Bữa cơm tất niên
Theo TS Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, bữa cơm tất niên chính là thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình người Việt. Trước khi quây quần bên bữa cơm cuối cùng của năm cũ, các gia đình cần đi tảo mộ, để mời ông bà, người đã khuất về đón năm mới cùng cháu con.
TS Trần Hữu Sơn cũng nhấn mạnh, mâm cơm cúng tất niên chiều 30 Tết có ý nghĩa vô cùng đặc biệt và rất thiêng liêng. Mâm cơm này thậm chí còn được chuẩn bị cầu kỳ hơn cả ngày Tết. Có những món gì ngon, người dân đều bày biện để dâng lên tổ tiên. Trong đó có bánh chưng, bát canh măng hoặc canh mọc, miến, đĩa nem, giò…
Tùy theo vùng miền mà mâm cơm tất niên có những món khác nhau
Đây là bữa cơm có sự tham dự của tất cả các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, trước khi ăn, mọi nhà còn thực hiện một nghi lễ quan trọng: dâng cúng mâm cơm, mời ông bà, tổ tiên về sum họp với gia đình trong 3 ngày Tết.
Khi dâng cơm lên ông bà, tổ tiên, bạn nên lưu ý phải ăn mặc thật gọn gàng, tươm tất, sạch sẽ để tỏ lòng thành kính, tôn trọng ông bà, tổ tiên. Tránh mặc trang phục xuề xòa, đồ bộ để lúc dâng cỗ, thắp hương và cầu khấn. Trong lúc cúng tổ tiên, dâng cơm lên ông bà, tránh cười đùa, giỡn hớt, nói bậy, ăn nói lớn tiếng vì điều đó tựa như một sự bất kính với ông bà.
Đón Giao thừa
Đêm Giao thừa (hay còn gọi là đêm Trừ tịch) là đêm cuối cùng của năm cũ, là điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời điểm bắt đầu giờ Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày mùng 1 tháng Giêng). Đêm này là một đêm quan trọng đánh dấu cho một năm cũ kết thúc và một năm mới đã đến, người già thêm trường thọ và người trẻ thêm trưởng thành.
Đêm Giao thừa đến mang ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, mọi điều xấu xa trong năm cũ đi và rước nhiều may mắn thành công đến cho năm mới. Đây được coi là khoảng thời gian của sự yên nghỉ, là lúc giũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng.
Đêm giao thừa, người Việt Nam thường sẽ dành ra những giờ phút cuối cùng của năm mới bên cạnh những người mà họ yêu mến, thương yêu.
Lễ cúng giao thừa
Lễ Giao thừa được cúng vào đúng giờ chính tý tức 0 giờ ngày 1 tháng 1 trong năm. Theo phong tục của dân tộc Việt Nam từ cổ xưa, bàn cúng Giao thừa được chia làm 2 mâm, mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà.
Gia chủ làm lễ cúng bái cầu chúc cho một năm mới tốt lành bằng cách thắp hương từ ngoài trời sau đó khấn vái và thắp vào trong nhà để mang may mắn đến.
Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, làm hòa với nhau, trút bỏ điều xấu và hứa hẹn những điều tốt đẹp sẽ thực hiện.
Xông nhà
Đối với các gia đình muốn tự xông nhà, người ta thường chọn một người dễ vía, hợp tuổi ra đi từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch, rồi khi lễ trừ tịch tới thì dự lễ tại đình chùa hoặc ở thôn xóm, sau đó xin hương lộc hoặc hái cành lộc về. Lúc trở về đã sang năm mới, người này sẽ tự xông nhà cho gia đình mình, mang về gia đình sự tốt đẹp quanh năm.
Đối với các gia đình khác, người ta phải nhờ một người thân, bằng hữu tốt vía để sớm ngày mồng một Tết đến xông nhà, trước khi có khách tới chúc Tết, để người này đem đến sự dễ dãi may mắn cho gia đình.
Một số điều cần lưu ý trong đêm giao thừa để cả năm may mắn:
Trước 12 giờ đêm, nên thắp hương khấn Phật trên ban thờ Phật hoặc tại vị trí thích hợp trong nhà. Ngày 30 Tết đặc biệt là thời khắc giao thừa nếu mặc quần áo màu đỏ càng tốt. Ngày 30 Tết không được mắng trẻ con, không được cãi nhau nếu không sẽ bất lợi cho cả năm mới.
Đồ dùng trong nhà nếu có gì hỏng hóc hoặc sứt mẻ nên sửa chữa hoặc bỏ đi, thay mới trước khi đón giao thừa. Kiểm tra lại hệ thống chiếu sáng trong nhà, nếu có bóng đèn nào không sáng cần phải thay mới.