Không chỉ thơm, ngon và ngọt, thịt dê theo giới sành ăn thì nó còn có tính tráng dương bổ thận?! Dân gian có câu “Ăn gì bổ nấy”, nên dân máu me tin thịt dê, nhất là cái “ngầu pín” của nó?! Cũng từ đây, mà quanh cái “ngầu pín” hay “bộ súng đạn” của loài dê được các ông thần tượng, có 1.001 chuyện cười ra nước mắt!
Loài thú… đệ nhất!
Nếu có cuộc khảo sát các “bợm” nhậu ở Sài thành thường thích quán nhậu nào nhất, chắc chắn câu trả lời sẽ là “quán dê”. Chưa có con số thống kê cụ thể TP HCM có bao nhiêu quán nhậu chuyên “thâm canh” thịt dê nhưng điều mà người ta, có thể đoán chắc rằng xét về số lượng, các quán nhậu hải sản, gà, bò, trâu, rắn…, kể cả “cờ tây” đều xếp sau quán thịt dê vài bậc. Như đã nói người ta khoái thịt dê và dành sự ưu ái đặc biệt cho dê bởi thịt loài này ngon bổ, dễ dùng, lại bổ dưỡng lẫn bổ dương nên chẳng ngại kiêng khem như các loài khác.
Không riêng gì pín dê, thị trường pín cọp, pín rắn hổ chúa cũng đầy chuyện lọc lừa bi hài.
“Những người bị xoang, bị phong thì cữ ăn hải sản, thịt gà… Vì chó, mèo là những vật nuôi thân thiện nên rất kén thực khách. Heo, bò, trâu hay gà, vịt thì quá thường với nhiều người, do đó mở quán nhậu chuyên các loài này chẳng mấy ăn thua. Nhưng với thịt dê hay các quán nhậu chuyên dê thì những người kiêng khem kén chọn kia đều không thể chối từ. Thường thì bao giờ cũng vậy, các quán dê nấu ngon, uy tín, phục vụ tận tình, giá rất phải chăng bao giờ cũng rất đông khách”.
Phân tích khá chí lý trên là của ông Vương, chủ quán nhậu chuyên dê có tên gọi “Dê tươi 100%” trên đường 19 (quận 9). Ông Vương tâm sự nhờ trời phú nên tuy chỉ là loài gặm cỏ nhưng loài dê oách hơn nhiều nhờ thịt… rất bổ.
Thịt dê và cái pín dê có thực sự bổ dưỡng – bổ dương hay không, trước khi có cái nhìn thấu đáo về điều này, chúng tôi dày công tìm hiểu rõ hơn về “nhân thân” của loài này. Không như loài sơn dương hay linh dương mà chúng tôi từng đề cập ở bài viết “Bi kịch linh dương giác” nay hầu như bị tuyệt chủng trên nhiều cánh rừng ở lãnh thổ Việt Nam vì bị người ta săn lùng giết hại quá mức, loài dê “nhà”, nghĩa là dê được chăn nuôi như heo, bò, gà, vịt… “quân số” rất hùng hậu, được nuôi ở nhiều địa phương khắp Bắc-Trung-Nam: “Dê là con vật nhỏ con cao khoảng 70cm, mình đẹp, chân nhỏ, tai đứng, sừng rỗng hơi cong nhọn đưa về phía sau, lông có nhiều màu sắc. Dê đực có mình ngắn, vạm vỡ, đầu cổ và sống lưng có lông dài và cứng, râu cằm rộng và quặp về phía trong, sừng dài, khi già thì xoắn lại. Dê cái nhỏ hơn, hiền lành hơn”.
Trong “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc”, ở mục 132 nhắc đến loài dê, tiến sĩ (TS) sinh học Võ Văn Chi, miêu tả loài dê như thế. Giỏi leo trèo, nhảy trên đồi dốc núi cheo leo hiểm trở, thật bất ngờ khi được biết rằng loài dê được nuôi ở Việt Nam vốn được thuần hóa từ thời kỳ đồ đá từ 2 loài dê rừng có tên khoa học là Capra aegagerus và Capra falconeri: “Trong quá trình nuôi, dê ít biến đổi. Tuy nhiên, dê nhà có sừng yếu hơn, nhỏ, tai dài cụp xuống, bộ lông dài, mềm và có màu sắc thay đổi”.
