Bạn có bao giờ thốt lên những câu sau chưa?
- Chán như con gián
- Chán đi làm quá, công việc chả thú vị gì, đồng nghiệp thì nhỏ nhen, sếp thì hắc ám
- Chồng/vợ con gì mà chán thế không biết. Ra ngoài đường nhìn chồng/vợ con người ta thấy ham, về nhà nhìn chồng/vợ con mình thấy phát ói.
- Chán cuộc sống tầm thường. Ngày nào cũng giống như ngày nào.
Có rất nhiều kiểu than chán, trầm bổng khác nhau, nhanh chậm khác nhau, nặng nhẹ khác nhau. Nhưng tựu trung ta có thể hợp tất cả các dạng than chán lại thành một dàn hợp xướng để tấu lên bản xô nát với âm giai trưởng là: chán đời! (Ví dụ có thể không hợp lý do một bản sonata được soạn chỉ có từ 1-2 nhạc cụ)
Dạo quanh Facebook, Yahoo, Blog dễ nhận thấy những người than chán đời nhiều nhất là các bạn trẻ. Thú thật khi nghe các bạn than chán tôi chỉ muốn biến thành “hiệp sĩ của hành” và lấy củ hành đập cho bạn một trận (để người ngoài nhìn vào không biết lý do thực sự bạn khóc là gì).
Ai cũng từng trải qua giai đoạn sống vô tư vô lo và dễ chán như vậy. Không sao, giai đoạn này sẽ qua mau thôi. Khi đến lúc bạn phải tập đứng vững kiếm sống và hưởng thụ cuộc sống trên chính sức của mình. Khi đến lúc bạn bị đời smackdown vài cú đau đớn nghẹn cả họng. Khi đến lúc một người thân yêu không còn trong cuộc sống của bạn nữa. Lúc đó bạn sẽ thấy rằng sự chán đời của mình trước đây thật nhỏ bé và nhảm nhí so với những nỗi đau mất mát to lớn khác.
Sự thức tỉnh đó không dễ. Học phí phải trả tương đối đắt. Và đến khi thức tỉnh có khi đã là quá muộn. Bài viết này muốn giúp bạn từ bỏ cảm giác chán đời và bật tung hứng khởi với cuộc sống ngay từ bây giờ. Vĩnh viễn! Bạn sẽ không còn cảm thấy chán đời, chán mối quan hệ, chán công việc một khi hiểu và áp dụng những cách dưới đây.
Chào Mừng Cái Chán!
Định nghĩa từ điển tiếng Việt: “chán là khi bạn ở trạng thái không còn thèm muốn không còn thích thú nữa vì đã quá thoả mãn“. Cái chán thịt mỡ, ngủ chán mắt. Chán còn là khi bạn ở trạng thái không những không thấy thích thú mà còn muốn tránh vì đã phải tiếp xúc kéo dài với cái mình không ưa. Cái chán sự tiêu cực quan liêu. Chán còn là một từ định lượng đạt đến mức độ số lượng mà người nói cho là nhiều. Còn sớm chán là ví dụ.
Chán đơn giản là một trạng thái tinh thần. Nó không định nghĩa cái tôi đích thực của bạn. Bạn cảm thấy chán không đồng nghĩa bạn là một con người đáng chán. Trạng thái tinh thần chán là một điều đáng hoan nghênh! Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó đáng chán, điều đó có nghĩa có điều gì đó trong cuộc sống của bạn cần được thay đổi.
Đây là quy tắc đầu tiên trong kỹ năng giải quyết vấn đề của dân quản lý. Nếu bạn không nhận ra và thừa nhận vấn đề thì làm sao bạn có thể giải quyết vấn đề? Nếu bạn không thừa nhận mình đang chán công việc hiện tại thì làm sao bạn có thể xây dựng một sự nghiệp mình thực sự đam mê? Nếu bạn không nhận ra mình đang chán người yêu thì làm sao bạn có thể vun đắp và nuôi dưỡng ngọn lửa tình yêu giữa cả 2? Nếu bạn không thừa nhận mình phát chán với cái bụng bia còn bự hơn cả ngực thì làm sao bạn có được thân hình bạn hằng khao khát?
