Top 5 món ngon Sài Gòn | món việt | Ăn gì? | Thành phố Hồ Chí Minh | Việt Nam

Ẩm thực Sài Gòn được ví như một nồi lẩu thập cẩm bởi đây là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều luồng văn hóa Đông – Tây, cổ xưa và hiện đại. Chính vì đa văn hóa như thế, Sài Gòn gần như không có một đặc điểm riêng gì cả. Ngay với phong cách ẩm thực cũng vậy, đặc sản Sài Gòn là đặc sản ở đâu đó được tụ họp lại, và rồi, qua thời gian, trở thành của riêng Sài Gòn. Nếu có dịp dừng chân tại mảnh đất trẻ trung và sầm uất này, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn đặc trưng nơi đây:

1. Ốc:

Ốc ĐàoNhắc đến Sài Gòn, món ăn đầu tiên phải kể đến là ốc. Bạn có thể tìm thấy các quán ốc ở bất cứ nơi nào, từ trung tâm thành phố đến vùng ngoại ô, từ mặt đường lớn đến hẻm sâu hun hút.

Có lẽ không nơi đâu các quán ốc, món ốc lại đa dạng và tuyệt vời như Sài Gòn. Dù kén chọn đến đâu, khi đến quán ốc bạn đều có thể tìm cho mình một món ăn phù hợp. Từ ốc móng tay, ốc hương, ốc mỡ, nghêu, sò lông, sò huyết, hàu… đến những hải sản hiếm như tu hài, ốc móng tay chúa, ốc vú nàng, ốc ngựa… đều xuất hiện trong thực đơn của các quán.

Ngoài hải sản, trong thực đơn của các quán ốc đều có một món ăn… chẳng liên quan nhưng lại cực kỳ đắt hàng: vịt lộn/cút lộn xào me. Vị chua chua ngọt ngọt của món ăn quyện với mùi thơm của rau răm có thể khiến thực khách ăn hoài không thấy ngán. Đó là lý do tại sao vịt lộn xào me lại hấp dẫn không thua gì các món ốc thơm ngọt.

Mách nhỏ: Dưới đây là một số quán ốc được nhiều thực khách đánh giá tốt về chất lượng món ăn cũng như phong cách phục vụ:
Ốc Đào: 132 Nguyễn Thái Học, quận 1
Ốc Thảo: Hẻm 237 Hoàng Diệu, quận 4
Ốc Oanh: 534 Vĩnh Khánh, quận 4
Giá trung bình: 30,000 – 60,000 đồng/đĩa (tùy loại)

Các quán ốc thường phục vụ từ khoảng 4-5 giờ chiều đến 10-11 giờ khuya.

2. Lẩu cá kèo:

Lẩu cá kèoLẩu cá kèo được xem là món ăn đặc trưng của người dân vùng đất Nam bộ. Cá kèo nấu lẩu phải còn sống mới tạo được vị ngọt cho nước dùng.

Nước lẩu còn nó nấm rơm, thơm sắt nhuyễn, sả, hành phi và lá giang. Khi nước sôi, bạn mở vung nồi đổ cá vào và đậy lại nhanh để cá không nhảy ra ngoài. Khi cá không còn quẫy nữa cũng là lúc bạn có thể thưởng thức món lẩu thơm ngon này.

Rau dùng kèm với lẩu gồm rau đắng, rau muống, bông kèo nèo, rau nhút, nấm đùi gà.

Tùy sở thích mà bạn có thể ăn lẩu cá kèo với bún hoặc bánh đa. Vị đắng gắt của rau đắng hòa với cái đắng của mật cá và vị ngọt từ thịt cá tạo nên đặc trưng của món lẩu cá kèo.

Mách nhỏ: Các quán lẩu cá kèo ngon ở Sài Gòn:
Lẩu cá kèo Bà Huyện

–    Chi nhánh 1: 87 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3.
–    Chi nhánh 2: 12 Sư Thiện Chiếu, quận 3.
–    Giờ mở cửa: 4 giờ chiều đến 11 giờ tối

Lẩu cá kèo Rau Đắng:

–    Địa chỉ: 4 Nguyễn Thị Diệu, quận 3

–    Giờ mở cửa: 3 giờ chiều đến 11 giờ tối
Giá trung bình: 100.000 – 200.000/nồi cho 2 người.

3. Cơm tấm:

Cơm TấmNgày xưa, cơm tấm được ví như món ăn “con nhà nghèo”, bởi người nấu tận dụng những hạt tấm còn sót lại. Dưới bàn tay điêu luyện của các đầu bếp, cơm tấm ngày nay đã trở thành đặc sản của miền Nam.

Cơm tấm là sự kết hợp hài hòa của hạt gạo nhỏ, rời, khô và các món ăn thông dụng như sườn nướng, sườn chiên, chả trứng, bì… Tùy khẩu vị mà thực khách thích từng loại cơm tấm khác nhau, nhưng hầu hết mọi người đều đánh giá cơm tấm ngon nhất khi dùng với sườn heo.

