Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng, lở miệng phải làm thế nào?
Trẻ sơ sinh nhiệt miệng hay lở miệng gây đau xót, khó chịu khiến trẻ bỏ bú, quấy khóc. Nếu hiện tượng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và giấc ngủ của trẻ. Vậy cha mẹ phải làm gì khi trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng? Dược liệu Ngọc Châu sẽ hướng dẫn cha mẹ chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Triệu chứng nhiệt miệng, lở miệng ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi bị nhiệt miệng, lở miệng là tình trạng niêm mạc miệng, lưỡi hoặc nướu răng của bé bị tổn thương gây ra những vết lở loét bên trong khoang miệng. Các vết loét hơi sưng, đau xót khiến bé khó chịu, ăn uống gặp nhiều khó khăn và quấy khóc liên tục.
Những triệu chứng khi trẻ sơ sinh lở miệng, nhiệt miệng gồm:
-
Trẻ bị sốt đột ngột.
-
Bé quấy khóc nhiều, không chịu bú mẹ hay ăn uống.
-
Quan sát trong miệng thấy có xuất hiện những vết trắng nhỏ chỉ từ 1 – 2mm ở niêm mạc miệng, nướu, má hoặc lưỡi (đầu lưỡi có thể xuất hiện mụn li ti). Ban đầu những vết trắng này chỉ hơi sưng và mọng nước nhưng sau vài ngày nó sẽ vỡ ra và gây lở loét.
-
Bé có thể bị sưng nướu và chảy máu ở vùng bị sưng.
-
Miệng chảy nhiều dãi.
2. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nhiệt miệng, lở miệng?
Lở miệng, nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên do khác nhau. Trong đó, những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi bị nhiệt miệng, lở miệng gồm:
2.1. Do các chấn thương trong miệng
Những tổn thương trong khoang miệng của bé như cha mẹ vệ sinh răng nướu cho bé mạnh tay, bé đã mọc răng tự cắn phải miệng, má hoặc lưỡi… sẽ tạo thành các vết thương hở trong miệng. Khi đó, những hại khuẩn có thể tấn công vết thương hở và dẫn đến lở miệng.
2.2. Do ăn đồ nóng
Với những trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn ăn dặm nếu ăn đồ quá nóng cũng gây bỏng rát niêm mạc bên trong miệng gây lở loét. Ngoài ra, cha mẹ hâm sữa hoặc pha sữa công thức với nước quá nóng cho bé cũng có thể gây ra tình trạng này.
2.3. Do chế độ dinh dưỡng
Đối với trẻ sơ sinh, nguồn cung cấp chất dinh dưỡng của bé chủ yếu là từ sữa mẹ. Do đó, nếu mẹ ăn uống thiếu chất hoặc không cân bằng đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, thì có thể là nguyên nhân khiến bé bị nhiệt miệng, lở miệng. Cụ thể là chế độ ăn thiếu sắt, kẽm, axit folic hoặc các vitamin nhóm B, vitamin C….
2.4. Do bệnh chân tay miệng
Khi bị mắc bệnh chân tay miệng, viêm họng, mũi hầu hoặc thủy đậu cũng là nguyên nhân khiến bé bị lở miệng. Bên cạnh đó, một số loại thuốc sử dụng cho trẻ sơ sinh có thể làm cho miệng bị khô và xuất hiện các vết loét trong miệng.
3. Mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị lở miệng, nhiệt miệng?
Khi trẻ sơ sinh nhiệt miệng, lở miệng cha mẹ cần áp dụng theo những cách sau để cải thiện tình trạng của bé.
3.1. Cho bé bú nhiều hơn
Sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Đồng thời là giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh. Do đó, mẹ nên cho bé bú nhiều hơn khi gặp phải tình trạng này.
Bên cạnh đó, mẹ nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng chất cần thiết. Tốt nhất, cha mẹ nên bổ sung các loại thịt, cá, tôm, cua… có chứa nhiều sắt, kẽm và các loại rau xanh, hoa quả tươi có chứa nhiều vitamin.
Nếu như mẹ nhiều sữa và tích sữa trong tủ đông đủ để dùng dần, thì khi hâm lại mẹ nhớ để sữa nguội bớt rồi mới cho bé uống, nhằm tránh gây bỏng niêm mạc dễ gây các vết loét miệng.
Đối với những bé uống sữa công thức, cha mẹ cũng nên cho bé uống nhiều sữa hơn. Khi pha, cha mẹ cũng chú ý không dùng nước quá nóng.
3.2. Cho con ăn thức ăn dạng lỏng
Đối với những trẻ sơ sinh đã ăn dặm, cha mẹ lưu ý trong thời điểm này chỉ nên cho bé ăn các thức ăn chín nhừ hoặc lỏng. Điều này sẽ hạn chế tối đa những tác động lên niêm mạc miệng, lưỡi và giúp giảm bớt khó chịu cho bé khi ăn. Tốt nhất cha mẹ nên xay nhuyễn các loại thức ăn rồi nấu cháo hoặc súp cho bé.
