Triết lý nhân sinh trong tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh

Triết lý nhân sinh trong tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh

Kế thừa truyền thống khoan dung tôn giáo của dân tộc, Hồ Chí Minh đã phát triển, nâng tầm thành tư tưởng khoan dung tôn giáo mang bản chất nhân văn của người cộng sản. Đây chính là một trong những yếu tố góp phần hình thành triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh. Và chính triết lý nhân sinh ấy đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc trong tư tưởng của Người về khoan dung tôn giáo; từ đó góp phần tập hợp, đoàn kết đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp cách mạng.

bh phat giao
Bác Hồ với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 03/01/1957

Triết lý được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, có triết lý nhân sinh, triết lý về vũ trụ, triết lý kinh tế, triết lý đạo đức, triết lý lịch sử…

Theo Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, triết lý nhân sinh được hiểu như sau: Nhân sinh là cuộc sống của con người ta. Nhân sinh quan là lập trường của một người trong việc nhận xét mọi mặt của cuộc sống, nhân sinh quan tức là quan niệm về sự sống con người(1).

Hồ Chí Minh chưa từng viết riêng một tác phẩm, chưa có một bài phát biểu nào trình bày về triết lý nhân sinh của mình. Nhưng, triết lý nhân sinh đó đã được thể hiện sinh động trong cuộc đời đấu tranh cách mạng không mệt mỏi và từ cuộc sống đời thường của Người. Triết lý nhân sinh đó là sự kết tinh cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Giáo sư Trần Văn Giàu nhận xét: “Cho phép tôi hiểu rằng tầm cỡ của một hiền triết chưa chắc chắn ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới là thực tại hay là ảo ảnh, khả tri hay bất khả tri, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ, mà chung quy là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trên quả đất này và chắc chắn còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó…”(2).

Như vậy, triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh chính là những quan niệm, quan điểm chung của Người trong việc xem xét mọi mặt của cuộc sống, là những quan niệm của Người về cuộc sống, là tâm tư tình cảm, ước mơ, khát vọng, lý tưởng sống của Người.

Tư tưởng khoan dung có từ rất sớm trong lịch sử nhân loại cả ở phương Đông và phương Tây. Nhưng phải đến năm 1995, “Năm quốc tế khoan dung” Liên hợp quốc mới đưa ra được định nghĩa chính thức về sự khoan dung: “Khoan dung là tôn trọng, thừa nhận và đánh giá tính phong phú và đa dạng của các nền văn hóa trong thế giới chúng ta. Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Nó không chỉ là một nghĩa vụ thuộc lĩnh vực đạo đức mà còn là một sự cần thiết về chính trị và pháp lý”(3). Trong Tuyên ngôn của Ủy ban UNESCO Việt Nam nêu rõ: “Khoan dung là một hình thức tự do, tự do về thiên hướng, về pháp lý. Một con người khoan dung là người làm chủ về tư tưởng và hành động của mình, khoan dung là một thái độ ứng xử tích cực, không hàm nghĩa ban ơn hay hạ mình chiếu cố đối với những người khác. Khoan dung là thừa nhận và chấp nhận sự khác biệt. Đó là học cách nghe, cách thông tin và cách hiểu người khác. Khoan dung là tôn trọng sự đa dạng của nền văn hóa, là sự cởi mở đối với các tư tưởng triết lý khác mình, là sự ham học hỏi, tìm hiểu những bổ ích để làm giàu cho bản thân, không bác bỏ những gì mà mình chưa biết. Khoan dung là tôn trọng quyền tự do của người khác. Khoan dung là thừa nhận không có một nền văn hóa, một quốc gia nào độc tôn về tri thức và chân lý”(4). Như vậy, về bản chất, khoan dung chính là thái độ tôn trọng, cách nhìn rộng lượng đối với những khác biệt giữa các quốc gia, dân tộc (về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, các quan điểm chính trị, triết học đạt đến chiều sâu,…). Nói cách khác, khoan dung là thái độ hài hòa trong khác biệt để cùng nhau tồn tại và phát triển trong hòa bình.

Trên tinh thần tiếp thu, kế thừa truyền thống khoan dung của dân tộc Việt Nam, với tư duy độc lập và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã xây dựng, thực thi và nâng cao văn hóa khoan dung lên một trình độ mới – khoan dung cộng sản chủ nghĩa; nhấn mạnh, đề cao các giá trị tích cực của tôn giáo trong đời sống xã hội. Vì thế, khoan dung tôn giáo đã trở thành giá trị chuẩn mực nhân văn, đạo đức của người cộng sản trong quan hệ ứng xử với đồng bào và chức sắc tôn giáo. Trong tư tưởng về khoan dung tôn giáo của Người cũng chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc, với quan niệm, tôn giáo là vấn đề con người và vì con người. Và cũng chính triết lý nhân sinh ấy đã tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc trong tư tưởng của Người về khoan dung tôn giáo.