Chán – Liều Thuốc Độc Cho Cuộc Sống
Chán, cũng như những trạng thái tinh thần tiêu cực khác, với một liều lượng ít và không thường xuyên sẽ phát huy tác dụng tích cực. Nhưng nếu bạn cảm thấy cái chán đeo đuổi dai dẳng mình từ ngày này sang ngày khác, đến một lúc bạn sẽ cảm thấy mình không còn thiết sống nữa.
Đây là những hậu quả khi bạn cảm thấy chán đời:
- Cơ thể uể oải mất hết năng lượng
- Buồn chán và không hạnh phúc
- Hủy hoại cả sự lạc quan vui vẻ của người khác, mọi người xa lánh bạn
- Giảm hiệu suất, không làm gì ra hồn
- Kết quả công việc giảm sút
- Đánh mất cái tôi đích thực của mình
Bạn không phải là người duy nhất cảm thấy chán. Nhưng liệu bạn sẽ sử dụng cái chán để làm đòn bẩy giúp mình phát triển tốt hơn hay để cái chán đè bẹp cuộc đời bạn dưới sức ì của nó?
Nếu bạn chọn cách thứ nhất, xin tiếp tục đọc. Chúng ta sắp khám phá một vài kỹ thuật để tận dụng cái chán.
1. Sinh Lý Học: Cách Bạn Chuyển Động Và Sử Dụng Cơ Thể
Chán là một trạng thái tinh thần. Nghĩa là nó có thể thay đổi sang trạng thái tinh thần khác được. Có hai cách kiểm soát trạng thái tinh thần cơ bản: bằng sinh lý học và tâm lý học.
Bạn có nhận ra khi chán mình trông ra sao không? Có phải vai nhô cao, lưng cong, mặt xị xuống, thở dài, cặp mắt lừ đừ, miệng ngáp, cổ rụt? Có phải bạn đang ngồi ủ rũ, tay ôm đầu, cuộn tròn mệt mỏi?
Nếu bạn muốn cảm thấy vui vẻ hơn hưng phấn hơn, hãy sử dụng cơ thể như khi bạn đang ở tuyệt đỉnh phong độ của mình. Vai thoải mái đẩy ra sau, lưng thẳng, mặt rạng rỡ, thở sâu, mắt ngời sáng, miệng cười tươi, cổ vươn cao kiêu hãnh. Đừng ngồi mãi. Đi nhanh hơn. Chạy đi. Nhảy đi. Tung người lên không trung. Siêu nhân mà bay lỉu xỉu thì trông có chán không? Kamen Rider mà đánh đấm như gà rù thì trông có chán không? Bạn mà yếu ớt thì trông có chán không?
Hẳn bạn cũng có quen một người bạn luôn vui vẻ phấn chấn. Bạn ấy thu hút người khác nhờ biết cách chuyển động và sử dụng cơ thể một cách đầy hưng phấn.
Khi bạn ở tuyệt vời phong độ, bạn ăn nói ra sao, đi đứng ra sao, cười ra sao? Con người trong gương của bạn đang hạnh phúc hay buồn chán? Thật khó mà cảm thấy buồn chán khi bạn đang hành động như một đàn ông/đàn bà đích thực
2. Tâm Lý Học: Những Gì Bạn Tập Trung Để Ý
Bạn nhận biết cuộc đời như một nhiếp ảnh gia nhìn xuyên qua ống kính. Thực tế cuộc sống của bạn dựa trên ống kính của bạn. Ống kính của bạn hạn hẹp, nó chỉ tập trung nhìn vào một mặt. Và những gì tâm trí bạn tập trung để ý chính là thực tế của bạn.
Tâm lý chán cũng tương tự. Bạn tập trung vào những điều đáng chán thay vì bao điều kỳ thú khác trong cuộc sống. Bạn có để ý những người bận rộn thường không than chán, tâm trí của họ không có thời gian để ý đến sự chán. Để hướng sự tập trung vào những cái khác bạn có thể dùng cách tự hỏi mình. Đây là một bí mật kỹ năng giao tiếp: bạn có thể ảnh hưởng đến người khác nếu biết cách đặt câu hỏi hướng tâm lý họ.
