CÔNG CHÍNH HÓA
Vấn đề muôn thuở, không dám nói cũ như trái đất, nhưng có thể nói có từ khi có loài người ! Nhưng nhất là từ khi thánh Phao lô đặt thành vấn đề thì đã gây nên tranh luận sôi nổi. Nói là vấn đề xưa cũ nhưng vẫn còn tính cách thời sự vì vẫn tồn tại với con người !
-
Những người theo “phe” Do thái thì đặt nặng vấn đề hình thức, cho là cứ làm những gì luật dạy là được công chính hóa. Hiện thời những người như thế chủ trương mua giấy thông hành để vào Nước trời ; họ tin tưởng như đinh đóng cột : những ai giữ 9 thứ sáu đầu tháng, 6 thứ bảy đầu tháng là chắc chắn sẽ được cứu rỗi ! Họ tin vào lễ đời đời là một thứ bùa hộ mạng. Họ nghĩ là cứ ăn thịt và uống máu Chúa (cho dù máy móc !) cũng sẽ được sự sống đời đời !!!
-
Những người thuộc “phe” Phao lô (nhiều khi lạm dụng và có oan cho Phao lô) thì quá tin vào đức tin (nhiều khi không có thực, họ chẳng hiều đức tin là gì nữa !), họ chủ trương “đạo tại tâm” (một kiểu nói bị lợi dụng trắng trợn !) Ngày nay số người này càng ngày càng đông, nhất là ở Âu Mỹ. Họ nói : tin Chúa là đủ. Những việc bên ngoài như : đọc kinh, dâng lễ … đối với họ chỉ là hình thức bên ngoài.
Để tìm ra một lập trường đứng đắn, cần tìm hiểu lại vấn đề.
Công chính (công bình) là gì ?
Nói về công chính hóa thì phải hiểu công chính là gì (theo nghĩa thông thường và nghĩa trong thánh kinh ; nghĩa thời cựu ước và nghĩa thời tân ước). Công chính lại liên hệ mật thiết với ý niệm công bình. Những nghĩa này lại mang những ý nghĩa khác nhau tùy theo ở lãnh vực nào : xã hội, tôn giáo hay pháp lí. Quả thực những ý nghĩa phức tạp này đan xéo nhau và nhất là trong cựu ước lại có sự tiến triển theo thời gian. Người ta lại xét nó tùy theo nó liên quan tới con người hay Thiên Chúa mà có ý nghĩa khác nhau. Tuy vậy để cho đỡ phúc tạp và mau chóng đi đến tâm điểm của vấn đề là “sự công chính hóa” chúng ta sẽ lần lượt đề cập đến một số ý niệm căn bản về công chính (công bình, hai ý niệm này hầu như đi song song và bổ túc cho nhau).
Công chính (theo thánh kinh và theo Đông phương) là một nhân đức theo đó phải trả cho ai cái gì thuộc về họ ; đặc biệt đó là một đặc tính làm nên một quyền lực, một danh hiệu, một hành động, một biến cố, một sự vật phù hợp với luật lệ hay thói tục hoặc bản chất của những sự việc đòi hỏi.
Tỉ dụ mưa mùa thu theo “sự công chính” la vì nó đáp ứng sự đòi hỏi dựa trên chu kì thường mỗi năm. Hoặc việc cân đo là công chính là vì nó phù hợp với những chuẩn mực đã được nhận biết. Hoặc nếu kẻ kế vị mà Đức Chúa ban cho Đa-vít được coi là mầm mống công chính bởi vì là dòng dõi hợp pháp của Đa-vít.
Sự công chính của Thiên Chúa được căn cứ trên sự phù hợp giữa hành động và lời hứa của Ngài với các tổ phụ. Thiên Chúa là công chính nếu Ngài hợp “logíc” (lí luận) với chính Ngài. Hành vi cứu độ của Thiên Chúa chỉ là tỏ bày sự công chính của Ngài.
