1. Khái niệm nhân cách
Ngày nay vấn đề nhân cách được nhiều khoa học quan tâm nghiên cứu. Trong quá trình phát triển của các khoa học, đặc biệt là các khoa học xã hội đòi hỏi phải nghiên cứu nhân cách.Trong xã hội mọi người có quan hệ lẫn nhau, con người là trung tâm của các mối quan hệ. Vì vậy, con người phải được thể hiện như là một nhân cách. Xây dựng con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải gắn liền với việc xây dựng nhân cách phát triển hài hòa. Đó là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp xây dựng con người đạo đức – trí tuệ trong điều kiện đổi mới hiện nay. “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.
Nghiên cứu nhân cách sẽ tạo điều kiện ảnh hưởng tới các khoa học có liên quan đến con người: Triết học, xã hội học, đạo đức học, kinh tế chính trị học, luật học, y học, giáo dục học, tâm lí học… Vì vậy nhân cách cũng là đối tượng nghiên cứu của các khoa học đó. Ví dụ trong quản lí kinh tế người ta chú ý đến nhân cách con người trong điều khiển kỹ thuật, điều khiển lao động, tập thể và người lãnh đạo tập thể lao động, không khí tâm lý trong tập thể. Sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ có kết quả chỉ khi nào hiểu qui luật phát triển của nhân cách của nó.
Chính do tầm quan trọng về mặt lí luận và thực tiễn của vấn đề nhân cách đòi hỏi chúng ta phải góp phần xây dựng khái niệm nhân cách và đặc biệt là nhân cách con người mới Việt Nam phát triển hài hòa.
Trước hết đề cập tới vấn đề thuật ngữ nhân cách. Cuối thế kỷ 19 ở phương Tây đã xuất hiện khuynh hướng nghiên cứu đời sống tâm lí con người một cách trọn vẹn. W. Stern đã viết tác phẩm “Bàn về tâm lý học khác biệt cá nhân” trong đó ông đưa ra khái niệm “person” để chỉ bất kỳ một thực thể nào có khả năng tự xác định và tự phát triển trong thế giới vô cơ lẫn thế giới hữu cơ. Theo ông toàn bộ thế giới là một cơ chế có thứ bậc của các person có thuộc tính “nhân cách”.
Trong từ điển Nga – Việt từ Litrnoxt có nghĩa là:
1 – Nhân cách, nhân phẩm, cá tính, con người, nhân vật.
2 – Cá nhân.
Trong từ điển tiếng Việt, từ nhân cách được hiểu là những phẩm chất của con người. Như vậy, về nội dung của thuật ngữ được sử dụng với tư cách là nhân cách không có sự thống nhất với nhau. Làm rõ khái niệm này sẽ góp phần xây dụng mô hình nhân cách con người mới phát triển hài hòa.
Hiện nay về mặt tâm lí học người ta chú ý đến việc giải quyết hệ thống các vấn đề sau đây về nhân cách: bản chất nhân cách, cấu trúc nhân cách, các yếu tố hình thành nhân cách, các cơ chế hình thành nhân cách, các phương pháp nghiên cứu nhân cách, vị trí của tâm lý học nhân cách trong hệ thống các khoa học khác.
Ở đây tôi chỉ đề cập tới vấn đề khái niệm nhân cách hay bản chất nhân cách. Trước hết điểm qua một số quan điểm về nhân cách.
1) Quan điểm cho bản chất nhân cách là thuộc tính sinh vật hay nói cách khác là sinh vật hóa bản chất nhân cách. Nhân cách được coi là bản năng tình dục (S. Freud), là đặc điểm của hình thể (Krestchmer), siêu đẳng, bù trừ (A.Adler), vô thức tập thể (Kaal Jung), là các kiểu hoạt động thần kinh cấp cao của người (một số nhà tâm lí học quá sùng bái học thuyết Pavlov). Thực chất của các quan điểm trên dù hình thức biểu hiện ở mỗi người có khác nhau nhưng đều sinh vật hóa bản chất nhân cách, đều mang quan điểm duy tâm siêu hình.
2) Bản chất nhân cách là nhân tính con người (trường phái nhân văn và đại diện là: C.Rogers, R.May, A.Maslow, G. Allport, Cư. Buhlerova, J. Bugental, A. Sutich, C Moustakas…). Những người ở trường phái này đều quan tâm đến giá trị tiềm năng bẩm sinh của con người, đến những đặc tính riêng của mỗi người, những kinh nghiệm của con người. A. Masloerv cho rằng tính xã hội nằm trong bản năng con người. Những nhu cầu như giao tiếp, tình yêu, lòng kính trọng đều có tính chất bản năng, đặc trưng cho giống người. Nhân cách là động cơ tự động điều hành (G. Allport), là nhu cầu (A. Murray), là tương tác xã hội (G.H Merd), là lo lắng (K. Horrej). Những quan điểm này đều đề cao tính chất tự nhiên sinh vật của con người, phủ nhận bản chất xã hội của nhân cách, do đó cũng rơi vào chủ nghĩa duy tâm.
3) Nhân cách được hiểu như là toàn bộ mối quan hệ xã hội của cá nhân (Lucien Seve, Zeigarnite, Ogorodnikov). Trong thực tế của đời sống một số người lấy quan hệ xã hội của cá nhân (gia đình, nhà trường, cơ quan công tác, nghề nghiệp, bạn bè) làm chuẩn để đánh giá nhân cách. Về thực chất của quan điểm này là xã hội hóa nhân cách một cách giản đơn.
4) Nhân cách được hiểu đồng nghĩa với khái niệm con người K.K.Platonov cho rằng nhân cách là con người có ý thức, nhân cách là con người có lý trí, có ngôn ngữ, lao động (Từ điển giáo dục, Đại bách khoa toàn thư Liên Xô). Loại quan điểm này nói về cái chung, cái đặc trưng nhất của con người mà không chú ý đến cái đặc thù cái riêng của nhân cách.
5) Nhân cách được hiểu như cá nhân con người với tư cách là chủ thể của mối quan hệ và hoạt động có ý thức. (A. G. Kovalev, I. X. Kon, Từ điển tâm lí học Liên Xô). Hiện nay quan điểm này được đa số các nhà tâm lí học xã hội chấp nhận coi nhân cách là cá nhân, là cá thể so với tập thể, nhân xã hội.
6) Nhân cách được hiểu như là các thuộc tính nào đó tạo nên bản chất nhân cách như các thuộc tính ổn định, các thuộc tính sinh vật hoặc thuộc tính xã hội. P. Bueva cho rằng nhân cách là con người với toàn bộ những phẩm chất xã hội của nó. Nhân cách là toàn bộ những đặc tính và những qui luật cá nhân (H. Hipso và M. Phorvec), là tổng số những đặc điểm cá nhân con người mà không người nào có (E. P. Hollander).
Là tâm thế (D.N.Uznadze), là thái độ (V.N. Miaxisev), là phương thức tồn tại của con người trong xã hội, trong điều kiện lịch sử cụ thể (L.I. Anxưpherova). Những quan điểm này chỉ chú ý đến các điểm chung nhất của nhân cách, hoặc chỉ chú ý đến các đơn nhất trong nhân cách. Đó cũng chưa thể hiện tính chất toàn diện trong định nghĩa nhân cách.
7) Nhân cách được hiểu như cấu trúc hệ thống tâm lí của cá nhân. Trong hàng chục năm lại đây nhiều nhà tâm lí học đều có xu hướng hiểu nhân cách như là cấu trúc, hệ thống tâm lí. (A.N.Leonchiev, K. Obuchowxki). Nhân cách là cấu tạo tâm lí mới được hình thành trong mối quan hệ sống của cá nhân do kết quả hoạt động cải tạo của con người đó (A.N.Leonchiev), với quan niệm bản chất nhân cách là một hệ thống tổ chức. K. Obuchowxki định nghĩa nhân cách như sau: “Nhân cách là sự tổ chức những thuộc tính tâm lí của con người có tính chất điều kiện lịch sử xã hội, ý nghĩa của nó cho phép giải thích và dự đoán hành độ cơ bản của con người”. Mặc dù có những điểm khác nhau về cấu trúc nhân cách (thành phần cấu trúc, sự phối hợp, các thành phần đó, thứ bậc của thành phần, v.v…) nhưng nói chung có nhược điểm là quy nhân cách về tâm lý học, là biểu hiện “thứ chủ nghĩa duy vật y học” trong quan niệm nhân cách mà Lucien Seve đã phê phán.
Từ bảy quan niệm nhân cách trên chúng ta thấy rằng cho đến nay vẫn chưa có một trường phái nào giải quyết một cách thỏa đáng toàn diện vấn đề bản chất nhân cách ngay cả Liên Xô. Tình hình đó cũng thể hiện rất rõ ở Việt Nam.
Ở Việt Nam tuy rằng chưa có một định nghĩa nhân cách nào một cách chính thống, song cách hiểu của người Việt Nam về nhân cách có thể theo các mặt sau đây:
1. Nhân cách được hiểu là con người có đức và tài hay là tính cách và năng lực, hoặc là con người có các phẩm chất: đức, trí, thể, mỹ, lao (lao động).
2. Nhân cách được hiểu như các phẩm chất và năng lực của con người.
3. Nhân cách được hiểu như các phẩm chất của con người mới: làm chủ, yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần lao động.
4. Nhân cách được hiểu như một đạo đức, giá trị làm người của con người.
Như vậy, khái niệm nhân cách thường gắn liền với khái niệm con người (ít nói đến cá nhân). Những phẩm chất nhân cách đó là những phẩm chất đòi hỏi ở mỗi người phải có. Như vậy, để có một khái niệm nhân cách toàn diện cần phải xuất phát từ những quan điểm của chủ nghĩa Mác về bản chất xã hội của con người “Bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội, hay “bản chất nhân cách là “tính xã hội của nó”, và những ý kiến của Lênin “nghiên cứu những nhân cách có thực” tạo ra trong mối quan hệ giữa những con người với nhau trong hoạt động của mình”.
Ở Việt Nam ngoài việc căn cứ vào những quan điểm rất cơ bản của Mac và Lênin cần căn cứ vào những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đạo đức cách mạng”, về “tư cách” con người và những văn kiện của Đảng ta về con người mới “làm chủ”, “lao động”, “tình thương”, “lẽ phải” và quan niệm truyền thống của Việt Nam: “Chết trong còn hơn sống đục”, (lẽ sống của con người), “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” (Nhân cách được cách thể hóa trong ý nghĩ và tình cảm của người khác và của cộng đồng); “Con dại cái mang” (quan hệ của thế hệ hiện tại với tương lai), “ăn quả nhớ người trồng cây” (quan hệ nhân cách hiện tại đối với quá khứ, thế hệ trước).
Muốn tìm hiểu khái niệm nhân cách, trước hết về mặt logic cần làm rõ khái niệm con người. Bởi vì không thể đồng nhất khái niệm con người với khái niệm nhân cách.
Về con người K. Marx viết “Con người là tồn tại tự nhiên trực tiếp. Với tư cách của tồn tại tự nhiên, sau đó là tồn tại tự nhiên sống, về mặt nào con người được phú cho sức mạnh tự nhiên, sức mạnh sống là tồn tại tự nhiên hoạt động, những sức mạnh này tồn tại dưới dạng năng khiếu và năng lực, dưới dạng mong muốn”.
Phát triển tư tưởng này của K.Marx. V.I.Lênin viết: “… Khái niệm (= con người) là nguyện vọng thực hiện mình, thông qua bản thân làm cho mình tự khách thể hóa trong thế giới khách thể và thực hiện cho mình”.
Như vậy, cả K.Marx và V.I Lênin đều coi con người là một tồn tại tự nhiên, có tính chất thể chất, một tồn tại sống hiện thực, có tư duy và có ngôn ngữ. Con người là một tồn tại giống loài, nhưng ở mức độ cao nhất của sự phát triển giống loài. Con người vừa là thực thể tự nhiên vừa là thực thể xã hội – Tính chất xã hội là cơ bản của con người. Cuộc sống xã hội và lao động làm xuất hiện ý thức con người. Như vậy điều kiện bản chất của loài người là lao động, tư duy, ngôn ngữ. Điều này chỉ có được trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người. Trên cơ sở chung của các đặc điểm năng lực giống loài, nhu cầu những động cơ, hứng thú được hình thành phụ thuộc vào điều kiện xã hội cụ thể của cuộc sống cá nhân. Như vậy, tồn tại con người với tư cách là năng lực tự nhiên là tiềm năng cho việc phát triển cá nhân và nhân cách. Điều kiện của việc chuyển tiềm năng bản chất giống loài người thành thuộc tính hiện tại của nhân cách là một quá trình (nắm vững). Trước mắt thế hệ mới đã được bày ra sẵn sàng của một nền khoa học, văn hóa, kinh nghiệm sản xuất và những quan hệ xã hội. Nói như K. Marx đó là “tính hiện thực con người”. Mỗi nhân cách xuất phát từ mức độ của “tính hiện thực con người” này mà xác định mức độ nhu cầu, nguyện vọng, thể hiện sự phát triển của mình. Mỗi cá nhân biến tiềm năng giống loài, tiềm năng của mối quan hệ xã hội thành nhân cách thông qua hoạt động, học tập, giáo dục trong điều kiện lịch sử cụ thể của đời sống cá nhân. Vì vậy, khái niệm nhân cách khác với khái niệm con người. Song cũng không nên quá cường điệu về sự khác nhau giữa chúng. Khái niệm con người và khái niệm nhân cách đều mang tính chất xã hội, song chỉ khác nhau về mức độ xã hội mà thôi.
Để hiểu khái niệm nhân cách cần tìm hiểu những tư tưởng của Hồ Chí Minh về “Đạo đức cách mạng” và những văn kiện của Đảng ta về con người mới. Nhân cách của người Việt Nam được phát triển ở một mức độ cao của một giai đoạn lịch sử không thể tách rời sự rèn luyện và giáo dục của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là những gợi ý rất cần thiết để thiết lập một quan niệm về nhân cách phù hợp với người Việt Nam.
Trong quá trình giáo dục và rèn luyện cán bộ cách mạng và giáo dục nhân dân Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói đến “đạo đức cách mạng” và đạo đức đó được áp dụng vào từng cá nhân cụ thể, từng cương vị cụ thể được coi là tư cách. Trong cuốn “Đường Kách mệnh”, viết từ năm 1925 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới tư cách người cách mạng. Sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu ra tư cách người đảng viên, tư cách người công an vũ trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có đạo đức cách mạng, phải có tư cách, có nghĩa là nhân cách. Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có nhân cách, trong đó bao gồm thành phần các thuộc tính bên trong cá nhân như cách nói của Người “Đối với tự mình”. Thành phần thứ hai bao gồm mối quan hệ của cá nhân đối với người khác, đối với tập thể, đối với xã hội, như cách nói của Bác Hồ “Đối với người”. Thành phần thứ ba là mối quan hệ của cá nhân với công việc. Thành phần này thể hiện hiệu quả tác động của nhân cách đối với thế giới bên ngoài. Cả thành phần thứ hai và thứ ba tồn tại bên ngoài cá nhân. Đó là mặt quan hệ xã hội của cá nhân. Tư tưởng này thể hiện rất rõ trong cuốn “Đường Kách mệnh” và những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên, công an. Hồ Chí Minh yêu cầu “đối với tự mình” tức là những phẩm chất bên trong cá nhân là phải có tri thức: luôn luôn nhận xét, nghiên cứu, học hỏi, có tình cảm cách mạng, vì tập thể, có ý chí cách mạng: cả quyết, nhẫn nại, phải có nhu cầu phù hợp; ít lòng ham muốn vật chất, phải có lập trường: giữ chủ nghĩa cho vững, phải có lí tưởng vì lí tưởng mà hi sinh; phải có những nét tính cách tốt đẹp: cẩn thận, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không hiếu danh, kiêu ngạo. Về mặt tâm lí học, những phẩm chất mà Bác Hồ nêu ra có thể ở thành phần đầu tiên có thể coi như những quá trình tâm lí: nhận thức, tình cảm, ý chí và những thuộc tính của nhân cách như: tính cách, xu hướng… Thành phần hệ thống thứ hai trong đạo đức và tư cách, với tư cách nhân cách là “đối với người” (cá nhân quan hệ với cá nhân khác, với tập thể bên ngoài là phải đem lòng chí công vô tư đối với người, các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. Đặc biệt đối với từng người cần phải khoan thứ, giúp đỡ, trung thực; đối với đoàn thể thì phải nghiêm (chấp hành nghiêm chỉnh những nghị quyết của đoàn thể); đối với Đảng và Chính phủ phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép.
Thành phần hệ thống thứ ba thể hiện trong mối quan hệ của cá nhân đối với công việc; ham làm những công việc ích quốc lợi dân (động cơ hoạt động vì xã hội), phải có năng lực để thực hiện nhiệm vụ đó; phải có ý chí quyết tâm để thực hiện: khó mấy cũng phải làm; phải có những nét tính cách cần thiết; tận tụy, siêng năng. Ba thành phần của cấu trúc hệ thống nhân cách trên có quan hệ chặt chẽ tạo thành một chỉnh thể nhân cách trọn vẹn. Đó chính là phẩm chất con người trong cải cách giáo dục của Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu là con người làm chủ, mà trước đây Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến. Nhân cách được hiểu tới tư cách chủ thể của mối quan hệ xã hội và hoạt động và là người làm chủ tự nhiên, xã hội và làm chủ bản thân. Quan niệm này thể hiện được cơ chế của việc hình thành nhân cách. Con người muốn trở thành nhân cách phải biến những năng lực tiềm năng thành những năng lực hiện thực thông qua cơ chế làm chủ. Đó chính là quá trình tổ chức những điều kiện lịch sử xã hội của các thuộc tính tâm lý của con người để giải thích và cải tạo hiện thực, để có thể làm chủ được các mối quan hệ hiện thực. Nhờ có hoạt động sáng tạo, nắm vững những kinh nghiệm của xã hội loài người, tham gia vào các hoạt động sống của xã hội, mà những phẩm chất làm chủ của con người được hình thành. Đó cũng chính là quá trình hình thành nhân cách. Nhân cách được phát triển đó là kết quả của quá trình bản thân vươn tới làm chủ.
Trước hết là quá trình tự chủ bản thân. Muốn tự chủ bản thân trước hết phải coi bản thân là đối tượng của nhận thức của mình, ngay cả của tình cảm và hành động của mình. Tự bản thân khám phá ra mình, điều chỉnh nhận thức, tình cảm, hành động của mình. Đồng thời bản thân phải tự kiểm tra mình cho phù hợp với tiêu chuẩn xã hội. Muốn làm chủ bản thân phải có năng lực làm chủ: năng lực về thể chất và năng lực về tinh thần. Có thể chất tốt là tiền đề tự nhiên cho làm chủ bản thân. Năng lực chung và trí tuệ, năng lực chuyên môn là kết quả vừa là quá trình làm chủ. Người làm chủ là người phải kết hợp hài hòa giữa những phẩm chất của con người mới “lao động, tình thương, lẽ phải”. Đó cũng là quá trình tự giáo dục của bản thân.
Thứ đến là tự chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên. Muốn tự chủ xã hội, tự nhiên con người phải có ý thức xã hội, có động cơ và mục đích xã hội mà phấn đấu. Có thái độ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động xã hội, nhằm cải tạo xã hội, cải tạo tự nhiên. Muốn tự chủ xã hội, thiên nhiên phải có những phẩm chất và năng lực để tự chủ. Phải có tri thức khoa học, sang tạo, có năng lực điều khiển quản lí xã hội, phải có khả năng hành động để thực hiện quyền tự chủ đó. Trong mối quan hệ xã hội còn phải tính đến mối quan hệ của môi trường vi mô cũng như vĩ mô “gia đình, bạn bè, hàng xóm, láng giềng, nhóm bạn, tập thể, nhà trường, cơ quan, đến mối quan hệ Tổ quốc và quốc tế. Trong các mối quan hệ đó không chỉ có hiện tại mà có cả với quá khứ và tương lai. Tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” là nhằm nói lên mối quan hệ hiện tại và quá khứ, “Con dại cái mang” là nói lên mối quan hệ trách nhiệm của hiện tại với tương lai. Hồ Chí Minh nói ” vì hạnh phúc trăm năm phải trồng người” là nói lên việc giáo dục hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ ngày nay là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng xã hội tốt đẹp mai sau.
Như vậy tuy nhân cách con người có tính chất xã hội-lịch sử cụ thể song nhân cách con người không chỉ được con người ở giai đoạn lịch sử hiện tại đánh giá mà còn được thế hệ sau nhận xét đánh giá. Những nhân vật đã có công thúc đẩy lịch sử phát triển được thế hệ sau truyền mãi và đi vào lịch sử như bài ca bất hủ. Như vậy, để phát triển nhân cách ngoài nhiệm vụ nhận thức tiếp thu kinh nghiệm quá khứ thực hiện đặt ra của hiện tại, còn thực hiện những nhiệm vụ của tương lai. Điều đó cũng gợi cho ta thấy rằng nhân cách không chỉ có ở không gian trong bản thân con người cụ thể, hay trong mối quan hệ của cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể xã hội, với tư cách là chủ thể của mối quan hệ và hoạt động, mà còn ở sự đánh giá của cá nhân khác, của xã hội, với tư cách là khách thể của mối quan hệ. Nhân cách về mặt nào đó là giá trị xã hội chung không chỉ tồn tại trong cá nhân mà tồn tại ngoài cá nhân, trong ý nghĩ và tình cảm của người khác, của xã hội. Vì vậy, nhân cách con người không chỉ tồn tại ở hiện tại, mà khi họ chết đi nhân cách vẫn còn. “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”.
Từ những luận điểm của Marx, Lênin, tư tưởng “đạo đức cách mạng”, “tư cách con người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm “làm chủ” của Đảng ta về con người mới và những quan niệm truyền thống của người Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một quan niệm nhân cách phù hợp hiện nay.
Nhân cách là hệ thống những phẩm giá xã hội của cá nhân thể hiện những phẩm chất bên trong của cá nhân, mối quan hệ qua lại của cá nhân với cá nhân khác, với tập thể, xã hội, với thế giới xung quanh và mối quan hệ của cá nhân với công việc trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Định nghĩa này vạch ra được những nét bản chất mà Marx và Lênin đã nêu: bản chất xã hội của nhân cách, mối quan hệ của cá nhân và xã hội, đồng thời nêu được tính chất cấu trúc hệ thống của nhân cách và cơ chế của phát triển nhân cách với tư cách là tự chủ trong tự nhiên, tự chủ trong xã hội và tự chủ trong bản thân mình.
Nhân cách không chỉ là hệ thống những phẩm chất xã hội của cá nhân mà còn bao hàm những giá trị đạo đức của cá nhân có được sự đánh giá của xã hội, của cá nhân khác của thế hệ hiện tại và thế hệ mai sau. Điều này thể hiện quan điểm “đạo đức cách mạng”, “tư cách của mỗi người” khi đánh giá một con người mà Hồ Chí Minh đã nêu.
Định nghĩa này cho ta hình đung được hệ thống cấu trúc của việc phát triển nhân cách hài hòa và toàn diện của cá nhân con người. Muốn phát triển nhân cách cá nhân phải phát triển những phẩm chất thể chất và tâm lí – xã hội của cá nhân, những mối quan hệ của cá nhân với thế giới xung quanh, với xã hội, với nhiệm vụ của cá nhân. Năng lực chung và năng lực chuyên môn của cá nhân được hình thành trên cơ sở những nhiệm vụ này. Nhân cách với tư cách là cái chuẩn đánh giá của xã hội đối với con người song nó gắn chặt với con người cụ thể như là những phẩm chất xã hội của cá nhân. Vì vậy, có sự phân biệt khái niệm nhân cách, cá nhân, con người qua định nghĩa này, tránh được sinh vật hóa, tâm lí hóa, xã hội hóa nhân cách như nhiều định nghĩa đã thấy ở trên. Vì vậy, định nghĩa trên có thể sử dụng chung cho các khoa học xã hội trong đó có tâm lí học.
2. Cấu trúc nhân cách
Trong tâm lý học, khi nói đến nhân cách người ta thường đề cập tới cấu trúc nhân cách. Đặc biệt trong nhân cách người ta hay nói nhiều đến quan điểm cấu trúc và quan điểm hệ thống.
Hiểu được cấu trúc nhân cách, hệ thống nhân cách, sẽ tạo điều kiện hiểu được bản chất của nhân cách. Đó cũng là quá trình phát triển những quan niệm nhân cách từ cấu trúc nhân cách, cấu trúc hệ thống đến hệ thống nhân cách.
Trước hết nói về cấu trúc nhân cách. Cấu trúc nhân cách là sự sắp xếp các tính chất, thành phần của nhân cách thành một chỉnh thể trọn vẹn tương đối ổn định trong mối liên hệ và quan hệ nhất định. Những người nghiên cứu nhân cách theo hướng này cho rằng người ta sẽ không hiểu đúng một hiện tượng tâm lý, như quá trình, trạng thái, thuộc tính tâm lí của nhân cách biểu hiện trong hoạt động và hành vi của họ, nếu như không tính đến sự quy định của nhân cách, xét trong toàn bộ đối với những hiện tượng ấy. Vì vậy nghiên cứu những khía cạnh những tính chất riêng lẻ nào đó của nhân cách phải có một biểu tượng về cấu trúc nhân cách.
Đề cập vấn đề cấu trúc nhân cách không thể quên được học thuyết phân tâm học của S.Freud về nhân cách. Theo ông con người được tạo bởi ba khối: vô thức, tiền ý thức, ý thức. Khối vô thức là khối bản năng, trong đó bản năng tình dục giữ vị trung tâm. Nguồn năng lượng libido chi phối toàn bộ hoạt động đời sống tâm thần. Khối thứ hai giữ vai trò quá độ từ khối thứ nhất tới khối thứ ba. Khối thứ ba là ý thức bao gồm những cái mà con người biết được một cách công khai, rõ ràng. Nó gồm những thể chế chuẩn mực xã hội, đòi hỏi con người phải tuân theo, phải thực hiện. Tương ứng với ba khối này cấu trúc nhân cách có ba phần:
– Nó (trung tính): Freud gọi là Id
– Tôi: Freud gọi là Ego
– Siêu tôi: Freud gọi là SuperEgo.
Id là cái thùng chứa năng lượng tâm thần, là cái chảo sục sôi những khát vọng, bản năng, hoạt động theo nguyên tắc khoái cảm, nghĩa là yêu cầu được thỏa mãn ngay tức khắc những khát vọng, bản năng. Ego được hình thành do áp lực của thực tại bên ngoài tới toàn bộ khối bản năng và ham mê. Ego tuân theo nguyên tắc của nhu cầu thực tại. Con người phải dùng một năng lượng đáng kể để kiềm chế và kiểm soát những phi lí của Id.
SuperEgo được hình thành do kết quả nhập tâm của những lời dạy bảo của gia đình, những ảnh hưởng của nền giáo dục, của nền văn hóa. Siêu tôi hoạt động theo nguyên tắc phê phán và nguyên tắc kiểm duyệt. Cả ba khối này nếu được chuẩn mực phải ở trạng thái thăng bằng tương đối. Lúc ấy nhân cách phát triển bình thường. Nhưng cả ba khối này luôn luôn xung đột và mâu thuẫn với nhau. Sự xung đột này chính là cơ chế hoạt động tinh thần con người. Từ đó, ông nêu ra cơ chế hoạt động tâm lý con người. Các cơ chế đó là:
1- Cơ chế kiểm duyệt chèn ép;
2- Cơ chế biến dạng;
3- Cơ chế bốc hơi (siêu thăng);
4- Cơ chế suy thoái (siêu giáng).
Về tâm lí học. Freud đã nêu ra các thành phần vô thức, tiền ý thức, ý thức và những mặt của đời sống tâm hồn của con người. Tâm lý học mác xít không coi nhẹ vô thức, nó chiếm một vị trí nhất định trong đời sống tâm thần con người, trong cấu trúc nhân cách. Tuy nhiên, phân tâm học đã đối lập hoàn toàn với các nguyên tắc của tâm lý học mác xít. Nó tách rời điều kiện xã hội với việc hình thành nhân cách. S.Freud đã tuyệt đối hóa bản năng tình dục của con người, coi sự thỏa mãn tình dục là động lực của hoạt động, động lực của nhân cách. Cách sắp xếp các thành phần của nhân cách như vậy và đặc biệt coi trọng thành phần vô thức, coi thành phần này là quyết định trong đời sống tâm hồn con người là không phù hợp thực tế những hiểu thông thường của chúng ta.
Cấu trúc nhân cách còn được thể hiện trong lý luận hai thành phần trong sự phát triển tâm lý. Trong cấu trúc nhân cách hai thành phần này bao gồm hai cấu trúc nhỏ; nội tâm lý và ngoại tâm lý. Những yếu tố sinh vật là cơ chế nội tâm lý. Cơ chế bên trong của các thành phần tâm lý bao gồm: các quá trình, các chức năng và trạng thái. Đây là cái khung bên trong của cấu trúc nhân cách. Tất cả các quan hệ bên ngoài của nhân cách, tất cả các hình thức của mối quan hệ này tác động với thế giới bên ngoài, với hoàn cảnh xã hội thuộc ngoài tâm lý. Tiểu cấu trúc này có tất cả nội dung xã hội của nhân cách, nếu như nội dung tâm lí mang những đặc điểm của các quá trình tâm lí như tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng thì trong thành phần của ngoại tâm lí bao gồm tình cảm, lý tưởng, năng lực, hứng thú, khuynh hướng. Đây là quan điểm siêu hình về nhân cách. Sự thật, việc phân chia hai thành phần sinh vật và xã hội trong cấu trúc nhân cách song song tồn tại là không hợp lý, bởi vì ngay cả yếu tố sinh vật của con người cũng mang tính chất xã hội.
Khắc phục những khuynh hướng sai lầm trong cấu trúc nhân cách, các nhà tâm lý học Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã xác lập cấu trúc nhân cách trên cơ sở cuộc sống thực và hoạt động thực của con người. Cấu trúc nhân cách không phải là tổng hợp những quá trình, trạng thái, thuộc tính tâm lí mà là sự hình thành trọn vẹn những thành phần tâm lí trong mối quan hệ lẫn nhau.
Có thể nêu ra một số cấu trúc tâm lí cụ thể.
Trước hết phải kể đến cấu trúc nhân cách của A. G.Kovalev gồm bốn thuộc tính: xu hướng, khí chất, tính cách, năng lực.
Theo ý kiến của V.N.Miasisep “vấn đề cấu trúc, đó là vấn đề phù hợp của những khuynh hướng nội dung, được thực hiện trong những dạng hoạt động khác nhau gắn liền với điều kiện sống trong thời gian lịch sử phù hợp xuất phát từ những thái độ cơ bản như nguyện vọng, những yêu cầu, những nguyên tắc, nhu cầu… Cấu trúc được thể hiện chính xác hơn trong những vai trò nhất định của các nhu cầu khác nhau”.
B.X.Merlin cho rằng “trong tâm lí học Xô Viết thường chia ra ba nhóm thuộc tính nhân cách: khí chất, tính cách, năng lực. Đôi khi người ta thêm thuộc tính thứ tư, đó là xu hướng”. Ông cho rằng khí chất không phải là thuộc tính của nhân cách. Các thuộc tính còn lại của nhân cách là những bộ phận hợp thành không thể tách rời. Mỗi một thuộc tính của nhân cách đồng thời là biểu hiện của xu hướng, vừa là biểu hiện của tính cách và năng lực. Nó được hình thành trong hoạt động và ở một mức độ nào đó tùy thuộc vào tư chất di truyền. Vì thế khi nói đến cấu trúc nhân cách thì phải hiểu đó là mối liên hệ qua lại và việc tổ chức các thuộc tính nhân cách.
B.G.Ananiev xây dựng cấu trúc nhân cách theo hai nguyên tắc: nguyên tắc thứ bậc và nguyên tắc phối hợp. Nguyên tắc thứ bậc có nghĩa là những thuộc tính tâm sinh lý, những thành phần xã hội phục tùng thuộc tính xã hội chung nhất, phức tạp nhất. Nguyên tắc phối hợp có nghĩa là nhiều mức độ của các thuộc tính tác động qua lại lẫn nhau, phối hợp nhau. Theo ông cấu trúc nhân cách ngoài ba thành phần cơ bản của hiện tượng tâm lí, cụ thể là các chức năng tâm sinh lí (cảm giác, trí nhớ…) và quá trình chung của sự hình thành động cơ hành động. Trong nhóm cuối cùng này có nhu cầu và tâm thế.
Theo J. Stêfanôvic (Tiệp Khắc) cấu trúc nhân cách phải được hiểu như là sự sắp xếp những đặc điểm của nhân cách vào cái toàn bộ trong mối tác động qua lại giữa chúng. Vì vậy ông nêu các đặc điểm của cấu trúc nhân cách như sau:
1- Đặc điểm tính tích cực – động cơ của nhân cách. Đặc điểm này thể hiện tính chất xu hướng của nhân cách bao gồm hứng thú, khuynh hướng, nguyện vọng, kế hoạch sống.
2- Đặc điểm lập trường – quan hệ của nhân cách. Đặc điểm này thể hiện giá trị của nhân cách, bao gồm lập trường, lý tưởng và quan hệ sống.
3- Đặc điểm về mặt hành động của nhân cách. Đặc điểm này thể hiện khả năng hoạt động có thành tích của nhân cách, bao gồm tri thức, kỹ xảo, thói quen.
4- Đặc điểm về tự điều chỉnh của nhân cách. Đặc điểm này thể hiện sự điều chỉnh và kiểm tra những rung cảm và hành vi của mình, bao gồm tự ý thức, tự đánh giá, tự phê bình của nhân cách.
5. Đặc điểm về động thái của nhân cách. Đặc điểm này thể hiện ở khí chất của nhân cách.
Ở Việt Nam khi nói đến nhân cách người ta thường nghĩ đến hai thành phần cơ bản: đức và tài hay phẩm chất và năng lực.
Có thể kể ra các phẩm chất sau đây:
– Phẩm chất chính trị, tư tưởng: lí tưởng lập trường niềm tin, các quan điểm tự nhiên, xã hội, con người.
– Phẩm chất, đạo đức, tác phong: các thái độ đối với xã hội, đối với người khác và thái độ đối với bản thân, tính nết, tính khí, lối sống, thói quen đạo đức.
– Các năng lực và sở trường, năng khiếu.
Người có nhân cách phải là người thống nhất được hai mặt phẩm chất và năng lực, tức là thống nhất giữa mặt đức và tài. Về thực chất việc đánh giá nhân cách con người là nói về mặt phẩm chất, phẩm giá trong đó đã bao hàm mặt năng lực của con người.
Trong cách nói, cách hiểu cấu trúc nhân cách người ta thấy chưa thỏa đáng. Vì vậy, một số nhà tâm lí học hiểu và nghiên cứu nhân cách theo cách tiếp cận cấu trúc – hệ thống. Một nguyên tắc cơ bản của cấu trúc – hệ thống là quan niệm nhân cách như là con người với hệ thống mở và đóng. Khi gọi nhân cách là hệ thống mở có nghĩa là các thuộc tính phẩm chất của nhân cách được qui định bởi tác động bên ngoài. Nói đến hệ thống đóng của con người, là nói đến kết quả của các mối liên hệ bên trong giữa các thuộc tính, phẩm chất của con người vừa như nhân cách, vừa như là cá thể và chủ thể. Nhờ có ý thức và tự ý thức mà con người mang tính chất hệ thống đóng này. Do đó, nhiệm vụ cơ bản của cách tiếp cận cấu trúc – hệ thống là nghiên cứu những đặc điểm cơ bản của con người với tư cách là chủ thể của hoạt động.
Điển hình theo kiểu cấu trúc – hệ thống là K.K.Platonov. Cấu trúc – hệ thống của nhân cách bao gồm bốn cấu trúc nhỏ:
1- Xu hướng, có quan hệ với các đặc trưng đạo đức của nhân cách. Cấu trúc nhỏ này không có tư chất tự nhiên trực tiếp, phản ánh ý thức xã hội, do xã hội chế ước.
2- Kinh nghiệm, bao gồm những kỹ xảo, kỹ năng, là những phương thức khách thể hóa nhân cách trong hoạt động.
3- Những đặc điểm cá nhân của các quá trình tâm lý khác nhau. Cấu trúc này bao gồm các quá trình tâm lí riêng rẽ và các chức năng tâm lí với hình thức phản ánh.
4- Thuộc tính sinh vật qui định nhân cách. Đó là thuộc tính của khí chất, giới tính, lứa tuổi bệnh lí.
Trong cấu trúc – hệ thống chức năng về nhân cách của Platonov, chúng ta không thấy thành phần tính cách và năng lực. Tính cách và năng lực có thể nằm trong cấu trúc nhỏ, hoặc trong phần giao thoa của các cấu trúc nhỏ. Tính cách dường như cái khung của nhân cách. Xu hướng ở một mức độ nào đó xác định nhân cách lẫn tính cách. Năng lực là tổng hòa những thuộc tính của cá nhân có trong bốn cấu trúc nhỏ của nhân cách. Ta có thể hiểu năng lực thể chất, năng lực tinh thần, năng lực tiềm tàng, năng lực hiện thực.
Theo A. I. Serbakov, cấu trúc nhân cách là tổng hòa những thuộc tính tâm lí có ý nghĩa xã hội, thái độ và hành động của cá nhân thể hiện trong quá trình phát triển cá thể và quy định hành vi và hoạt động của cá thể. Vì vậy cấu trúc động lực chức năng của nhân cách gồm bốn hệ thống: Hệ thống thứ nhất là hệ thống điều hòa, hệ thống thứ hai là hệ thống kích thích; hệ thống thứ ba là hệ thống ổn định; hệ thống thứ tư là hệ thống mệnh lệnh. Hệ thống thứ nhất bao gồm cơ quan thụ cảm như nghe, nhìn, sờ mó, v.v.. Hệ thống thứ hai bao gồm khí chất, trí tuệ, nhận thức, thái độ. Đó là những cơ cấu tâm lí bền vững, là sản phẩm của hoạt động với tư cách là chủ thể của nhận thức. Hệ thống thứ ba là hệ thống ổn định của nhân cách bao gồm xu hướng: năng lực, tính cách, tính tự chủ. Hệ thống thứ tư bao gồm những phẩm chất có ý nghĩa xã hội của nhân cách quy định hành vi và hành động của con người và ý thức cao về sự phát triển xã hội. Hệ thống này bao gồm chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa lạc quan và tình yêu lao động.
Cuối những năm bảy mươi xu hướng tiếp cận cấu trúc nhân cách đã dần thay thế bằng xu hướng tiếp cận hệ thống. Có thể nói đây là bước tiến trong lí luận tâm lí học, đặc biệt trong tâm lí học nhân cách. Thực tế ở Liên Xô người ta đã vận dụng quan điểm hệ thống trong các tác phẩm lí luận nhân cách của V.N. Kuzmin, E. G. Iudin, I.V. Blauberg, B.N. Xadovxki và nhiều tác giả khác. Điều này chứng tỏ sự cần thiết của việc nắm vững những nguyên tắc chung của phân tích hệ thống để chuyển nó vào tâm lí học nhân cách. Trong những năm gần đây, trong các quan niệm nhân cách khác nhau người ta đã vạch ra những dấu hiệu của tính chất hệ thống. Những công trình của Đ. N. Uznadze, V. E. Iadov, N. I. Népomniasaia, L.I. Bogiovie đã thể hiện điều đó. Đặc biệt trong 7 công trình viết tay chưa công bố khi A.N. Leonchiev còn sống, ông đã chỉ ra rằng “nhân cách là phẩm chất hệ thống và vì vậy nó là phẩm chất cực nhạy”.
A. V. Pêtrovxki cho rằng với quan điểm hoạt động, nhân cách có thể hiểu chỉ trong hệ thống của mối liên hệ nhân cách bền vững. Những mối liên hệ này tạo thành phẩm chất, của bản thân nhóm hoạt động. Những hoạt động nhóm quy định những biểu hiện nhân cách, vị trí riêng của mỗi người trong hệ thống mối liên hệ liên cá nhân và nói rộng trong hệ thống mối quan hệ xã hội. Trong điều kiện của nhóm xã hội cụ thể, phẩm chất nhân cách thể hiện dưới hình thức của những mối liên hệ qua lại liên nhân cách.
Hành vi của nhân cách hình thành trong điều kiện của hoạt động có đối tượng và giao tiếp theo tính chất của mức độ phát triển của nhóm. Hành vi điển hình của cá nhân diễn ra với tư cách là hành vi xã hội – tâm lí. Những mối liên hệ liên nhân cách diễn ra vừa như mối quan hệ chủ thể – chủ thể (giao tiếp) hoặc như mối quan hệ chủ thể – khách thể (hoạt động có đối tượng), và nhân cách là chủ thể của những mối quan hệ này. Hoạt động và giao tiếp với tư cách là hệ thống trọn vẹn của mối liên hệ cá nhân và hoàn cảnh xã hội của cá nhân đó thể hiện trong mối liên hệ nhân cách. Trên cơ sở phân tích hệ thống mối liên hệ liên nhân cách, A.V. Petrovxki hiểu nhân cách là chủ thể của hệ thống bền vững tương đối của mối quan hệ chủ thể- khách thể – chủ thể và chủ thể – chủ thể – khách thể thể hiện trong hoạt động và giao tiếp và có ảnh hưởng đến những người khác.
Các quan niệm nhân cách như vậy sẽ tháo gỡ được sự đối lập nhân cách với hoàn cảnh xã hội, với nhóm xã hội, và cho phép xem xét một cách hiện thực nhân cách với bước tiếp cận hệ thống. Điều đó có nghĩa là, trong sự thống nhất với điều kiện của hoàn cảnh xã hội, nhân cách được phát triển và tự khám phá ra mình với tư cách là chủ thể của mối quan hệ qua lại với nội dung đối tượng của hoạt động và với những người khác.
Với quan niệm nhân cách như trên, A. V. Petrovxki đã chia ra ba loại tính chất của tồn tại cá nhân do thành phần khái quát xã hội, bản thân cá nhân và mối liên hệ giữa chúng.
Mặt đầu tiên là thuộc tính nhân cách bên trong. Nhân cách được xem xét với tư cách là tồn tại do bản thân của chủ thể, trong không gian bên trong của tồn tại cá nhân.
Mặt thứ hai là thuộc tính nhân cách ngoài cá nhân. Hình thức tồn tại của nhân cách và quy định nhân cách là không gian của mối liên hệ liên nhân cách. Nhân cách diễn ra trong nhóm và phẩm chất nhóm diễn ra thông qua từng cá nhân. Mặt này bao gồm những hoạt động và giao tiếp của cá nhân đối với sự vật và đối với người khác.
Mặt thứ ba là thuộc tính hệ thống cá nhân của nhân cách. Hình thức tồn tại của nhân cách cũng ở ngoài cá nhân, thể hiện sự đánh giá của xã hội, của người khác đối với nhân cách. Ở mặt này, cá nhân dù chết đi nhân cách vẫn còn.
Nếu quan niệm ba mặt trong hệ thống nhân cách như trên thì sẽ xuất hiện vấn đề giữa nhân cách và cá nhân không có sự đồng nhất. Nhân cách tồn tại không cần sự có mặt của cá nhân. Liệu điều này có thể chấp nhận được không? Có thể chấp nhận luận điểm này nếu tính đến ý nghĩa to lớn của nó trong việc vận dụng quan điểm của C. Mác về bản chất con người: trong tính hiện thực, bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội. Đồng thời luận điểm này giải quyết được cơ bản một số vấn đề lí luận nhân cách cũng như vận dụng nó vào thực tiễn công tác giáo dục.
Việc nghiên cứu nhân cách phải nghiên cứu hệ thống mối quan hệ bên trong, bên ngoài cá nhân và mối quan hệ giữa các cá nhân, trong nhóm, trong tập thể, trong xã hội, trong giai cấp, dân tộc, trong giới xã hội mà cá nhân sống hoạt động và giao tiếp.
Trên cơ sở khái niệm nhân cách đã nói trên, chúng tôi phác thảo mô hình nhân cách.
Phác thảo mô hình cấu trúc nhân cách.
Đạo đức:
1) Thế giới quan, lý tưởng bao gồm quan điểm chính trị, lập trường, vai trò xã hội của cá nhân.
2) Thái độ và hành vi ứng xử xã hội của cá nhân.
– Thái độ và hành vi đối với người khác, đối với gia đình, đối với xã hội: đoàn thể, nhân dân, Tổ quốc.
– Thái độ đối với lao động.
3) Tình cảm và ý chí.
a) Mặt tình cảm:
– Tình cảm đạo đức
– Tình cảm trí tuệ
– Tình cảm thẩm mỹ.
b) Mặt ý chí: Tính tự chủ, tính cân bằng, tính mục đích, tính dũng cảm, tính hòa nhập.
Năng lực
– Năng lực trí tuệ – năng khiếu, năng lực chuyên môn tài năng.
– Năng lực thể chất – tâm lý.
3. Một số thuộc tính nhân cách
A. Mặt tài (năng lực) của nhân cách
(I). Khái niệm về tài
“Người không có đức là người vô dụng. Người không có tài thì làm việc gì cũng khó” – Hồ Chí Minh
3.1. Quan hệ đức và tài (năng lực)
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước hơn bao giờ hết rất cần con người có đức và tài, tức là người có phẩm chất và năng lực. Những vấn đề đức tài lâu nay vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có người cho đạo đức là cái gốc quan trọng, nó quyết định toàn bộ nhân cách con người. Nhưng không ít người cho rằng trong cơ chế thị trường hiện nay không thể lấy đức mà làm giàu cho bản thân và đất nước được, chỉ có tài mới thành đạt được.
Vậy chúng ta hiểu đức và tài như thế nào và mối quan hệ giữa chúng.
Trong phạm vi tâm lý học, tôi muốn đề cập đến vấn đề tài (năng lực) của nhân cách.
Đức và tài một thời ta hay gọi là hồng và chuyên, rồi đến phẩm chất và năng lực, đạo đức và tài năng.
Khi nói đến “đức” người ta hay đề cập tới mặt tư tưởng chính trị, mặt đạo đức.
Còn khi nói đến năng lực là nói đến trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thể chất và tâm lý năng lực ứng xử.
Đức với tài phân biệt ở đây chỉ là tương đối. Tùy từng cương vị công tác, tùy từng loại hình lao động mà đức và tài có sự xem xét khác nhau theo đặc thù nhất định.
Đối với cán bộ lãnh đạo thì mặt tư tưởng chính trị phải thật vững vàng, lập trường vững chắc, có ý thức đấu tranh bảo vệ đường lối của Đảng, gương mẫu về đạo đức, tác phong phù hợp cho việc tập hợp và giáo dục quần chúng. Đối với cán bộ khoa học phải có ý thức phục vụ đất nước, có tư duy sáng tạo, tự chủ, độc lập.
Đức là gốc của nhân cách nhưng không có nghĩa là coi nhẹ tài. Đức và tài ở một mức độ nào đó thống nhất nhau, không thể tách rời nhau. Không thể nói một con người có tài mà không có đức. Có tài mà không có đức nhiều khi làm hại nhiều cho đất nước. Có tài mà chỉ nhằm phục vụ cho cá nhân, tham nhũng, vô kỷ luật thì sẽ làm hại cho nhân dân, nhất là khi làm sai lệch đường lối của Đảng thì tai hại biết chừng nào. Như vậy, không thể gọi là tài được. Không thể nói con người tài phá hoại đất nước được theo quan điểm nhân cách.
Vấn đề đức không chỉ tâm lý học nghiên cứu mà nhiều khoa học như đạo đức học, mỹ học, giáo dục học, xã hội học… Chúng ta đã có dịp đề cập rải rác ở các chương trên. Ở đây chúng tôi không có ý định nêu ra tất cả các thuộc tính của đức về mặt tâm lý học như nhu cầu, lý tưởng thế giới quan, tính cách, khí chất, động cơ, tình cảm, giá trị…
Chúng tôi đề cập tới mặt tài (năng lực) trong nhân cách. Phát huy toàn diện năng lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước không thể không quan tâm thích đáng vấn đề năng lực.
3.2. Vấn đề định nghĩa năng lực
Hiện nay trong tâm lý học có nhiều định nghĩa về năng lực khác nhau. Sau đây, là một vài ví dụ về các định nghĩa đó.
P.A.Ruđích: “Năng lực và tính chất tâm – sinh lý của con người chi phối quá trình tiếp thu các kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo cũng như hiệu quả thực hiện một hoạt động nhất định.
Định nghĩa này đã mở rộng khái niệm năng lực bao gồm các điều kiện tâm – sinh lý chi phối các loại hoạt động con người.
A. G. Côvaliôp định nghĩa “Năng lực là một tập hợp hoặc tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu lao động và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao”.
N. X. Lâytex cho rằng năng lực là những thuộc tính tâm lý nào của cá nhân mà là điều kiện để hoàn thành tốt đẹp những loại hoạt động nhất định.
Cả hai định nghĩa của A.G.Côvaliốp và N. X. Lâytex đều nêu lên những thuộc tính của cá nhân bảo đảm điều kiện cho hoạt động đó. Song đối với A. G. Côvaliôp cho những thuộc tính đó bao gồm tất cả các thuộc tính của cá nhân chứ không riêng gì là những thuộc tính tâm lý như N. X. Lâytex quan niệm. Rõ ràng định nghĩa của Côvaliôp thỏa đáng hơn ở chỗ con người không chỉ có năng lực tâm thần, tâm lý mà còn có những năng lực về thể chất nữa.
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Minh Hạc trong bài viết của mình đã định nghĩa năng lực như sau: “Năng lực là những đặc điểm tâm lý cá biệt, tạo thành điều kiện quy định tốc độ, chiều sâu, cường độ của việc tác động vào đối tượng lao động”. Định nghĩa này đã coi năng lực là một yếu tố thành trong một hoạt động cụ thể, tạo thành điều kiện quy định tốc độ, chiều sâu, cường độ tác động vào đối tượng lao động.
Để có một định nghĩa về năng lực thích hợp trước hết hãy xác định những dấu hiệu của năng lực phân biệt người này và người khác, bởi vì khi nói đến năng lực là nói đến sự sai biệt giữa các cá nhân. Các dấu hiệu khác biệt đó là:
a) Khác biệt trong khuynh hướng hoạt động.
b) Khác biệt trong nhịp độ hoạt động và sự tiến bộ của hoạt động và sự dễ dàng trong hoạt động đó.
c) Số lượng và chất lượng của kết quả hoạt động.
d) Tính chất độc lập và sáng tạo trong hoạt động.
Khuynh hướng là dấu hiệu đầu tiên và sớm nhất của những năng lực đang hình thành. Khuynh hướng biểu hiện ở nguyện vọng, ý muốn của trẻ đối với hoạt động nhất định (Học vẽ, học âm nhạc, học toán). Nhiều khi nguyện vọng này xuất hiện rất sớm, có tính chất tự phát, say mê ngay trong những điều kiện không thuận lợi. Rõ ràng khuynh hướng cho ta biết những tiền đề bẩm sinh nhất định đối với việc phát triển năng lực. Khi có khuynh hướng thật sự, không những con người bị thu hút mãnh hệt vào hoạt động, đạt tiến bộ nhanh hơn người khác và kết quả hơn người khác có trình độ như nhau – Khuynh hướng thật sự thể hiện ở mặt tình cảm và ý chí đối với hoạt động – Khuynh hướng đầu tiên tạo điều kiện thúc đẩy con người hoạt động, bảo đảm cho năng lực nảy sinh và phát triển. Người có năng lực về một hoạt động nào đó thường khi bắt tay thực hiện một hành động nào đó dễ dàng hơn người không có năng lực, sự tiến bộ trong hoạt động đó rất nhanh, nhịp độ về tốc độ, về cường độ và độ sâu của hoạt động đó cũng được tiến hành có chất lượng hơn người không có năng lực. Kết quả của hoạt động đứng về số lượng và chất lượng cũng được bảo đảm cao. Người có năng lực ở mức độ cao bao giờ cũng được thể hiện ở tính chất độc lập và sáng tạo trong hoạt động. Như vậy, một hoạt động đòi hỏi nhiều phẩm chất tâm lý cá nhân phù hợp. Những phẩm chất cá nhân này là điều kiện cho hoạt động có kết quả.
Từ việc phân tích các định nghĩa trên và phân tích các dấu hiệu của năng lực ta có thể định nghĩa: Năng lực là tổ hợp những thuộc tính tâm lý phù hợp với yêu cầu một loại hoạt động nhằm làm cho hoạt động đó đạt được kết quả.
Khi nói đến năng lực là nói đến khả năng đạt được kết quả trong hoạt động nào đó. Muốn có kết quả thì cá nhân phải có những phẩm chất tâm lý nhất định phù hợp với yêu cầu của hoạt động đó. Nếu những thuộc tính tâm lý không phù hợp với yêu cầu của một hoạt động thì không có năng lực. Một người không có lỗ tai âm nhạc, không có năng khiếu phân biệt các âm sắc thì không thể có khả năng âm nhạc được.
Năng lực không phải là những thuộc tính cá nhân riêng lẻ mà là một tổ hợp các thuộc tính cá nhân đáp ứng được yêu cầu cao của hoạt động. Tổ hợp không có nghĩa là các thuộc tính đó tồn tại song song mà chúng có quan hệ và tác động lẫn nhau và thống nhất với nhau theo yêu cầu nhất định. Trong đó có những thuộc tính làm nền, thuộc tính chủ đạo và thuộc tính khác làm phù trợ.
Ví dụ phân tích năng lực hội họa của một họa sĩ bao gồm các thuộc tính sau: Thuộc tính cơ sở, thuộc tính chủ đạo, thuộc tính bổ trợ.
– Thuộc tính làm cơ sở: tính nhạy cảm cao của cơ quan phân tích thị giác được phát triển trong quá trình hoạt động. Điều đó được thể hiện ở cảm giác về đường nét, tỉ lệ, hình dáng, sáng tối, màu sắc, nhịp độ, cảm giác vận động của bàn tay, trí nhớ hình tượng phát triển cao.
– Thuộc tính chủ đạo: trí tưởng tượng, sáng tạo nghệ thuật bảo đảm cho người ta nắm được cái bản chất và cái đặc trưng trong hiện tượng của đời sống, sự khái quát hay điển hình hóa, xây dựng bố cục độc đáo.
– Thuộc tính phù trợ, bổ sung thể hiện trong tâm trạng cảm xúc và thái độ cảm xúc trước hiện tượng được trông thấy.
Nói đến năng lực là nói đến hiệu quả của hoạt động. Thực tế những người phát triển tâm lý bình thường nào cũng có khả năng tiếp thu một số kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo tối thiểu.
Song trong những điều kiện bên ngoài như nhau thì những người khác nhau có thể tiếp thu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo đó với nhịp độ khác nhau. Một người tiếp thu một cách nhanh chóng, người khác phải mất thì giờ và sức lực, một người nào đó có thể có trình độ điêu luyện, còn người kia mặc dù có nhiều cố gắng vẫn chỉ ở mức độ trung bình. Có một số loại hoạt động đặc thù như hoạt động văn học, nghệ thuật, thể thao chỉ có một số người có năng lực nhất định mới có thể đạt được kết quả. Ai cũng có thể hát, nhưng hát hay thì không chỉ có luyện tập mà phải có tai âm nhạc và giọng tốt.
Vì vậy, khi xét bản chất của năng lực cần chú ý đến:
– Sự khác nhau giữa người này và người kia về hiệu quả của hoạt động.
– Năng lực tạo điều kiện cho việc tiếp thu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo dễ dàng chứ không phải bản thân tri thức, kỹ năng, kỹ xảo.
Vì vậy một học sinh không có năng lực học tập ở một mức độ nào đó cũng có khả năng tiếp thu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Đồng thời sự độc lập sáng tạo của từng cá nhân trong hoạt động cũng thể hiện mức độ năng lực cao.
3.3. Các mức độ của năng lực
Trong từng lĩnh vực hoạt động, năng lực của từng người thể hiện khác nhau. Xét về mức độ phát triển năng lực có thể chia làm 2 loại: năng lực tái tạo và năng lực sáng tạo. Với mức độ tái tạo của năng lực cá nhân thể hiện rõ khả năng của mình trong việc đạt kết quả đối với lĩnh vực kiến thức, nắm vững và tiến hành hoạt động theo mẫu (do người khác hướng dẫn, hoặc đọc sách báo, tài liệu). Ở mức độ sáng tạo của năng lực cá nhân có khả năng sáng tạo ra cái mới, cái độc đáo với kết quả cao. Đương nhiên trong tái tạo có ít nhiều sáng tạo và ngược lại trong sáng tạo cũng có ít nhiều tái tạo. Trong quá trình hoạt động của con người có thể chuyển từ mức độ này sang mức độ kia.
Nếu xét về mức độ cao năng lực của cá nhân có tài năng và thiên tài.
Tài năng là mức độ năng lực cao, thể hiện sự hoàn thành có hiệu quả cao, xuất sắc có tính chất sáng tạo một hoạt động nào đó. Ví dụ tài năng thơ của Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, tài năng âm nhạc của Đặng Thái Sơn, tài năng hội họa của Diệp Minh Châu, Phan Chánh. Tài năng có quan hệ chặt chẽ với tính cách cá nhân. Mỗi tài năng có thể có tính cách khác nhau. Theo B. G. Ananiel: “Muốn hiểu hiện tượng bản chất của tài năng cần phải tập hợp hai lý luận tâm lí – lí luận về năng lực và lí luận về tính cách, có nghĩa là học thuyết về thuộc tính tâm lí của nhân cách.
Thiên tài là mức độ năng lực cao nhất, mức độ hoàn chỉnh nhất, đạt được những thành tựu tuyệt vời trong một hay nhiều hoạt động phức tạp có ý nghĩa lớn đối với đời sống xã hội. Thiên tài là những sáng tạo thúc đẩy nhân loại tiến lên. Con người có tài năng có thể có sáng tạo xuất sắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, nhưng chỉ có thiên tài mới vạch ra con đường mới trong lĩnh vực hoạt động của nhân loại, mở ra một tương lai mới cho nhân loại. Đó là những con người có khả năng tiên đoán, tìm ra những quy luật có tác dụng to lớn cho sự phát triển của loài người.
Chúng ta có thể kể ra hàng trăm thiên tài của nhân loại đã làm thay đổi thế giới như C. Mác, F. Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh, Anh stanh,.. Những thiên tài là hiện tượng hiếm có trong lịch sử. Vì vậy, cần có cách giải thích đúng đắn về các hiện tượng này.
Đã có nhiều học giả tư sản giải thích sai lầm về hiện tượng này. Họ giải thích thiên tài được sinh ra bằng các nguồn gốc sau đây:
a) Thiên tài là vị khách tình cờ của đất nước mình, và các vị khách này không có nguồn gốc trong quá khứ và trong hiện tại. Hêghen cho rằng “các bậc vĩ đại” khao khát vươn tới mục đích của mình, không phải do thế giới xung quanh họ mà do tinh thần bên trong, cái tinh thần “Hãy còn nằm dưới lòng đất và đang gõ vào thế giới bên ngoài như gõ vào cái vỏ bọc vậy…”.
Những công trình nghiên cứu đã bác bỏ luận điểm này. Những tài liệu của nhà thực nghiệm tự nhiên Đơ Căngellơ (A. de. Cangelle) cho thấy rằng các cá nhân thiên tài không xuất hiện một cách bỗng dưng đâu đó trên trái đất, vào bất kỳ lúc nào cũng được, mà chỉ xuất hiện ở đất nước và xã hội mà dân cư ở đó trong suốt nhiều thế kỷ đã biểu thị sự quan tâm có ý thức đến giá trị tinh thần và chúng ta cũng có thể nói thêm rằng ở những nơi nào mà môi trường quần chúng trong sự phát triển xã hội của nó đang đòi hỏi gay gắt phải có các cá nhân tài năng, thiên tài, có tầm nhìn rộng lớn và giải quyết những vấn đề lớn lao do thời đại đặt ra.
b) Thiên tài xuất hiện do sự kế truyền của một nhóm dòng họ nhất định.
Nhà triết học thần bí Duypren đã giải thích thiên tài như là kết quả của sự chuẩn bị thầm kín nào đó qua suốt nhiều thế hệ, suốt cả một thời gian lâu dài đã được nuôi dưỡng trong một số dòng họ được số phận đặc ân phù trợ. Người ta nêu ra các thiên tài xuất thân từ một dòng họ có truyền thống như nhạc sĩ Xêbaxchian Bác, họa sĩ Tixian, Bớt, Lamactin…
Sự thật, lịch sử đã chứng minh rằng không phải tất cả các thiên tài đều xuất thân từ những dòng họ quý tộc, hoặc được kế truyền từ dòng họ. Những thiên tài như Căng, Lômônôxốp đều xuất thân từ những gia đình bình thường. Vả lại ngay trong những người thiên tài, tài năng xuất thân từ dòng dõi truyền thống thì chúng ta cũng không biết được bao nhiêu phần trăm do kế truyền thật sự, bao nhiêu phần trăm do giáo dục và hoàn cảnh quyết định.
c) Thiên tài xuất hiện có liên quan đến suy nhược thần kinh và sự suy đồi của họ.
Nhà tâm thần học Morơdơ Tur giữa thế kỷ XIX đã xây dựng học thuyết về tâm trạng bệnh hoạn của những con người tài năng, thiên tài. Ông cho rằng: “Cũng giống như bất kỳ một kiểu động lực trí tuệ nào, thiên tài nhất thiết phải có cái vật chất của mình; ở đây cái thế nền này là trạng thái nửa bệnh hoạn của não, là sự kích động thần kinh thật sự mà ngọn nguồn gây nên mọi người đều biết”.
Sau này nhà nhân loại học Italia Lombrôdô đã khẳng định rằng thiên tài đồng nhất với bệnh thần kinh. Ông chú ý đến những dấu hiệu suy đồi của các cá nhân tài năng bắt đầu từ vóc người bé nhỏ, sự không cân đối của bộ sọ, những điều không bình thường của não, tệ đam mê nhục dục, hay hạn chế tình dục và sự không có con, sự không giống bố mẹ, sự phát triển trí tuệ quá sớm, tính cuồng loạn, sự xúc động cao độ một cách bệnh hoạn, tính đãng trí khác thường… nhiều thiên tài đã có những cơn co giật kỳ lạ do các bệnh thần kinh gây nên và bệnh động kinh (như Môlie, Phlobe, Đôtoiepxki), bị bệnh buồn phiền có thể dẫn tới tự tử như (Ruxxô, Satobriăng, Gioóc Săn), bị chứng cuồng dại như (Đantơ, Bandắc), bị cơn nghi hoặc (Manxôni, Tônxtôi), mộng ảo (Bairon), và ích kỷ đến bệnh hoạn hay các tật xấu khác thuộc tính tình và ý chí. Lombrôdô cho rằng “tính khí loạn thần kinh và các hiện tượng động kinh ở thiên tài không hề là hậu quả của sự kiệt quệ và mệt mỏi, chúng trước hết là một bộ phận cấu thành của sự sáng tạo ở thiên tài và thường là điều quan trọng nhất trong cá tính thiên tài”.
Ông đã dẫn lời của Arixtôt “không có bộ óc vĩ đại nào mà lại không pha trộn sự điên dại”.
Sự thật về quan điểm của Lombrôdô là như thế nào. Chẳng phải nghi ngờ gì có một số những thiên tài có dấu hiệu bệnh hoạn, hoảng loạn, cuồng dại, có triệu chứng ám ảnh và các triệu chứng khác của sự mất cân bằng và thậm chí thường dẫn tới những rối loạn thần kinh, ít hay nhiều, tạm thời hay lâu dài. Nhưng vấn đề là ở chỗ những cá nhân ấy không phải là tiêu biểu cho những cá nhân thiên tài, và không nhất thiết là thiên tài nào cũng gắn liền với bệnh thần kinh. Đại bộ phận tất cả những thiên tài, các nhà phát minh, các nhà tư tưởng, các vị lãnh đạo nhà nước, các nhà nghệ sĩ đều không có bệnh thần kinh. Ngay cả trường hợp bị bệnh thần kinh như Đôxtoiepxki chúng ta vẫn thấy thiên tài đã xuất hiện không phụ thuộc vào các cơn khủng hoảng đáng sợ và vào các trạng thái, dẫn tới cơn khủng hoảng ấy. Các cơn khủng hoảng ấy chỉ làm cản trở sự sáng tạo của ông mà thôi.
3.4. Phân loại năng lực
Có nhiều cách phân loại năng lực theo tiêu chuẩn khác nhau. Song cách phân loại nào có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác sư phạm sẽ giúp chúng ta có phương hướng phát hiện và bồi dưỡng năng lực học sinh. Có thể có các loại năng lực sau:
Năng lực chung và năng lực chuyên môn
– Năng lực chung là hệ thống những thuộc tính trí tuệ của cá nhân bảo đảm cho cá nhân nắm tri thức và hoạt động một cách dễ dàng có hiệu quả. Có thể gọi năng lực chung là năng lực trí tuệ (intelligence). Năng lực này được thể hiện ở các chức năng tâm lý như tư duy, trí nhớ, chú ý, tưởng tượng. Ví dụ như năng lực phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, ghi nhớ v.v…
– Năng lực chuyên môn là hệ thống các thuộc tính cá nhân bảo đảm đạt được những kết quả cao trong nhận thức và trong sáng tạo của các lĩnh vực chuyên môn. Ví dụ trong lĩnh vực âm nhạc, văn học, khoa học. Năng lực chuyên môn được hình thành trên cơ sở những hoạt động khác nhau. Trong quá trình hoạt động đòi hỏi con người phải hình thành những phẩm chất để đáp ứng được những lĩnh vực của hoạt động chuyên môn. Năng lực chuyên môn có quan hệ chặt chẽ với năng lực chung. Năng lực chung càng phát triển cao càng tạo điều kiện thuận lợi cho năng lực chuyên môn. Ngược lại sự phát triển của năng lực chuyên môn có ảnh hưởng đến năng lực chung. Vì vậy, mỗi cá nhân bên cạnh việc phát triển năng lực chung cần phát triển năng lực chuyên môn. Hơn nữa con người ngoài năng lực chuyên môn của một nghề nhất định cần có những năng lực chuyên môn khác nữa. Sự phát triển toàn diện của con người bảo đảm sự phát triển hài hòa năng lực chung và năng lực chuyên môn. Một người có thể có một số năng lực chuyên môn khác nhau, có khi phát triển rất cao. Sự phân loại này có tính chất tương đối nhằm chỉ ra khả năng trong các lĩnh vực phân công của xã hội. Khi phân tích mỗi loại năng lực đòi hỏi phải tính đến yếu tố chung và yếu tố chuyên môn trong cấu trúc năng lực.
3.5. Vấn đề tư chất và năng lực
Con người sinh ra không phải có ngay một số năng lực nào đó và cũng không phải “thông minh vốn sẵn tính trời”‘ như nhiều người đã nghĩ. Những cái gọi là “tính trời” kia chỉ có thể là một số đặc điểm sinh lý – giải phẫu nào đó của cơ thể mà yếu tố có ý nghĩa nhất là hệ thần kinh và não.
Những cái bẩm sinh hay tư chất bao gồm những thành phần gì?
Theo P. A. Rudích tư chất là những đặc điểm giải phẫu sinh lý bẩm sinh của cơ thể, những đặc điểm này làm cho năng lực diễn ra dễ dàng hơn. Song nếu xem tư chất là đặc điểm giải phẫu sinh lý bẩm sinh thì khi chuyển hóa thành năng lực chúng có trở thành hiện tượng tâm lý không? Hay chỉ là hiện tượng tâm lý được thêm vào hiện tượng sinh lý – giải phẫu.
Theo A.G.Côvaliốp, G.X. Coxchive, V.N. Miaxisev cho rằng nên xem tư chất “Không chỉ là đặc điểm sinh lý – giải phẫu mà chủ yếu là đặc điểm sinh lý – tâm lý”. Đặc điểm tâm lý này biểu lộ ra trong giai đoạn hoạt động đầu tiên và đôi khi ở người lớn khi chưa từng trải qua một hoạt động nhất định có hệ thống. Ví dụ như khả năng phân biệt màu sắc tinh tế, trí nhớ thị giác, tai âm nhạc tốt. Nói cách khác hiểu tư chất là cơ sở tự nhiên đầu tiên của năng lực, chúng còn chưa phát triển, nhưng sẽ bộc lộ ra trong những thử thách đầu tiên của hoạt động. Những đặc điểm này thể hiện ở một số người rất sớm như: Môza tự mình ghi được nhạc lúc 3 tuổi, 5 tuổi bắt đầu sáng tác và 7 tuổi bắt đầu biểu diễn khắp Châu Âu. Pêpitô Ariola mới 3 tuổi 7 tháng đã trở thành nhạc sĩ dương cầm. Nghiên cứu 92 nhà toán học xuất sắc thấy tài năng của họ thể hiện trong thời kỳ: 35 người trước 10 tuổi, 43 người khoảng 11 – 15 tuổi; 11 người khoảng 16 – 18 tuổi, 3 người 19 – 20 tuổi. Ở Việt Nam, từ nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là người hay thơ.
Những đặc điểm bẩm sinh của não được thể hiện trực tiếp trong những đặc điểm về kiểu hình thần kinh của người. Đặc điểm kiểu hình thần kinh được biểu hiện rất sớm ở trẻ em, chính là thuộc tính tự nhiên đầu tiên. B.M.Tevlov cho rằng những đặc điểm về kiểu hình thần kinh có ý nghĩa nhiều mặt, chúng tạo nên cơ sở tự nhiên của cả tính cách lẫn năng lực. Kiểu hoạt động có ý nghĩa đặc biệt cho việc hình thành những năng lực hoạt động xã hội, kiểu thần kinh yếu có thể thuận lợi cho việc phát triển những năng lực hoạt động nghệ thuật.
Những học giả tư sản cho rằng tư chất hoàn toàn quyết định năng lực. Họ cho rằng năng lực và tư chất là một. Năng lực là thuộc tính tự nhiên được di truyền. Nhà học giả người Anh Phêrênxi Gautơn viết cuốn “Tính di truyền tài năng, các quy luật và hậu quả của nó” (1869) đã khẳng định tài năng là phẩm chất thuần túy di truyền. Các chủng tộc khác hẳn nhau về tài năng. Ông tính ra rằng xứ A-phi-na có 90 nghìn dân trong thời gian 100 năm (từ 530 đến 430 trước công nguyên) đã sinh ra 14 vĩ nhân: Phemistocon, Mintiat, Aristot, Kimon, Pericon, Phukidet, Xocrat, Xenophong, Platon, Exokhin, Xophốc, Evripit, Aristophan, Phidi. Từ đó, ông cho rằng mức độ trung bình về tài năng của người Aphina cao gấp 2 lần mức độ tài năng của người nước Anh. Sự thật, dẫn chứng của Gauton về di truyền chủng tộc cũng diễn ra trong giai đoạn lịch sử rất ngắn so với sự phát triển của loài người thì không thể là luận cứ bảo đảm cho sự di truyền chủng tộc. Hơn nữa chúng ta cũng không thể đo được chính xác năng lực trí tuệ của trẻ mới sinh cũng như của người lớn. Từ quan điểm đó các học giả tư sản cho rằng năng lực còn phụ thuộc vào huyết thống, vào người giàu có và trung lưu như bà X. Cốc – xơ (Mỹ) đã khẳng định: 52,5% trẻ thần đồng thuộc gia đình quý tộc và 28,7% thuộc gia đình trung lưu. Luận điểm này cũng không có cơ sở khoa học, bởi vì làm sao biết được bao nhiêu đứa trẻ thần đồng là do di truyền, hay do hoàn cảnh giáo dục tạo nên. Chắc chúng ta còn nhớ các nhà bác học sau đây là không phải do di truyền dòng dõi: Lômônôxốp (1711 – 1765) là con của một người đánh cá; Pharađây (1791 – 1867) là con một người thợ rèn, nhạc sĩ Ba Lan Sôpanh (1810 – 1849) là con một người kế toán.
Trong cuộc sống, trong hoạt động tư chất luôn luôn biến đổi. Lỗ tai con chó có thể tinh hơn con người, nghe xa hơn con người, song lỗ tai con người lại nghe được nhiều âm thanh mà con vật không thể nghe được. Một em bé do tiếp xúc nhiều với môi trường âm nhạc, từ đôi tai bình thường đã trở thành đôi tai tinh tế, phân biệt được âm thanh chính xác hơn và lỗ tai đã trở thành “lỗ tai âm nhạc”. Rõ ràng không phải mọi đặc điểm bẩm sinh đều di truyền. Đặc điểm di truyền có được bảo tồn và phát triển ở thế hệ sau hay không thể hiện ở mức độ nào đều do hoàn cảnh quyết định trong đó có cá nhân hoạt động.
Song việc phủ nhận vai trò tư chất cũng không đúng. C Mác nói: không phải mọi người đều có dịp trở thành Raphaen. Điều đó có nghĩa là muốn trở thành thiên tài phải có những tư chất thích hợp. Rõ ràng chúng ta không đối lập tư chất với năng lực. Trong thực tế nhiều loại năng lực đòi hỏi những đặc điểm nhất định của cơ thể. Tư chất là cơ sở tự nhiên, là tiền đề cho việc phát triển năng lực. Mọi hiện tượng coi thường tư chất đều không đúng. X. L. Rubinxtein cho rằng “Coi thường cái gì thiên nhiên phú cho chúng ta, tức là coi thường chính con người. Con người không thể tách rời thiên nhiên và đối lập hoàn toàn bản thân mình với nó. Anh ta không được quên rằng chính anh ta là một sinh vật trong thiên nhiên, chính anh ta là sản phẩm phát triển của thiên nhiên.”
Vai trò của tư chất được thể hiện ở chỗ không phải một năng lực nào cũng đòi hỏi một tư chất tương ứng mà có khi một tư chất làm tiền đề cho nhiều năng lực. Tư chất có ảnh hưởng đến tốc độ và chiều hướng của sự hình thành và phát triển năng lực. Hệ thần kinh con người có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực được thể hiện ở các mặt sau đây;
– Tốc độ hình thành các phản xạ có điều kiện nhanh hay chậm, bền vững hay không bền vững có ảnh hưởng đến sự hình hành kỹ năng và kỹ xảo của con người.
– Tốc độ hình thành các phản xạ ức chế phân biệt có ảnh hưởng đến hoạt động phân tích so sánh.
– Tốc độ thành lập và biến đổi nhanh chậm các động hình thần kinh giúp con người hoạt động và thay đổi hoạt động một cách thích hợp mau lẹ hay chậm chạp với ngoại cảnh.
– Phẩm chất của các giác quan có ảnh hưởng tốt hay xấu đến một số lĩnh vực hoạt động. Người có tai thính dễ hoạt động có kết quả trong lĩnh vực âm nhạc, người có mắt tinh dễ thành công trong lĩnh vực hội họa.
– Kiểu thần kinh cũng góp phần tạo nên năng lực trong những hoạt động nhất định nào đó. Kiểu thần kinh cân bằng sẽ tạo điều kiện tốt trong lĩnh vực dạy học cũng như công tác lãnh dạo.
Những nhà tâm lý học Liên Xô đã phân biệt các thuộc tính và kiểu thần kinh chung và những thuộc tính và kiểu thần kinh riêng (kiểu thần kinh trong từng mặt hoạt động cụ thể). Những thuộc tính về kiểu thần kinh chung là những thuộc tính của toàn bộ hệ thống thần kinh có ảnh hưởng tới sự phát triển đặc điểm tâm lý chung của cá nhân biểu hiện ở những đặc điểm khí chất. Còn những thuộc tính về kiểu thần kinh riêng là tiền đề tự nhiên của năng lực chuyên môn.
Ngoài ra, những đặc điểm giải phẫu sinh lý khác cũng ảnh hưởng đến một loại năng lực nào đó, ngay cả những đặc điểm bình thường, ta khó thấy có liên quan đến năng lực gì cả. Ví dụ cơ quan cung cấp máu cho não chẳng hạn. Nếu não được cung cấp máu đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng tốt đến sự chú ý ghi nhớ tốt, tăng năng lực hoạt động trí óc.
Tóm lại, tư chất là điều kiện tự nhiên cần thiết để hình thành và phát triển năng lực. Trong quá trình hoạt động những tiền đề bẩm sinh được phát triển và hoàn thiện hơn, những cơ chế bù trừ được hình thành để bù trừ cho những khuyết nhược điểm của cơ thể. Song tư chất không quyết định sự phát triển của năng lực. Điều kiện quyết định năng lực của cá nhân phụ thuộc vào hoạt động của cá nhân trong điều kiện giáo dục, xã hội nhất định.
3.6. Điều kiện xã hội của phát triển năng lực
Ngoài vai trò của tư chất là yếu tố làm tiền đề tự nhiên cho việc phát triển năng lực, tâm lý học Mác – xít coi yếu tố xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành năng lực con người. Ở đây cần xét xem điều kiện xã hội như thế nào có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực và việc thể hiện ảnh hưởng đó như thế nào.
Một số ý kiến của các nhà triết học và tâm lý học Liên Xô cho rằng năng lực được hình thành trong quá trình phân chia lao động trong lịch sử xã hội loài người. Giáo sư P. A. Rudich (Liên Xô) cho rằng: “Không phải là tiền đề sinh vật mà do sự phân chia lao động, làm xuất hiện những giai đoạn nhất định của sự phát triển xã hội là nguyên nhân làm phát triển năng lực của con người”.
Điều đó có nghĩa là sự phát triển năng lực gắn liền với sự phân chia lao động. Điều này đúng nếu xét sự phát triển năng lực trong toàn bộ loài người. Nhưng sẽ không chính xác nếu cho rằng năng lực của cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào sự phân công lao động và đặc điểm lịch sử của hoạt động của con người. Năng lực cá nhân không chỉ phụ thuộc vào sự phân công lao động mà còn phụ thuộc vào tư chất, khuynh hướng, năng khiếu và chủ yếu là sự tự giác hoạt động của cá nhân. Hơn nữa vấn đề tính chất lịch sử xã hội của việc phát triển năng lực của con người là đối tượng nghiên cứu của triết học và xã hội học, còn vấn đề phát triển năng lực của cá nhân trong quá trình sống của anh ta là thuộc về lĩnh vực nghiên cứu của tâm lý học. Vị trí trung tâm của vấn đề phát triển lịch sử xã hội của năng lực là vai trò của lao động trong việc xuất hiện có tính chất lịch sử của năng lực. Trong quá trình phát triển của lịch sử, lao động luôn luôn là phương tiện và điều kiện cần thiết cho việc tồn tại con người, là cơ sở chung của nền văn hóa vật chất và tinh thần của con người. Lao động không chỉ thực hiện vai trò phương tiện của tồn tại con người và xã hội mà còn là phương thức của việc phát triển bản thân con người. Trong khi thay đổi tự nhiên và xã hội, nhờ quá trình lao động, con người thay đổi bản thân mình, thế giới tâm hồn của mình. Vì vậy, điều kiện cơ bản của việc phát triển năng lực trong quá trình lịch sử loài người là lao động. Nội dung và tính chất của lao động gắn liền trực tiếp với mối quan hệ kinh tế xã hội trong một giai đoạn phát triển xã hội nhất định. Trong điều kiện lịch sử cụ thể của sự phát triển xã hội, sự phát triển năng lực có tính chất mâu thuẫn trong các hình thức phát triển của lịch sử xã hội. Điều này phụ thuộc vào mối quan hệ xã hội, trước hết là quan hệ kinh tế.
Trong tâm lý học người ta xác định năng lực thông qua những loại hoạt động cụ thể. Xem xét năng lực theo hai loại sau đây: Năng lực tiềm tàng và năng lực tức thời. Năng lực tiềm tàng cần cho sự phát triển tương lai của cá nhân, như là phương thức có hiệu quả của hành động để hoàn thành tốt những hoạt động mới. Năng lực tức thời cần thiết đối với một loại hoạt động cụ thể nào đó có tính chất chuyên biệt mà không phải cho tất cả các hoạt động của con người. Nhưng mỗi cá nhân thực hiện hoạt động bằng những cách khác nhau. Vì vậy, khái niệm năng lực được hiểu với tư cách là năng lực cá nhân. Năng lực không chỉ hình thành trong lao động mà còn hình thành ngay trong thời gian rỗi. Chính nhờ thời gian rỗi mà năng lực tiềm tàng của con người được hình thành và phát triển. Xã hội ngày càng phát triển con người càng có điều kiện dùng thời gian rỗi của mình để phát triển những năng lực tiềm tàng. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản con người mới có những điều kiện phát triển những năng lực tiềm tàng của mình, cũng như toàn bộ năng lực.
Quá trình phát triển lịch sử xã hội của năng lực là cùng với biểu hiện những hoạt động mới, cùng với việc xuất hiện những phương thức mới của đời sống vật chất và tinh thần của xã hội những nhu cầu về việc phát triển năng lực con người cũng xuất hiện. Điều kiện sản xuất phát triển, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đòi hỏi cần có những năng lực phù hợp với sản xuất. Có thể nói rằng trình độ sản xuất càng cao, trình độ kỹ thuật càng cao thì càng làm cho năng lực con người càng phong phú. Song cũng cần lưu ý rằng trong xã hội mà quan hệ xã hội lạc hậu sẽ kìm hãm sự phát triển năng lực của con người. Mức độ phát triển năng lực không chỉ bị quy định bởi tính chất hoạt động mà còn phụ thuộc vào mối quan hệ của cá nhân với xã hội, với hình thái giao tiếp của người đó. Những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin trong khi phân tích sự phân công lao động ở chủ nghĩa tư bản đã chỉ ra rằng, chính trong điều kiện đó đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con người và sự phát triển toàn diện của nhân cách. Mác đã từng viết: Trong điều kiện sản xuất tư bản người công nhân không làm gì để thay đổi điều kiện lao động mà ngược lại điều kiện lao động làm biến đổi người công nhân. Như vậy, điều kiện lao động tư bản đã làm thui chột năng lực người công nhân. Lênin viết: Chủ nghĩa tư bản đã bóp nghẹt, vùi dập và làm thui chột biết bao nhiêu thiên tài trong công nhân và nông dân lao động. Những thiên tài này đã mai một đi dưới ách áp bức của những cảnh nghèo túng, cùng quẫn, chà đạp nhân cách con người.
Năng lực cá nhân còn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa xã hội. Mức độ phát triển của nền văn hóa xã hội có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực cá nhân, song không quy định một cách trực tiếp sự phát triển năng lực con người. Mỗi người có thể tiếp thu nền văn hóa đó một cách khác nhau để hình thành năng lực của mình. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của cá nhân. Năng lực con người được hình thành và phát triển trong hoạt động giao tiếp nhằm thỏa mãn nhu cầu. Thực tế cuộc sống đòi hỏi con người phải hoàn thiện một số năng lực để thỏa mãn nhu cầu. Năng lực tri giác của con người phát triển cùng với nhu cầu phân biệt sự vật khách quan, năng lực tư duy phát triển do nhu cầu của con người phải đi sâu tìm hiểu bản chất của hiện tượng khách quan. Mác và Ăngghen viết: “Một cá nhân như Raphaen có thể phát triển được thiên tài của mình hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu, mà nhu cầu này lại phụ thuộc vào sự phân công lao động, vào điều kiện giáo dục con người nảy sinh do sự phân công lao động”.
Trong chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản có những điều kiện cho việc phát triển năng lực – Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là làm cho năng lực mọi người đều được phát triển. Năng lực được hình thành không chỉ là hoạt động riêng của cá nhân. Trong cuộc sống của mỗi cá nhân, “năng lực xã hội” với tư cách là thành tựu của cá nhân, diễn ra như là tiềm lực, là điều kiện cho hoạt động cá nhân. Năng lực không chỉ hiểu là thành tích của bản thân cá nhân mà là tổng hợp các hoạt động xã hội. Nói một cách khác năng lực của loài người đã chuyển một cách gián tiếp vào năng lực cá nhân thông qua nền văn hóa mà cá nhân đang sống. Sự ảnh hưởng của nền văn hóa này đến cá nhân một cách gián tiếp.
Mức độ phát triển nền văn hóa nói chung và mức độ phát triển năng lực con người không phải là hòa nhập làm một. Mức độ phát triển văn hóa xã hội được thể hiện trong việc phát triển năng lực cá nhân có khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào mỗi cá nhân tiếp thu nền văn hóa đó và có nhu cầu nền văn hóa đó như thế nào. Như vậy, việc phát triển năng lực của cá nhân là phụ thuộc vào mối tác động qua lại giữa cá nhân và xã hội, trong đó điều kiện xã hội có vai trò to lớn đối với việc phát triển này.
3.7. Vấn đề phát triển và bồi dưỡng năng lực
Năng lực và tài năng của con người phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh giáo dục trong đó mỗi người tự giác hoạt động để hình thành năng lực của mình. Vì vậy, muốn bồi dưỡng và phát triển năng lực phải chú ý các điều kiện cơ bản sau đây:
3.7.1. Sự khác biệt cá nhân về năng lực
Trong cuộc sống và lao động thành tích mỗi người không giống nhau. Trong lớp học trình độ và năng lực học tập của học sinh không đồng đều nhau. Để biết được sự khác biệt năng lực học sinh cần phải dựa vào mức độ dễ dàng nắm môn học, chất lượng thành tích môn học, ở một số học sinh, thể hiện sự nhanh trí trong việc tiếp thu bài, số khác có óc sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, hoặc có khả năng cảm thụ tác phẩm văn học. Có thể một học sinh có một số biểu hiện những thuộc tính trên. Nhưng em phát triển bình thường thì không có một em nào lại không có những phẩm chất có giá trị để hình thành năng lực. Có thể có những kết quả như nhau ở một số em học sinh trong cùng một hoạt động, song cách tiến hành để đến kết quả lại khác. Người giáo viên cũng cần chú ý về các kiểu hoạt động thần kinh cấp cao ở từng em học sinh. Năng lực con người được phát triển rất rộng trong nhiều lĩnh vực nên mỗi người đều có thể phát triển thuận lợi ở nhiều mặt, có thể thoả mãn trong nhiều hoạt động khác nhau, trong lao động trí óc cũng như lao động chân tay. Việc chú ý đến việc khác biệt năng lực của cá nhân sẽ tạo điều kiện phát triển phong phú và toàn diện các năng lực của con người trong chừng mực nhất định.
3.7.2. Điều kiện hình thành năng lực
Không có năng lực nào được hình thành từ tư chất bẩm sinh mà không thông qua học tập, rèn luyện, có nghĩa là không thông qua hoạt động. Ngay những trẻ em có năng khiếu học tập dễ dàng một số môn nào đó như nhạc, họa, song bản thân em đó phải học tập, hoạt động thì năng lực mới hình thành.
Việc cho các em tham gia lao động đúng mức có tác dụng quan trọng trong việc hình thành năng lực của chúng. Vì vậy việc gắn liền giảng dạy với lao động sản xuất tạo điều kiện tốt cho năng lực học sinh phát triển toàn diện: Năng lực chuyên môn được thể hiện một cách tốt đẹp trên nền phát triển cao của nhiều lĩnh vực cá nhân. Năng lực được hình thành và phát triển trong hoạt động nào ở đó năng lực được sử dụng nhiều nhất. Hoạt động càng nhiều mặt, có nội dung phong phú bao nhiêu thì năng lực càng có thể phát triển đầy đủ và rõ rệt bấy nhiêu. Nhiệm vụ của nhà giáo dục là phải tích cực, kịp thời phát triển năng lực trẻ em, tạo điều kiện cho năng lực trẻ em được bộc lộ và phát triển đồng thời hướng trẻ em vào những hoạt động thích hợp với hứng thú. Nếu một em nào đó có năng lực yếu về một lĩnh vực nào đó thì tìm cách hình thành cho em những năng lực khác thích hợp hơn. Có thể ở trẻ em có sự thay thế, bù đắp năng lực này bằng năng lực khác. Thực tiễn giáo dục đã chỉ ra rằng mỗi học sinh bình thường đều có khả năng nắm vững các nguyên lý khoa học và trình độ nghiệp vụ thì đều có khả năng tiếp thu khoa học hiện đại, văn hóa và kỹ thuật, khi đã trưởng thành đều có khả năng tham gia một cách rộng rãi vào đời sống xã hội.
Một trong những dấu hiệu tốt của năng lực là có thành tích sớm như Trần Đăng Khoa đã nổi tiếng về thơ từ tuổi thiếu niên. Song chưa có thành tích sớm cũng không phải là dấu hiệu không phát triển năng lực. Có những người bộc lộ tài năng muộn – Tề Bạch Thạch đến tuổi 60 mới nổi tiếng về tranh “Tôm cua”. Bà E. I. Guxêva sinh trưởng ở vùng hẻo lánh Xibêri, ngoài 50 tuổi mới bắt đầu học văn hóa; chẳng bao lâu bà đạt được học vị phó tiến sĩ và năm 73 tuổi bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Lòng yêu công việc, hứng thú với công việc là điều kiện rất quan trọng để hình thành năng lực và tài năng – Những người có tài năng đều là người hứng thú say mê với công việc.
M. Goócki cho rằng thiên tài về thực chất chỉ là lòng yêu đối với công việc, đối với quá trình làm việc. Chỉ có lao động với sự nhiệt tình say mê thì mới có những sáng tạo và phát minh. Năng lực cũng chỉ hình thành trên cơ sở hứng thú với công việc. Tất nhiên đối với những người thiên tài không chỉ có hứng thú đối với công việc mà còn những yếu tố khác quan trọng. Nhưng rõ ràng hứng thú đối với công việc là yếu tố có tính chất vô cùng quan trọng để hình thành năng lực và thiên tài.
3.7.3. Giáo dục đạo đức
Năng lực có liên quan đến thái độ của con người đối với mình đối với người khác và đối với lao động, công việc. Thái độ lao động, làm việc say sưa, nhiệt tình chính là điều kiện cần thiết để phát triển năng lực. Thái độ đối với người khác, sự quan tâm lo lắng đối với tập thể, cho đất nước, cho nhân dân là động cơ thúc đẩy để cá nhân có thể hoàn thiện năng lực của mình. Chỉ có trong tập thể con người mới bộc lộ đầy đủ năng lực của mình. Vì vậy, cần tạo cho học sinh gắn bó với tập thể, với mọi người, tham gia sản xuất, vào các tập thể lao động thì năng lực các em mới phát triển được.
Thái độ đối với bản thân mình cũng là điều quan trọng đối với hình thành năng lực. Lòng tự tin, đức khiêm tốn, tính kiên trì, sự quyết tâm cao độ, tự đánh giá đúng bản thân mình là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành năng lực tài năng. Người giáo viên cần bồi dưỡng cho học sinh những đức tính trên, biết đánh giá đúng học sinh, động viên và khích lệ chúng trong học tập, cũng như trong các hoạt động khác thì năng lực học sinh mới có thể phát triển nhanh chóng. Mặt khác cần tạo điều kiện cho các em tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, ngoài trường như hoạt động câu lạc bộ thiếu niên, các tổ đội sản xuất, thì mới có thể làm cho năng lực phát triển toàn diện.
3.7.4. Phát hiện, quan tâm, bồi dưỡng năng lực
Việc phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài cần có sự quan tâm hơn nữa của gia đình, nhà trường và xã hội. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã từng nhắc nhở những người làm công tác giáo dục: “Phải có ý thức phát hiện và bồi dưỡng các em có năng khiếu về toán và các môn khác… đừng bỏ sót em nào, bỏ sót rất uổng”.
Năng khiếu là những tiền đề bẩm sinh, những khuynh hướng đầu tiên tạo điều kiện cho năng lực và tài năng phát triển thuận lợi. Nó bao gồm những đặc điểm sinh lý giải phẫu của hệ thống thần kinh và khuynh hướng tâm lý đầu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một năng lực nào đó. Nhiều nhà khoa học đã tìm hiểu những yếu tố quyết định sự tồn tại của năng khiếu. Nhà tâm lý học Liên Xô B.M. Teplov đã cho rằng năng khiếu âm nhạc gồm các thành phần sau đây:
– Nhạy cảm điệu thức: biết nhận ra giai điệu, xúc cảm với giai điệu và nhạy cảm với từng nhạc tố. Người có nhạy cảm điệu thức thấy chối tai trước nốt nhạc sai, biết nhận ra cái hay của bản nhạc ngay từ đầu.
– Khả năng tái hiện thính giác: thể hiện năng lực tái hiện giai điệu bằng tai, bằng “tai trong” – có những nhạc sĩ không có khả năng tái hiện giai điệu nào đó nhanh chóng song nghe nhạc rất sành bằng “tai trong” thì không thể nói là họ không có khiếu âm nhạc.
– Nhạy cảm nhịp nhạc: khả năng cảm thụ nhạc theo kiểu vận động, nhận biết tính biểu cảm cao độ của nhịp nhạc và tái hiện nó.
Khi nghiên cứu về năng khiếu hội họa V. I. Kirienco đã cho rằng năng lực thị giác không liên quan gì tới năng khiếu hội họa, nhưng về óc cân đối, ví dụ khả năng chia một bức chân đung ra nhiều phần bằng nhau thực chính xác và nhanh chóng thì các họa sĩ tí hon giỏi hơn các trẻ em bình thường. Những đứa trẻ có năng khiếu hội họa mới bốn tuổi rưỡi đã biết phân biệt rõ độ sáng giữa hai mặt phẳng bên nào sáng hơn, bên nào tối hơn. Trên cơ sở những công trình nghiên cứu người ta cho rằng có những cơ cấu của năng khiếu chuyên biệt. Từ đó giúp chúng ta hiểu yếu tố nào tạo ra năng khiếu và chẩn đoán một đứa trẻ có năng khiếu về mặt gì, không phải đứa trẻ nào cũng có năng khiếu. Trong điều kiện nhất định nào đó thì năng khiếu mới bộc lộ ra. Năng khiếu tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành năng lực và tài năng. Song không phải năng khiếu nào cũng hình thành nên tài năng. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nữa. Năng khiếu thường thể hiện đi đôi với những thành tích sớm trong hoạt động của đứa trẻ. Raphaen 8 tuổi đã vẽ giỏi những bức tranh sơn dầu. Môda 5 tuổi đã sáng tác được nhạc, 8 tuổi viết được những bản Xônát đầu tiên. Ở Việt Nam những tài năng xuất hiện sớm ở Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Lương Thế Vinh đều có cơ sở từ những năng khiếu nhất định. Trong những lĩnh vực như nhạc, họa, toán, thơ, các tài năng thường xuất hiện sớm. Công trình nghiên cứu của V. Hekơ và I. Xiêhen (Đức) đã cho biết rằng 401 người có năng khiếu âm nhạc xuất hiện trước 10 tuổi trong số 441 nhạc sĩ. Vì vậy, cần phải phát hiện kịp thời những năng khiếu ở trẻ và thời kỳ tối ưu của sự phát triển năng lực và tài năng. Nhưng nếu giáo dục không đúng, năng khiếu sẽ bị thui chột, thậm chí mất đi. Nếu giáo dục đúng đắn thì năng khiếu sẽ thành tài năng. Nhà giáo dục phải nắm vững cấu trúc từng loại năng khiếu, trên cơ sở đó lựa chọn, phát hiện những em có năng khiếu phù hợp với những hoạt động đầu tiên của trẻ em trên cơ sở đó kịp thời phát hiện sớm những trẻ có năng khiếu.
Khuynh hướng hoạt động của đứa trẻ thường là dấu hiệu hay triệu chứng đầu tiên để nhận biết trẻ có năng khiếu. Có trẻ vài ba tuổi đã nghe nhạc một cách say mê. Có em 4 tuổi đã nói những câu thành vần. Các em thường biểu hiện khuynh hướng khác nhau trong hoạt động. Phần lớn ở trẻ có khuynh hướng nào đó rất sớm đối với hoạt động, có thể chứng tỏ trẻ có tiền đề bẩm sinh nào đó thuận lợi cho sự phát triển năng lực và tài năng. Song, cũng có trường hợp có những em tỏ ra có khuynh hướng sớm đối với hoạt động nào đó nhưng không phải do tiền đề bẩm sinh thuận lợi mà do ảnh hưởng của môi trường bên ngoài như gia đình và những người xung quanh thì đòi hỏi trẻ phải cố gắng và nỗ lực nhiều mới trở thành tài năng. Việc theo dõi khuynh hướng hoạt động đầu tiên của đứa trẻ là dấu hiệu quan trọng để phát triển năng khiếu của trẻ. Song trong thực tế có khi xuất hiện khuynh hướng và sự hình thành tài năng không đi đôi với nhau. Có những khuynh hướng giả tạo. Có những đứa trẻ say mê một hoạt động nào đó nhất thời rồi sau đó lại say mê những hoạt động khác. Sự thay đổi khuynh hướng một cách nhanh chóng như vậy sẽ khó phát triển năng lực và tài năng. Chỉ có khuynh hướng thực sự mới là dấu hiệu của sự hình thành tài năng. Muốn nhận ra khuynh hướng thực sự của trẻ em phải dựa vào ý chí và tình cảm với hoạt động – Thái độ đó sẽ bảo đảm cho trẻ khắc phục những khó khăn say mê hoạt động. Trẻ sẽ bị thu hút mãnh liệt sức lực vào hoạt động và đạt kết quả cao hơn những trẻ không có khuynh hướng.
Tóm lại, khi phát hiện các em có năng khiếu phải kịp thời bồi dưỡng, đưa các em vào lớp năng khiếu toán, văn, nhạc, họa, hay các lớp nghệ thuật khác… Gia đình, nhà trường và xã hội cần có chế độ thích đáng để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
3.7.5. Phương pháp dạy dỗ đúng đắn
Những đứa trẻ có điều kiện bẩm sinh gần giống nhau, trong những môi trường gần như nhau, song do những điều kiện và cách dạy dỗ khác nhau mà trở thành người có tài năng hoặc vô dụng. Các nhà tâm lý học Xô viết đã tìm những phương pháp dạy dỗ tinh vi thích hợp với từng đối tượng để hình thành năng lực. L. X. Xlavina đã tìm hiểu một nhóm học sinh lớp 1 mà người ta liệt vào loại “dốt”, áp dụng những phương pháp dạy dỗ thích hợp ông đã làm cho các em này làm được những bài toán trong 3 – 4 phút mới làm được.
L. X. Vưgốtxki cho rằng mỗi đứa trẻ có một “vùng phát triển gần nhất” trong đó đứa trẻ chưa thể tự mình hoạt động được nhưng nếu người lớn giúp sức, hoặc bắt chước người lớn thì các em có khả năng làm được. Nếu việc giảng dạy chỉ dựa vào trình độ phát triển đã có thì không tạo điều kiện cho việc phát triển trí tuệ. Nếu dạy dỗ vượt quá khả năng của đứa trẻ thì cũng khó phát triển được năng lực của đứa trẻ. Muốn phát triển được năng lực cho học sinh phải dạy dỗ đi trước sự phát triển một chút.
Song không phải dạy dỗ như thế nào đứa trẻ phát triển năng lực như thế ấy. Điều có tính chất quyết định trực tiếp để hình thành năng lực ở trẻ là bản thân chúng phải tích cực tiếp thu và hoạt động để chiếm lĩnh những cái mà người lớn dạy cho chúng. Người lớn tìm cách kích thích các em hành động, còn bản thân các em phải tự hành động lấy. Điều đó phụ thuộc vào động cơ, nhu cầu của đứa trẻ.
Vì vậy, để hình thành và phát triển năng lực cho trẻ em cần phải chú ý đến việc phát triển toàn bộ nhân cách của chúng phù hợp với yêu cầu của việc phát triển xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.
4. Giá trị và việc hình thành nhân cách
Giá trị có vai trò rất lớn đối với việc hình thành nhân cách. Có thể nói giá trị là một phạm trù cũng như hoạt động và giao tiếp không thể thiếu được khi đề cập đến vấn đề nhân cách: hoạt động – giao tiếp – giá trị – nhân cách.
Muốn hình thành được nhân cách trước hết con người phải ý thức được giá trị của mình. Socrates nói: Con người hãy ý thức được cái tôi của riêng mình để nhìn thấy cái thánh thiện trong chúng ta.
4.1. Khái niệm về giá trị
Giá trị đã được dùng nhiều trong các lĩnh vực kinh tế, nghệ thuật, khoa học, đạo đức, giáo dục, và ngày nay cần đề cập tới trong lĩnh vực tâm lý học, đặc biệt trong tâm lý học nhân cách.
Tiếng Anh có 2 từ Value và Worth có nghĩa là giá trị.
Giá trị thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể giá trị và đối tượng của việc đánh giá.
Những vật tưởng chừng không giá trị gì, ví dụ một gốc cây, một nén hương, nhưng khi con người đặt đức tin vào nó thì trở thành một vật có giá trị. Một lá cờ là một mảnh vải, nhưng những chiến sĩ lại dám hy sinh để bảo vệ nó bởi vì lá cờ là hồn nước, là biểu hiện giá trị tinh thần cao quý của cả một dân tộc.
Như vậy giá trị là cái được chủ thể đánh giá thừa nhận trên cơ sở mối quan hệ với sự vật đó.
Chủ thể có thể là một cá nhân, một nhóm người hay một xã hội. Tùy theo mối quan hệ của chủ thể với sự vật mà sự vật đó có giá trị. Hòn đá khi không có quan hệ với con người nó chưa có giá trị, khi con người dùng để ngồi hoặc vật để làm vật chặn giấy thì hòn đá đó trở nên có giá trị.
4.2. Các loại giá trị
Thông thường trước đây ta đã thừa nhận có 3 loại giá trị chân, thiện, mỹ. Hiện nay, người ta lại hướng đến Thiện – Lợi – Mỹ.
Lợi là giá trị có ý nghĩa thiết thân trực tiếp cuộc sống của cá nhân. Lợi là một cái gì mang tính riêng tư có liên quan đến nhân cách con người.
Thẩm mỹ chỉ liên quan trực tiếp đến cảm xúc cái đẹp đối với cuộc sống con người trong từng mặt nào đó. Một đối tượng đẹp gợi lên cho chủ thể một kích thích khoái cảm, yêu thích, một trạng thái tình cảm dễ chịu, hứng khởi.
Thiện thể hiện ở đạo đức. Con người có đạo đức hướng giá trị về xã hội, về người khác, cuộc sống của cá nhân vì cộng đồng.
Như vậy, thiện thể hiện giá trị xã hội của cá nhân có ảnh hưởng đến cộng đồng.
Lợi là giá trị cá nhân có ảnh hưởng đến sự tồn tại của cá nhân, hướng vào cái tôi.
Mỹ giá trị cảm quan ảnh hưởng tới những bộ phận riêng biệt đến sự tồn tại cá nhân.
Khi đánh giá một đối tượng nào điều quan trọng không phải bản chất của đối tượng đó mà điều căn bản nhất của đối tượng đó mà điều căn bản là tiêu chuẩn mà chủ thể căn cứ vào đó để đánh giá đối tượng.
Cantơ nói: “Cái đẹp không phải là đôi má hồng của cô thiếu nữ mà ở đôi mắt của kẻ si tình.”
Một người khi đánh giá về một đối tượng nào có thể căn cứ về mối quan hệ nào đó để phán xét, khen chê, xấu, tốt. Căn cứ vào thiện – ác ta có giá trị đạo đức, vào lợi – hại ta có giá trị kinh tế, vào đẹp – xấu ta có giá trị thẩm mỹ.
Tuỳ thuộc vào nhân cách của chủ thể mà có thái độ đối với giá trị khác nhau. Giá trị cùng thay đổi theo thời gian của cuộc sống con người. Trong một giai đoạn của cuộc đời có thể một đối tượng nào đó có giá trị với anh ta, nhưng trong một giai đoạn khác cái ấy trở thành vô ích. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, trong mỗi thời đại, mỗi giai cấp, mỗi dân tộc cũng có những giá trị khác nhau. Tất nhiên trong một mức độ nhất định giá trị không chỉ phụ thuộc vào chủ quan mà còn phụ thuộc vào khách quan bản thân của đối tượng đó.
Cô gái xấu số chỉ đẹp đối với anh chàng si tình, còn không thể là đẹp đối với các chàng trai tỉnh táo khác.
Cái thiện ở đây được hiểu một cá nhân nào hòa nhập được cái chung của mọi người, sống vì người khác được coi là người có nhân cách tốt. Còn lợi ích của cá nhân xâm hại lợi ích của tập thể được coi là xấu.
Theo tiêu chuẩn đó một người gọi là thiện, có đạo đức là người thực hiện theo nguyên tắc mà người phương Tây đề ra: “Hãy làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình”. Ngược lại ở phương Đông Khổng Tử nêu: “Cái mà mình không muốn kẻ khác làm cho mình thì mình đừng làm cho kẻ khác”.
Thật ra cái mà mình muốn chưa chắc người khác đã muốn. Do đó không thể làm cho người khác cái mà mình muốn được. Chỉ có thể không làm cho người khác cái mà mình không muốn thôi. Câu nói của triết gia Khổng Tử có lí là ở chỗ đó.
4.3. Con đường hình thành nhân cách
Theo Tsunesaburo Makiguchi nhà giáo dục học Nhật Bản. Giá trị là sự thể hiện có tính định hướng của mối quan hệ giữa chủ thể đánh giá và đối tượng của việc đánh giá.
Theo Phạm Minh Hạc, muốn hình thành nhân cách phải giáo dục giá trị. Bởi vì: “Nhân cách chính là mối quan hệ – mức độ phù hợp giữa hệ thống giá trị, thước đo giá trị của chủ thể với hệ thống giá trị và thước đo giá trị của nhóm, cộng đồng, xã hội, nhân loại. Mức độ là phạm vi phù hợp càng cao – nhân cách càng lớn”.
Trên cơ sở đó ông đề ra con đường hình thành nhân cách bằng cách tiếp cận hoạt động – giá trị – nhân cách.
Trong lời giới thiệu của Vũ Khiêu trong tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” cho rằng giá trị xuất hiện từ mối quan hệ xã hội giữa chủ thể và đối tượng. Các loại giá trị: giá trị vật chất và giá trị tinh thần, giá trị xã hội và giá trị cá nhân, giá trị thiết yếu và giá trị cao đẹp.
“Tổng hợp những giá trị ấy ở mỗi cá nhân sẽ đem lại cho cá nhân ấy một bản lĩnh độc đáo khiến cho cá nhân ấy trở thành một nhân cách độc đáo và tồn tại như một giá trị”.
Nếu như giá trị theo quan niệm của Khổng Tử: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (Trung Hoa) thì ở Việt Nam theo Trần Văn Giàu có bảy giá trị đạo đức truyền thống tạo nên bản sắc nhân cách người Việt Nam. Đó là:
– Yêu nước
– Cần cù
– Anh hùng
– Sáng tạo
– Lạc quan
– Thương người
– Vì nghĩa.
Để hình thành nhân cách, mục tiêu của chiến lược con người Việt Nam sang thế kỷ 21, giáo dục được coi là quốc sách phát triển hàng đầu, là bệ phóng đưa đất nước vươn lên tầm cao của các dân tộc văn minh trên thế giới. Để làm được nhiệm vụ này giáo dục trong chiến lược của mình phải định hướng giá trị nhân cách đạo đức và giá trị nhân cách trí tuệ. Đó là giá trị đạo đức và tài năng trong nhân cách.
Chức năng của giáo dục là dẫn dắt con người định hướng có ý thức về giá trị Thiện – Lợi – Mỹ; thực hiện một nhân cách đức tài trong xã hội phát triển năng động.
Hiện nay sau 10 năm đổi mới bậc thang giá trị trong tâm lý người Việt Nam đã có xu thế biến đổi.
Mặt tích cực trong tâm lý con người Việt Nam là từ con người trong cơ chế bao cấp chuyển sang năng động, tính đến hiệu quả kinh tế, chấp nhận cạnh tranh, lao động và học tập sôi nổi thiết thực.
Mặt khác, việc định hướng về giá trị kinh tế năng lực giá trị tinh thần, văn hóa, chính trị: lợi ích cá nhân và gia đình, coi trọng hơn lợi ích xã hội, tập thể – giá trị hiện đại lấn át giá trị truyền thống, giá trị trước mắt hơn giá trị lâu dài.
Nhiệm vụ giáo dục của ta hiện nay phải hình thành con người từ một nhân cách mang tính cá nhân trở thành một nhân cách mang tính xã hội. Giáo dục là phương tiện hữu hiệu để xã hội hóa từng cá nhân, mỗi cá nhân bên cạnh coi trọng lợi ích cá nhân mình còn phải coi trọng hơn lợi ích của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Con người từ khi ra đời được sự giáo dục gia đình đến khi đến trường được sự giáo dục của nhà trường, rồi đến khi làm việc trong xã hội cần thấm nhuần các tư tưởng đó. Đó chính là giá trị nhân cách xã hội của người Việt Nam trong thời đại ngày nay.