Điều gì làm bạn hạnh phúc trong cuộc sống bây giờ? Bạn yêu ai? Ai yêu bạn? Bạn thích làm gì trong thời gian rỗi? Nếu ngày mai bạn chết, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ gọi cho ai?
Thử nghiệm. Bạn lấy một tờ giấy trắng và trong 10 phút, ghi ra 100 thứ có thể làm bạn yêu đời. Và làm đi. Bạn sẽ ngạc nhiên vô cùng khi biết rằng cuộc sống có nhiều điều hay ho đến vậy mà mình hay bỏ qua. Tôi có thể ghi hơn 500 thứ bằng mindmap. Thử xem:
Du lịch, bánh bao, cơm chiên, mì gói, phụ nữ, âm nhạc, piano, guitar, đi bộ dưới mưa, tiếng saxophone sexy, anime-manga, hentai, phim, cướp biển, gươm ánh sáng, ninja, sex, geisha, samurai, new age, yoga, bàn tay thon dài, nhìn vào gương và thấy mình thật đẹp trai, uống cocktail với người đẹp, tự nấu ăn, đậu hũ, ủi áo quần, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, mua quà tặng ba mẹ, ngắm thành phố từ tầng 10, uống trà vào sáng sớm, kiến trúc, zoro, spa, kung-fu,…
3. Quy luật của sự quen thuộc
Quy luật của sự quen thuộc bảo rằng những thứ gì bạn có và gặp thường xuyên thì bạn chỉ xem nhẹ. Người ta thường không biết quý những gì mình có. Ví dụ như truyện Doraemon, ông bố mua về máy tập chạy bộ, thời gian đầu cả nhà Nobita dành nhau chơi, nhưng chỉ một thời gian sau lại bỏ xó.
Bao nhiêu lần bạn đạt được mục tiêu của mình rồi nghĩ: Chỉ có vậy thôi sao?. Bao nhiêu chàng trai cô gái đêm về vắt óc suy nghĩ tuyệt chiêu cưa đổ nàng/chàng, khi cưa được thì chỉ một thời gian sau lại rơi vào hụt hẫng chán ngán. Lúc mới yêu lòng vui biết bao nhiêu. Lúc sau yêu lòng chán biết bao nhiêu. Còn công việc của bạn thì sao? Có phải bạn chỉ hào hứng ở giai đoạn đầu của dự án rồi nhiệt tình giảm dần?
Khi mẹ anh còn sống thì một tuần chỉ chở mẹ đi chơi có một lần. Mà nào phải tự nguyện chủ động gì cho cam, anh cũng chỉ chở mẹ khi không có độ nhậu nào. Mẹ mất. Anh hối hận. Tự nhủ nếu có một ông Bụt hiện ra cho phép gặp mẹ, anh sẵn sàng đánh đổi 2 chiếc Vespa để được gặp mẹ dù trong 1 ngày.
Cẩn thận với quy luật của sự quen thuộc. Nó dễ dàng hút bạn vào địa bàn của sự chán ngán. Trước khi mua được cây đàn piano, bản thân tôi tự nhủ mình sẽ tập đàn piano mỗi ngày một tiếng, mình sẽ dậy sớm tập. Khi mua về thì một thời gian sau tôi có phần bỏ bê. Cây đàn piano tội nghiệp nằm trơ trọi ở góc phòng chờ 10 ngón tay đến vuốt ve phím đàn. Sau này khi thoát ra khỏi gông cùm của quy luật quen thuộc thì tôi tập đàn piano mỗi ngày một tiếng, lần nào cũng đầy say mê như thưở ban đầu.
Làm thế nào để thoát khỏi xiềng xích của sự quen thuộc? Điều đầu tiên là bạn tập nuôi dưỡng lòng biết ơn. Biết ơn với những gì mình có. Điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy mình hạnh phúc và giàu có ngay lập tức. Tự nhủ: Làm sao anh may mắn đến thế mới được em yêu? Làm sao mình may mắn còn 2 đấng sinh thành mạnh khỏe? Làm sao để đền ơn báo hiếu cho cha mẹ? Làm sao mình may mắn có nhiều việc để làm để cống hiến trong khi người khác thất nghiệp đầy rẫy?. Hãybắt đầu một trang giấy bằng dòng chữ: Tôi biết ơn vì….
