5/5 – (2 bình chọn)
Cảm xúc có vai trò như một nhân tố quyết định phần lớn hành động, lời nói của con người. Khi một người muốn có được thành công, họ cần học cách kiểm soát cảm xúc của chính mình. Vì mỗi hoạt động trong cuộc sống đều cần có sự giao tiếp và hành động đan xen, phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Nếu không có sự kiềm chế, kiểm soát cảm xúc đúng lúc, sẽ dễ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, bốc đồng. Ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ và cả chất lượng công việc.
Bài viết mong muốn cung cấp cho bạn những kiến thức cần biết về kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Đồng thời mở ra cơ hội cho những bạn vẫn còn mơ hồ về cách rèn luyện kỹ năng này.
1. Sơ lược về kỹ năng kiểm soát cảm xúc
Bạn hãy đọc qua ví dụ này:
“A là nhân viên của một công ty quảng cáo. Một hôm, A và một người đồng nghiệp được cấp trên giao dự án viết quảng cáo cho khách hàng. Do bất đồng quan điểm mà cả hai nảy sinh mâu thuẫn trong quá trình thực hiện. Cả hai đều cho rằng ý tưởng của bản thân là sáng tạo hơn.”
Sau đây là ba hướng giải quyết được đưa ra:
- A không thể kiềm chế sự tức giận với đối phương. Và quyết định trình lên cấp trên, không đồng ý làm việc cùng người kia.
- A kiềm chế được cơn giận và tiếp tục làm việc. Nhưng vẫn không chấp nhận ý tưởng của người kia. Cả hai chỉ đơn thuần là làm việc qua loa cho xong.
- A vượt qua cơn giận và nỗi bốc đồng. Chủ động tìm người đồng nghiệp kia, cùng trao đổi, chia sẻ quan điểm và chấp nhận ý tưởng của nhau.
Đến đây hẳn bạn cũng đã biết. Hướng giải quyết thứ ba đã chứng tỏ A là người biết kiểm soát cảm xúc.
Anh A đã kiểm soát được cảm xúc, làm hòa và gìn giữ mối quan hệ của cả hai. Từ đó, cùng nhau thực hiện dự án, hoàn toàn nâng cao được chất lượng công việc.
Việc kiểm soát cảm xúc không chỉ đơn giản là việc loại bỏ hay kìm nén cảm xúc tiêu cực. Mà bạn phải là người làm chủ được cảm xúc và hành vi của mình. Cho dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến mức nào đi nữa. Bạn vẫn có thể cân bằng được nó, vượt qua nó và biến nó thành động lực để vượt qua nghịch cảnh.
2. Những lợi ích từ việc kiểm soát cảm xúc
Kỹ năng này có thể xem là một kỹ năng khó rèn luyện, khó nắm bắt. Nhưng một khi làm chủ được nó, bạn hoàn toàn có khả năng chủ động tạo ra cơ hội thuận lợi cho công việc. Và cả trong đời sống cá nhân cũng đem lại rất nhiều lợi ích.
2.1. Giải quyết vấn đề một cách hiệu quả
Ở ví dụ trên, nhân vật A đã mất đi sự bình tĩnh và tự chủ của mình. Ạnh đôi co với đồng nghiệp, thể hiện cái tôi quá lớn. Và trình lên cả cấp trên với mong muốn không làm việc với người đồng nghiệp kia nữa. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới hậu quả xấu cho cả công việc lẫn các mối quan hệ của anh ta.
Nói tóm lại, một khi bạn không thể kiểm soát được cảm xúc, tự chủ hành vi của mình. Những hành động bạn làm để trút giận đều có thể ảnh hưởng xấu cho bản thân và những người xung quanh. Trong cuộc sống hàng ngày lẫn công việc, đều có vô vàn sự việc có thể khiến bạn bực tức, khó chịu, mất kiên nhẫn,…
Vì vậy, học được cách kiểm soát cảm xúc chính là học được cách đem lại sự thành công trong công việc. Bạn sẽ có đủ sự minh mẫn và sáng suốt để giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả và thông minh nhất.