Đúng điệu… danh bất hư truyền
Người viết đi sâu vào tìm hiểu tác dụng của loài này và ghi nhận mọi lời đồn đãi rằng thịt dê bổ dưỡng-bổ dương-bổ tinh ích khí… nói chung giúp người ẩm thực được sung lực như người ta khao khát là chuyện có thật: “Thịt dê hay dương nhục dùng ăn bổ, trị được thận hư (ăn thịt dê thường 3 ngày 1 lần). Thịt dê vị ngọt hay nhẫn, tính ấm, có tác dụng bổ nguyên dương, trợ tinh huyết… Theo tài liệu cổ thịt dê không độc, vào 3 kinh tỳ, vị và can, có tác dụng trợ dương, bổ tinh huyết, dùng chữa ho lao, gầy yếu, phụ nữ sau khi đẻ gầy yếu, khí hư, cạn sữa, huyết hôi đều dùng được”.
Chẳng có cơ sở gì đề khẳng định sau khi được ngâm rượu, chế biến món bưng lên mâm phục vụ khách, các món dê đều…. thuần dê.
Đó là thông tin cơ bản về tác dụng của thịt dê được tóm lược từ ghi nhận trong y văn của TS Võ Văn Chi và cố GS-TS Đỗ Tất Lợi. Qua đó mới rõ hơn về những bài thuốc bổ dương được chế từ thịt dê, nhân thể chia sẻ để bạn đọc được rõ, phòng khi hữu sự thì áp dụng: “Tác giả Đỗ Phong Thuần (1957) viết về Toàn dương giao: Con dê con còn bú, làm thịt cạo lông mổ bụng lấy hết những phần dơ bẩn trong bao tử và ruột ra rửa sạch sẽ rồi để trọn con dê vào nồi đất lớn, nấu một ngày một đêm cho rục xương rã ra hết, rồi vớt xương ra bỏ hết. Kế đến để mấy vị thuốc sau đây vào nấu: Thục địa 3 lạng, đương quy 2 lạng, phòng đảng sâm 3 lạng, đỗ trọng 2 lạng, ngưu tất 2 lạng, câu kỷ tử 2 lạng, hoài sơn 3 lạng, huỳnh kỳ 2 lạng (các vị này dễ tìm ở các cửa hiệu thuốc bắc -PV). Nấu một ngày vớt xác thuốc ra bỏ, để lửa thang nấu cô lại cho đặc để dùng. Cao này đại bổ ngũ tạng, lục phủ. Uống bổ người hư yếu rất công hiệu”.
Bài cao dê đại bổ trên được trích “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc” (TS Võ Văn Chi). Theo lương y Trần Minh (quận 5), còn có một bài “dê bổ” có tên gọi Nguyên dương đại bổ do Câu lạc bộ Y học dân tộc TP HCM sản xuất từ tháng 4-1981 theo đơn của cố lương y Nguyễn Kiều. Bài này được cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, ghi nhận trong “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, gồm 10 vị: Xương thịt dê non sấy khô, đậu đen, thổ phục linh, rau má, mạch nha, ngải cứu, cám nếp, diêm sinh, phèn chua, tất cả tán nhỏ luyện với mật ong thành hoàn (viên – PV). Bồi bổ toàn thân cho trẻ em, người già ngày dùng 1-2 hoàn”.
Điểm sơ đôi nét về thịt dê cùng những bài thuốc bổ gắn với loài cầm tinh năm Ất Mùi 2015 này đủ để thấy niềm tin thịt dê bổ thận tráng dương của dân ăn nhậu khoái dê, mê dê… là có cơ sở xác thực. Ông Tư Phụng, 60 tuổi, chủ quán nhậu thịt dê chuyên kinh doanh dê có nguồn gốc Ninh Bình gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hào hứng cho biết thịt dê bổ thì cái “ngầu pín” hay cái bộ “súng đạn” của nó bổ gấp chục lần.
