Gen Z là thế hệ được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2002 (Ảnh: Getty).
Gen Z đang kế thừa một số xu hướng mua sắm xuất phát từ thế hệ trước đó – Gen Y, đồng thời tạo ra những phương thức mua sắm mới của riêng họ. Đối với các nhà bán lẻ, để không bỏ lỡ những khách hàng tiềm năng này, thay đổi là điều bắt buộc.
Dưới đây là 4 ảnh hưởng từ xu hướng mua sắm của Gen Z.
Tái định nghĩa mua sắm giá trị
Việc mua sắm theo thương hiệu trước đây chủ yếu tập trung vào giá cả, chất lượng, và trải nghiệm của khách hàng. Nhưng giờ đây, Gen Z muốn nhiều hơn thế: các nhãn hàng phải tạo ra những thông điệp riêng biệt, và quan tâm tới các vấn đề xã hội nhức nhối như bình đẳng giới và bảo vệ môi trường.
Gen Z cũng đánh giá yếu tố quan trọng nhất trong việc mua sắm chính là mức độ tin cậy của một nhãn hàng. Số liệu của WP Engine cho thấy, 8/10 người sẽ tin tưởng vào một công ty nhiều hơn nếu công ty đó quảng cáo bằng cách sử dụng những phản hồi thật của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm. Nói cách khác, quảng cáo phải chân thật và ít chỉnh sửa hơn.
Các thương hiệu phải trung thực ủng hộ những vấn đề xã hội và phải có những hành động thiết thực. Cũng theo khảo sát của WP Engine, 72% khách hàng mua sắm thuộc Gen Z có xu hướng mua hàng của những công ty có đóng góp vào các vấn đề xã hội. Và những vị khách trên cũng sẵn lòng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm đó.
Gen Z cũng không ngần ngại trừng phạt những công ty không giữ lời hứa về các vấn đề xã hội hoặc không ủng hộ những phong trào xã hội. Có khoảng 55% Gen Z được phỏng vấn khẳng định họ sẽ ngừng sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty nếu lập trường của công ty đó không đồng nhất với quan điểm của khách hàng.
Mua sắm thông qua mạng xã hội và người có ảnh hưởng
Với việc dành 3 giờ mỗi ngày lên mạng xã hội, Gen Z thường thích mua sắm ở những nơi họ giao lưu với nhau, tìm kiếm tin tức và giải trí.
Mua sắm trên mạng xã hội giống như một trung tâm mua sắm trực tuyến vậy. Gen Z kết nối với nhau, trò chuyện vui vẻ với bạn bè và những người có tầm ảnh hưởng lớn, nhưng đồng thời họ cũng mua sắm và lướt xem những thông tin nổi bật.
Có 40% Gen Z nói rằng mạng xã hội có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với những quyết định mua sắm của họ, không giống như những thế hệ trước, những người mua sắm phụ thuộc vào gia đình, bạn bè, TV, đánh giá.
Công ty McKinsey cũng tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với việc mua sắm. Công ty tư vấn này đã chỉ ra: trong khi thế hệ thiên niên kỷ tham khảo ý kiến trên mạng để xác định sản phẩm có tốt hay không, thì Gen Z lại tham khảo từ những cá nhân cụ thể mà họ tin tưởng.
Hợp nhất trải nghiệm mua sắm kỹ thuật số và trực tiếp (Ảnh: Getty).
Hơn 75% Gen Z mua sắm trên điện thoại, tỷ lệ cao hơn hẳn các thế hệ khác. Dù vậy, họ vẫn muốn trải nghiệm mua sắm trực tiếp, đặc biệt là những sản phẩm như đồ dùng điện tử hay quần áo.
Việc chuyển đổi giữa trực tuyến và trực tiếp đặt rất nhiều áp lực lên các nhãn hàng. Ví dụ , dù đang trong cửa hàng, Gen Z vẫn thích việc quét mã sản phẩm bằng điện thoại để kiểm tra nhãn hiệu, nhận ưu đãi giảm giá, và cũng để biết thêm thông tin của sản phẩm.
Gen Z cũng kỳ vọng các cửa hàng trực tiếp đưa ra nhiều lựa chọn sản phẩm hơn so với số lượng được liệt kê trên mạng. Gen Z coi mua sắm là một chuyến du ngoạn xã hội và họ quan tâm đến những nhãn hàng mang đến cho họ trải nghiệm độc đáo đó. Ví dụ, khu tự sửa đổi sản phẩm, khu leo tường ở trong cửa hàng thể thao, hay hội thảo miễn phí dạy cách sử dụng công nghệ.
Phương thức thanh toán mới
Gen Z không chỉ mua sắm khác biệt, mà họ còn thanh toán khác biệt bằng cách phương thức như: “mua trước, trả sau”, hay các ứng dụng thanh toán cùng bạn bè.
Hiện tại, có nhiều nhà cung cấp mời gọi khách hàng mua sắm với những hóa đơn có thể được trả góp, và lãi suất thường là 0%. Ước tính đến cuối năm nay, 44% Gen Z sẽ sử dụng những dịch vụ mua sắm trên.