2.2. Hạn chế phát sinh xung đột không cần thiết
“Cách duy nhất để đạt được điều tốt từ một cuộc tranh cãi là tránh nó”
(The only way to get the best of an argument is to avoid it)
-Dale Carnegie-
Câu nói của chủ nhân quyển sách Đắc Nhân Tâm – cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, đã chứng tỏ một điều rằng chúng ta nên tránh khỏi những xung đột, tranh cãi hơn là tìm kiếm chúng. Tất nhiên, việc xảy ra xung đột vẫn có một vài lợi ích, nó giúp ta tự do ngôn từ, tự do tranh luận, rèn luyện tư duy phản biện,….
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tạo ra một cuộc tranh luận tích cực, đem lại hiệu quả công việc. Vì một khi cảm xúc quá lớn mà không biết cách kiểm soát, thì cuộc tranh luận ấy dễ dàng rơi vào ngõ cụt. Vừa gây rạn nứt các mối quan hệ vừa ảnh hưởng xấu đến tiến độ công việc.
Để có được “điều tốt” trong câu nói của Dale Carnegie thì kỹ năng kiểm soát cảm xúc chính là biện pháp hữu hiệu nhất. Hoàn toàn có thể giúp bạn hạn chế những xung đột, mâu thuẫn không cần thiết cũng như là tránh khỏi những tác nhân gây ra nó. Hoặc là giải quyết những xung đột đó nhưng vẫn giữ được các mối quan hệ và tạo ra mục đích tích cực cho cuộc tranh luận.
2.3. Hình thành và phát triển các mối quan hệ tốt đẹp
Một người có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt, họ sẽ được bao quanh bởi các mối quan hệ tốt đẹp cả trong công việc lẫn đời sống. Càng có nhiều mối quan hệ tốt đẹp sẽ càng có nhiều cơ hội thành đạt hơn trong cuộc sống.
Có nhiều người cho rằng một mình vẫn tốt và không cần có nhiều hơn các mối quan hệ gia đình. Nhưng thái độ này có thể hủy hoại sự nghiệp của những người muốn làm việc lớn. Ví cho một người nhân viên, nếu chỉ nhờ tới thực lực thì chưa đủ. Cần có các mối quan hệ tích cực, được hình thành từ sự thiện chí, giữa bản thân với cấp trên, cấp dưới, với các đồng nghiệp sẽ giúp anh ta có cơ hội thăng tiến hơn trong công việc.
Muốn hình thành, phát triển và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp thì kỹ năng kiểm soát cảm xúc chính là cầu nối gắn kết chặt chẽ nhất. Thử hỏi nếu bạn lúc nào cũng dễ dàng tức giận, không thể kiềm chế nỗi cảm xúc mà luôn trút ra những lời không hay. Cho dù là người thân quen, cũng sẽ không vui với hành động đó của bạn.
Xem thêm: Top 5 Cách Tuyệt Vời Để Bạn Xây Dựng Niềm Tin Với Những Người Xung Quanh
2.4. Trở nên chuyên nghiệp trong mắt mọi người
Trong bất kỳ tình huống nào, người luôn trở nên cáu gắt, không thể làm chủ được bản thân sẽ là người thiếu sự chững chạc và văn minh. Thậm chí, có thể cho rằng họ còn trẻ con, thiếu suy nghĩ và bốc đồng. Dù là trong lời nói hay hành động đều có thể bộc lộ tính cách cá nhân của bạn.
Ngược lại, những người biết cách hành xử chuyên nghiệp, kiểm soát cảm xúc tốt trong hoàn cảnh bất lợi sẽ được đánh giá cao hơn. Cấp trên, đồng nghiệp và cấp dưới sẽ nhìn vào biểu hiện đó mà đánh giá khả năng và năng lực của bạn. Đây là cơ hội tốt để nhận được sự tín nhiệm của cấp trên. Và sự tin tưởng từ đồng nghiệp.
