Nếu như Tết Nguyên đán 2020, hàng chục phim hài Tết xếp hàng ra rạp thì Tết Tân Sửu 2021, số lượng phim giảm gần một nửa.
Diễn viên Thanh Hương và đạo diễn Linh Đồng trong hậu trường phim hài Tết 2020 “Giấc mộng quan trường”
Đạo diễn than trời, diễn viên ngồi nhà, các nhà tài trợ không mấy mặn mà…
Đạo diễn than trời
Nhiều năm nay, thị trường phim hài Tết luôn cực sôi động. Diễn viên, thậm chí cả ca sĩ đều nô nức vào vai. Thế nhưng, năm nay các dự án phim hài khởi động không đồng đều do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính đến đầu tháng 11 Âm lịch, số lượng phim hài chiếu dịp Tết Tân Sửu 2021 được công bố chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đơn cử, đạo diễn Trần Bình Trọng chỉ làm phần thứ 11 của series Đại gia chân đất. Còn series hài Làng ế vợ thường xuyên lọt top trending cao ở những năm trước lại vắng bóng. Ngoài ra, một số dự án như Thói đời có sự kết hợp của Giang Còi, Hiệp Gà và Chiến Thắng cũng mới chỉ rục rịch bấm máy trước Tết 2 tháng…
Ở khu vực phía Nam, cũng chưa có một dự án phim Tết nào được công bố chính thức. Ngoài một số hãng phim tư nhân ngừng sản xuất hài Tết do “làm không có lãi”, các Đài truyền hình lớn cũng “méo mặt” trong cuộc chơi này.
Đặc biệt, một đơn vị “anh cả” của truyền hình phía Nam như Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) tuyên bố không sản xuất phim Tết. Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL) cũng phải tính toán rất kỹ mới dám đặt hàng nhà sản xuất duy trì chương trình Táo Xuân 2021 và 1 phim hài chiếu Tết.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc Hãng TFS thừa nhận, sở dĩ Hãng không có phim chiếu Tết năm nay do sự gián đoạn bởi dịch Covid-19.
“Chúng tôi không dám mạo hiểm khi đầu tư số tiền lớn cho một dự án mà không biết ngày mai sẽ ra sao. Nếu dịch bệnh trở lại, mọi công đoạn buộc phải hủy bỏ. Phim Tết mang tính thời sự, chúng tôi không thể cất kho để dành cho năm sau được”, đạo diễn Quốc Hưng bộc bạch.
Theo khảo sát, ngoài tâm lý thời dịch bệnh, kinh phí cũng là điều khiến giới làm phim Tết đắn đo sản xuất. Đạo diễn Dương Ngọc Bảo cho biết, dù may mắn sản xuất nhiều sản phẩm hài Tết hơn mọi năm nhưng khâu tìm nhà tài trợ khiến anh mất nhiều thời gian, công sức.
“Hầu hết, các doanh nghiệp đều đưa ra lý do đói kém vì dịch bệnh nên “né” đầu tư hoặc đầu tư ít hơn mọi năm. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ làm việc với tiêu chí chia sẻ với nhau và mang tới sản phẩm hay, chất lượng tới khán giả”, đạo diễn Ngọc Bảo nói.
Riêng nghệ sĩ Vượng Râu, hiểu được khó khăn của các doanh nghiệp, dù triển khai 5 sản phẩm hài Tết nhưng anh không xin nhiều tài trợ mà tự bỏ tiền túi đầu tư. Không tiết lộ kinh phí cụ thể nhưng nam nghệ sĩ khẳng định: “So với mọi năm, chúng tôi thực hiện nhiều sản phẩm hơn. Song chất lượng cũng phải tốt hơn. Khá chật vật về kinh tế nhưng trong lúc này khán giả cần được động viên bằng món ăn tinh thần nhiều hơn để vượt qua một năm khó khăn”.
Trong khi đó, dù may mắn được các nhãn hàng ký hợp đồng 4 – 5 năm liền, không áp lực về chuyện “cơm áo gạo tiền” nhưng nội dung sáng tạo, mới mẻ là vấn đề khiến đạo diễn Trần Bình Trọng đau đầu.
Đây cũng là lý do khiến anh và ê-kíp bắt tay sản xuất Đại gia chân đất 11 muộn hơn mọi năm đến hơn 4 tháng. “Chưa có năm nào phim Tết khiến tôi đau đầu, mệt mỏi đến phát ốm như năm nay”, đạo diễn than thở.
Tiết lộ thêm về kinh phí sản xuất, đạo diễn Bình Trọng cho biết, mỗi phim của anh được đầu tư bạc tỷ vì có 3 – 5 đơn vị tài trợ “ruột” trong khoảng 4 – 5 năm liên tiếp. Cái khó nhất là làm sao quảng cáo phải được cài cắm một cách tinh tế, khéo léo tránh gây phản cảm đối với người xem.
Diễn viên thất nghiệp
Phim hài Tết thường có thời lượng khoảng 3 – 5 tập, mỗi tập kéo dài khoảng 45 – 60 phút tùy từng kênh phát sóng. Vì vậy, nhà sản xuất thường rục rịch ghi hình trước Tết khoảng 4 – 5 tháng để kịp lên sóng từ nửa cuối tháng Chạp. Năm nay, dịch Covid-19 hoành hành khiến tiến độ sản xuất bị trì hoãn còn một nửa thời gian.
Thời gian eo hẹp nhưng số lượng phim không nhiều nên phần đông diễn viên không phải chạy show suốt ngày đêm như mọi năm. Diễn viên Thanh Hương – “gương mặt thân quen” trong các phim hài Tết khu vực phía Bắc cho hay, thông thường, hai tháng cuối năm là cao điểm cho các dự án hài Tết. Mọi năm cô tham gia khoảng 5 phim, năm nay chỉ còn 2 phim.
Tương tự, một hoa khôi màn ảnh khu vực phía Nam – diễn viên Thúy Diễm tiết lộ, thay vì tham gia 6 – 7 dự án như mọi năm, năm nay cô chỉ tham gia 2 bộ phim lên sóng truyền hình vào dịp Tết 2021 trên kênh THVL và VTV14.
Trước đó, cuối tháng 11, cô cũng nhận được một lời mời. Cùng thời điểm, TP HCM có ca lây nhiễm trong cộng đồng trở lại, nữ diễn viên đành phải ngậm ngùi từ chối để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
“Đây có lẽ là mùa làm phim Tết nhớ đời nhất trong sự nghiệp diễn xuất của tôi. Phim được quay vào khoảng tháng 7, bối cảnh chính thực hiện ở Long An nên cả đoàn ai cũng nơm nớp lo sợ vì không biết tình hình dịch bệnh tại đây sẽ ra sao. Chúng tôi ăn ngủ tại phim trường, hạn chế tiếp xúc với nhau, không được phép về nhà, không tiếp xúc khán giả, tất cả chỉ biết động viên nhau đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành càng sớm, càng tốt”, Thúy Diễm bộc bạch.
Theo đạo diễn Quốc Hưng, đơn vị nào tiết kiệm hơn thì sẽ quay “cuốn chiếu” những bối cảnh đơn giản, những đại cảnh như chợ hoa, pháo hoa… sẽ để dành và quay vào đúng những ngày cuối năm.
“Chơi lớn” hơn, đạo diễn Trần Bình Trọng sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu để tái hiện lại không khí Tết với đầy đủ đào mai, quất cảnh, bánh chưng, lễ hội…