Sắt rất cần thiết đối với phụ nữ đang mang thai, tuy nhiên việc sử dụng thuốc sắt cho bà bầu có thể gặp một số tác dụng phụ như táo bón, kích thích tiêu hóa,… Các tác dụng phụ này đa số không ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc sắt, mẹ bầu nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt điều độ cũng như tránh căng thẳng, stress.
1. Sắt quan trọng thế nào đối với bà bầu?
Sắt rất cần thiết để tạo hemoglobin (hemoglobin là thành phần quan trọng của máu). Đây cũng là một khoáng chất cần được bổ sung đầy đủ trong thời gian mang thai. Nếu không bổ sung sắt cho bà bầu đầy đủ thì thai nhi sẽ sử dụng sắt trong máu của người mẹ để hình thành và lớn lên. Do đó, người mẹ sẽ bị thiếu sắt khi mang thai. Bên cạnh đó, người mẹ cũng rất cần bổ sung sắt để có đủ sức khỏe sinh sản và chăm sóc con sau này.
Trong thai kỳ, thể tích máu của người mẹ tăng 50%, nhưng không phải lúc nào sắt cũng được cơ thể hấp thu tốt, vì vậy trong quá trình mang thai, người mẹ thường bị thiếu máu do thiếu sắt.
Tình trạng thiếu sắt khi mang thai sẽ gây ra các triệu chứng như mệt mỏi và quá trình vận chuyển oxy cho mẹ bầu và em bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu thiếu sắt. Bên cạnh đó, sắt còn hỗ trợ giúp mẹ bầu ăn ngon miệng, từ đó cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho thai nhi. Ngoài ra, thiếu sắt khi mang thai còn làm tăng các nguy cơ như:
- Khiến mẹ bầu có cảm giác chán ăn, khó ngủ, người mệt mỏi và đặc biệt là sức đề kháng của mẹ bị suy giảm dẫn đến nhiễm trùng.
- Trẻ có nguy cơ cao bị thiếu máu khi sinh ra.
- Thiếu sắt khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng hoặc băng huyết sau sinh, suy nhược cơ thể…
- Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai hoặc sinh non tháng, nhẹ cân
- Ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như trí não của trẻ sau này.
Vì vậy, khi mang thai, cần bổ sung sắt cho bà bầu bằng thuốc và dinh dưỡng hàng ngày để tránh nguy cơ thiếu sắt.
2. Các tác dụng phụ của thuốc sắt cho bà bầu
Sắt rất cần thiết đối với phụ nữ đang mang thai, tuy nhiên việc sử dụng thuốc sắt cho bà bầu có thể gặp một số tác dụng phụ. Các tác dụng phụ của thuốc sắt cho bà bầu gồm:
- Táo bón: Táo bón là tác dụng phụ của thuốc sắt phổ biến nhất trong quá trình mang thai. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, tập thể dục thường xuyên. Nếu tình trạng táo bón diễn ra dai dẳng, có dấu hiệu nặng hơn thì mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để khám.
- Kích thích tiêu hóa: Một trong những tác dụng phụ của thuốc sắt cho bà bầu là kích thích tiêu hóa. Mẹ bầu có thể bị đau bụng hoặc co thắt bụng khi dùng viên sắt. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu nên bắt đầu uống viên sắt cùng với bữa ăn để giảm thiểu các triệu chứng trên.
- Buồn nôn và nôn: Thuốc sắt có thể khiến cho tình trạng ốm nghén trở nên nặng hơn. Vì vậy, nên uống viên sắt cùng với bữa ăn thay vì uống khi đói để giảm nhẹ các triệu chứng. Nếu triệu chứng nôn và buồn nôn nghiêm trọng hơn và kèm theo sốt thì mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để khám chuyên khoa.
- Phân và nước tiểu sẫm màu: Có một số mẹ bầu khi uống thuốc sắt thấy tính chất phân thay đổi, phân sẫm màu hơn, có thể là phân xanh hoặc phân đen kèm theo nước tiểu sẫm màu. Tác dụng phụ này là bình thường và sẽ hết khi bạn ngừng uống thuốc sắt, vì vậy mẹ bầu không nên quá lo lắng.
Các tác dụng phụ của thuốc sắt cho bà bầu hầu hết đều không ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, để hạn chế các tác dụng phụ trên, mẹ bầu nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt điều độ cũng như tránh căng thẳng, stress.
3. Bổ sung sắt cho bà bầu thế nào để hợp lý?
Theo khuyến cáo, trước khi có kế hoạch mang thai, một người phụ nữ cần bổ sung sắt tối thiểu 15mg/ngày. Tuy nhiên quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ cần một lượng sắt lớn hơn. Nếu cung cấp sắt không đủ, mẹ bầu sẽ bị thiếu máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé.
Khi lần đầu tiên phát hiện có thai, mẹ bầu nên sử dụng viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt mỗi ngày và đồng thời cũng nên sử dụng các thực phẩm có chứa sắt.
Ngoài các tác dụng phụ của thuốc sắt như trên, viên thuốc sắt có ưu điểm là dễ uống, không gây buồn nôn nhưng hấp thu kém hơn so với loại sắt nước và gây nóng trong nhiều hơn. Do vậy, khi bổ sung thêm viên thuốc sắt, mẹ bầu cần quan tâm một số lưu ý như sau:
- Mẹ bầu nên uống viên sắt lúc bụng đói. Sắt dễ hấp thu với các loại nước giàu vitamin C, vì vậy uống sắt kèm với vitamin C thì sẽ tăng cường hấp thụ được hết sắt.
- Nên uống sắt sau khi ăn 1-2 giờ để cơ thể được hấp thụ sắt một cách tốt nhất.
- Bà bầu không nên uống thuốc sắt cùng thời điểm với thuốc bổ sung canxi hay thực phẩm giàu canxi, sữa vì canxi có thể cản trở khả năng hấp thụ của sắt.
- Khi uống viên sắt, mẹ bầu nên nhớ cần uống nhiều nước và ăn những thực phẩm giàu chất xơ để phòng tác dụng phụ là ngừa táo bón.
- Nước để uống viên sắt chỉ nên dùng nước đun sôi để nguội, tránh sử dụng trà hay cà phê vì sẽ làm giảm sự hấp thụ của viên sắt.
- Không nên bổ sung sắt cho bà bầu bị mẫn cảm với sắt II sulfat hoặc trường hợp cơ thể thừa sắt.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc bổ sung sắt, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý sử dụng. Bên cạnh đó, khi sử dụng viên sắt mẹ bầu cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh bổ sung sắt quá liều lượng có thể gây ra nguy cơ xơ gan, bệnh cơ tim, đái tháo đường.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!