Kỹ năng sống ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển toàn diện của bé trong các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi. Do đó, các bậc phụ huynh hiện nay luôn chú trọng và dành nhiều sự quan tâm đến khía cạnh này. Để hiểu rõ hơn về các phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi. Hãy theo dõi ngay bài biết sau.
1. Vì Sao Nên Dạy Kỹ Năng Sống Cho Trẻ 5 Tuổi?
Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi đang phát triển và hình thành những nhân cách, thích tìm tòi, khám phá về cuộc sống xung quanh. Đặc biệt, 5 tuổi là giai đoạn bé chuyển từ mẫu giáo lên lớp 1, nên nhận thức và trách nhiệm của bé 5 tuổi về bản thân mình và xã hội sẽ được nâng cao hơn nữa. Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho các bé ngay lúc này là điều vô cùng cần thiết.
Dạy trẻ mầm non kỹ năng sống giúp bé tránh được sự lôi kéo bởi những hành vi tiêu cực, bạo lực, lối sống ích kỷ, thực dụng. Tăng khả năng phòng vệ khi không có bố mẹ bên cạnh. Hình thành cho bé con đường phát triển đúng đắn về mặt nhân cách. Dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi sẽ rèn luyện cho các em hành vi có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, và Tổ Quốc, sống tích cực, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè, xã hội…
>> Xem thêm: Wonder Week là gì?
2. Phương Pháp Dạy Kỹ Năng Sống Cho Trẻ 5 Tuổi
Trước khi vào lớp 1, bố mẹ nên trang bị cho bé những kỹ năng sống đơn giản, thực tiễn và dễ áp dụng. Dưới đây là một số cách dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi đơn giản bố mẹ có thể tham khảo:
2.1. Dạy trẻ khi ở nhà một mình
Một trong những điều quan trọng khi dạy trẻ 5 tuổi kỹ năng sống là dạy trẻ những kỹ năng cần thiết khi ở nhà một mình. Không phải lúc nào bố mẹ cũng ở nhà với bé, sẽ có những lúc bé phải ở nhà một mình. Do đó, dạy trẻ khi ở nhà một mình giúp trẻ nhận biết được những mối nguy hại và cách ứng biến kịp thời.
- Dạy trẻ kỹ năng sử dụng các dụng dụng thiết yếu: Đồ dùng, cách lấy nước, bật quạt, lấy đồ ăn ở tủ lạnh.
- Luôn nhắc nhở bé khoá cửa cẩn thận, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
- Dạy con cách sử dụng những vật dụng phòng khi mất điện như: đèn pin, đèn dự phòng,..
- Nhắc nhở bé phải tránh xa các vật dụng nguy hiểm như: dao, kéo, bật lửa, bếp ga, ổ điện.
- Dạy bé kỹ năng cảnh giác với người lạ: Tuyệt đối không tiếp khách, không mở cửa cho bất cứ ai, không ra khỏi nhà. Khi có đối tượng lạ tấn công, cần la hét thật to để gọi hàng xóm trợ giúp.
2.2. Dạy trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ
Dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi, bố mẹ nên liệt kê các số điện thoại liên lạc của người thân mà bé có thể liên lạc khi cần giúp đỡ. Sau đó giúp trẻ ghi nhớ chúng. Ngoài việc giúp bé ghi nhớ số điện thoại bố mẹ, bạn có thể dán danh sách ấy đến những nơi dễ nhìn thấy trong nhà.
2.3. Dạy trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp
Phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non sẽ giúp trẻ rèn luyện được khả năng nói, cách dùng từ, gia tăng vốn từ vựng khi giao tiếp. Từ đó trẻ có thể bày tỏ ý kiến, cảm xúc của mình một cách hiệu quả hơn. Một số phương pháp bố mẹ có thể dạy bé phát triển ngôn ngữ và giao tiếp là:
- Dạy trẻ tập nói tập nghe bằng cách cho trẻ xem các bộ phim hoạt hình, chương trình thiếu nhi. Sau đó, bố mẹ dạy trẻ những đặc tính của sự vật, hiện tượng và hỏi cảm nhận của bé về những chương trình đó. Bố mẹ nên nói chuyện cùng bé nhiều hơn, bắt đầu với những chủ đề đơn giản, sau đó giúp bé khai thác tiếp những khía cạnh khác của vấn đề bằng cách đặt những câu hỏi với mức độ phức tạp hơn.
- Để giúp bé gia tăng vốn từ vựng và khả năng lắng nghe, bạn nên thường xuyên đọc sách và kể chuyện cho trẻ. Thông qua những câu chuyện, bé sẽ biết được thêm nhiều từ vựng và cách dùng từ sao cho đúng với ngữ cảnh. Bạn có thể thách thức bé nhớ lại câu chuyện và kể theo cách diễn đạt của mình.
- Cho trẻ tham gia các hoạt động nghệ thuật như: vẽ tranh, tô màu. Thông qua việc vẽ tranh và kể chuyện, trẻ rèn luyện được khả năng phác hoạ, sắp xếp từ, biết cách lên ý tưởng và biểu đạt được những suy nghĩ của mình.
