Dơi quỷ và ám ảnh ma cà rồng khát máu
31 tháng 10 2015
Lời đồn: Dơi quỷ không nhìn thấy gì, nhưng bay lượn lanh lẹ và rất khát máu. Là đồng bọn của ma cà rồng. Loài ác quỷ. Rất đáng sợ. Không ai muốn nghe nói gì về chúng.
Thực tế: Sự sợ hãi vô căn cứ. Bạn sẽ yêu những chú dơi quỷ và cách sống kỳ diệu của chúng, đặc biệt là về sự quan tâm, nhường nhịn khẩu phần máu cho đồng loại của loài động vật đặc biệt này.
Dơi quỷ giúp chúng ta biết rất nhiều điều. Một trong những thứ đó là thế giới “sanguinivore” – thế giới của những loài động vật có xương sống tồn tại được nhờ vào việc chuyên hút máu kẻ khác.
Có khá nhiều loài động vật không xương sống chuyên hút máu, như muỗi hay đỉa. Tuy nhiên, chỉ có ba loài động vật có vú làm điều này: dơi quỷ thường (common vampire bat), dơi quỷ cánh trắng (white-winged vampire bat), và dơi quỷ chân lông (hairy-legged vampire bat).
Tồn tại bằng thứ mồi rất khác thường, nên cũng là chuyện dễ hiểu khi dơi quỷ được đặt tên theo một nhân vật ghê rợn, không bao giờ chết trong truyện dân gian châu Âu.
Thế nhưng càng tìm hiểu kỹ về loài này, tôi càng nhận ra là sự gán ghép đó hoàn toàn phi lý.
Máu tuy rất giàu protein, nhưng lại rất ít chất xơ carbohydrate, cho nên dơi quỷ phải uống máu rất nhiều, rất thường xuyên. Cho nên dơi quỷ đã tiến hoá để có thể có những mánh lới giúp chúng kiếm được lượng máu cần thiết.
So với những loài dơi khác, dơi quỷ thường (mà có thể cả các loài dơi quỷ khác nữa cũng vậy) cực kỳ nhạy cảm với âm thanh có tần số thấp.
Khả năng này khiến chúng dễ dàng phát hiện ra con mồi. Chẳng hạn như dơi quỷ thường có thể phát hiện được một người nào đó dựa vào âm thanh phát ra từ hơi thở của người đó.
Sau khi phát hiện được con mồi, dơi thường tiếp cận bằng cách bay từ mặt đất lên với tốc độ rất lanh lẹ. Một con dơi có thể đạt vận tốc hơn 1 mét một giây.
Một khi đã bám được vào nạn nhân, dơi quỷ sẽ ‘thi triển’ ngay kỹ năng hút máu của mình. Chúng dùng các tế bào cảm nhiệt ở mũi để tìm ra vị trí tĩnh mạch. Sau đó, dơi sẽ ‘dọn cỗ’ ở chỗ đó bằng cách vén gọn lông, tóc hay lông cánh của con mồi ra, rồi dùng lưỡi lau sạch chỗ da đã lộ diện trước khi bập răng sắc nhọn vào đúng mạch máu.
Một hỗn hợp gồm các chất protein có trong nước dãi, trong đó có chất gọi là draculin, sẽ khiến tĩnh mạch con mồi mở và máu không đông lại.
Con dơi thường bám chắc vào chỗ nó đã dọn dẹp tới khoảng một giờ đồng hồ. Trong thời gian này, nó có thể tăng trọng lượng lên hơn gấp đôi nhờ có dạ dày co giãn cực tốt, giúp nó hút được nhiều máu.
“Chúng thường to phồng lên như con muỗi vậy,” Geralk Wilkinson từ Đại học Maryland nói.
Khối ‘hành lý’ khổng lồ thu được sau khi đánh chén no nê khiến dơi quỷ không mấy dễ dàng bay lên. Thế nhưng chi trước của dơi quỷ có độ bật rất tốt, khiến nó có thể tung mình lên theo chiều thẳng đứng, với vận tốc trên 2 mét / giây. Nhờ vậy, dơi có thể rời đi một cách nhanh chóng.
