Lập lờ thương hiệu ngoại, lừa dối người tiêu dùng

Đâu là sự thật về “thời trang phong cách Italy”?

Một chiếc áo măng tô lụa single breasted của hãng Valentino (Italy) có giá gần 4.000USD. Trong khi, trên thị trường Việt Nam có những sản phẩm cũng gắn chữ Valentino như Valentino Creations nhưng lại không phải hàng Italia mà có giá lên tới hàng nghìn USD.

Được biết, thương hiệu Valentino SpA có ba “nhánh”, gồm: Valentino Garavani, Valentino Roma và R.E.D. Valentino. Thế nhưng, tại Việt Nam lại xuất hiện rất nhiều sản phẩm có gắn chữ Valentino khiến người tiêu dùng hiểu lầm đó là thời trang phong cách Italia. Một trang mạng ở Việt Nam quảng bá: “Năm 1999, Valentino Creations có mặt tại Malaysia và tiếp theo đó những sản phẩm Valentino Creations có mặt tại các nước châu Á khác. Tất cả sản phẩm của nhãn hàng này đều được sản xuất trong những nhà máy tối tân nhất, với chất lượng hoàn hảo. Nhiều nhà thiết kế nổi tiếng của châu Âu mơ ước được làm việc cho Valentino Creations”.


Một cửa hàng thời trang phong cách Italy tại Hà Nội. Ảnh: Nguyên Hồng.

Một cửa hàng “thời trang phong cách Italy” tại Hà Nội. Ảnh: Nguyên Hồng.

Dạo quanh các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, không khó để bắt gặp các loại “thời trang phong cách Italy” với những lời quảng cáo như: Giovani, Puzio-thương hiệu thời trang nam; Veneto-“thời trang nam phong cách Italy”; “Với tên gọi mang cảm hứng từ thành phố Bolzano của Italy, thời trang Bolzano Italy sử dụng nguyên liệu cao cấp cùng thiết kế phong cách Italy …”. Còn nữa, các sản phẩm có tên na ná các hãng thương hiệu lớn trên thế giới như V.C, L.B, BR… dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Đặc điểm chung là sản phẩm của các thương hiệu này đều được bày bán tại những vị trí đắc địa, được trưng bày sang trọng, bắt mắt trong những cửa hàng lớn.

Giá của các sản phẩm “thời trang phong cách Italy” không hề rẻ, từ vài triệu đồng tới hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, khi tra cứu, tìm hiểu trên Google, thì không tìm được các thương hiệu thời trang này tại website chính thức của thương hiệu gốc. Một số người Việt sống lâu năm tại châu Âu cũng cho biết, ở những nước họ sống, không có thương hiệu thời trang nào mang các tên gọi trên.

Liệu có lỗ hổng quản lý

Trên diễn đàn Otofun hiện có nhiều ý kiến phản ứng với loại thời trang trên. Một thành viên diễn đàn từng đăng bài bức xúc kể về việc mua chiếc áo có nhãn Valentino Creations tại một siêu thị với giá gần 5 triệu đồng nhưng về nhà mặc hai lần thì túi áo bị rách. Cũng trên diễn đàn này, một số thành viên cho biết: Valentino Creations là hàng “chính hãng” nhưng không phải từ Italy. Áo khoác của Valentino hàng Italy có giá khoảng 2.000USD trở lên.

Có thể nói, tình trạng thông tin về hàng hóa có “thời trang phong cách Italy” trên các trang bán hàng qua mạng rất lộn xộn, khó biết thực hư. Trong khi đó, chính giải thích của cơ quan chức năng về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa loại này cũng không thật rõ ràng, chi tiết. Một công ty thương mại từng đề nghị Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) hướng dẫn về quy định phí bản quyền, phí giấy phép tại Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26-2-2014 và nghĩa vụ thuế liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam. Tại công văn số 10700/TCHQ-TXNK, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu ký, giải thích: “Căn cứ quy định tại Điểm 18, Khoản 1, Điều 1, Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26-2-2014 thì phí bản quyền, phí giấy phép phải trả để sử dụng nhãn hiệu hàng hóa liên quan đến hàng hóa nhập khẩu đáp ứng các điều kiện sau: Hàng hóa nhập khẩu được bán lại nguyên trạng tại thị trường Việt Nam hoặc được gia công chế biến đơn giản sau nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu có gắn nhãn hiệu hàng hóa khi bán tại thị trường Việt Nam”. Đối chiếu với quy định nêu trên, công ty nhập khẩu hàng hóa từ các nước, như: Thái Lan, Trung Quốc, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ… sau đó bán nguyên trạng hoặc có gắn nhãn hiệu hàng hóa khi bán tại thị trường Việt Nam thì coi là thỏa mãn điều kiện “liên quan đến hàng hóa nhập khẩu”.

Với quy định chung chung như trên dẫn đến tình trạng một số đơn vị bán hàng hóa có gắn nhãn hiệu nghe giống với hàng hóa xuất xứ châu Âu nhưng thực tế là hàng được nhập khẩu, gia công từ các nước châu Á mà vẫn được coi là đủ điều kiện “liên quan đến hàng hóa nhập khẩu” và người tiêu dùng có thể bị gian dối.

Ông Trần Hùng (cán bộ Cục Quản lý thị trường) cho biết: Hiện tượng lập lờ nhãn mác, gắn nhãn nước ngoài cho các sản phẩm theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” diễn ra khá phổ biến không chỉ trong lĩnh vực thời trang. Một trong những nguyên nhân cơ bản do khâu quản lý sản xuất và thương mại, yêu cầu phải ghi rõ cụ thể nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa còn bị buông lỏng. Để lành mạnh hóa thị trường, đã đến lúc vấn đề này cần được quản lý chặt chẽ hơn, không để một số doanh nghiệp lách luật, lừa dối người tiêu dùng.

Theo ANH THƯ

Báo Quân đội nhân dân

Rate this post

Viết một bình luận