Công bình :
– Theo pháp lí : vị thẩm phán thực thi công bình khi làm cho mỗi người tôn trọng pháp luật hay tập tục.
– Luân lí : công bình là trả cho mỗi người phần họ đáng được, dù phần đó không được tập tục hay pháp luật xác định.
– Luật tự nhiên : công bình nhất thiết đòi hỏi tính cách bình đẳng trong việc trao đổi hoặc phân phối.
– Tôn giáo : khi nói đến mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa, danh từ trong ngôn ngữ loài người chỉ có những áp dụng hạn hẹp.
Công bình (công chính) qua Thánh kinh là nhân đức luân lí được nới rộng để chỉ :
-
Sự tuân giữ hoàn toàn các giới răn Thiên Chúa.
Từ trước thời lưu đầy, công chính nói lên việc tuân giữ trọn vẹn các giới luật Thiên Chúa, sống phù hợp với luật. Đó là tư tưởng gặp thấy trong Châm ngôn (Cn 11, 4…19 ;12,28 ; St 18,17 …; Ez 3, 16.21;18, 5-24) . Song song, người công chính cũng là người đạo hạnh, tôi tớ hoàn thiện, bạn hữu của Thiên Chúa (Cn 12,10 ; St 7,1 ; 18,23.32 ;z 18, 5-26)
-
Cũng được coi như một phẩm tính để đáng được công nghiệp trước mặt Chúa.
Công chính hóa là gì ?
Có thể định nghĩa công chính hóa : “Là việc con người nhận ơn huệ của Thiên Chúa, Đấng ban cho họ sự tha thứ mọi lỗi lầm và giao hòa với họ !”
Bàn đến công chính hóa là bàn đến ba lập trường điển hình :
– Công chính hóa theo người Do thái, đặc biệt là phái pharisê : họ hiểu lầm rằng chỉ cần tuân giữ trọn vẹn lề luật là có thể ra trước tòa Thiên Chúa và được công chính hóa.
– Công chính hóa theo thánh Phaolô : đối lập với người Do thái, thánh nhân quả quyết không thể nào dựa vào “công nghiệp” của mình mà được công chính hóa (nên thánh) nhưng phải nhờ tin vào tình thương của Thiên Chúa qua công nghiệp của Chúa Giê su Ki tô.
– Công chính hóa theo thánh Gia cô bê : thánh nhân cũng nhấn mạnh vào sự cần thiết của niềm tin, nhưng đức tin đó phải sống động và chứng tỏ bằng việc làm, chứ không chỉ bằng lời nói suông mà đánh lừa chính mình.
Sự công chính không phải là sự công chính Thiên Chúa “có” cho Ngài, nhưng là sự công chính Ngài dùng cho chúng ta. Theo cái nhìn của con người, có một sơ đồ công chính của Thiên Chúa, gồm ba giai đoạn :
1. Con người phạm tội, nổi loạn chống lại ý muốn Thiên Chúa. Thiên Chúa quyết định giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ và chúc dữ. Thiên Chúa, qua Đức Kitô, trong ơn huệ của Ngài, tỏ bầy sự công chính của Ngài.
2. Con người tiếp nhận ơn cứu độ. Như vậy người tín hữu làm cho mình phù hợp với sự công chính được ban cho. Bởi vì họ tin, họ đi vào chương trình của Thiên Chúa và họ qủa quyết sống phù hợp với Thiên Chúa để thực hiện việc cứu độ mình.
3. Và động tác cuối cùng phát sinh nơi con người bây giờ đã được bảo đảm sự cứu độ : Người biết mình được công chính hóa, nhờ Chúa Kitô, tự cảm thấy đến lượt mình bị thúc đẩy để tỏ bày lòng biết ơn và tình yêu, qua những công việc như bằng chứng là họ tha thiết với chương trình của Thiên Chúa. Chính đây là điều mà người ta gọi là công chính hóa.
