55% doanh nghiệp Nhật sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Ngày 19.1 vừa qua, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố báo cáo khảo sát từ 4.600 doanh nghiệp (DN) Nhật hoạt động tại gần 20 thị trường châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 700 DN ở Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy tuy nền kinh tế có 1 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bùng phát dịch Covid-19 đợt 4, song tỷ lệ DN Nhật tại Việt Nam muốn mở rộng đầu tư kinh doanh vượt xa đến 10 điểm so với các nước trong khối ASEAN. Dự báo có lãi trong năm 2021 là hơn 54%, tăng 4,7 điểm so với năm trước. Đặc biệt, hơn 55% DN Nhật Bản được khảo sát cho biết muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1 – 2 năm tới, trong khi tỷ lệ này với DN Nhật tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan lần lượt là 45,3%, 43,2% và 40,4%.
Các công ty Nhật Bản đang ngày càng tự tin hơn trong việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài sau khi tình hình đại dịch trong nước lắng dịu. Việc nhà đầu tư Nhật sẽ quay lại VN trong vài tháng tới chứ không phải một cái hẹn “năm sau” lơ lửng không rõ ràng mốc thời gian cụ thể.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hiện Nhật Bản đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Trong đó, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với khoảng hơn 42 tỉ USD vốn đăng ký. Ngoài ra, còn đầu tư khác như bất động sản, bán lẻ, sản xuất, phân phối điện khí, nông nghiệp, y tế… Khảo sát của JETRO cho thấy riêng với ngành chế tạo, tỷ lệ các DN Nhật dự báo có lãi là 57,5%; ngành phi chế tạo là 51,5%.
Không chỉ mở rộng kinh doanh, nhiều dự án mới của Nhật cũng được xúc tiến ngay trong năm 2021. Đặc biệt, trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 11.2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã có 44 thỏa thuận hợp tác giữa DN hai nước với tổng trị giá hàng tỉ USD được ký kết. Trong đó, có những dự án lớn như: Tập đoàn bán lẻ Aeon Mall đã ký văn kiện quyết định đầu tư trung tâm thương mại Aeon Mall tại tỉnh Thừa Thiên-Huế với tổng đầu tư lên đến 170 triệu USD; thỏa thuận đầu tư Nhà máy điện Lạng Sơn trị giá 1,75 tỉ USD; phát triển dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD… Đại diện JETRO tại TP.HCM nhận xét các DN Nhật tin tưởng vào tiềm năng đầu tư lâu dài ở Việt Nam, nhiều lợi thế về môi trường đầu tư so với các quốc gia ASEAN khác.
Về đầu tư gián tiếp, một lãnh đạo cao cấp toàn cầu về dịch vụ mua bán sáp nhập (M&A) của Recof Corpotation mới đây nhận xét Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của nhà đầu tư Nhật. Giao dịch M&A của các khoản đầu tư Nhật vào Việt Nam tập trung các lĩnh vực tài chính, năng lượng tái tạo, dịch vụ công nghệ thông tin và sản xuất, phân phối thực phẩm và cho rằng, nếu việc mở cửa trở lại biên giới chắc chắn sẽ góp phần tăng đầu tư vào Việt Nam.
Điểm cộng từ chi phí thấp, vĩ mô ổn định
Đại diện JETRO tại TP.HCM cho rằng lợi thế lớn nhất khiến Việt Nam luôn trong top các nước được DN Nhật mở rộng hoạt động là nhờ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng. Chẳng hạn, khả năng tăng doanh thu ở thị trường nội địa, tiềm năng phát triển cao; tình hình chính trị – xã hội ổn định; khả năng doanh thu do mở rộng xuất khẩu và chất lượng nhân viên cao. Đến nay, có gần 40 DN Nhật Bản nằm trong danh sách các công ty được nhận hỗ trợ từ Chính phủ trong việc đa dạng chuỗi cung ứng đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. “Việc dịch chuyển này mới ở giai đoạn đầu tư ban đầu và các công ty này đều đã có mặt tại Việt Nam lâu nay”, vị này cho hay.