Phía trên đĩa cơm là một lớp mỡ hành để tạo độ béo đặc trưng và một ít đồ chua, gồm cà rốt và củ cải giúp tăng thêm vị chua ngọt, làm cho món cơm thêm đẹp mắt và đỡ nhàm chán.

Khi ăn, thực khách chan một chén nhỏ nước mắm pha đường và ớt vào đĩa. Tất cả hương vị hòa quyện với nhau khiến thực khách chỉ ăn một lần là nhớ mãi.

Mách nhỏ: Cơm tấm bán rất nhiều ở Sài Gòn và mở cửa phục vụ từ sáng đến tối, nhưng nếu muốn ăn cơm tấm đúng “chất” thì bạn nên ghé các quán sau đây:
Cơm tấm bụi Sài Gòn: 67 Nguyễn Hữu Cầu, quận 1
Cơm tấm Thuận Kiều:  54 Thuận Kiều, quận 11
Cơm tấm Tài: 1 Nguyễn An Ninh, quận Bình Thạnh
Cơm tấm Ba Ghiền: 84 Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận
Cơm tấm Cali: Chi nhánh 1: 32 Nguyễn Trãi, quận 1
Giá trung bình: 30,000 – 50,000/đĩa.

4. Hủ tiếu

hủ tíuẨm thực Sài Gòn mang trong nó một danh sách dài các loại hủ tiếu như hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Sóc Trăng, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Trung Hoa… nhưng phổ biến nhất là hủ tiếu Nam Vang.

Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia, nhưng được chế biến lại cho phù hợp với khẩu vị của người dân Việt Nam. Nguyên liệu chính của món ăn là hủ tiếu khô đem trụng sơ với nước, sau đó cho vào tô cùng với nước dùng và các nguyên liệu phụ gồm lòng heo, thịt bằm, tôm, tóp mỡ, hành phi, giá, hẹ, xì dầu…

Tùy cách nấu của từng quán mà nguyên liệu có thể khác nhau, nhưng nhất thiết phải có thịt bằm, lòng heo và xì dầu mới tạo nên vị đặc trưng của món ăn.

Mách nhỏ: Một số quán hủ tiếu ngon ở Sài Gòn:
Hủ tiếu Hồng Phát: 389 Võ Văn Tần, quận 3.
Hủ tiếu Tylum: 93 Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5.
Hủ tiếu Liến Húa: 312 An Dương Vương, quận 5.
Hủ tiếu Song Nguyên: 131 Bùi Hữu Nghĩa, quận 5
Giá trung bình: 40.000 – 50.000 đồng/tô

5. Bánh xèo

bánh xèoBánh xèo có xuất xứ từ vùng nông thôn Nam bộ. Cái tên “bánh xèo” được đặt là do khi bột được đổ vào chảo phát ra tiếng “xèo”, và người dân lấy âm thanh đó đặt tên cho loại bánh này. Khác với bánh xèo Huế hay bánh xèo Phan Thiết, bánh xèo Nam bộ to và nhiều nhân hơn. Bánh xèo được chế biến từ bột gạo, nhân bánh gồm củ sắn, tôm, thịt ba chỉ, giá đỗ, nấm mối. Một chiếc bánh xèo ngòn phải có lớp bột mỏng, vàng giòn, nhân bánh trải đều và được nhìn thấy rõ trên thân bánh đã gập đôi sau khi chiên.

Rau ăn kèm với bánh xèo vô cùng đa dạng, nào là quế nước, đọt sọp, đọt lụa, đinh lăng, xà lách… Nước chấm là một trong những điểm nhấn tạo nên vị ngon của món bánh xèo. Nước chấm được pha chế tùy theo khẩu vị, nhưng nhất thiết phải có củ cải, cà rốt, củ sắn cắt sợi. Vị chua ngọt của nước chấm quyện với vị béo ngậy của bánh xèo và sự thanh mát của các loại rau khiến thực khách khó mà cầm lòng được.

Mách nhỏ: Các quán bánh xèo nổi tiếng ở TPHCM:
Bánh xèo Mười Xiềm:

–    Địa chỉ: 204 Nguyễn Trãi, quận 1.
–    Giờ mở cửa: 10 giờ sáng – 10 giờ tối.
Bánh xèo Bà Hai:

–    Địa chỉ: 64 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận.
–    Giờ mở cửa: 10 giờ sáng – 10 giờ tối.

Bánh xèo Đinh Công Tráng:

–    Địa chỉ: 49A Đinh Công Tráng, quận 1.
–    Giờ mở cửa: 9 giờ sáng – 9 giờ tối

Bánh xèo Ăn là ghiền:

–    Địa chỉ: 778 – 780 Điện Biên Phủ, quận 10.
–    Giờ mở cửa: 9 giờ sáng – 10 giờ tối.
Giá trung bình: 43,000 – 110,000 đồng/cái (tùy loại)

Các bài tương tự:

Top 4 quán mì ramen tại Sài Gòn

Top 5 quán cafe đẹp ở Sài Gòn

Cà phê Sài Gòn

Top 4 quán trà sữa giải nhiệt cho mùa hà ở Sài Gòn

Rate this post

Viết một bình luận