Triết lý nhân sinh trong tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh được thể hiện trong những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, triết lý nhân sinh thể hiện ở sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người. Theo Hồ Chí Minh, tôn trọng tự do tín ngưỡng tức là tôn trọng nhân dân, tôn trọng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, tôn trọng sự tự do, dân chủ trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hồ Chí Minh không gò ép hay bắt buộc mọi người phải theo một hệ tư tưởng nào đó, ai cũng có quyền tự do nghiên cứu một chủ nghĩa nào mà mình tin tưởng. Ngày 12-7-1946, trả lời phỏng vấn các nhà báo ở Roaya Mông Xô, Người nêu rõ: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi nghiên cứu chủ nghĩa Mác”(5). Cho nên cũng có thể nói, quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người đó cũng chính là quyền con người được tự do về tư tưởng.

Đối với Hồ Chí Minh, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là tôn trọng một trong những quyền cơ bản của con người, tôn trọng giá trị làm người, chứ không phải đơn thuần là vấn đề chính trị, mang tính chất tình thế. Nó thể hiện cái nhìn rộng lượng đối với những quan điểm khác biệt, ở sự tôn trọng niềm tin của người khác, không áp đặt ý kiến của mình lên người khác, rất xa lạ với mọi thái độ kỳ thị, cuồng tín, giáo điều. Ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong đó chính là triết lý nhân sinh, tầm nhìn và tư tưởng khoan dung, nhân văn sâu sắc của Người đối với tôn giáo. Điều này được nhà sử học Xanhtơni (người không cùng quan điểm với Hồ Chí Minh) khẳng định: “Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi có các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu đối với tôn giáo nào bất kỳ”(6).

Thứ hai, Hồ Chí Minh đánh giá rất cao những người sáng lập ra các tôn giáo, các học thuyết chính trị – xã hội cũng như các giá trị tích cực của các học thuyết đó. Người nói:

“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.

Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.

Chủ nghĩa C.Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng.

Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.

Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(7).

Hồ Chí Minh luôn tôn trọng những người sáng lập ra các tôn giáo, đánh giá cao những giá trị trong giáo lý của các tôn giáo. Tôn trọng giáo chủ chính là tôn trọng những người theo tôn giáo, tôn trọng giáo lý của các tôn giáo chính là tôn trọng đức tin của họ. Triết lý nhân sinh trong tư tưởng khoan dung tôn giáo của Người đã thể hiện sự hài hòa, chung sống, cùng tồn tại. Mỗi chúng ta có thể có xuất thân, quan điểm, đức tin khác nhau, nhưng quan trọng là phải biết tôn trọng sự khác biệt, thích nghi và cùng tồn tại. Muốn vậy, chúng ta phải tìm ra những mẫu số chung cho sự tồn tại đó. Hồ Chí Minh là người nhận thức sâu sắc nhất mẫu số chung đó, vì thế, trong mỗi tôn giáo, Người đều chỉ ra được những ưu điểm, không chỉ có giá trị với bản thân đức tin của tôn giáo đó, mà lớn hơn cả là đối với cả sự tiến bộ của xã hội loài người. Người viết: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”(8). Tư tưởng nhân đạo của Giêsu, tư tưởng từ bi hỉ xả, bình đẳng của Phật Thích Ca, tư tưởng “hòa mục xã hội” của Khổng Tử đã gặp gỡ với mục tiêu lý tưởng của CNXH mà chúng ta đang xây dựng. Như vậy, ẩn chứa trong tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh đó chính triết lý nhân sinh sâu sắc. Theo Người, mặt tích cực của các tôn giáo là đều hướng tới các giá trị cơ bản của con người, giá trị làm người.

Hồ Chí Minh đã đề cao sự tương đồng về mục đích giữa tôn giáo và CNXH. Người nói: “Mục đích Chính phủ ta đeo đuổi là chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song, để đạt tới hạnh phúc đó cho mọi người thì cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu đức Chúa Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi theo con đường cứu khổ loài người”(9).

Triết lý nhân sinh Hồ Chí Minh là triết lý hướng đến mọi con người trong xã hội với những giá trị phổ quát chứ không phải là vì một vài cá nhân hay nhóm người nhất định. Vì vậy, không chỉ tôn trọng các vị giáo chủ, giáo sĩ mà Hồ Chí Minh còn rất quan tâm sâu sắc đến đời sống của đồng bào tín đồ. Người nhắc nhở và chỉ đạo cán bộ ở các cơ sở phải hết sức quan tâm đến đời sống mọi mặt của đồng bào, từ ăn ở đến học hành tiến bộ của họ: Giáo dân không thể chịu đói, chịu rét để đi lễ nhà thờ, do vậy, phải chăm lo cho họ “phần xác” no ấm, “phần hồn” vui vẻ.