Đầu thứ hai là bạn phải không ngừng phát triển. Khi bạn chán còn có nghĩa là bạn đã ngừng học hỏi. Nếu bạn học nấu một món ăn mới, chơi một nhạc cụ, học một ngoại ngữ mới, đọc một cuốn sách mới,…bạn sẽ không có thời gian phí phạm vào sự chán nản. Bạn đòi hỏi nhiều hơn từ chính mình. Bạn quyết tâm trở thành một người học trọn đời. Phát triển thường xuyên và không bao giờ kết thúc. Nâng mọi thứ lên một tầm cao mới.
Nếu bạn và người yêu thấy chán thường là do bạn đã ngừng phát triển mối quan hệ. Tập một kiểu hôn mới xem, cùng nấu một món ăn, cùng học một kỹ năng mới, đi du lịch. Thử thách nhau chàng phải đô con hơn, nàng phải mi nhon hơn. Chàng làm cocktail, nàng làm món ăn…
Những nhân viên trung bình làm việc như thế nào? Họ cảm thấy chan chán. Họ CỐ HẾT SỨC để làm ÍT HẾT CỠ. Chỉ cần đạt đến thanh tiêu chuẩn là OK. Một nhân viên giỏi làm việc như thế nào? Anh ta hoàn thành dự án nhanh hơn, đưa ra lời khuyên đóng góp, đẩy tiến độ và công việc lên. Vượt quá thanh tiêu chuẩn khiến anh mệt. Tại sao bạn nên làm như một nhân viên giỏi? Đơn giản là một nhân viên giỏi sẽ được trải nghiệm một ngày khác, một hành trình khác và một tiếng tăm khác so với những nhân viên tàn tàn khác. Trong thời buổi hậu công nghiệp, những nhân viên giỏi đang nằm trong diện nhu cầu cao hơn bao giờ hết.
Tổng kết
Làm gì có chuyện ngày nào giống nào? Ví dụ như Mặt Trời mọc. Ngày Mặt Trời mọc khí thế sau ngọn tre. Ngày lúc Mặt Trời lên có cánh chim bay chéo qua. Ngày Mặt Trời mọc khi mẹ lua khua nấu bữa sáng cho cả nhà. Làm sao ngày nào cũng giống ngày nào được. Đối với người thông minh thì mỗi ngày là một ngày mới.
Người Đương Thời có phỏng vấn chị Nguyễn Hướng Dương. Chị trong một cơn tai nạn bị mất đi đôi chân. Cuộc sống tưởng như quá phũ phàng. Nhưng đến ngày chị đọc được những trí tuệ của Dale, chị bắt đầu sự nghiệp đọc sách cho người mù. Đến ngày chị nghe được một cô bé khiếm thị hát: “Hát đi em hát lên đi em vì đời đẹp như là mơ”.
Chán là trạng thái tâm lý của những người trung bình. 15 tuổi ta than chán trường lớp chán bạn bè chán gia đình. 20 tuổi ta than chán bạn bè chán người yêu. 25 tuổi ta than chán công việc chán đời. 30 tuổi ta lờ mờ nhận ra cuộc đời dường như rất đẹp. 40 tuổi ta ngẩn ngơ hối tiếc thời trẻ đã không tận hưởng cuộc sống. 50 tuổi ta ứa nước mắt hối hận thời trẻ sôi động. 60 tuổi ta ngồi bảo ban lớp trẻ rằng cuộc sống này tuyệt cú mèo…
Như Slogan của đài Discovery, cuộc sống đơn giản là tuyệt cú mèo!
Quay trở lại cái mốc 20. Đây là độ tuổi trung bình bạn trẻ Việt Nam bắt đầu bước vào đời. Có 2 bạn trẻ cùng bước vào đời. Mỗi người một tâm lý khác nhau:
- Một bạn than: Chán đời quá!
- Một bạn than: Yêu đời quá!
Cuộc đời ai sẽ nở hoa?