Tuy được đồn đại và gắn kèm với sự kinh sợ ghê gớm, dơi quỷ không phải lúc nào cũng kiếm được mồi. Nhờ việc bắt được những chú dơi về tổ trước khi trời sáng, Wilkinson ước tính là có tới gần một phần mười số dơi trưởng thành và một phần ba số dơi non phải trở về với cái bụng đói. “Nhìn sẽ thấy rất rõ là liệu chúng đã đánh chén được gì hay chưa,” ông nói.
Đây không phải là chuyện thường. Bởi nếu không được ăn trong ba đêm liên tiếp thì dơi sẽ sụt mất một phần tư trọng lượng cơ thể. Chúng cũng sẽ chết.
Và điều kỳ diệu xảy ra! Dơi quỷ đã tạo ra chương trình chia sẻ máu với nhau nhằm giảm thiểu nguy cơ chết đói. Mỗi đêm, những cá thể đã hút máu no nê sẽ ói ra những ‘gói’ máu đã đông cục lại cho những con đói bụng trong đàn.
“Rất giống với việc mèo liếm đĩa sữa, chỉ có điều chúng liếm miệng những con dơi khác,” Wilkinson nói.
Hồi cuối thập niên 1970 cho tới đầu thập niên 1980, Wilkinson và một trợ lý đã dành ra hàng trăm giờ đồng hồ trong khu rừng tối ở Costa Rica để theo dõi cảnh dơi ói máu ra cho con khác.
Trong nhiều trường hợp, ông thấy những con dơi mẹ nhè máu ra cho con. Nhưng thường thì kẻ cho và người nhận chả cần có quan hệ máu mủ ruột rà gì với nhau. Chúng chỉ cần bỏ ra nhiều thời gian kết thân, tạo ‘tình thương mến thương’ bằng việc liếm láp lông nhau.
Tôi hỏi Wilkinson là liệu có thể gọi chúng là bạn của nhau được không. “Bạn bè lại là một thuật ngữ khác,” ông nói.
Gần đây, Wilkinson đã trở lại tìm hiểu về thói quen chia sẻ thức ăn của dơi quỷ và tìm cách xác định xem trong những bối cảnh nào chúng sẽ chia sẻ với nhau. Ông cùng một đồng nghiệp ghi nhận được là có gần 1.000 lượt chia máu trong một đàn dơi.
Không có dấu hiệu nào cho thấy một con dơi bị buộc phải nhè máu ra cho con khác. “Mọi sự diễn ra theo chiều ngược lại,” Wilkinson nói. “Chúng nhiệt tình hiến tặng.”
Ói ra đồ đã ăn, mà trong trường hợp này là máu, thì không phải là điều hay ho gì, nhưng nó cho thấy tinh thần cộng đồng, và nó khác xa so với những lời đồn ác ý, độc địa về loài dơi.
Loài dơi quỷ thường thì thường hút máu các loài động vật có vú: hầu hết các loài vật nuôi như bò, ngựa, và cả những loài hoang dã như chuột lang nước, lợn lòi pecary hay heo vòi.
Đôi khi chúng cũng hút máu người. Khi Wilkinson có chuyến đi thực địa tại Costa Rica hồi thập niên 1970, một trong các sinh viên trong đoàn đã bị hút máu. “Một chân cậu ấy thò ra ngoài màn bảo hộ, và có một chú dơi mò tới, hút máu cậu ta,” ông nói.
Tôi hỏi Wilkinson là ông đã từng bị hút máu bao giờ chưa sau chừng đó năm theo dõi loài sinh vật kỳ lạ này.
“Thỉnh thoảng cũng bị,” ông nói. “Khi ta bắt chúng thì chúng rất nhanh nhẹn. Chúng bay lòng vòng và nếu không cẩn thận là ta rất dễ bị chúng xơi.”
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên
BBC Earth.