Tiếng Việt được đánh giá là có sự phong phú và đa dạng nhất định, đặc biệt là hệ thống từ mượn. Vậy từ mượn là gì, cách dùng ra sao, tiếng Việt vay mượn từ những ngôn ngữ nào? Hãy cùng muahangdambao.com tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây các bạn nhé!
Từ mượn là gì?
Theo như định nghĩa về từ mượn lớp 6 thì từ mượn là những từ ngữ được vay mượn từ tiếng nước ngoài (ngôn ngữ cho) với mục đích là làm phong phú, đặc sắc thêm cho vốn từ vựng của ngôn ngữ nhận.
Hầu hết tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều sẽ có từ mượn bởi vì một ngôn ngữ vốn dĩ không thể có đủ vốn từ vựng để định nghĩa được cho tất cả các khái niệm và việc chuyển ngữ từ vựng từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập của một nền văn hóa.
Nguồn gốc của từ mượn là từ đâu?
Trong Tiếng Việt thì chúng ta thường vay mượn ngôn ngữ của rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới nhưng chủ yếu sẽ tập trung vào 4 quốc gia chính có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến nền văn hoá của nhiều khu vực. Đó chính là tiếng Hán (Trung Quốc), tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga,…
Nguyên tắc khi dùng từ mượn các ngôn ngữ khác
Để có thể bảo vệ được sự trong sáng của tiếng Việt khi mượn từ thì cũng cần có những nguyên tắc riêng. Đó là chúng ta không được sử dụng tùy tiện và lạm dụng các từ mượn này.
Nếu như bạn lạm dụng thường xuyên thì sẽ làm “tổn hại” đến ngôn ngữ Tiếng Việt, về lâu về dài khiến cho ngôn ngữ mẹ đẻ trở nên pha tạp không giữ được bản sắc riêng. Vì thế, bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ chính là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của mọi người dân ở mỗi quốc gia trên thế giới. Như vậy, khi muốn vay mượn từ chúng ta cần đảm bảo hai nguyên tắc như sau:
-
Tiếp thu được những nét đặc sắc cũng như tinh hoa văn hóa của dân tộc khác.
-
Vay mượn nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống dân tộc trên nền tảng từ mượn, tạo nên nét riêng.
Từ mượn tiếng Anh là gì?
Tiếng Anh hiện là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới vì vậy không có gì ngạc nhiên khi mà từ mượn trong tiếng Anh xuất hiện trong tiếng Việt với tần suất lớn và được dùng thường xuyên cả trong ngôn ngữ nói hàng ngày.
Từ mượn tiếng Hán là gì?
Trong hệ thống từ mượn tiếng Việt thì từ mượn Hán Việt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt vì chúng được sử dụng nhiều nhất. Với lịch sử hơn 1000 năm đô hộ cũng như có nhiều nét tương đồng trong văn hoá nên việc vay mượn từ là điều chắc chắn.
Theo thống kê, 60% số từ vựng tiếng Việt hiện nay đều được bắt nguồn từ tiếng Hán. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng đã được Việt hóa đáng kể sao cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt. Đó còn được gọi là cách đọc từ Hán-Việt. Cách đọc này đã được hoàn thiện từ thế kỷ X-XI và được sử dụng rộng rãi cho đến nay.
Từ mượn tiếng Pháp là gì?
Dưới thời Pháp thuộc, tiếng Pháp đã được đưa vào giảng dạy trong nhiều nhà trường và dần trở thành ngôn ngữ chính thức của nhà nước thuộc địa. Do vậy mà ngôn ngữ này đã xâm nhập vào tiếng Việt khá nhiều.
Một số bài tập và ví dụ từ mượn tiếng Hán, Pháp, Anh
-
Tiếng Hán
Ví dụ về từ mượn tiếng Hán: sính lễ, thính giả, độc giả, khán giả, nghệ sĩ, sứ giả, cầm, kỳ, thi, hoạ, thi sĩ, hạnh phúc, hoan hỉ, phẫn nộ, thịnh nộ, ái ân, ái mộ, đố kị, kinh hoàng, kinh hãi, hối hận, anh hùng, siêu nhân, băng hà, hôn nhân, khâm phục,…
Bài tập về từ mượn tiếng Hán: Tìm các từ Hán Việt xuất hiện trong truyện Con Rồng cháu Tiên.
Lời giải: Các từ Hán Việt có trong truyện truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên gồm có: Hồ tinh, Ngư tinh, Mộc tinh, khôi ngô, thủy cung, Mị nương, thần, tuyệt trần, cung điện.
-
Tiếng Pháp
Ví dụ từ mượn tiếng Pháp: Bière (bia), cacao (ca cao), café (cà phê), jambon (dăm bông), balcon (ban công), fromage (pho mát), ballot (ba lô), béton (bê tông), chou-rave (su hào), clé (cờ lê), chou-fleur (súp lơ), coffrage (cốt pha, cốp pha), compas (com pa), cravate (cà vạt, ca-ra-vát), cresson (cải xoong), crème (kem, cà rem), complet (com lê)…
Bài tập về từ mượn tiếng Pháp: Cho các từ: ốp-lết, gi-lê, may-ô, in-ter-net. Đâu không phải là từ mượn tiếng Pháp.
Lời giải: In-ter-net không phải là từ mượn tiếng Pháp mà là từ mượn tiếng Anh.
-
Tiếng Anh
Ví dụ từ mượn tiếng Anh: Vi-deo cờ-líp (video clip), ra – đa (radar), láp-tốp (laptop), in-tơ-nét (internet), ti vi (TV), mít-tinh (meeting), tắc-xi (taxi), vi-ô-lông (violin), vi-ta-min (vitamins), vắc-xin (vaccine.)
Bài tập về từ mượn tiếng Anh: Kể thêm một số từ mượn tiếng Anh thường dùng trong tiếng Việt?
Lời giải: Beefsteak (bít tết), sandwich (bánh san quích), yaourt (sữa chua), biscuit (bánh bích quy), salad (xa-lát).
Thông qua bài viết hữu ích này chắc hẳn các bạn đã có cái nhìn trực quan hơn về từ mượn là gì cùng hệ thống từ mượn trong tiếng Việt với ví dụ và bài tập cụ thể. Hy vọng điều này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình học tiếng Việt được trơn tru và dễ dàng hơn mà không cần đến từ điển từ mượn.