Từ việc tiếp cận tôn giáo trên bình diện văn hóa, đạo đức, với triết lý nhân sinh: Coi tôn giáo là vấn đề con người và vì con người; đề cao, khai thác các giá trị đạo đức của tôn giáo, Hồ Chí Minh đã thu hút, tập hợp được nhiều giáo sĩ, nhà tu hành và đông đảo giáo dân tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước. Đây là cách giải quyết vấn đề tôn giáo trong điều kiện mới rất đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của dân tộc, với tâm lý, tình cảm của con người Việt Nam.

Bên cạnh việc thừa nhận, tôn trọng và khai thác các giá trị về đạo đức, lý tưởng của tôn giáo, Hồ Chí Minh còn khẳng định tôn giáo là thành tố của văn hóa, là một bộ phận của văn hóa, có đóng góp rất lớn vào việc hình thành nhân cách và đời sống tinh thần của con người. Ngay từ đầu những năm 40 thế kỷ XX. Người đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”(10). Như vậy, tôn giáo là từ cuộc sống mà ra, do con người và vì con người; tôn giáo là một thành tố, một bộ phận của văn hóa, hiện hữu trong đời sống con người. Đây chính là quan điểm duy vật của Hồ Chí Minh nhưng lại không hề có sự mâu thuẫn với các tôn giáo. Bởi, ẩn chứa trong quan điểm đó chính là thái độ tôn trọng tôn giáo và một triết lý nhân sinh sâu sắc, thể hiện tính nhân văn trong tư tưởng và con người Hồ Chí Minh.

Kế thừa triết lý nhân sinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh về khoan dung tôn giáo, trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đặc biệt quan tâm phát huy những giá trị tích cực về văn hóa, đạo đức của các tôn giáo. Nghị quyết Đại hội XII đã khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”(11).

Thứ ba, ứng xử khoan dung, độ lượng với những người vi phạm chính sách tôn giáo. Triết lý nhân sinh trong tư tưởng khoan dung tôn giáo Hồ Chí Minh còn được thể hiện qua thái độ của Người đối với các linh mục, giáo dân lầm đường lạc lối, nghe theo sự dụ dỗ, cưỡng ép của kẻ thù. Người không những không bỏ rơi họ mà còn bày tỏ lòng đau xót về nỗi khổ của họ khi rời bỏ quê hương ra đi, chịu nhiều khổ ải, sẵn sàng mở lòng đón họ trở về. Người viết: “Số phận của những giáo hữu ấy khiến tôi rất đau lòng và chắc đồng bào cũng đủ sức đấu tranh đòi trở về quê cha đất tổ. Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại cho đồng bào rõ: Chính phủ ta thật thà tôn trọng tín ngưỡng tự do. Đối với những giáo hữu đã nhầm di cư vào Nam, Chính phủ đã ra lệnh cho địa phương giữ gìn cẩn thận ruộng vườn, tài sản của những đồng bào ấy và sẽ giao trả lại cho những người trở về”(12).

Hồ Chí Minh luôn có lòng tin ở con người, bởi lòng tin đó có cơ sở vững chắc từ triết lý nhân sinh thấm đượm tính nhân văn sâu sắc của Người. Vì thế, Người khẳng định: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài… Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta… Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”(13). Xuất phát từ niềm tin về bản chất thiện của con người, Hồ Chí Minh đã chủ trương, trong lúc cần tẩy trừ những kẻ bôi nhọ Thiên Chúa, làm tay sai cho đế quốc, phạm tội phản Chúa, phản quốc, hại dân thì cũng phải khoan hồng đối với đồng bào lầm đường lạc lối: “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước. Tuy có một số đồng bào lầm lạc, qua một thời gian, những người ấy dần dần giác ngộ và quay trở về với Tổ quốc”(14). Nhờ đó, đã thu hút được đông đảo đồng bào và chức sắc của các tôn giáo vào khối đại đoàn kết chung của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Triết lý nhân sinh trong tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh là di sản tư tưởng quý báu để Đảng và Nhà nước ta kế thừa, vận dụng vào thực hiện chính sách tôn giáo và đoàn kết dân tộc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 5-2017

(1) Xem Nguyễn Lân: Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.1317.

(2) Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn,  Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.287.

(3), (4) GS Song Thành: Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.142, 142-143.

(5), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.315, 280.

(6) Dẫn theo Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.73.

(7), (9) Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng(Xuất bản lần thứ hai, có bổ sung), Nxb Khoa học Xã hội, 1998, tr.185, 79.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.95.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.458.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.165.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.206.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.516.

 

TS Nguyễn Xuân Trung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồnhttp://lyluanchinhtri.vn

Đỗ Hoàng Long (st)

Rate this post

Viết một bình luận