Nơi chế biến các món thịt heo ngon nhất, đứng đầu về thể thao trong nhà hay nghệ thuật chữ viết đỉnh cao là những danh hiệu thế giới dành cho Trung Quốc được đánh giá khó có thể bị soán ngôi bởi nước khác.
Không chỉ là quốc gia giàu có bậc nhất thế giới về lịch sử, Trung Quốc còn được mệnh danh quán quân trong rất nhiều lĩnh vực khác, bao gồm từ văn hóa, thể thao tới cả kinh tế. Ghé thăm đất nước này, nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi những thành tích dưới đây.
Thịt heo
Thịt kho Tàu là món ăn có nguồn gốc Trung Quốc và làm mê mẩn rất nhiều thực khách. Ảnh: Sổ tay nấu ăn
Ngoài việc được xem như “công trường” chăn nuôi và sản xuất thịt heo, các món ăn chế biến từ nguyên liệu này tại Trung Quốc cũng thuộc hàng ngon nhất thế giới. Đây là yếu tố giúp quốc gia dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu thịt heo.
Theo Hiệp hội Các trang trại nuôi heo Hoa Kỳ, bằng chứng về sự ra đời của loài heo rừng xuất hiện sớm nhất tại Trung Quốc, khoảng 4.900 năm trước Công nguyên. Thậm chí, chữ “nhà” trong tiếng Trung Quốc lúc bấy giờ còn là hình tượng một con heo với mái nhà trên đầu nó.
Hai món heo nổi tiếng, được đánh giá ngon nhất ở quốc gia này là thịt kho Tàu và xá xíu. Trong đó, thịt kho Tàu thường cắt thành những miếng vuông vức, có nạc và mỡ, thơm ngậy còn xá xíu lại là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị mặn và barbecue.
Chữ viết
Chữ viết Trung Quốc được xem là một nghệ thuật hay bộ môn thú vị và ngày nay còn là khoản đầu tư giá trị. Cùng với nền văn hóa giàu truyền thống tới hàng nghìn năm, Trung Quốc tạo nên các tác phẩm nghệ thuật thông qua những bậc thầy chữ viết.
Nếu mang đấu giá, mỗi bức có thể thu về hàng triệu đôla. Chẳng hạn tác phẩm mang tên “Gong Fu Tie” do nhà thơ nổi tiếng Su Shi thực hiện chỉ có 9 chữ đấu giá tại nhà Sotheby ở New York vào tháng 9/2013 được trả tới 8,2 triệu USD.
Các môn thể thao trong nhà
Không mấy nổi tiếng về bóng đá, Trung Quốc vẫn ghi dấu ấn thể thao khắp thế giới thông qua những môn như thể hình, bóng bàn, cầu lông và lặn. Từ khi tham gia Thế vận hội Olympics hiện đại vào năm 1984, nước này nhanh chóng leo lên top mọi bảng xếp hạng, huy chương.
Đỉnh điểm của tinh thần thể thao phải kể đến năm 2008, khi Trung Quốc dẫn đầu bảng với 51 huy chương vàng tại Thế vận hội Olympics mùa hè. Môn cạnh tranh nhất ở nước này là cầu lông và tennis.
Khách sạn và các tòa cao ốc
Sự gia tăng thần tốc của giới trung lưu cùng nhu cầu về du lịch nội địa kéo theo bước tăng trưởng trong lĩnh vực khách sạn ở Trung Quốc. Hàng loạt công trình xây dựng mọc lên nhanh chóng và được CNN ước tính cứ hai ngày là có một khách sạn mới ra đời.
Trà
Văn hóa trà là nét văn hóa điển hình trong đời sống thường ngày của người Trung Quốc và còn giúp quốc gia này thu hàng ngàn đôla mỗi năm nhờ xuất khẩu. Ảnh: Chinadaily.
Nếu phương Tây có rượu vang làm món uống điển hình, châu Á lại được biết đến với các loại trà tuyệt ngon.Thức uống đơn giản làm từ lá trà ngâm trong nước nóng có nguồn gốc Trung Quốc được đánh giá cao bởi hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Trong đời sống ngày nay, văn hóa trà trở thành nét không thể thiếu và còn giúp nước này thu về hàng triệu đôla mỗi năm nhờ xuất khẩu.
Các kỷ lục thế giới
Ngọn núi cao nhất thế giới thuộc về Everest với 8.848 m, tồn tại trên hai lãnh thổ Trung Quốc và Nepal nhưng mới chỉ là sản phẩm của tự nhiên. Về công trình nhân tạo, nước này còn xây đường tàu hỏa trên không cao nhất thế giới (hơn 5.000 m) có tên Tanggula Pass trên ngọn núi Tanggula, đi qua đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng.
Ngoài ra, sân bay Daocheng Yading ở tỉnh Tứ Xuyên cũng được ghi nhận là phi trường cao nhất thế giới với 4.411 m so với mực nước biển. Tuy vậy, sân bay này vẫn có khả năng bị soán ngôi khi phi trường khác có tên Nagqu Dagring được xây dựng tại Tây Tạng vào năm nay với độ cao 4.436 m (xem chi tiết về sân bay cao nhất thế giới tại đây).
Bánh bao hấp
Cũng giống chữ viết, bánh bao ở Trung Quốc được coi như một loại hình nghệ thuật và bạn có thể tìm mua ở bất cứ đâu khi du lịch đến đây với đa dạng chủng loại. Các món phổ biến nhất thường là bánh bao hấp, nhưng cũng có thể là chiên hoặc làm dimsum, há cảo. Trong ngày Tết, các gia đình Trung Quốc thường cùng nhau làm và thưởng thức bánh bao với hi vọng đón chào một năm mới thịnh vượng (xem thêm về những biến tấu của bánh bao tại đây).
Lễ khai mạc Olympic hoành tráng
Nhiều năm kể từ lễ khai mạc Thế vận hội Olympic năm 2008 tại Bắc Kinh diễn ra, cả thế giới vẫn bàn tán khi đề cập về vấn đề này. Dưới bàn tay dàn dựng công phu từ một đạo diễn phim, lễ khai mạc được xem như dấu ấn nổi bật nhất thế giới của Trung Quốc vì đã khuấy động lòng yêu nước, thu hút cảm hứng của du khách nước ngoài giữa bối cảnh căng thẳng chính trị và những vấn đề nhân quyền.
Kỹ thuật sao chép
Đến Trung Quốc, bạn có thể dễ dàng tìm mua mọi sản phẩm được sao chép công phu, tỉ mỉ không kém gì bản gốc của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Apple, Channel, Gucci… với giá vô cùng phải chăng. Những mặt hàng này cũng gồm đủ thứ hạng, từ cao cấp đến rẻ tiền. Thậm chí các công trình nổi tiếng thế giới như tháp Eiffel ở Pháp, làng cổ Hallstatt ở Áo cũng có phiên bản ở đây.
Trần Hằng (theo CNN)