Bé bị chân tay miệng có nên tắm nước lá không?
Bác sĩ cho em hỏi con em được 1 tuổi cháu bị tay chân miệng thì có phải kiêng ăn đồ tanh và tắm nước lá không ạ. Cám ơn bác sĩ.
Bác sĩ. Đinh Thị Thu Hương – Chuyên khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương:
Chào bạn.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71(EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng được phân độ lâm sàng độ 1, độ 2a, độ 2b, độ 3.
Nguyên tắc điều trị:
– Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ.
– Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng.
– Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.
Hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ 1 đều được theo dõi và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Cách ly trẻ đúng cách:
Để tránh lây lan, người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng.
Giữ vệ sinh cho trẻ:
Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày bằng xà phòng và nước sạch (không cần dùng nước lá). Quần áo, tã lót của trẻ nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2% hoặc luộc sôi trước khi giặt. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho trẻ.
Tuyệt đối tránh quan niệm sai lầm như:
Kiêng tắm, kiêng gió, châm chích cho mụn vỡ ra, đây chính là những nguyên nhân làm cho bệnh trẻ trầm trọng hơn và là con đường ngắn nhất của tình trạng bội nhiễm vi khuẩn rất nguy hiểm.
Dinh dưỡng cho trẻ bệnh tay chân miệng:
Trẻ bị tay chân miệng rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau đớn. Hơn nữa cơ thể sốt, đau họng…khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu và thường xuyên quấy khác nên dễ sụt cân. Vì vậy khi chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng cha mẹ nên lựa chọn thức ăn lỏng, dễ tiêu, mát nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn ngang qua vết loét. Tăng cường vitamin C cho bé thông qua rau xanh, nước hoa quả tươi mát, không cần thiết phải ăn kiêng bất kỳ cái gì.
Theo dõi các dấu hiệu nặng như:
Trẻ sốt cao trên 390C, giật mình liên tục, run chi, quấy khóc, bứt rứt, co giật thì người nhà đưa trẻ vào bệnh viện ngay.
Bạn thân mến. Mong rằng những thông tin đã cung cấp ở trên có thể giúp cho bạn phần nào cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng. Do đó bạn không cần tắm nước là và kiêng đồ tanh. Bạn có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế để tư vấn cụ thể và điều trị kịp thời và theo dõi sát.
Chúc bạn và cháu luôn khỏe.
Theo Suckhoedoisong