Theo Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số môi trường hiện kinh doanh tại Việt Nam của DN EuroCham đánh giá có dấu hiệu tích cực trong quý 3/2021, 50% nhà đầu tư vẫn tin tưởng triển vọng kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý 4 và năm 2022. Tỷ lệ các DN có kế hoạch duy trì hoặc tăng vốn đầu tư trong quý 4/2021 đạt 69%, cao hơn 2 điểm so với quý trước và dự báo doanh thu cũng tăng. Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, nhận xét mặc dù các chỉ số ở mức thấp, nhưng điều quan trọng nhất là chỉ số đã và đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng tích cực.
Trong báo cáo của Công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương TMX, tổng chi phí vận hành trung bình của một DN tại Việt Nam từ 79.000 – 200.000 USD/mỗi tháng, nằm trong nhóm 3 thị trường có chi phí vận hành bình quân thấp nhất trong khu vực châu Á. Chi phí hoạt động DN nói chung của Việt Nam nằm trong nhóm giá cả tốt nhất, thuộc top 4 châu Á. Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, phân tích nhiều ý kiến cho rằng chi phí lao động thấp là người Việt đang bán giá nhân công rẻ mạt. Song trong gói chi phí của một DN thì những chi phí vận hành khác rất quan trọng và giúp nhà đầu tư tiếp tục đầu tư mở rộng hay không. Ông nói: “Các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế đều đưa ra nhận xét thiện cảm với môi trường đầu tư tại Việt Nam và luôn có dự báo tích cực vì chúng ta có nền chính trị xã hội ổn định. 55% DN Nhật tuyên bố mở rộng đầu tư tại Việt Nam không phải là tỷ lệ quá lớn song rất tích cực trong bối cảnh hiện nay. Chính tỷ lệ này từ các nhà đầu tư uy tín là Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy quyết định vào Việt Nam hay là không của nhà đầu tư mới”.
Kỳ vọng sự năng động
Dù vẫn chịu một số ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, song các dự báo cho rằng về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Samsung Việt Nam đã có báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu tăng đến 14%, đạt hơn 74,2 tỉ USD. Tập đoàn này cũng khẳng định Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu mà sẽ trở thành trung tâm chiến lược và nghiên cứu và phát triển của tập đoàn. Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung đang được xây dựng tại Hà Nội với quy mô 220 triệu USD, dự kiến khánh thành cuối năm nay.
Trong một buổi làm việc với Tập đoàn Samsung, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Samsung là một hình mẫu đầu tư thành công tại Việt Nam và khẳng định luôn sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư, trong đó có Samsung tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử. Thủ tướng nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ Samsung tìm kiếm địa điểm phù hợp nhất để đầu tư dự án nhà máy sản xuất pin công nghệ cao.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Một thực tế là Việt Nam hiện đang là một điểm đến lý tưởng, có tính cạnh tranh cao so với các quốc gia khác của châu Á. Chúng ta không nên đặt quá nặng tâm lý rằng mình giá nhân công rẻ quá, nên họ tìm đến. Xét về giá điện của Việt Nam cũng cạnh tranh hơn các nước, rồi chi phí thuê lao động, chi phí thuê kho bãi, thị trường năng động… Đặc biệt, ngay Chính phủ rất năng động trong chiến lược thúc đẩy, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hậu Covid-19. Nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, đi trực tiếp gặp gỡ nhà đầu tư… đã tạo nên bộ mặt Việt Nam với thiện chí trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư mà thực tế là vậy. Hầu hết các công ty muốn thiết lập hay di dời sản xuất sẽ xem xét tổng chi phí hoạt động như là một phần của đánh giá. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang là thị trường có tuổi bình quân trẻ, nhu cầu tiêu dùng lớn. Điều này đã hấp lực nhiều nhà sản xuất, kinh doanh tìm đến đặt nhà xưởng, phát triển chuỗi sản xuất, phân phối…”.