Đổ Mồ Hôi Trộm: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn Đoán & Điều Trị

Đổ mồ hôi trộm là gì?

Đổ mồ hôi trộm là tình trạng vào ban đêm trong khi ngủ bị ra nhiều mồ hôi dù thời tiết không nóng hoặc không mặc nhiều quần áo. Mồ hôi ra nhiều đến mức làm ướt quần áo, ga giường. Đổ mổ hôi trộm vào ban đêm khiến nhiều người mất ngủ, đang ngủ cũng phải thức giấc.

Vị trí ra mồ hôi nhiều nhất là vùng lưng, trán, háng, nách, lòng bàn tay, bàn chân. Các vị trí này có nhiều tuyến mồ hôi hoạt động.

Mồ hôi trộm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng tỷ lệ đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ hiều hơn người lớn. Tần suất trẻ bị đổ mồ hôi trộm nhiều nhất ở độ tuổi từ 3 – 6 tháng tuổi. Mồ hôi trộm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh và4 còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nên cần được điều trị sớm.

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ em

Bất kể thời tiết nóng hay lạnh, mặc nhiều hay ít quần áo trẻ bị bệnh đổ mồ hôi trộm vẫn ra rất nhiều mồ hôi khi ngủ vào ban đêm. Điều này dễ khiến trẻ thấy khó ngủ hoặc ngủ không yên giấc, hay giật mình và thức giấc, thậm chí mồ hôi thấm ngược lại cơ thể gây viêm phổi, viêm phế quản.

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ được chia ra thành 2 loại:

Đổ mồ hôi trộm sinh lý: vì hệ thần kinh đại não của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, trẻ nhỏ đang trong thời kỳ tăng trưởng phát triển, sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ diễn ra mạnh hơn người lớn, nếu lại tăng thêm một chút hưng phấn và kích thích thì sẽ ra mồ hôi trộm để tỏa nhiệt trong cơ thể. Đây cũng là sự điều chỉnh giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn hằng định. Mồ hôi trộm sinh lý thường không gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.

Đổ mồ hôi trộm do bệnh lý: Đổ mồ hôi trộm vào ban đêm có thể là dấu hiệu cảnh báo bé đang mắc một số bệnh nào đó như bệnh còi xương, lao sơ nhiễm.

Ngoài đổ mồ hôi trộm, trẻ còn có những dấu hiệu khác của bệnh còi xương như thóp chậm liền, xương đầu to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng. Với bệnh lao sơ nhiễm, trẻ sẽ có biểu hiện như ho kéo dài, ăn uống kém, chụp Xquang phổi thấy tổn thương lao sơ nhiễm.

Trẻ đổ mồ hôi nhiều khi ngủ

Trẻ đổ mồ hôi trộm có thể do sinh lý hoặc bệnh lý.

Nguyên nhân đổ mồ hôi trộm

Đổ mồ hôi trộm có thể do những nguyên nhân dưới đây gây nên:

  • Trẻ nhỏ bị thiếu vitamin D, canxi.
  • Mãn kinh: Phụ nữ giai đoạn này có thể gặp phải tình trạng đổ mồ hôi trộm.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc tâm thần.
  • Lạm dụng heroin.
  • Sử dụng đồ uống chứa cồn.
  • Hạ đường huyết.
  • Ung thư giai đoạn sớm.
  • Nhiễm trùng, nhất là bệnh lao, viêm tủy xương, áp xe, viêm nội tâm mạc.
  • Lo lắng, stress kéo dài.
  • Rối loạn nội tiết: cường giáp, hội chứng cận u, u tủy thượng thận.
  • Bệnh lý thần kinh tự động.
  • Rối loạn tự miễn.
  • Bệnh rỗng tủy sống.
  • Xơ hóa tủy xương.

Trong những nguyên nhân trên, có cả nguyên nhân chủ quan, cũng có cả nguyên nhân bệnh lý. Vì thế, người bệnh nên đi khám để nắm được nguyên nhân gây nên tình trạng đổ mồ hôi trộm. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.

