/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/gia-tri-dinh-duong-tu-sau-rieng/
Sầu riêng là một loại trái cây lớn, có mùi khá nồng và nặng, nhưng cực kỳ giàu các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin C, vitamin B, khoáng chất, chất béo lành mạnh, chất xơ và một số hợp chất thực vật có lợi khác. Sầu riêng thường có mặt tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam. Ăn sầu riêng có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe.
1. Quả sầu riêng là gì?
Sầu riêng được biết đến là một loại trái cây nhiệt đới, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, nổi tiếng với biệt danh là “vua của các loại trái cây”. Mặc dù hương vị của sầu riêng khá nặng và nồng, nhưng nó lại chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn hầu hết các loại trái cây khác.
Sầu riêng thường có kích thước lớn, vỏ ngoài cứng và có nhiều gai nhọn bao phủ quanh vỏ. Sầu riêng có nhiều giống khác nhau, phổ biến nhất là Durio zibethinus.
Quả có thể dài tới 30cm và rộng khoảng 15cm, trọng lượng từ 1-3 kg. Phần thịt sầu riêng có màu vàng nhạt hoặc đỏ. Mùi vị của loại quả này có thể mang lại những phản ứng khác nhau ở mỗi người, từ “khó chịu” cho tới “nghiện”.
Sầu riêng được sử dụng rộng rãi ở nhiều vùng nhiệt đới trên toàn thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
2. Giá trị dinh dưỡng của sầu riêng
Sầu riêng là loại trái cây rất bổ dưỡng, giàu vitamin, chất xơ cùng với các hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe. Trong 243 gram sầu riêng sẽ cung cấp:
- Calo: 357
- Chất xơ: 9 gram
- Carb: 66 gram
- Chất béo: 13 gram
- Protein: 4 gram
- Vitamin B6: 38% của DV (giá trị dinh dưỡng hàng ngày)
- Vitamin C: 80% của DV
- Thiamine: 61% của DV
- Kali: 30% của DV
- Mangan: 39% của DV
- Riboflavin: 29% của DV
- Folate: 22% của DV
- Niacin: 13% của DV
- Đồng: 25% của DV
- Magiê: 18% của DV
Nhờ vào bảng thành phần dinh dưỡng này mà sầu riêng đã trở thành một trong những loại trái cây bổ dưỡng nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, nó còn chứa các hợp chất thực vật có lợi như carotenoids, anthocyanin, polyphenol và flavonoid.
3. Sầu riêng được sử dụng như thế nào?
Trong nền ẩm thực Đông Nam Á, sầu riêng thường được lựa chọn để chế biến thành các món ăn ngọt hoặc mặn. Cả phần thịt và hạt sầu riêng đều có thể ăn được, tuy nhiên hạt cần phải nấu chín trước khi sử dụng.
Hương vị của sầu riêng được mô tả là sự trộn lẫn giữa các vị như hạnh nhân, tỏi, phô mai và caramel. Mùi của nó nồng đến nỗi bị cấm mang vào một số khách sạn và hệ thống giao thông công cộng ở Đông Nam Á.
Các chế phẩm phổ biến từ loại trái cây này, bao gồm:
- Súp
- Nước ép
- Hạt sầu riêng luộc hoặc rang
- Kem, kẹo hoặc các món tráng miệng khác
- Món ăn phụ
Ngoài ra, sầu riêng cũng được áp dụng trong y học cổ truyền và mang một số tính chất dược phẩm.
4. Các lợi ích sức khỏe của sầu riêng
Trong nền y học cổ truyền của Malaysia, người ta đã sử dụng tất cả các bộ phận của cây sầu riêng, bao gồm rễ, vỏ, lá và quả để điều chế thành các phương thuốc chữa nhiều loại bệnh khác nhau, như vàng da hoặc sốt cao.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sầu riêng có thể mang lại một số lợi ích về sức khỏe sau:
- Ngăn ngừa bệnh tim: các hợp chất thực vật có trong sầu riêng có tác dụng giảm mức cholesterol, ngăn chặn các tình trạng xơ cứng động mạch.
- Giảm nguy cơ mắc ung thư: trong sầu riêng có chứa nhiều chất chống oxy hóa. Những chất này có khả năng làm vô hiệu hóa các gốc tự do – nguyên nhân chính dẫn tới hình thành và phát triển các tế bào ung thư trong cơ thể. Cụ thể, chiết xuất từ trái sầu riêng có thể ngăn ngừa ung thư vú lan rộng.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: chỉ số đường huyết (GI) có trong sầu riêng đạt mức thấp hơn so với các loại trái cây nhiệt đới khác. Vì vậy, việc tiêu thụ sầu riêng có thể giúp giảm được lượng đường trong máu, từ đó ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh tiểu đường hoặc tim mạch.
- Chống nhiễm trùng: phần vỏ của sầu riêng là một nguồn cung cấp dồi dào các hợp chất có đặc tính chống nấm men và kháng khuẩn tuyệt vời.
5. Một số lưu ý khi ăn sầu riêng
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khi sử dụng sầu riêng kết hợp với uống rượu có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe. Bởi vì trong sầu riêng có chứa các hợp chất tương tự như lưu huỳnh có thể ngăn rượu được chuyển hóa hoàn toàn, từ đó khiến mức nồng độ cồn trong máu bị tăng cao, gây ra các tình trạng như buồn nôn, nôn mửa, hoặc tim đập nhanh. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn nên tránh uống rượu và ăn sầu riêng cùng một lúc.
Ngoài ra, ăn sầu riêng cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng, vấn đề ở dạ dày, tiêu chảy, hoặc đầy hơi. Hạt sầu riêng có thể gây khó thở đối với một số người.
Nếu bạn đang trong quá trình giảm cân, nên hạn chế ăn sầu riêng, bởi vì nó có chứa 13 gram chất béo và 357 calo có thể làm tăng cân.
6. Cách ăn sầu riêng
Vỏ sầu riêng khá cứng và có nhiều gai nhọn, vì vậy bạn nên sử dụng găng tay khi tách vỏ nhằm bảo vệ da tay khỏi bị tổn thương.
Sử dụng dao và nhẹ nhàng tách bỏ lớp vỏ bên ngoài, sau đó gỡ lấy phần thịt bên trong sầu riêng.
Sầu riêng có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến cùng với một số nguyên liệu khác như gạo nếp.
Sầu riêng cũng được sử dụng phổ biến trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như kẹo hoặc kem. Tuy nhiên những sản phẩm này thường không cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com