Không chỉ ở nơi làm việc, mà trong các mối quan hệ đời sống thường ngày, người biết làm chủ cảm xúc cũng sẽ được coi trọng hơn. Trở nên đáng tin cậy, tài giỏi và được lòng những người xung quanh.
2.5. Thúc đẩy sự thăng tiến
Chiếm lĩnh được kỹ năng kiểm soát cảm xúc đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận được những lợi ích về lâu dài. Chẳng hạn như hiệu quả công việc nâng cao, tránh khỏi xung đột không cần thiết, mở rộng mối quan hệ tốt đẹp và trở thành người văn minh, lịch sự. Thậm chí còn nhiều hơn thế. Nhưng khi nói đến môi trường làm việc thì mấu chốt lợi ích cuối cùng chính là sự thăng tiến.
Một người muốn hướng đến vị trí cao hơn trong công việc cần hiểu tầm quan trọng của kỹ năng này. Sự bình tĩnh trong mọi tình huống sẽ mang lại thái độ tích cực, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi điều mới. Từ đó kinh nghiệm sẽ được trau dồi, càng có nhiều kinh nghiệm, bạn sẽ càng có cơ hội thăng tiến trong công việc.
Giả sử bạn đã có được vị trí đáng mơ ước. Một vị trí tuyệt vời mà ai cũng muốn được chiếm hữu. Vậy thì lúc này đây, bạn cần phải đấu tranh để giữ vững “ngôi vị” và phát triển lớn mạnh hơn nữa. Vì sẽ có rất nhiều người cũng đều phấn đấu cho quyền lợi và chức vụ đó giống như bạn.
Kiểm soát cảm xúc sẽ giúp bạn làm được điều đó. Giữ cho bạn ở trạng thái an tĩnh, soi xét mọi sự việc, tình huống có thể xảy ra. Từ đó bạn sẽ tạo ra được một bức tường lửa, ngăn không cho điểm yếu của mình lộ ra ngoài. Đồng nghĩa với việc người khác sẽ không thể lợi dụng hoặc gây bất lợi cho bạn.
3. Rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc
Càng nhiều lợi ích thì quá trình rèn luyện sẽ càng khó khăn. Nhưng một khi đạt được mục đích thì thành quả sẽ vô cùng ngọt ngào.
Sau đây là một vài cách được tổng hợp, đúc kết giúp bạn có thể rèn luyện và sở hữu kỹ năng kiểm soát cảm xúc:
3.1. Điều chỉnh hành vi
Mỗi khi rơi vào trạng thái tức giận, phẫn nộ, con người ta thường dễ mất kiểm soát về hành vi và lời nói của mình. Họ sẽ có xu hướng bạo lực, đập phá hay lời lẽ mắng nhiếc cay nghiệt nhằm giải tỏa sự giận dữ. Những điều này sẽ càng khiến cho cảm xúc và sự việc trở nên trầm trọng hơn.
Vì vậy ngay từ bây giờ, cần phải học cách điều chỉnh hành vi của bản thân. Một vài điều bạn nên làm khi gặp phải cảm xúc tiêu cực:
- Hít sâu vào, giữ 3-5 giây và từ từ thở ra bằng miệng. Lặp lại cho đến khi cảm thấy bình tĩnh hơn.
- Thay đổi tư thế ngồi hoặc đứng, đi lại một lúc để cân bằng cảm xúc.
- Đọc sách, bất cứ thể loại nào bạn thích hoặc chơi một trò chơi điện tử đơn giản.
- Học cách Thiền định – cách tốt nhất giúp bạn duy trì được trạng thái tịnh tâm.
Từ những cách trên, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh được cử chỉ, hành vi của mình. Ngoài ra, trong quá trình rèn luyện, bạn có thể sáng tạo ra những cách của riêng mình.