Thiên Chúa làm nên một người công chính từ một tội nhân. Vấn đề được đặt ra là : làm cách nào một con người tự bản chất là tội nhận, là bất chính, bây giờ lại trở nên công chính ?
Công chính hóa được mô tả như là “đi từ tình trạng con người được sinh ra như người con của A đam thứ nhất – tới tình trạng ân sủng và được nhận như là con Thiên Chúa qua A đam thứ hai là Đức Giê su Ki tô. Cái đó được gọi là công chính hóa hoàn toàn không có công lao. Chúng ta vẫn còn từ do từ chối nó. Nếu không có ơn Thiên Chúa thì một bước tiến tới sự công chính và ơn cứu độ cũng không được.
(Catholicism . Richard P. McBrien tr 36)
Công chính hóa là một biến cố, qua đó Thiên Chúa, tác động bởi Đức Giê su Ki tô, làm cho chúng ta nên thánh (công chính). Hiệu quả tức thời của công chính hóa là thánh hóa. Kết qủa cuối cùng là sự cứu độ. Nền tảng của công chính là giải thoát.
(Catholicism , glossary )
Hai vấn đề được đặt ra :
-
Hoặc là sự công chính hóa chỉ là một lời tuyên bố đơn thuần : con người đang là và vẫn ở trong tình trạng tội nhân đã được Thiên Chúa cư xử “coi như là” thực sự công chính, trong khi người ta biết rõ không phải là như vậy. Điều này đưa tới giải pháp, rất đáng lưu ý như một công thức của St 15,6 mà Thánh Phaolô đã lấy lại trong Rm 4,3 ; Gal 3,6 : “Abraham đã tin và được coi như là công chính!”
-
Hoặc là danh từ có nghĩa rằng : kẻ có tội thực sự trở nên công chính bằng sự biến đổi tận căn. Kẻ được công chính hóa bây giờ được đặt bên ngoài tội lỗi.
Vấn đề thực sự tế nhị nếu hoàn toàn đặt trên vấn đề pháp lí. Đối với sự công bình của con người thì có sự khác biệt lớn giữa việc tha bổng và ân xá.
* Nếu tội nhân đã được tha bổng, theo từ ngữ của tòa án, thì không những người ta được tự do mà là không có tội tình gì. Không còn gì phải chịu trách nhiệm.
* Nếu người được ân xá, trước hết họ bị coi là có tội, và vẫn còn là tội nhân nhưng một ân huệ can thiệp vào từ bên ngoài xác định việc tha thứ, nghĩa là hủy bỏ hình phạt đã được tuyên.
Trong một văn mạch như vậy người ta có thể tranh luận về ý nghĩa của việc công chính hóa : đó có phải là sự nhìn nhận không có tội hay là một sự tuyên bố tha thứ mà chẳng dẹp bỏ tội chút nào. Trong thần học người ta có thể định giá là việc so sánh với một tình trạng pháp lí là không xac thực và nó có thể làm sai lạc vấn đề.
– Sự công chính của Thiên Chúa, luôn luôn là Đấng huyền nhiệm, đã ban cho con người vì Ngài tha thứ cho họ. Lỗi lầm của họ được xóa bỏ, quên đi, được che đậy như người Do thái đã nói. Tội nhân được tha thứ nhờ ân huệ trong Chúa Kitô vẫn còn là tội nhân bất xứng để hưởng sự tha thứ nhưng lại là một người được tha thứ, bởi vì thực sự đã được tái sinh trong chính hữu thể sâu xa nhất của mình.
– Công chính hóa là công việc của Thiên Chúa, không thể so sánh với hành động của con người, đã được hoàn tất đến nỗi con người được công chính hóa sống trước nhan Chúa luôn luôn là người tội nhân nhưng cũng luôn luôn là công chính (semper peccator, semper iustus).
– Như vậy sự công chính của Thiên Chúa không ở nơi mà người đạo đức tự tin là có như một phần thưởng ban cho những biểu hiện đạo đức. Trái lại nó được ban không công vì Thiên Chúa nhìn tận trong tâm hồn và những ý định.
