Thất bại là một phần của cuộc sống. Vì vậy, đối mặt với thất bại là một trong những kỹ năng cần thiết mà bạn phải trang bị cho mình khi mới đi làm.
Cách phản ứng trước thất bại của mỗi người có thể khác nhau, nhưng hãy ghi nhớ những điều cơ bản dưới đây để biết bản thân phải làm gì sau một thất bại.
Thất bại trong công việc là gì?
Thất bại trong công việc là khi bạn đặt ra một mục tiêu làm việc mà không thể chinh phục hoặc kết quả của công việc đó không như ý muốn.
© Freepik.com
Những thất bại trong công việc đến từ các nguyên nhân thường thấy sau đây:
- Kinh nghiệm làm việc hạn chế hơn so với trách nhiệm công việc phải đảm nhận
- Mục tiêu đặt ra quá cao (không thực tế) để có thể hoàn thành
- Không lắng nghe lời khuyên từ những bên liên quan
- Không sắp xếp và sử dụng thời gian, nguồn lực hiệu quả
- Thiếu may mắn
Thất bại trong công việc cũng mang lại những hậu quả được chia thành nhiều mức độ. Tuy vậy, những điều này cũng mang lại nhiều bài học quý giá.
Đọc thêm: Nỗi Sợ Thất Bại Hay Người Trẻ Đang Sợ Cô Đơn
Vì sao cần có “tinh thần thép” để đối mặt với thất bại?
Thất bại sẽ khiến bạn bỏ cuộc
Bất kể ai khi làm một việc đều đặt nhiều kỳ vọng và vẽ ra những viễn cảnh thành công. Tuy nhiên khi vào việc, những gì thực tế mang lại có thể khiến bạn thất vọng, thậm chí là thất bại.
Nếu không kiểm soát được cảm xúc, duy trì suy nghĩ tích cực và tin vào bản thân, bạn sẽ bị thất bại kéo xuống theo và không muốn tiếp tục làm việc.
Đọc thêm: Duy Trì Suy Nghĩ Tích Cực Nơi Công Sở: Dễ hay Khó?
Bạn sẽ bỏ lỡ những bài học quý giá
Người ta vẫn thường nói: No Pain, No Gain (Không có đau đớn thì cũng sẽ không đạt được lợi ích). Nếu bạn không mạo hiểm bất cứ điều gì, sẽ không có bài học nào được rút ra và không có sai lầm nào được sửa chữa.
© Freepik.com
Bằng cách này, thất bại gần như là cần thiết để thành công. Bất cứ ai đã từng đạt được thành công đều học được điều đó.
Họ học cách nhìn nhận sai lầm của mình dưới một góc nhìn khác, chấp nhận thất bại và bước qua. Khi nhìn lại, thất bại đó chính là một bài học vô giá.
Đây là cách duy nhất để thành công
Khi lý trí bạn mách bảo bạn chấp nhận thất bại, bạn sẽ nhẹ nhõm hơn để đối mặt với nó.
Không có con đường hoa hồng nào trong công việc cả, vậy nên đừng nản chí. Đôi khi, thất bại không có nghĩa là bạn đang đi sai hướng. Hãy nỗ lực, chờ đợi, vượt qua khó khăn vì biết đâu, bạn đang đi đúng hướng rồi đấy.
Thất bại khiến những thành tựu trở nên đáng tự hào hơn
Những thứ tự dưng đạt được hay không cần nỗ lực mà có sẽ rất dễ khiến bạn không hài lòng và cảm thấy nhàm chán.
Càng khó khăn, tiêu tốn nhiều tâm sức và trải qua đôi lần thất bại, bạn sẽ càng quý trọng và tự hào những thành tựu của mình hơn.
Đọc thêm: Vượt Qua Nỗi Sợ Thất Bại Như Thế Nào?
Làm thế nào để đối mặt với thất bại trong công việc?
Đối xử tốt với bản thân
Sau mỗi một thất bại, điều nhiều người hay làm nhất có lẽ là tự oán trách hay dằn vặt bản thân. Tuy nhiên, đây lại là điều mà bạn không nên làm nhất. Bản thân và tâm hồn bạn xứng đáng được chữa lành thay vì những lời than trách.
Bạn hãy cho phép mình được nghỉ ngơi đủ lâu, xem một video truyền cảm hứng và vực dậy tinh thần để đi qua thất bại.
Cho phép bản thân được buồn
Điều quan trọng là phải thừa nhận cảm xúc của bạn. Khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn, hãy cho phép bản thân cảm thấy buồn bã và thất vọng trong thời gian ngắn.
© Freepik.com
Nếu bạn cố gắng dập tắt những cảm giác này bên dưới một sự can đảm giả tạo, chúng sẽ chỉ bùng phát lớn hơn và mạnh mẽ hơn vào một ngày khác.