- Đưa bé đến những địa điểm vui chơi giải trí vào cuối tuần như: sở thú, công viên, địa điểm cắm trại, khu vui chơi trong nhà,..Nhằm giúp bé quan sát các sự vật, hiện tượng, phát triển toàn diện khả năng tiếp nhận thông tin qua thính giác, thị giác và xúc giác.
Tham khảo thêm: Cuối tuần cho bé đi chơi ở đâu TP.HCM
2.4. Dạy trẻ tập ăn uống
Dạy kỹ năng cho trẻ 5 tuổi có thói quen ăn uống lành mạnh không phải là việc dễ thực hiện. Đầu tiên bố mẹ cần tập cho trẻ thói quen tự ăn: trước khi ăn phải rửa tay thật sạch, trong khi ăn mẹ nên dạy bé ngồi ngay ngắn vào bàn, tự xúc ăn, giúp bé rèn luyện được tính tự lập. Sau khi ăn, mẹ nên nhờ trẻ hỗ trợ dọn dẹp, ít nhất là tự dọn phần ăn của bé, hướng dẫn trẻ rửa tay sau khi ăn. Hỏi cảm nhận của bé về bữa ăn và khen ngợi khi bé ăn giỏi.
2.5. Dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi phát triển tư duy
Theo các tiến sĩ về tâm lý học cho rằng, bé bắt đầu phát triển tư duy mạnh mẽ nhất trong độ tuổi 5-6 tuổi. Do đó, đây là cơ hội tốt nhất cho bố mẹ dạy bé phát triển kỹ năng về mặt tư duy. Mẹ cho thể rèn luyện tư duy bằng cách cho con chơi những trò chơi rèn trí thông minh. Tạo cho con có cơ hội tìm tòi, sáng tạo, thú vị như: ghép hình, lắp ráp mô hình, chơi rubik, chơi cờ, giải ô chữ, câu đố.
Quan trọng nhất, bé trong độ tuổi này đang tò mò về mọi thứ xung quanh. Bé có vô vàn những thắc mắc cần bố mẹ giải đáp. Bố mẹ nên lắng nghe ý kiến và tâm sự với con nhiều hơn, kiên nhẫn giải thích cho con hiểu đúng, sai.
Ngoài ra, nên dạy trẻ tư duy tự lập từ sớm, không phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ từ những chuyện đơn giản nhất. Không phải lúc nào cũng giữ con khư khư bên cạnh, bao bọc và che chở con quá mức. Điều này sẽ tạo cho bé tính ỷ lại và phụ thuộc vào người khác sau này.
2.6. Dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi khi bị lạc
Trẻ nhỏ rất dễ bị lạc, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi. Vì bản tính năng động và hay tò mò nên dễ bị lạc khi đi cùng người thân. Dó đó, phụ huynh nên dạy bé những điều này khi đi lạc:
- Giữ bình tĩnh và tìm cách giải quyết: Bố mẹ cần giải thích cho bé tình trạng đi lạc sẽ không quá nguy hiểm nếu biết liên lạc với bố mẹ hoặc những người thân. Bên cạnh đó, khi trẻ đi lạc, bạn nên dạy trẻ tìm đến những người lớn có trách nhiệm như: bảo vệ, quản lý khu vực để nhờ trợ giúp. Hoặc có thể mượn điện thoại của những người xung quanh để gọi cho bố mẹ.
- Dạy trẻ ghi nhớ các thông tin quan trọng như địa chỉ nhà, số điện thoại bố mẹ hoặc những địa chỉ ở khu vực dễ tìm. Bạn có thể viết ra giấy hoặc chuẩn bị cho trẻ một chiếc thẻ nhỏ chứa những thông tin này để bé mang theo khi ra ngoài.
3. Lưu Ý Khi Dạy Kỹ Năng Sống Cho Trẻ 5 Tuổi
– Ngoài các phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi ở trên, bố mẹ có thể tìm hiểu và lựa chọn thêm những phương pháp và cách thức phù hợp với khả năng và tính cách của bé. Những kỹ năng sống không chỉ có ở nhà trường, thầy cô mà còn nằm trong chính gia đình minh.
– Trong quá trình dạy bé, bố mẹ nên là tấm gương sáng trong cách sống và ứng xử để bé tin tưởng và dễ dàng noi theo. Thường xuyên lắng nghe và an ủi con khi con gặp khó khăn, trở ngại.
– Vì con còn nhỏ nên việc tiếp thu kiến thức còn hạn chế và chưa nhanh nhạy, do đó bố mẹ nên kiên nhẫn và bình tĩnh nhất có thể.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ 5 tuổi giúp bé phát triển toàn diện về tinh thần lẫn thể chất ngay từ khi còn nhỏ. Chilux hi vọng bài viết trên đã mang lại những thông tin bổ ích cho bố mẹ trong quá trình tìm kiếm phương pháp nuôi dạy con hiệu quả.
5
/
5
(
5
bình chọn
)