Thánh Phaolô cảm nhận được rõ quyền lực của tội lỗi đã xâm nhạp trần gian và chẳng ai thoát được ảnh hưởng của nó. Thánh nhân cũng biết rằng người biệt phái thời của ngài dạy rằng : con người tự mình có thể chống lại sự xâm lấn của sự dữ. Nhiều người Do thái nói người ta phải đặt sự tin tưởng vào lề luật của Thiên Chúa ban qua Môsê. Người tín hữu đạo đức có khả năng đi tới sự công chính của lề luật.
Trên nguyên tắc thánh Phaolô công nhận điều đó. Nhưng thánh nhân trình bày tinh thần của ngài qua ba sự kiện sau đây :
-
Người ta không có thể giữ trọn những lệnh truyền của lề luật. Những phần tử ưu tú trong Do thái giáo cũng chứng tỏ rằng điều đó không thể thực hiện được.
-
Việc giáng trần của con Thiên Chúa giữa loài người đã được thực hiện. Và Ngài đã giải cứu con người bằng sự chết và sống lại của Ngài. Chính nhờ đó mà Ngài ban cho chúng ta sự công chính hóa.
-
Sự cứu độ do Chúa Kitô đòi buộc sự ràng buộc về phía chúng ta. Chính nhờ đức tin vào Chúa Kitô mà chúng ta được công chính hóa và cứu độ.
Với thánh Phao lô ý niệm về sự công chính đã thay đổi hoàn toàn. Từ nay con người nhờ tin tưởng vào Thiên Chúa, Thiên Chúa làm cho họ nên công chính, nghĩa là bảo đảm cho họ ơn cứu độ nhờ tin và kết hợp với Đức Giê su Kitô. Con người không thể nhờ sự “công chính riêng mình” mà chiếm được ân huệ Thiên Chúa, nhưng chỉ nhờ đức tin mới làm đẹp lòng Ngài.
Khi nại đến sự công bình của Thiên Chúa, người ta mong chờ một điều gì khác hơn là một án lệnh công minh ! (Tv 119, 40.106.123 ; Tv 51, 16 ; Đn 9,16). Công chính hóa tội nhân là một hành vi nghịch lí, trái ngược với đường lối tư pháp. Công chính là một ân sủng được ban cho ngay trong hiện tại. Khía cạnh ân sủng được ban đối nghịch với sự công chính do việc làm. Việc thông ban sự công chính là căn cứ trên lượng nhân từ của Thiên Chúa. Không thể đạt tới sự công chính bằng những việc làm riêng của mình, nhưng tiếp nhận như một ân huệ. Cuối cùng sự công bình của Thiên Chúa trước tiên là lòng trung thành đầy nhân từ với ý định cứu độ. Lòng trung thành đó tạo ra trong con người sự công chính mà nó đòi buộc con người phải có.
Công chính hóa theo nghĩa thông thường là làm cho lí lẽ của mình thắng lí lẽ của đối phương ; làm cho quyền lợi chính đáng của mình được công nhận. Mọi giao tiếp thuộc bình diện nhân loại đều tiềm ẩn một mức độ công bình nào đó làm qui tắc. Sống công bình nghĩa là đối xử với mọi người cách thích đáng, hợp lí. Được công chính hóa chẳng những chứng minh được lòng vô tội mà còn nói lên được tất cả hành vi của mình là chính đáng. Công chính hóa là làm cho đức công chính của mình được tỏ lộ ra!