Ngầu pín là ám chỉ dương vật của con dê đực. Nói có sách, mách có chứng, qua tra cứu các y văn, tôi thấy đúng là pín dê, hay chính xác hơn là “tinh hoàn dê trị thận yếu, hoạt tinh ngày dùng 25-30g với rượu” (trong “Từ điển Động vật và Khoáng vật làm thuốc). “Dược tính chỉ nam” (Đông y sĩ Hạnh Lâm – Nguyễn Văn Minh) ghi ngoài cái tên dương ngoại thận, dái dê còn có một số tên gọi khác, gồm dương thạch tử và dương hoàn: “Khí ấm, vị ngọt, không độc, chữa được chứng thận hư, nên tinh khí hay hoạt thoát quá, dùng nó rất hay”.
Nực cười chuyện pín dê gốc… lợn
Vì thịt dê và nhất là cái pín của nó đã ngon lại bổ, được thực khách rất chuộng nên các chủ quán nhậu chuyên dê tha hồ hốt bạc. Cũng từ đây, vấn đề đạo đức kinh doanh được đặt ra. Ông Vương cho biết không phải vô cớ mà ông đặt tên quán của mình là “Dê tươi 100%”. Căn nguyên cũng vì hám lợi và câu khách, nhiều chủ quán dê chơi trò xỏ lá, lấy thịt con này con nọ trà trộn vào, nên ông phải ghi quán mình “dê trăm phần trăm” cho rõ ràng, minh bạch.
Lời tự sự và là nỗi trăn trở không chỉ của ông Vương mà của không ít chủ quán nhậu “chuyên dê” chân chính. Một số chủ quán nhậu thịt dê ở khu Trung Sơn, quận 8, TP HCM bộc bạch ở thời buổi cạnh tranh khốc liệt, chuyện cạnh tranh không lành mạnh không có gì lạ. Người ta trà trộn các loại thịt khác bảo đó là thịt dê rồi bán với giá rẻ hơn, hay cùng một giá tiền thì cái lẩu của quán A nhiều thịt hơn quán B. Khách ăn nhậu thường thì chỗ nào ngon bổ rẻ là dành sự ưu ái đặc biệt. “Chỉ phần thịt thôi đã giả dối như thế nói chi cái món pín dê. Có nơi bán một bộ ngầu pín dê đến cả triệu đồng, lời quá xá lời nên pín dê giả, pín dê dỏm nhiều lắm” – ông Kha, một chủ quán dê trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, bức xúc cho biết.
– Khi hỏi ông: Người ta giả pín dê bằng pín gì?
– Đáp: Đủ loại hết á. Pín heo, pín chó, pín bò, pín trâu… Nhưng thường là pín heo. Một bộ pín heo giá chỉ vài chục ngàn đồng, còn pín dê có giá cả triệu nên pín heo được giả pín dê nhiều nhất. Thử nghĩ coi, trong một đàn dê mấy chục con chỉ có 1-2 con dê đực, thì lấy đâu ra pín mà quán nào cũng bán, bao nhiêu cũng có được!
Cứ nghĩ cảnh các ông vào quán thịt dê để được cái lẩu pín dê, rồi kêu xị rượu cũng ngâm ngầu pín dê cùng nhau “đánh chén” cho nó khỏe đâu biết từ trên xuống dưới đều là “cái ấy” của lợn, mà tức cười quá đỗi. Vụ này làm tôi nhớ đến cái dạo một thời người ta làm ầm ĩ cái vụ vú dê nướng với sự thật phũ phàng đó là… vú heo. Mà đâu riêng gì pín dê, thị trường ngầu pín của nhiều loại thú được đồn đại có tác dụng “sung dược” như pín rắn, pín hổ… cũng tồn tại cái sự giả dối lọc lừa. Gần 2 năm trước, vào cuộc tôi mới rõ đông y không ghi nhận gì cái gọi là dương vật cọp, dương vật rắn hổ, càng không có chuyện “súng đạn” của hai loài thú này chữa liệt dương, yếu sinh lý. Oái ăm hơn, mỗi bộ súng đạn của rắn-hổ kia được bán với giá trên trời, từ 100-200 nghìn đến 3-4 triệu đồng đều có nguồn gốc là gân trâu bò qua cắt, khứa tạo dáng (lúc còn tươi, sau đem phơi nắng cho bung gai)… mà thành! Nên dân buôn gặp khách, tùy mặt khách mà hét giá, khách trả giá cỡ nào cũng dính đòn!