Vỏ tôm sau khi bóc xong chị em nhanh chóng vứt bỏ đi vì nghĩ chúng không có tác dụng gì cả. Tuy nhiên, sau khi đọc xong bí quyết tận dụng đầu và vỏ tôm nấu canh, nấu nước dùng dưới đây, hẳn sẽ có nhiều bà nội trợ tiếc nuối vì bấy lâu nay mình đã quá phí phạm.
Bạn có biết rằng vỏ của các loại hải sản như vỏ tôm, cua đều là các nguyên liệu “bí truyền” giúp cho các món canh, lẩu, bún hải sản thêm phần hấp dẫn không? Nước tôm có vị ngọt thanh, trong, thơm mùi hải sản tự nhiên, vì vậy sẽ giúp các món ăn thêm phần hấp dẫn. Do vậy sử dụng loại nước dùng này ngon hơn và giàu dưỡng chất hơn nhiều so với việc bạn sử dụng các gói gia vị, nước dùng chế biến sẵn.
Để có nồi nước dùng hoặc nồi canh ngon ngọt nước với đầu và vỏ tôm, bạn cần các nguyên liệu sau: Vỏ và đầu tôm 400g, hành tỏi băm, rượu nấu ăn (rượu sake hoặc rượu trắng), nước lọc.
Vỏ và đầu tôm, chân tôm sau khi bóc vỏ để riêng ra. Phần đầu tôm cần loại bỏ tất cả phần ruột đen bẩn đi, nhưng chú ý giữ lấy phần gạch. Sau đó, tất cả rửa sạch.
Hành tỏi phi thơm, sau đó cho đầu tôm và chân tôm vào xào. Khi đầu tôm và chân tôm se lại, bạn cho vào 1 muỗng canh rượu rồi đảo đều. Sau cùng bạn cho 1 tô nước vào nấu. Nấu cho nước sôi thì bạn cho cho vỏ tôm vào rây lọc rồi đặt trong nồi nước. Nấu một lúc để vỏ tôm tiết ra hết chất ngọt, bạn vớt ra đổ đi.
Đối với phần đầu tôm và chân tôm, phần này vẫn còn có thịt, gạch tôm và nước ngọt ở bên trong. Bạn vớt ra, để ráo, cho vào cối giã dập (không cần giã nát). Cuối cùng bạn cho vào rây, đặt vào nồi nước dùng khi nãy. Khuấy đều để nước ngọt từ đầu tôm tiết ra hết. Lúc này bạn đã có một phần nước dùng có vị ngọt thanh và mùi hải sản hấp dẫn. Vạn có thể sử dụng để nấu canh, nấu mì hoặc thêm nhiều nguyên liệu khác để thành món bún, lẩu hải sản. Đảm bảo sẽ vô cùng ngon miệng.
Lưu ý: Khi nấu canh với vỏ và đầu tôm, không để nước sôi quá 15 phút. Sôi quá lâu sẽ khiến nước bị đắng, ảnh hưởng đến vị ngon của món ăn. Thực tế bạn nấu lâu bao nhiêu chăng nữa thì vị ngọt trong vỏ tôm cũng sẽ không tiết ra thêm nữa.
– Không cần giã vỏ tôm. Vỏ tôm được cấu tạo từ kitin không có canxi và dưỡng chất nào khác. Bản thân chúng có giã ra cũng không thêm được vị ngọt đáng kể.
– Gạch tôm là phần quan tạo nên vị ngọt của nồi nước dùng. Vì vậy khi sơ chế, bạn chú ý không nhần lần phần gạch tôm với phần chất thải của tôm mà bỏ chúng đi. Phần dạ dày và ruột tôm là phần màu đen nối liền với chỉ tôm. Khi tôm chín bóc vỏ ra thì phần này cứng lại nằm tròn vo trong cái túi bao tử bé như đầu đũa nhỏ. Còn gạch tôm là phần màu vàng hoặc cam, vị béo và ngọt.
Ngoài nấu mì, bún, canh, lẩu, bạn có thể bỏ nước dùng này trong tủ lạnh để dùng dần. nếu để trong ngăn mát được 3 ngày. Còn để trong ngăn đá có thể bảo quản được trên 1 tháng.
Lời kết
Trên đây là mẹo tận dụng đầu và vỏ tôm nấu canh, nấu nước dùng ngọt lịm và dậy mùi hải sản tự nhiên. Từ nay, bạn đừng bỏ vỏ tôm đi nhé, rất nhiều món ngon có thể thực hiện bằng thứ nguyên liệu tưởng như bỏ đi này đấy.