Trong giai đoạn đang cho con bú, mất sữa đột ngột khiến nhiều sản phụ vô cùng lo lắng khi không đủ nguồn dinh dưỡng cho con. Vậy nguyên nhân mất sữa là gì và cần làm gì để khắc phục tình trạng này và mau chóng có sữa trở lại?
12/01/2022 | Dinh dưỡng cho trẻ cai sữa mẹ chuẩn để bé phát triển toàn diện
12/12/2021 | Sữa mẹ để nhiệt độ thường được bao lâu? Cách bảo quản như thế nào?
09/12/2021 | Cách bảo quản sữa mẹ an toàn và đảm bảo dinh dưỡng cho con yêu
1. Những nguyên nhân mất sữa mẹ cần biết
Sau khi sinh khoảng một vài ngày, tuyến sữa của các bà mẹ sẽ hoạt động để cung cấp sữa cho trẻ liên tục. Tuy nhiên vì nguyên nhân nào đó, tuyến sữa của mẹ ngừng hoạt động nên không còn tiết ra sữa như bình thường, cùng với đó là các triệu chứng như: bầu vú xẹp, không còn căng tức bầu vú, lỏng lẻo,… Dù cố gắng nặn, vắt nhưng vẫn không thấy sữa chảy ra nghĩa là mẹ đang bị mất sữa.
Mất sữa khi đang cho con bú khiến mẹ lo lắng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất sữa đột ngột này, phổ biến như:
1.1. Nguyên nhân do bé ít bú
Việc bé bú mẹ thường xuyên là nguồn dinh dưỡng chủ yếu không chỉ giúp bé có được dinh dưỡng tốt mà còn giúp duy trì quá trình tiết sữa của mẹ. Nếu bé ít bú sữa mẹ, cơ thể mẹ sẽ dần tiết lượng sữa ít hơn và từ đó đến mất sữa.
Do đó, trong ít nhất 6 tháng đầu sau sinh, các chuyên gia khuyên rằng mẹ nên cho bé bú sữa hoàn toàn. Sau đó có thể kết hợp bú sữa mẹ và ăn dặm để đảm bảo dinh dưỡng phát triển, cũng như duy trì nguồn sữa mẹ đều đặn.
1.2. Nguyên nhân do bệnh liên quan đến tuyến vú
Hoạt động của tuyến vú giữ vai trò quan trọng trong duy trì nguồn sữa đều đặn giàu dinh dưỡng cho trẻ. Một số mẹ mắc phải bệnh liên quan đến tuyến vú có thể bị mất sữa đột ngột như: tắc tia sữa, áp xe vú, viêm tuyến vú, nhiễm khuẩn núm vú, phẫu thuật ngực,…
Mất sữa đột ngột có thể do bệnh về tuyến vú
Để phòng ngừa tình trạng này, mẹ cần vệ sinh bầu ngực sạch sẽ trước và sau khi cho trẻ bú để tránh nhiễm khuẩn cũng như ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến vú.
Ngoài ra, các bệnh rối loạn nội tiết, nhất là liên quan đến hormone Prolactin và Oxytocin cũng có thể gây rối loạn sản xuất sữa, dẫn đến mất sữa đột ngột.
1.3. Do chế độ dinh dưỡng kém
Cơ thể mẹ có thể sản xuất sữa đều đặn, chất lượng, giàu dinh dưỡng khi có chế độ dinh dưỡng tốt. Vì thế mà các chuyên gia khuyên rằng, mẹ sau sinh nên ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng, tránh kiêng khem quá mức hoặc giảm cân với chế độ ăn nghèo nàn. Việc này sẽ khiến lượng sữa của mẹ ít dần và dẫn đến mất sữa đột ngột.
Ngoài ra, mẹ có thể bị mất sữa do ăn phải một số loại thực phẩm không tốt như: bắp cải, lá lốt, măng chua,…
1.4. Do chế độ nghỉ ngơi không tốt
Sau khi sinh, để hồi phục sức khỏe cũng như có lượng sữa dồi dào, sản phụ cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Nhiều mẹ do phải chăm con, làm việc nhà, dỗ dành con vất vả, thiếu thời gian nghỉ ngơi làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần cũng như gây mất sữa đột ngột.
1.5. Do trầm cảm, stress
Tinh thần cũng là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến việc sản xuất và cấp sữa cho con, đặc biệt là những tình trạng tinh thần căng thẳng, mệt mỏi, stress sau sinh. Nhiều trường hợp do sữa ít hoặc mất sữa càng trở nên lo lắng hơn khiến cơ thể không thể tiết sữa bình thường.
