Cảm nhận về truyện cười Tam đại con gà
Đề bài:
Cảm nhận về truyện cười Tam đại con gà.
Bài làm
Truyện cười là những câu chuyện dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ về những sự việc, hành vi trái tự nhiên của con người, có tác dụng gây cười, nhằm mục đích giải trí và phê phán xã hội. Truyện cười thường có hai loại: Truyện khôi hài và truyện trào phúng trong đó truyện khôi hài chủ yếu nhằm mục đích giải trí (tuy nhiên vẫn bao hàm giá trị giáo dục) còn truyện trào phúng được sáng tác với mục đích phê phán, trong số những câu chuyện hay có truyện “Tam đại con gà” thuộc thể loại truyện trào phúng, đối tượng phê phán trong truyện là anh thầy đồ học hành dốt nát nhưng đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt và dẫn đến việc dạy sai kiến thức cho học sinh.
Mâu thuẫn chủ đạo và xuyên suốt trong cả câu chuyện đó là thầy đồ dốt chữ nhưng lại hay khoe khoang mình văn hay chữ tốt, giấu đi cái dốt của mình, liều lĩnh đi dạy trẻ và từ đó hàng loạt các tình huống gây cười xuất hiện. Thứ nhất, khi dạy sách Tam Thiên Tự sau chữ “tước” là chim sẻ sẽ đến chữ “kê” là gà, tuy nhiên mặt chữ có nhiều nét rắc rối và học sinh lại hỏi gấp nên ông thầy đã nhắm mắt nói liều “dủ dỉ là con dù dì”. Cách giải quyết tình huống trong lúc “cấp bách” của người thầy đã bộc lộ ra sự dốt nát, kém hiểu biết đến tận cùng vì trong Hán tự không hề có chữ “dù dì” và kể cả trong thế giới động vật cũng không có con nào tên là dù dì. Người thầy này không chỉ kém về kiến thức trong sách vở mà còn kém hiểu biết về kiến thức thực tế. Thầy biết cái sai của mình nhưng vẫn cố dấu dốt, thể hiện ở việc thầy bảo học trò đọc khẽ vì sợ người khác nghe thấy và phát hiện ra cái sai của mình.
Tình huống gây cười và đáng phê phán thứ hai của ông thầy đó là ông tìm đến thổ công để nhờ sự giúp đỡ mà không phải là đi hỏi các thầy khác hay bạn bè xung quanh. Thầy đồ không tìm đến các vị thầy khác để xin chỉ giáo mà lại mê tín tin vào thổ công trong nhà. Thầy gieo 3 đài âm dương và được cả 3 nên lấy làm đắc trí, tin rằng mình đã đúng vì vậy hôm sau thầy bệ vệ ngồi trên giường và bảo học sinh đọc thật to và từ đây sự thật mới được vạch trần. Tình huống gây cười thứ ba, khi bị bố bọn trẻ vạch trần, thầy không những không nhận sai mà còn bao biện cho sự ngu dốt của mình bằng một cái “lí sự cùn”.
Thầy đã vòng vo giải thích để che đi sự dốt nát của mình với một câu nói hoang đường và vô lí: “Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà”. Cách lí giải của thầy hoang đường đến mức khiến người ta phải bật cười, nhưng đáng chê trách hơn là thầy đi dạy chữ mà các chữ tối thiểu trong sách thầy cũng không biết. Thông qua các tình huống gây cười trong câu truyện, chúng ta đã thấy được một ông thầy dốt nhưng lại thích khoe giỏi, khi bị vạch trần không những không biết nhận sai mà còn bao biện cho bản thân bằng cái lí sự cùn hoàn toàn không thể tin tưởng được. Tất cả những hành động để cố gắng dấu đi cái dốt của người thầy này đã làm cho thầy trở nên thảm hại hơn và thật đáng buồn cười trong mắt mọi người.
Tiếng cười trong câu chuyện mang ý nghĩa phê phán, giáo dục cao: Truyện “Tam đại con gà” phê phán một tật xấu trong đại bộ phận nhân dân đó là dốt nhưng không chịu học hỏi, luôn cố gắng để che đậy cái dốt của mình. Truyện còn phê phán những người mắc bệnh sĩ diện hão luôn cho mình là đúng, khoe khoang, tâng bốc bản thân trong khi bản thân lại là người kém hiểu biết. Cùng với đó, câu chuyện đã nêu lên một đạo lí vô cùng quan trọng đó là đừng che đậy cái dốt của bản thân, thay vào đó nên chăm chỉ học hỏi để bản thân được hoàn thiện hơn.
Người ta vẫn thường nói, người dốt không đáng cười mà những người giấu dốt mới đáng cười. Vì vậy hãy luôn cố gắng học hỏi để hoàn thiện bản thân mình, không biết thì phải hỏi những người biết. Đây là đạo lí rất quan trọng trong cuộc sống giúp cho mọi người ngày một hoàn thiện hơn.