Ý muốn được công chính hóa : là tự minh chính với Thiên Chúa là một việc không thể hiểu được. Thay vì cả gan thực hiện điều đó, người ta lo sợ rằng chính Thiên Chúa lại đề xướng cuộc đối chất sẽ đưa đến một kết cục bi thảm. Vì không một ai có thể minh chính trước mặt Ngài (Tv 143, 2 ; Tv 130,3). Điều lạ lùng là ở chỗ : không phải con người không bao giờ được công chính hóa trước Thiên Chúa nhưng ở chỗ con người có thể tưởng rằng mình được công chính hóa. Sự công chính hóa của con người như một giả thuyết không thể thực hiện được. Thiên Chúa là Đấng công bình, có nghĩa là Ngài không bao giờ sai lầm và không ai có thể phân bua với Ngài. (Is 29, 16 ; Gier 12,1).
Người Do thái, điển hình là phái pharisê, hiểu lầm rằng chỉ cần tuân giữ trọn vẹn lề luật là có thể ra trước tòa Thiên Chúa và được công chính hóa. Họ tưởng có thể thực hiện điều đó với sức riêng và muốn tìm nơi chính mình thái độ xử sự xứng hợp với Thiên Chúa. Ảo tưởng của họ là muốn có “quyền làm vinh danh mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 3,27) đưa đến sự lầm lẫn tự nền tảng trong việc giải thích Giao ước, tức là tách lề luật khỏi lời hứa.
Đức Giê su Ki tô đã sống lại để “công chính hóa chúng ta” (Rm 4,25) điều đó luật không thể làm được. Không thể nói rằng Thiên Chúa thấy Con của Ngài được công chính hóa, Ngài cũng sẽ chấp nhận “coi chúng ta như thể” đã được công chính hóa dựa trên mối dây liên hệ giữa ta với Con Ngài. Vì qúi mến Con, Ngài bằng lòng cư xử với chúng ta như những người công chính. Điều đó muốn nói rằng trong Đức Giê su Ki tô, Ngài đã làm cho chúng ta đủ tư cách Ngài chờ đợi, giúp chúng ta thực sự được công chính hóa trước mặt Ngài.
Việc tái sinh bên trong, nhờ đó chúng ta được Thiên Chúa công chính hóa, không có tính chất ma thuật. Chúng ta thực sự tái sinh hòan toàn bên trong, nơi hành vi, phản ứng của chúng ta. Muốn được thế chúng ta phải từ bỏ tính vị kỉ và lòng tham danh vọng (x. Ga 7,18) để liên kết mật thiết với Đức Giê su Ki tô trong đức tin (Rm 3, 28 …)
Tin vào Đức Giê su Ki tô có nghĩa là nhìn nhận Người là Đấng Chúa Cha đã sai đến, là sống theo lời Người dạy, là liều mất tất cả vì Vương quốc của Người, là chấp nhận mất tất cả để chiếm lấy Đức Giê su Ki tô …
(Theo Vocabulaire Théologie Biblique
Mục Justice và Justification)
Đối với thánh Phao lô tin là yếu tố cực kì quan trọng, là chính yếu là tất cả. Vì cũng cần phải tìm hiểu thêm tin là gì. Đối với đa số Ki tô hữu tin có một hình thức và nội dung nghèo nàn, méo mó, lệch lạc.
Đức Giê su là Thiên Chúa và là Chúa chúng ta “đã chết vì tội lỗi chúng ta và sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 2, 25). Chỉ mình Người “là Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Và Thiên Chúa “đã đổ trên đầu Người (Đấng Ki tô) tội lỗi của tất cả chúng ta” (Is 53,6). Hơn nữa mọi người đã phạm tội … nhưng họ được trở nên công chính không phải do công trạng của họ, mà là do ân huệ Thiên Chúa “ban không” nhờ công trình cứu chuộc của Đức Giê su Ki tô .,..” (Rm 3, 23-24).
