Trong tiếng Việt, có 3 từ gần nghĩa nhau: một mình, cô đơn, cô độc. Đôi khi chúng ta hay dùng chung mà không có sự phân biệt rõ ràng. Chúng có thể cùng diễn tả tình huống: một mình; có thể cùng diễn tả một trạng thái: buồn. Tuy nhiên, đi sâu hơn một chút vào nội hàm của khái niệm, có thể chúng hoàn toàn khác nhau về mặt ngữ nghĩa lẫn tâm trạng, nếu không muốn nói là đối lập nhau.
Một mình: đó có thể là bạn ở một mình, tách biệt với các mối quan hệ xã hội khác. Cũng có thể bạn ở giữa bạn bè, gia đình, đám đông..., nhưng bạn vẫn một mình. Vậy "một mình" ở đây được hiểu theo nghĩa nào? Đó là tâm trạng mãn nguyện với chính mình, không cần phải chia sẻ bản thân với bất kỳ ai, không có nhu cầu cần thiết phải trao đổi và cũng không mong muốn một ai đó chạm vào thế giới riêng tư. Do vậy, dù bạn ở một mình hay ở giữa đám đông, bạn vẫn hài lòng với sự biệt lập đó.
Cô độc: đó cũng là trạng thái một mình, "bị" cách ly khỏi các mối quan hệ xã hội. Cũng có thể bạn ở giữa bạn bè, gia đình, đám đông...., và bạn vẫn cảm thấy cô độc. Vậy "cô độc" thì khác gì "một mình" như định nghĩa vừa nêu? Điểm khác cơ bản chính là bạn không "mãn nguyện" với tình trạng đó, ngược lại, bạn có nhu cầu chia sẻ nhưng không có ai lắng nghe, có nhu cầu trao đổi nhưng không ai đáp lại, có ý nguyện tìm kiếm một người hiểu mình nhưng không có, có mong muốn thoát khỏi tình trạng đó nhưng bất lực. Ý thức về sự cô độc là ý thức vùng vẫy trong một cái Tôi nhỏ bé nhưng lực bất tòng tâm.
Cô đơn: đó cũng là trạng thái một mình, cũng có thể ở giữa gia đình, bạn bè, đám đông... Điểm khác biệt giữa "một mình", "cô độc" và "cô đơn" chính là ở chỗ: "cô đơn" là nhịp cầu trung gian giữa "một mình" và "cô độc". Ở cô đơn có một chút hài lòng, mãn nguyện của "một mình" - đó là lý do tại sao rất nhiều người lại thích cái khoái cảm "cô đơn" đem lại; ở cô đơn cũng có một chút không hài lòng, mang khá nhiều hơi hướm ưu tư của "cô độc" - đó là lý do tại sao mặc dù rất thích những khoái cảm "một mình" đem lại, người ta vẫn khát khao hy vọng một nhịp cầu giao cảm tri âm đích thực.
Trên đây là nội hàm của 3 từ gần nghĩa mà tiếng Việt ta có được. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi muốn chia sẻ thêm một chút về phạm trù "cô đơn" - bởi ở nó mang dáng dấp của cả "một mình" lẫn "cô độc".
Hãy thử hỏi chính mình, khi nào thì bạn "thích" cô đơn và khi nào thì bạn "bị" cô đơn?
Khi bạn đang chìm đắm vào một đam mê nào đó, không cần phải nói đến những ưu tư triết học cho sâu xa làm gì, chỉ cần bạn đam mê công nghệ thông tin hay một lĩnh vực nào đó thôi. Và trong những lúc bạn đang viết dở đoạn code nào đó, hoặc mới khám phá ra một phần mềm nào đó đến mức quên cả ăn uống, giờ giấc sinh hoạt... Những lúc đó, đừng nói đến các mối quan hệ đãi giao thù tạc, chỉ cần một cuộc điện thoại hay một tin nhắn gửi đến cũng đủ khiến bạn muốn vứt cái điện thoại vào góc nhà và hét to lên rằng: "tôi cần một mình".
Khi bạn đang say sưa trò chuyện với tình nhân trong một không gian yên tĩnh vắng vẻ, cả hai đang nhìn nhau ngất ngây hạnh phúc, nói với nhau bằng mắt, chuyện trò với nhau trong vô thanh, trao đổi với nhau bằng nhịp đập của con tim... Bạn có còn nhìn thấy quanh ta còn những ai nữa không? Chắc chắn lúc đó chẳng còn bạn bè, chẳng còn ngoại giao khách sáo, chẳng còn thời gian, mất cảm giác định vị không gian. Tất cả chỉ còn sự vội vàng của trái tim đang loạn nhịp. Lúc này mà có ai đó lôi bạn ra khỏi dòng điện đang tương tác giữa hai người, tôi đảm bảo bạn sẽ lầm bầm mà nói với hắn rằng: "tôi muốn anh bốc hơi khỏi mặt tôi ngay".