Tuy nhiên, buồn bã hay thất vọng không đồng nghĩa với việc than trách và mất niềm tin vào bản thân. Bạn có thể buồn, nhưng đừng khiến nỗi buồn đó trở thành những suy nghĩ cực đoan về chính bản thân mình.
Đọc thêm: Làm gì khi chán nản công việc hiện tại?
Nhận thức được rằng không ai không thất bại
Không ai có một cuộc sống hoàn hảo và luôn thành công, ngay cả khi là một tỷ phú, siêu sao hay vĩ nhân nào đó. Thất bại là việc tất yếu xảy ra không chỉ trong công việc mà còn ở nhiều khía cạnh đời sống khác.
Đôi khi để đến được với thành công, bạn không còn cách nào khác ngoài việc phải trải qua những thất bại.
Điểm khác biệt giữa một người thành công và phần còn lại không phải là vì họ trải qua ít thất bại hơn, mà là ở cách họ đối mặt với thất bại của chính mình.
Tự an ủi với kết quả của thất bại
Thay vì nhìn vào những điểm chưa tốt, hãy hướng sự tập trung sang những thành công nhỏ bé hoặc những điều bạn đã đạt được trong công việc ấy.
Có thể kết quả cuối cùng chưa thể đạt được 100%, nhưng chắc chắn bạn cũng đã hoàn thành được nó tới một mức độ nào đó. Và giờ bạn chỉ cần làm lại từ những bước đã có sai sót xảy ra mà thôi.
Chúng có thể giúp bạn tiết kiệm kha khá thời gian nếu bắt đầu thực hiện lại công việc dang dở.
Đọc thêm: Tips lấy lại tinh thần làm việc
Đi tìm nguyên nhân
Bước quan trọng bạn cần làm để đối mặt với thất bại chính là tìm hiểu lý do đằng sau sự thất bại đó.
© Freepik.com
Khi gặp thất bại, phản ứng tự nhiên của chúng ta thường là đổ lỗi và đánh giá bản thân. Tuy nhiên, khi bạn phân tích tình huống để hiểu điều gì đã xảy ra, cảm xúc tiêu cực về bản thân sẽ giảm đi rất nhiều, và sự chú ý của bạn sẽ được chuyển sang hành động cụ thể dẫn đến thất bại. Đây cũng là cách để khiến cho tâm trạng của bạn thoải mái hơn.
Đọc thêm: Cách xử lý khi phạm sai lầm trong công việc
Hãy phân tích tình huống ở góc độ của người ngoài cuộc để dễ dàng nhìn nhận tình hình một cách khách quan hơn. Hiểu được lý do tại sao bạn thất bại là bước rất quan trọng để bạn đối mặt với thất bại và vực dậy chính mình.
Rút ra bài học
Luôn có một bài học được tìm thấy trong thất bại, và đối mặt với thất bại chính là rút ra được bài học đó.
Thất bại giống như một cơ chế phản hồi. Nó cho chúng ta biết rằng có điều gì đó về cách tiếp cận hoặc chiến lược của chúng ta không hoạt động hiệu quả. Bằng cách tìm ra những gì mà sự thất bại đang cố gắng nói với bạn, bạn có thể biến nó thành một cơ hội học hỏi.
© Freepik.com
Bất kể như thế nào, đừng ngại nhìn lại toàn bộ quá trình một lần nữa và xem xét từng quyết định của bạn. Hãy đánh giá lại kế hoạch, sự chuẩn bị và việc thực hiện của bạn.
Khi bạn đã xác định được những gì không hiệu quả, bạn có thể bắt đầu thay thế chúng bằng những quyết định tốt hơn. Bạn cũng sẽ có thể tiếp cận công việc với một tư duy khác, điều có thể sẽ mang lại thành công cho bạn ở lần tiếp theo này.
Chia sẻ và tìm lời khuyên từ bạn bè, đồng nghiệp
Khi phải đối mặt với thất bại, hầu hết chúng ta đều thu mình lại với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, không có lý do gì để bạn phải giữ thất bại đó cho riêng mình. Trò chuyện với người mà bạn tin tưởng cho phép bạn giải tỏa và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực.
Một lợi ích khác của việc chia sẻ là bạn có thể nhận được sự hỗ trợ từ người khác. Những người ngoài sẽ dễ dàng nhìn nhận thất bại của bạn một cách khách quan mà không bị cảm xúc chen lấn.
Do đó, họ có thể phát hiện ra điều gì đó mà bạn có thể đã bỏ sót hoặc làm sai dẫn đến thất bại, sau đó cho bạn những lời khuyên hữu ích để thay đổi tình hình.