Đây là một điều người ta phải tin, không ai thủ đắc hay nắm bắt được bằng công trình, lề luật hay công trạng, cho nên điều rõ ràng và chắc chắn là chỉ có một đức tin như thế mới công chính hóa chúng ta như thánh Phao lô khẳng định : “Chúng tôi nghĩ rằng người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy.” (Rm 3, 28)
(Ân sủng luận Gerhard L. Muller tr 296)
“Theo thánh kinh : “Đức tin là nguồn gốc và trung tâm của cả đời sống tôn giáo. Con người đáp trả chương trình Thiên Chúa thực hiện trong thời gian bằng đức tin. Đức tin là sự vâng phục và trung thành với lời hứa và giao ước với Thiên Chúa.” ( Trích Vocabulaire …)
-
Dù đức tin là sự hiểu biết cá nhân về Thiên Chúa trong Đức Ki tô. Sự chấp nhận và hiểu biết này luôn luôn hoàn tất và tác động trong phạm vi một cộng đoàn đức tin đã được ban cho hoặc là Giáo hội như chúng ta biết hay là một vài tổ chức tôn giáo khác và bên ngoài giới hạn đó là toàn thể nhân loại.
-
Sự nhận biết về Thiên Chúa không chỉ trong ý nghĩa nhận thức và trí thức, dù cũng có điều đó nữa. Nhưng đó là sự nhận biết bao gồm sự thật và sự trao hiến trọn thân mình cho Thiên Chúa, một sự trao hiến cả tâm lẫn trí.
-
Đức tin không phải là sự hiểu biết Thiên Chúa tổng quát, nhưng là sự hiểu biết nhờ tiếp (nhận) và chấp nhận lời Thiên Chúa. Trong ý nghĩa Ki tô giáo, đức tin là sự chấp nhận Ngôi Lời làm Người trong Đức Giê su Ki tô và cả sự tiếp nhận Lời Chúa bởi các Sứ đồ và Giáo hội.
-
Sự tiếp nhận Lời Chúa nơi Đức Ki tô và trong Giáo hội không chỉ đòi hỏi sự chấp nhận của trí năng mà còn đòi hỏi sự vâng phục nữa, sự vâng phục các lệnh truyền và cả luật mới của Tin mừng. Điều đó kêu gọi chúng ta hành động cho việc giải phóng xã hội và chính trị cũng như biến đổi tự thân của mỗi cá nhân. Nói cách khác đó là đức tin làm nên sự công chính hóa (đây là đề tài mà tổng công nghị lần thứ 32 của dòng “Chúa Giê su (dòng Tên) đã nhắc lại).
-
Nếu là sự vâng phục thật thì phải có sự nhận biết về những đổ vỡ quá khứ, sự thay đổi và sám hối.
-
Đức tin luôn là tự do. Bằng chứng rõ rệt của đức tin là không bao giờ áp đảo. Có những dấu hiệu và những bằng chứng. Đó chỉ là bên ngoài và không bao giờ tự nó có tính thuyết phục rốt ráo. Chỉ có hiển lộ của đức tin được kể là rốt ráo từ bên trong : đó là sự hiện diện của Thần khí Thiên Chúa.
-
Đằng khác đức tin và lí trí tuyệt đối không ngăn cách. Ngay cả nếu người ta không lí luận với đức tin thì đức tin cũng phải luôn luôn “đồng thanh với lí trí.” (Vat I)
-
Đức tin là vấn đề quan trọng của đời sống con người. Bởi vì không có nó chúng ta không thể được nên công chính và được cứu độ. Từ khi Thiên Chúa muốn cứu độ con người, trên nguyên tắc, đức tin có giá trị ngay cả đối với những người ngoài Giáo hội. Như vậy đức tin đôi khi được diễn tả như là tiềm ẩn để phân biệt với đức tin lộ rõ của những người Ki tô hữu đã được thanh tẩy trong Đức Giê su Ki tô.
Một vấn đề khác được đặt ra là trong thư của thánh Gia cô bê đã dùng một ngôn từ khác với thánh Phao lô. Ngài đã lặp lại nhiều lần rằng : chính nhờ việc làm mà con người được công chính hóa ! Abraham đã được công chính hóa nhờ việc làm (Gc 2,21) cô kĩ nữ Rahab cũng vậy (2.25). Mọi người được công chính hóa nhờ việc làm chứ không bởi đức tin (2,21).