3.2. Tư duy đúng đắn
Quay lại với ví dụ ở đầu bài. Khi anh A là một người biết kiểm soát cảm xúc, anh hiểu được rằng mình phải gạt bỏ đi sự tức giận, tự cao, bốc đồng của mình. Mà thay vào đó là bình tĩnh và sẵn sàng đối mặt với người đồng nghiệp ấy. Anh sẽ thấy được người kia có nhiều điều mình cần phải học hỏi. Và biết được những sự thiếu xót của bản thân.
Từ đó, cả hai thông cảm cho nhau, học tập lẫn nhau và kết quả đem lại chắc chắn rất thành công. Để có được nhận thức này cần phải có một tư duy đúng đắn, lý trí phải vững vàng.
Trước tiên, hãy ghi nhớ câu nói:“Núi cao còn có núi cao hơn” . Vì trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng đều có những hiểu biết về một điều mà ta chưa từng nghe hay thấy qua. Hoặc là ta đã biết nhưng họ còn biết nhiều hơn nữa.
Chính vì điều đó,phải luôn trong tâm thế sẵn sàng lắng nghe, học tập không ngừng nghĩ. Và nhớ rằng một khi ta tức giận thì cuộc tranh chấp đó, ta đã thua một nửa. Học cách đặt ra các câu hỏi như: Vì sao họ có được vị trí đó? Điểm mạnh của họ là gì? Làm sao để mình được như họ? Tại sao họ không chấp nhận ý kiến của mình?…
Hãy cố gắng tìm câu trả lời và chỉnh sửa sai sót của bản thân. Khi đó, bạn đã vươn xa hơn trên con đường sự nghiệp.
3.3. Ngôn từ văn minh, lịch sự
Tương tự với việc điều chỉnh hành vi, cách mà bạn sử dụng từ ngữ trong lời nói cũng không kém phần quan trọng. Sự buồn bực, tức giận, ghen tức,… có thể dễ dàng khiến bạn mất tự trong lời nói của mình. Những lời lẽ khiếm nhã, mất lịch sự ảnh hưởng rất lớn đến hình tượng của bản thân bạn. Không chỉ vậy, nó còn khiến bạn làm phật lòng những người thân xung quanh.
Điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến con đường sự nghiệp cũng như đời sống của bạn. Vì vậy, bạn cần phải loại bỏ đi những từ ngữ tiêu cực ra khỏi từ điển của mình. Thay vào đó hãy thêm vào những từ thể hiện sự tích cực, khích lệ và động viên bản thân.
Hoặc là bạn bình tĩnh nói chuyện một cách văn minh và lịch sự. Hoặc là im lặng và để cơn giận được nguôi ngoai. Khi đó hãy dùng những từ tốt đẹp mà mình có để tự trò chuyện với bản thân. Vừa giúp bạn cân bằng cảm xúc vừa tạo động lực cho bản thân vượt qua được trở ngại.
3.4. Tôi luyện sự tự tin
Hẳn là có những lúc bạn nhìn vào bản thân và có những ý nghĩ: “Sao mình không được xinh xắn như họ?”; “Mình chẳng làm được tích sự gì”… Chính những suy nghĩ đó sẽ càng khiến bạn tuyệt vọng và thêm tự ti. Nó sẽ không đem lại cho bạn bất cứ lợi ích gì ngoài cảm giác thất vọng. Sự tự ti có thể khiến một con người “chết dần chết mòn” trên con đường công danh của họ.
Muốn thoát khỏi nó, chỉ có một con đường duy nhất đó là rèn luyện sự tự tin. Khi có được niềm tin vào bản thân, bạn sẽ có thêm nhiều động lực mạnh mẽ để vượt qua thử thách. Vì trong những cuộc tranh luận, người thiếu tự tin dễ dàng bỏ lỡ những cơ hội chiến thắng và thành công.
Khi có đủ tự tin, bạn sẵn sàng thể hiện mình và tự do trao đổi ý kiến. Những cảm xúc tự ti, nhạy cảm, nhút nhát, mặc cảm,… Đều được thay thế bằng niềm tin vượt qua khó khăn, thử thách. Chắc chắn một điều rằng bạn đã tiến rất gần đến thành công.