3.3. Vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Vệ sinh răng miệng đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát nhiệt miệng và giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Do đó, cha mẹ nên vệ sinh răng nướu cho bé 3 – 4 lần/ngày.
Cha mẹ có thể dùng rơ lưỡi nhúng vào nước ấm, rồi vệ sinh lưỡi và nướu cho bé. Cha mẹ cũng có thể tìm mua các loại nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh để vệ sinh miệng cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng nước muối sinh lý, vì việc này làm mất phản xạ bài tiết chất nhầy của trẻ.
3.4. Dùng thuốc bôi đặc trị
Hiện nay, các loại thuốc bôi đặc trị lở miệng cho trẻ sơ sinh đang được bày bán rất nhiều trên thị trường. Đa phần, các loại thuốc này thường được chiết xuất từ các thành phần tự nhiên an toàn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, mẹ nên hỏi kỹ những người có chuyên môn để lựa chọn được loại thuốc phù hợp.
Ngoài ra, mẹ cũng cần xem kỹ các thành phần của thuốc để đảm bảo không gây dị ứng hay kích ứng cho bé. Khi sử dụng thuốc, mẹ nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và những lưu ý để giúp điều trị hiệu quả cho con.
Mẹ có thể tham khảo: các loại thuốc bôi nhiệt miệng cho trẻ
3.5. Cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn
Đau đớn làm cho bé khó chịu, quấy khóc, khó ngủ và có thể kèm theo biểu hiện sốt cao. Vì vậy, mẹ nên cho bé nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ nhiều hơn để cơ thể để tránh tình trạng sụt cân nhiều, suy nhược cơ thể tạo điều kiện cho các vi khuẩn virus có hại xâm nhập và phát bệnh mạnh hơn.
4. Chữa lở miệng cho trẻ sơ sinh bằng thảo dược tự nhiên
Trẻ sơ sinh các cơ quan còn rất non nớt, hệ miễn dịch cũng còn yếu và chưa hoàn thiện. Vì thế việc chỉ định định dùng các loại thuốc Tây đều khá hạn chế vì có thể gây hại cho gan, thận. Tuy nhiên thực tế nhiệt miệng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng và phụ huynh hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà cho trẻ bằng các phương pháp dưới đây.
4.1. Dùng nghệ
Trong thành phần của nghệ có chứa curcumin, có tính kháng khuẩn và chống viêm rất hiệu quả. Vì thế, cha mẹ có thể xay nhuyễn hoặc giã nát nghệ tươi. Sau đó chắt lấy nước cốt, rồi thoa vào vết loét cho trẻ.
4.2. Dùng rau ngót, rau mồng tơi
Rau ngót và rau mồng tơi là hai loại rau có tính hàn nên có thể giúp giải nhiệt cơ thể rất tốt. Khi bị lở miệng, sử dụng hai loại rau này sẽ giúp các vết loét mau chóng lành lại. Ngoài ra, rau ngót và rau mồng tơi còn chứa rất nhiều các vitamin và dưỡng chất rất tốt cho cơ thể suy yếu của bé.
Với trẻ sơ sinh, cách chế biến tốt nhất là mẹ nên xay mịn nấu cháo cho bé dễ ăn, dễ nuốt. Tuy nhiên, nếu bé đang bị tiêu chảy thì không nên cho ăn rau mồng tơi vì có thể khiến cho trẻ bị tiêu chảy trầm trọng hơn.
4.3. Lá diếp cá
Lá diếp cá có tính kháng khuẩn, sát trùng rất tốt. Khi dùng rau diếp cá các vết loét trong miệng sẽ lành nhanh hơn, đồng thời giúp thải độc cho cơ thể của bé.
Mẹ có thể xay lá diếp cá, rồi chắt nước cho bé uống. Ngoài ra, cha mẹ có thể xay lá diếp cá rồi nấu cháo cho bé ăn.
Lưu ý: Với tất cả những cách trị nhiệt miệng, lở miệng trên, cha mẹ chỉ nên áp dụng khi trẻ đã được 6 tháng tuổi.
5. Một số lưu ý khi điều trị lở miệng cho trẻ dưới 1 tuổi
Cơ thể của trẻ sơ sinh còn rất non nớt, do đó khi điều trị nhiệt miệng, lở miệng cho bé, cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé:
-
Không dùng mật ong trị nhiệt miệng, lở miệng cho trẻ dưới 1 tuổi.
-
Nếu các triệu chứng nhiệt miệng kéo dài trên 3 tuần, thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
-
Không tự ý sử dụng bất kì loại thuốc bôi hay thuốc uống trị nhiệt miệng, lở miệng cho trẻ sơ sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng, lở miệng tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm, song cha mẹ nên áp dụng các biện pháp chăm sóc hợp lý để nhanh chóng đẩy lùi chứng bệnh này. Nhiệt miệng, lở miệng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé, làm giảm sức đề kháng và từ đó dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì thế cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Dược Liệu Ngọc Châu chỉ sử dụng các nguồn có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập