Lông mọc ngược là tình trạng phổ biến xảy ra ở nhiều người. Khi đó, sợi lông không mọc ra bên ngoài mà thay vào đó lại cuộn tròn vào bên trong da. Đây là tình trạng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng quát nhưng đôi khi có thể gây viêm nhiễm. Nguyên nhân khiến cho bệnh lông mọc ngược có thể do cấu trúc sợi lông, hormon và một vài thói quen.
Thông thường chúng ta không cần phải đến khám bác sỹ nếu tình trạng này xảy ra nhẹ. Nếu tình trạng trở nên nặng hơn như viêm nhiều, đau nhức, ngứa nhiền hay nổi mủ thì các bạn nên đến khám để được bác sỹ điều trị phù hợp. Trong bài viết này, chuyên gia từ YouMed sẽ giúp chúng ta tìm hiểu các cách giúp giải quyết tình trạng lông mọc ngược.
1. Khi nào nên đến khám bác sỹ?
Thông thường thì bạn không cần đến khám bác sỹ khi chỉ bị một vài vị trí lông mọc ngược. Chúng ta có thể xử lý chúng dễ dàng tại nhà bằng các cách đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên nếu tình trạng lông mọc ngược của bạn trở nên nghiêm trọng hoặc lông mọc ngược trở thành bệnh lý mạn tính thì lúc này bạn nên đến khám bác sỹ chuyên khoa để được điều trị thích hợp. Những trường hợp nên đến khám bác sỹ chuyên khoa đó là:
- Mụn mủ hay tạo thành nang chứa mủ
- Viêm đỏ nhiều
- Ngứa nhiều
- Đau nhiều
Trong trường hợp nhiễm trùng thì bác sỹ sẽ kê toa giúp diệt khuẩn và giảm nhanh triệu chứng. Còn đối với các trường hợp bị bệnh lông mọc ngược mạn tính thì cần thiết thay đổi thói quen và các loại thuốc bôi giúp làm tiêu sừng ở trên da.
2. Thuốc giúp điều trị bệnh lông mọc ngược hiệu quả
Thông thường thì tình trạng lông mọc ngược có thể được giải quyết dễ dàng mà không cần đến thuốc điều trị. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn bác sỹ có thể kê toa các loại thuốc sau giúp giải quyết hiệu quả.
- Thuốc loại bỏ tế bào chết. Chính tế bào chết trên da là một trong những nguyên nhân khiến cho lông bị mọc ngược. Không tẩy tế bào chết cho da sẽ tạo những nút bít tắt ở lỗ nang lông. Từ đó trong lỗ nang lông có vật cản khiến cho sợi lông khó vượt qua và mọc thẳng ra bên ngoài. Vì vậy thuốc bôi chứa các thành phần retionid hay salicyclic acid sẽ giúp loại bỏ tế bào chết trên bề mặt. Nhờ vậy lỗ nang lông được thông thoáng và không còn vật cản.
- Kem bôi kháng viêm. Trong trường hợp vị trí da bị lông mọc ngược xuất hiện tình trạng sưng viêm đỏ nhiều thì bác sỹ có thể kê toa kem bôi có chứa thành phần steroid. Chính thành phần này giúp làm giảm viêm một cách nhanh chóng, đồng thời giúp giảm triệu chứng ngứa.
- Kem bôi kiểm soát nhiễm trùng. Trong trường hợp nhiễm trùng nhẹ do cào gãi làm xước da, bác sỹ có thể kê toa thuốc bôi kháng sinh tại chỗ giúp kháng khuẩn. Còn đối với trường hợp nhiễm trùng nặng hơn thì cần phải uống thuốc kháng sinh.
3. Laser giúp điều trị lông mọc ngược
Còn đối với các trường hợp lông mọc ngược xảy ra thường xuyên và mạn tính. Hoặc các trường hợp không thuyên giảm với sử dụng thuốc bôi tại chỗ. Lúc này bác sỹ có thể chỉ định phương pháp laser giúp loại bỏ lông. Đặc biệt ở những đối tượng thường xuyên cạo nhổ hay wax lông. Triệt lông bằng tia laser đã được FDA chấp thuận là phương pháp giúp loại bỏ lông vĩnh viễn và an toàn.
Sau khi thực hiện triệt lông với laser, da chỉ bị đỏ nhẹ và nhanh chóng hết sau vài giờ. Ngoài ra tia laser không gây bất kỳ tổn thương nào cho làn da. Năng lượng từ tia laser khiến nang lông chết đi vĩnh viễn và không mọc lông nữa. Do các nang lông trên cơ thể của chúng ta không ở cùng một giai đoạn phát triển giống nhau nên cần phải triệt lông bằng laser nhiều lần mới đem lại kết quả vĩnh viễn.
4. Các cách ngăn ngừa lông mọc ngược
Để ngăn ngừa tình trạng lông mọc ngược, các bạn có thể thử các cách sau đây:
- Hạn chế cạo hay nhổ lông giúp giảm tình trạng lông mọc ngược
- Làm ướt bề mặt da bằng nước ấm hoặc dùng kem bôi trơn trước khi cạo lông
- Khi cạo lông hay râu thì cạo theo chiều lông mọc và không cạo theo hướng ngược lại
- Không cạo sát bề mặt da mà để lại một đoạn lông ngắn trên bề mặt da
- Nếu sử dụng dao cạo bằng điện thì tuyệt đối không để sát mà để một khoảng cách so với bề mặt da
- Rửa sạch dao cạo sau mỗi lần sử dụng
- Sau khi cạo lông có thể chườm khăn lạnh để giảm kích ứng da
- Đối với các vùng da hay bị lông mọc ngược, bạn có thể thử xoay tròn da nhiều vòng khi rửa mặt. Việc làm này giúp giảm tình trạng lông mọc ngược
- Khi thấy sợi lông mọc ngược hay chìm dưới da, chúng ta có thể lấy một cây kim vô khuẩn để nhẹ nhàng lấy sợi lông ra
5. Kết luận
Nguyên nhân khiến cho lông mọc ngược có thể do cấu trúc sợi lông hay hormon. Ngoài ra phần lớn là do thói quen sinh hoạt hàng ngày khiến cho lông dễ mọc ngược vào trong. Thông thường thì những sợi lông bị mọc ngược có thể được giải quyết dễ dàng tại nhà.
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn thì một số loại thuốc bôi có thể cần phải được sử dụng. Ngoài ra laser cũng là phương pháp giúp triệt lông vĩnh viễn. Nó có hiệu quả đối với đối tượng bị lông mọc ngược mạn tính không đáp ứng với thuốc bôi.
Cuối cùng tình trạng lông mọc ngược có thể được ngăn ngừa dễ dàng bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Các bạn hãy cùng YouMed thực hành và kiểm chứng hiệu quả nhé!
Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền