Thể chất & Dinh dưỡng – 06/05/2020
“Váng sữa là gì? Những tác dụng của váng sữa với trẻ em là gì?” là thắc mắc của nhiều bậc bố mẹ. Hãy cùng ODPHUB tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Ngày nay, bố mẹ có thể dễ dàng nhìn thấy quảng cáo váng sữa trên các phương tiện truyền thông. Nhưng thực sự tác dụng của váng sữa đối với trẻ em là gì? Loại thực phẩm này có thực sự bổ dưỡng và cần thiết đối với sự phát triển của trẻ nhỏ như những gì được quảng cáo hay không? Khi nào thì bố mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn váng sữa?
Váng sữa là gì?
Váng sữa (trong tiếng Anh được gọi là milk scum) là loại thực phẩm được hình thành từ lớp phân tử chất béo kết thành một mảng lớn và nổi lên trên bề mặt của sữa khi sữa được đun nóng hoặc để yên trong một khoảng thời gian và không đậy nắp. Lớp váng sữa này nếu tách ra sẽ được gọi là kem sữa (milk cream) và phần còn lại được gọi là sữa tách béo (skimmed milk). Váng sữa sau khi được tách khỏi sữa sẽ được đun nóng để tiệt trùng.
Có 3 loại váng sữa phổ biến nhất, bao gồm:
-
Váng sữa thông thường: Đây là loại phổ biến nhất trên thị trường, thường có hàm lượng chất béo từ 10-30%. Hai chế phẩm đặc trưng nhất của váng sữa loại này là bơ và phô mai.
-
Váng sữa nguyên kem: Những sản phẩm được chế biến từ váng sữa nguyên kem phổ biến có hàm lượng chất béo từ 6-15%, thường được dùng làm món tráng miệng hay bữa ăn xế cho trẻ.
-
Váng sữa có hàm lượng chất béo cao nhất: Đây là loại váng sữa nguyên chất, giàu chất béo (hàm lượng chất béo từ 35-50%), có vị ngậy và thường không được sử dụng để ăn trực tiếp mà chế biến thành nhiều món khác nhau như salad, súp hay món tráng miệng.
Tác dụng của váng sữa với trẻ em
Phần lớn những bài quảng cáo về váng sữa đều chia sẻ về nhiều tác dụng của váng sữa như giúp trẻ mau tăng cân, chóng lớn, bổ sung hàm lượng canxi cao để giúp trẻ phát triển chiều cao nhanh chóng và vượt trội, cung cấp nguồn năng lượng dồi dào… Do đó, nhiều bố mẹ thường hiểu đây là loại sản phẩm chắt lọc tất cả những gì tốt nhất từ sữa và đem lại nhiều lợi ích hơn sữa. Có bố mẹ còn cho trẻ ăn váng sữa tăng cường thay thế cho sữa bột hoặt sữa tươi hằng ngày.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó là quan niệm sai lầm mà bố mẹ cần sớm thay đổi. Trên thực tế, hàm lượng chất đạm, các vitamin và khoáng chất trong váng sữa là rất thấp. Thành phần chủ yếu của váng sữa là chất béo và lượng chất béo trong một hộp váng sữa có thể cung cấp trên 70% tổng năng lượng mà trẻ cần. Đây là lượng chất béo cao gấp đôi so với chất béo trong một ly sữa thông thường của trẻ.
Như vậy, váng sữa chỉ là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào chứ không phải là sản phẩm “thần kỳ” cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như nhiều bố mẹ thường nghĩ. Do đó, bố mẹ nên lưu ý không sử dụng váng sữa để thay thế cho sữa trong thực đơn hằng ngày của trẻ.
Khi nào nên cho trẻ ăn váng sữa?
Theo khuyến cáo của Tổ chứ Y tế Thế giới (WHO), sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ không còn đủ để đáp ứng cho nhu cầu của trẻ nữa. Do đó, bố mẹ chỉ nên cho trẻ bắt đầu ăn váng sữa khi con được 6 tháng tuổi trở lên để bổ sung thêm năng lượng và giúp con tăng cân tốt hơn.
Do váng sữa có thành phần chủ yếu là chất béo và cung cấp nguồn năng lượng dồi dào nên sản phẩm này sẽ được phát huy tối đa tác dụng đối với những trẻ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng hay trẻ mới ốm dậy và cần nhiều năng lượng. Với những trường hợp này, bố mẹ nên sử dụng 1-2 hộp váng sữa như một bữa ăn phụ cho trẻ.
Cách sử dụng váng sữa hợp lý
Đối với trẻ từ 6-12 tháng tuổi, bố mẹ có thể cho trẻ ăn ½ đến 1 hộp váng sữa mỗi ngày. Trẻ trên 1 tuổi có thể ăn từ 1-2 hộp mỗi ngày, tùy mức độ dung nạp của cơ thể trẻ. Bố mẹ chỉ nên sử dụng váng sữa làm bữa ăn phụ và không nên cho trẻ ăn quá nhiều váng sữa.
Sữa mẹ vẫn luôn là nguồn dinh dưỡng dồi dào, là thức ăn tốt nhất đối với sự phát triển của trẻ. Vậy nên không có loại thực phẩm nào có thể thay thế cho sữa mẹ. Váng sữa cũng vậy, vì trong váng sữa không có đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ, đặc biệt là đạm. Nếu mẹ chỉ cho trẻ ăn váng sữa mà không bú sữa mẹ thì khả năng cao trẻ sẽ bị thiếu chất đạm và mắc các bệnh như suy dinh dưỡng, thiếu máu… Hơn nữa, do hàm lượng chất béo trong váng sữa rất cao nên khi ăn nhiều, trẻ sẽ dễ bị đầy bụng hoặc tiêu chảy.
>>> Tham khảo thêm:
Làm sao để bảo quản váng sữa đúng cách?
Váng sữa rất dễ bị hư nên cần được bảo quản trong tủ lạnh, ở khu vực có nhiệt độ tương đối ổn định. Bố mẹ nên lưu ý không để váng sửa ở bên cánh cửa tủ lạnh vì khi cửa được mở thường xuyên, nhiệt độ sẽ không giữ được ổn định.
Khi hiểu đúng váng sữa là gì và có thể đem lại lợi ích gì cho trẻ nhỏ, bố mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm mua những loại váng sữa thích hợp để bổ sung dinh dưỡng cho con. ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về tác dụng của váng sữa.