đến nhận.

Bước 5 : Khắc dấu pháp nhân của doanh nghiệp và công bố mẫu con dấu.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành doanh nghiệp không cần phải công bố mẫu con dấu trước khi sử dụng con dấu. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu chỉ bắt buộc thể hiện những thông tin sau đây:

  • Tên doanh nghiệp;
  • Mã số doanh nghiệp;

MỘT SỐ LƯU Ý KHI MỞ TIỆM VÀNG BẠC ĐÁ QUÝ:

Mở tiệm vàng phải đăng ký kinh doanh theo mô hình doanh  nghiệp. Khi mở tiệm vàng, các cá nhân tổ chức sẽ phải lưu ý đến những điều sau:

– Về tên của tiệm vàng: Tên của tiệm nên ngắn gọn, dễ nhớ và có ý nghĩa. Trước khi đăng ký tên cho tiệm vàng, nên tham khảo tên của các doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Để tránh trùng lặp. Nên đặt tên tránh các điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp theo luật Doanh nghiệp của năm 2020.

– Về trụ sở của doanh nghiệp: là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm có số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, số điện thoại, số fax và thư điện tử.

– Về vốn điều lệ: Pháp luật không quy định số vốn điều lệ khi mở tiệm vàng là bao nhiêu. Nhưng lại phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của cửa tiệm.

+ Đối với ngành nghề kinh doanh buôn bán trang sức vàng: Pháp luật hiện nay không quy định rõ số vốn là bao nhiêu.

+ Đối với ngành nghề kinh doanh vàng miếng: Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên. Còn tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về thủ tục đăng ký kinh doanh vàng bạc đá quý. Nếu còn vướng mắc, băn khoăn, Quý khách hàng vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn. Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Thủ tục đăng ký kinh doanh vàng bạc đá quý – Luật Phamlaw

5.0

Rate this post

Viết một bình luận