Cẩn thận trầm cảm sau sinh gây mất sữa
1.6. Do uống ít nước
Có đến 80% thể tích sữa mẹ là nước, hòa tan các chất dinh dưỡng và kháng thể quan trọng. Do đó, để mẹ có nhiều sữa và liên tục thì cần uống nhiều nước. Uống quá ít nước cùng các loại chất lỏng khác sẽ gây ít sữa, mất sữa.
1.7. Do thuốc điều trị
Việc mất sữa đột ngột khi đang cho con bú có thể do ảnh hưởng của một số loại thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng sinh hay thuốc đặc trị bệnh. Do đó, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, tránh dùng thuốc ảnh hưởng đến việc tiết sữa của mẹ.
1.8. Do bé bỏ ti mẹ
Việc bé ti mẹ sẽ kích thích tuyến sữa hoạt động, sản xuất sữa liên tục nên nếu mẹ cho bé bú bình, bú sữa công thức sớm nên bỏ ti mẹ thì dần dần sẽ khiến lượng sữa mẹ ít đi. Tuyến sữa dần ngừng hoạt động thì rất khó để có lại sữa mẹ, vì thế nếu không bắt buộc thì mẹ nên cho bé bú trực tiếp.
2. Cần làm gì để khắc phục mất sữa khi cho con bú?
Muốn khắc phục tình trạng mất sữa khi cho con bú thì cần tìm ra nguyên nhân chính xác và loại bro nguyên nhân này. Dưới đây là một số biện pháp có thể áp dụng để gọi sữa mẹ về nhiều hơn:
2.1. Cho trẻ bú nhiều hơn
Bé càng bú liên tục thì tuyến sữa càng được kích thích sản xuất ra nhiều sữa để trẻ bú hơn, trong thời gian đầu sau sinh, không nhất thiết ép trẻ tuân theo cữ bú đúng giờ. Bất cứ khi nào trẻ đói và muốn bú sữa, mẹ đều có thể cho bé bú. Cần chú ý cho trẻ bú đúng cách, chỉ khi bú hết sữa ở một bên mới bú sang bên còn lại.
Trẻ bú đều đặn, liên tục là cách để kích thích tuyến sữa mẹ hoạt động tốt hơn
2.2. Uống nhiều nước hơn
Sản phụ sau sinh được khuyên nên uống nhiều nước và dịch lỏng, nhất là nước nóng, nước canh, soup,… để sản xuất nhiều sữa hàng ngày. Trong dân gian cũng lưu truyền nhiều bài thuốc nấu nước uống rất tốt cho việc sản xuất sữa của mẹ như nước chè vằng,…
Nếu bị mất sữa, hãy uống nhiều nước hơn cùng các loại nước tốt, tránh xa các thức uống có cồn như rượu, bia,…
2.3. Massage vùng ngực
Massage vùng ngực khi trẻ đang bú một cách thoải mái sẽ có tác dụng kích thích sữa xuống đều, giúp trẻ dễ bú hơn. Ngoài ra, việc massage thường xuyên cũng kích thích tuyến vú hoạt động tốt, tiết sữa nhiều và đều đặn, tránh tình trạng ứ đọng hoặc viêm tắc tia sữa.
2.4. Kiểm soát căng thẳng
Chắc rằng sau khi sinh, không thể tránh khỏi những mệt mỏi, căng thẳng khi chăm sóc trẻ cũng như bản thân. Hãy dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, tránh tình trạng quá căng thẳng, mệt mỏi. Thời gian đầu sau sinh mẹ nên ngủ ít nhất 10 giờ mỗi ngày để quá trình tiết sữa thuận lợi.
2.5. Chế độ ăn uống đầy đủ
Để hồi phục sức khỏe sau sinh cũng như tiết sữa giàu dinh dưỡng, mẹ sau sinh nên bổ sung mỗi ngày khoảng 2500 kcl từ đa dạng các loại thực phẩm. Không cần thiết phải ăn quá nhiều thực phẩm tăng tiết sữa, mẹ nên có chế độ ăn cân bằng với nhiều hoa quả, protein, ngũ cốc và chất béo.
Mẹ sau sinh cần có chế độ ăn uống đầy đủ để tiết sữa tốt
Hiểu về nguyên nhân mất sữa giúp sản phụ có thể phòng tránh và xử lý đúng cách khi gặp phải tình trạng này. Nếu đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không cải thiện được, hãy liên hệ tới hotline 1900 56 56 56 để được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hỗ trợ.