Đọc thêm: Tránh mất niềm tin vào con người khi thất bại
Tiếp tục với những công việc khác
Đối mặt với thất bại khiến bạn mất đi động lực. Bạn sẽ cảm thấy không tự tin để bắt tay vào một điều gì đó mới. Bạn sợ phải trải qua một thất bại đau lòng khác. Tuy nhiên, đây không phải là lúc để dừng lại.
© Freepik.com
Hãy chống lại sự cám dỗ của việc trì hoãn để không bị cuốn vào tình trạng tê liệt. Với bài học được rút ra từ thất bại, hãy đưa ra kế hoạch tốt nhất có thể cho những công việc đang chờ đợi bạn phía trước và bắt đầu hành động để thực hiện chúng.
Đọc thêm: Bước ra khỏi vùng an toàn cũng là một cách đổi mới cuộc sống
Bài học đến từ các vĩ nhân đã từng thất bại
Bill Gates
Bill Gates hiện là một trong những cá nhân giàu có nhất thế giới, nhưng tất nhiên hành trình để thành công của ông cũng không hề dễ dàng và bằng phẳng.
Gates bước vào lĩnh vực kinh doanh với một công ty tên là Traf-O-Data, nhằm xử lý và phân tích dữ liệu từ các băng lưu lượng truy cập.
Ông đã cố gắng bán ý tưởng cùng với đối tác kinh doanh của mình, nhưng thật đáng tiếc rằng sản phẩm đó gần như không hoạt động. Đó có thể xem là một thảm họa với sự nghiệp của Gates vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, thất bại này đã không thể kìm hãm ông tiếp tục khám phá những cơ hội mới. Vài năm sau, ông đã tạo ra sản phẩm Microsoft đầu tiên của mình và mở ra một sự nghiệp huy hoàng như chúng ta đã biết.
Walt Disney
Bạn có biết, một trong những thiên tài sáng tạo bậc nhất của thế kỷ 20 đã từng bị sa thải khỏi một tờ báo vì bị cho là thiếu sáng tạo?
Vậy nhưng, với sự cố gắng kiên trì, Disney đã thành lập công ty hoạt hình đầu tiên của mình có tên là Laugh-O-Gram Films. Ông đã đổ vào 15,000 đô la cho công ty nhưng cuối cùng bị phá sản.
Tuyệt vọng và hết tiền, Disney tìm đường đến Hollywood và thậm chí phải đối mặt với nhiều chỉ trích và thất bại hơn nữa.
Cho đến khi một vài bộ phim kinh điển đầu tay của ông được ra mắt, tên tuổi của ông và sự phổ biến của những thước phim bắt đầu tăng lên chóng mặt.
Steve Jobs
Steve Jobs là một doanh nhân ấn tượng với những sáng tạo đột phá. Jobs tìm thấy thành công ở độ tuổi 20 khi Apple trở thành một đế chế khổng lồ. Thế nhưng, sau 10 năm gắn bó, ban giám đốc Apple quyết định sa thải ông.
Không nản lòng trước thất bại, Jobs đã thành lập một công ty mới tên NeXT, công ty cuối cùng đã được Apple mua lại.
Khi trở lại với Apple, Jobs đã chứng minh năng lực vĩ đại của mình bằng cách tái tạo lại hình ảnh của công ty và đưa thương hiệu Apple lên một tầm cao mới.
Milton Hershey
Mọi người đều biết đến thương hiệu socola của Hershey, nhưng xuất phát điểm của Milton Hershey như thế nào thì lại được ít người biết tới.
Sau khi bị sa thải khi đang học nghề tại một xưởng in, Hershey bắt đầu ba dự án kinh doanh riêng biệt liên quan đến kẹo, và buộc phải chứng kiến tất cả đều thất bại.
Trong một nỗ lực cuối cùng, Hershey đã thành lập Công ty Lancaster Caramel và bắt đầu thấy được những kết quả to lớn.
Tin tưởng vào tầm nhìn của mình về socola sữa cho đại chúng, cuối cùng ông đã thành lập Công ty Hershey và trở thành một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất trong ngành này.
Bạn thấy đấy, thất bại không phải là tận thế. Việc tiếp tục tiến lên cũng sẽ giúp bạn nhanh chóng quên đi nỗi buồn của sự thất bại. Điều quan trọng là bạn phải luôn duy trì nguồn năng lượng và những suy nghĩ tích cực để có thể đối mặt với thất bại một cách mạnh mẽ nhất.
Bài viết có hữu ích đối với bạn?
Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn
Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!
Tác Giả
Thao Nguyen
An experienced Content Marketer, creativity lover and digital marketing enthusiast!
See author’s posts