Một vài lời khuyên cho bạn trong quá trình rèn luyện sự tự tin:
- Đừng quan tâm những lời chỉ trích xấu tính về bạn. Bạn tài giỏi và xinh đẹp hơn những gì bạn nghĩ.
- Hãy nói “có” với những cơ hội xảy đến với bạn. Ví dụ như những lời mời tham gia dự án, cơ hội được thuyết trình hay việc phát biểu ý kiến,…
- Nghĩ rằng bản thân sẽ vượt qua được khó khăn, đặt niềm tin vào chính mình.
Xem thêm: Tự Tin Là Gì? Làm Sao Để Trở Nên Tự Tin Hơn?
3.5. Kiềm chế cảm xúc tiêu cực
Đây chính là đối thủ lớn nhất trong quá trình rèn luyện cảm xúc. Những hành động bạo lực, lời nói thô lỗ, mất kiểm soát đều xuất phát từ cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, cần phải triệt tiêu những cảm xúc đó ngay khi nó chỉ vừa mới nhen nhóm.
Để làm được điều này không phải dễ. Nhưng chỉ cần có cố gắng và kiên trì thì không gì là không thể:
- Hãy nhận lỗi với thái độ chân thành khi gây ra một lỗi lầm, dù là bất cẩn hay cố ý. Vì bạn không chỉ biết được lỗi sai ở đâu mà bạn còn có cơ hội để sửa đi lỗi lầm đó.
- Đổ thừa lỗi cho người khác là không được dù cho là đúng hay sai đi nữa. Nếu họ có mà không tự nhận lỗi, thì thật đáng xấu hổ. Nên bạn không cần phải tốn công chỉ ra điều đó.
- Không so đo, tính toán thua hơn với người khác. Điều đó sẽ chỉ khiến bạn thêm muộn phiền và ghen tức.
- Học cách khen ngợi hơn là lời chỉ trích, phê phán. Cảm xúc tiêu cực cũng từ đó mà tiêu biến, giúp bạn có thêm sự yêu mến từ mọi người.
- Đừng quá bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực ở mọi tình huống. Suy nghĩ là cội nguồn của việc phát sinh cảm xúc, bạn càng nghĩ tích cực cảm xúc càng vui vẻ, lạc quan.
4. Cảm xúc tiêu cực có thể độc hại đến mức nào?
Nói một cách cụ thể, cảm xúc tiêu cực là sự tức giận, tuyệt vọng, bi quan, lo lắng,… Những cảm xúc này xảy ra trong một thời gian dài mà không được giải quyết. Sẽ rất có hại cho cả tâm lý và thể chất:
- Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Khi bị tác động bởi cảm xúc tiêu cực, con người dễ bị mất ngủ hoặc dẫn đến ngủ không ngon. Thiếu ngủ trầm trọng sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.
- Gây đau dạ dày trong thời gian dài. Lo âu, lo lắng thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến sự co thắt ruột, gây ra các cơn đau dai dẳng.
- Dẫn đến bệnh tim mạch. Theo nghiên cứu cho thấy người hay nổi giận có nguy cơ tử vong cao hơn người bình thường gấp hai đến ba lần.
- Ảnh hưởng chức năng phổi. Sự buồn rầu, căng thẳng khiến dòng máu lưu thông lên phổi dễ bị rối loạn làm mất sự nhịp nhàng trong quá trình lưu thông không khí.
- Làm suy giảm hệ miễn dịch. Ảnh hưởng từ cảm xúc tiêu cực sẽ làm suy yếu các tế bào ở cấp độ ADN và làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính,…
Ngoài ra, tâm trạng tồi tệ và cảm xúc tiêu cực diễn ra trong thời gian dài. Sẽ khiến người bệnh khó kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình. Bệnh tâm lý cũng từ đó mà phát sinh vô cùng nguy hiểm.