Triệu chứng của bệnh đổ mồ hôi trộm

Đổ mồ hôi nhiều là triệu chứng đầu tiên và cũng là điển hình nhất của bệnh đổ mồ hôi trộm. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một vài triệu chứng đi kèm dưới đây:

  • Run, ớn lạnh, sốt.
  • Ho
  • Tiêu chảy.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Nóng bừng vào ban ngày.
  • Nữ giới bị khô âm đạo.
  • Đau khu trú.

Chẩn đoán bệnh đổ mồ hôi trộm

Để chẩn đoán xác định chứng đổ mồ hôi trộm, bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử và khám lâm sàng. Ngoài ra, cần thực hiện thêm một số phương pháp cận lâm sàng. Mục đích của việc làm này là để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
  • Đo nồng độ TSH (hormone kích thích tuyến giáp).
  • Đo chỉ số ESR (tốc độ máu lắng).
  • Chụp X quang ngực.
  • Theo dõi nhật ký nhiệt độ ban đêm của người bệnh.

Điều trị đổ mồ hôi trộm

Việc điều trị đổ mồ hôi trộm phải tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là do sinh lý hay bệnh lý. Nếu nguyên nhân gây bệnh do môi trường sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa hợp lý thì cần điều chỉnh lại.

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng, bệnh lý thì cần đi khám và nghe theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ. Không nên tự mua thuốc về uống vì có thể không chữa được bệnh mà còn gây tác dụng phụ nguy hiểm khác.

Đối với trẻ nhỏ, nếu bé bị đổ mồ hôi trộm thì nên bổ sung thêm vitamin D và canxi cho trẻ, khi ngủ không cho bé mặc quá nhiều quần áo, quấn nhiều khăn. Phòng ngủ của trẻ nên thoáng mát, sạch sẽ. Đặc biệt, cho bé ăn nhiều trái cây, rau quả và hạn chế đồ ăn cay, nóng, nhiều mỡ.

Biện pháp đẩy lùi mồ hôi trộm

Ăn mặc thoải mái khi ngủ hạn chế bị đổ mồ hôi trộm.

Ăn mặc thoải mái khi ngủ hạn chế bị đổ mồ hôi trộm.

Trẻ nhỏ hay người lớn đều có thể bị đổ mồ hôi trộm. Vì thế để giúp phòng ngừa tình trạng này xảy ra, cả 2 đối tượng cần thực hiện đúng một số biện pháp sau:

Kiểm soát nhiệt độ phòng: Đảm bảo rằng nhiệt độ phòng luôn mát mẻ. Bỏ chăn và khăn không cần thiết khỏi cũi để đảm bảo có một giấc ngủ thoải mái và an toàn.

Giữ cho cơ thể đủ nước: Uống nước đủ nước mỗi ngày, nhất là trước khi ngủ 2 tiếng điều này sẽ giúp bù đắp cho việc mất nước xảy ra do đổ mồ hôi.

Mặc quần áo phù hợp, thoải mái: Khi đi ngủ hãy mặc quần áo thoáng khí và nhẹ nhàng nhất. Điều này sẽ giữ cho nhiệt độ cơ thể được kiểm soát và giảm hiện tượng đổ mồ hôi ban đêm.

Dinh dưỡng hợp lý: Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng góp phần cải thiện tình trạng đổ mồ hôi trộm. Hạn chế rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có cồn.

Nên nhiều loại rau quả có tính mát như rau má, cải ngọt, bí đỏ, thanh long, quýt, cam. Không ăn quá nhiều thức ăn có tính nóng. Ví dụ như dầu mỡ, thịt bò, tôm, cua, cá biển. Các thức ăn này nhiều năng lượng, sinh nhiệt nhiều trong quá trình chuyển hóa. Từ đó khiến cơ thể dễ ra nhiều mồ hôi. Ngoài ra còn có thể gây ngứa hoặc thậm chí nổi mụn ngoài da.

Trong trường hợp đã áp dụng những biện pháp này nhưng vẫn không hiệu quả có lẽ bạn hoặc bé yêu của bạn đang bị mồ hôi trộm bệnh lý. Lúc này cần đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và tìm ra biện pháp điều trị phù hợp.

Rate this post

Viết một bình luận