Theo thánh Gia cô bê tuy đức tin là quan trọng thật, nhưng để nó tỏ lộ ra thì phải chắc chắn nó ở đây và phải chứng minh bằng việc làm. Điều đó cho phép nói rằng nó không phải là một lời rỗng tuếch. Abraham được kể là công chính vì ông đã dâng tiến con làm hi lễ, chứng tỏ đức tin hành động với việc làm. Do việc làm đức tin trở nên toàn hảo. Thánh Gia cô bê không bao giờ chối bỏ sự cần thiết của đức tin, nhưng ngài muốn rằng đức tin phải được hoàn tất bởi việc làm !
(Theo Dictionnaire encyclopédique de Bible)
Ai trong chúng ta bây giờ cũng thấy chủ trương của người Do thái là sai và bị Chúa Giê su kết án. Cụ thể là dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người ta và Thiên Chúa không phải là ngang hàng, đồng lứa mà có thể tính toán sòng phẳng. Dụ ngôn ông chủ bắt thanh toán nợ nần thì thấy rõ sự chênh lệch kinh khủng như thế nào. Nói chung là không thể kể công với Thiên Chúa.
Cũng không thể “theo sát mặt chữ” như thánh Phao lô qủa quyết. Bị ám ảnh bởi cách cư xử của người Do thái mà thánh nhân biết là sai lạc nên có “hơi quá” hăng hái trong lời quả quyết. Chính lời quả quyết này làm cớ cho nhiều người lợi dụng. Thậm chí có người nói phạm tội nhiều tin nhiều hơn ! Lệch quá sang một bên cũng không được.
Riêng với thánh Gia cô bê thì có lẽ là một giải pháp trung dung hợp lí. Không thiên bên này, không ngả bên kia. Lời quả quyết của thánh nhân được chính Đức Giê su công nhận : “Không phải những kẻ nói rằng lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi là làm đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời.” Kẻ nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành thì như người xây nhà trên cát !!!” Đúng là không có việc làm kèm theo thì chỉ là khua môi múa mép. Dĩ nhiên những việc chúng ta làm không thêm gì cho Chúa, nhưng Chúa đòi chúng ta cộng tác. Chúa đâu có thèm lễ tế chiên bò, nhưng lời Chúa nói : “Đừng ra trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng !”
Thực ra nếu hiểu đúng đức tin như chúng ta thấy ở trên thì đức tin không phải chỉ là lời quả quyết suông nhưng đã đòi phải có việc làm để cộng tác như thánh Gia cô bê nói. Nếu vậy thì nói như thánh Phao lô cũng đúng chứ không sai nhưng cần hiểu cho đúng về đức tin thì mới tránh được những hiểu lầm đáng tiếc.
Vấn đề công chính hóa thực ra không phức tạp như người ta thường hiểu. Vấn đề là cần hiểu cho đúng thì mọi sự sẽ rõ ràng. Những tài liệu được dùng trong bài này có lẽ đã cũ. Vì không có phương tiện tiếp xúc với nền thần học hiện đại đã tiến triển nên có thể chỉ là lặp lại những cái xa xưa, lỗi thời. Nhưng dù sao sau khi đọc những tài liệu về vấn đề này tôi cảm thấy như biết thêm về một vấn đề đã bị bỏ quên từ khi “xuống núi” nhập thế. Dù sao cũ người mới ta, tôi cũng muốn chia sẻ niềm vui của tôi. “Anh em hãy chung vui với tôi …vì tôi đã tìm thấy (lại) điều đã bị (tôi) bỏ quên !” Halleluia. Halleluia !!!
Hoa Đình PS 2012
SÁCH THAM KHẢO
-
Điển ngữ thần học Thánh kinh.
-
The Oxford campanion to Bible.
-
Catholicism.
-
Dictionnaire encyclopédia de la Bible.
-
Kinh thánh Tân ước theo chủ đề
-
Ân sủng luận.