AN LÀNH NGÀY TẾT

“An” được hiểu là êm đềm. “Lành” nghĩa là còn nguyên vẹn, không bị rạn nứt, tổn thương. “An lành” nghĩa là yên ổn, không xảy ra tai ương, rủi ro gì. Như vậy, Tết an lành là một cái Tết thư thái, nhẹ nhàng, mọi hoạt động diễn ra suôn sẻ, hanh thông, mọi người, mọi nhà được hưởng niềm vui trọn vẹn.

Một trong những đặc trưng rõ nét nhất của Tết truyền thống Việt là dịp mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, sum vầy, đoàn viên bên gia đình, người thân. Sau một năm, người lớn thì tảo tần lao động sản xuất, trẻ em thì miệt mài học hành, thi cử, ai nấy đều bận lo việc mình, việc nhà, việc nước nên không hẳn lúc nào cũng dành cho nhau nhiều thời gian để hàn huyên, trò chuyện, hỏi thăm, chúc tụng nhau như trong những ngày Tết. Vậy nên, bỏ lại phía sau bao nỗi lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống, mỗi người Việt đều ước vọng được hưởng những giây phút bình an, tâm hồn nhẹ nhõm, tinh thần thoải mái trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. 

leftcenterrightdel

Ảnh minh họa.

Một thời cách đây chưa xa, vượt qua cuộc sống còn nhiều vất vả, tinh thần lạc quan và niềm vui, tiếng cười hầu như vẫn ngập tràn trên mọi nẻo đường quê, góc phố mỗi khi Xuân sang, Tết về. Trong bữa ăn ngày Tết, dù nhiều gia đình không có của ngon vật lạ, nhưng “thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh” vẫn làm ấm lòng người già, con trẻ. Mỗi khi bước chân ra ngõ đi chơi Tết, người người gặp nhau tay bắt mặt mừng, hồ hởi hỏi han, chúc tụng nhau bước sang năm mới gặp mọi điều tốt đẹp, may mắn. Kỷ niệm trong trẻo về những cái Tết giản dị, an lành trở thành một phần ký ức không thể nhạt phai trong trái tim nhiều người Việt.

Thời nay, kinh tế-xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng no đủ, sung túc, nhiều người, nhiều nhà không còn khái niệm “ăn Tết”, mà chủ yếu là “chơi Tết”, “vui Tết”. Nhiều người không chỉ chơi Tết, vui Tết ở nhà, trong phạm vi thôn xóm, làng xã, phố phường, mà còn đi trẩy hội, du xuân, tham quan, du lịch ở nơi xa. Thế rồi “phú quý sinh lễ nghĩa”. Đôi khi sự giàu sang, khá giả khiến một bộ phận trong xã hội, nhất là người trẻ sẵn sàng lao vào những cuộc chơi, cuộc vui quá đà. Từ chúc tụng nhau quá chén, từ tư tưởng “xả hơi”, “ăn chơi thỏa thích” trong mấy ngày Tết khiến một số người không được hưởng trọn vẹn niềm vui Tết do đã gây lộn, xô xát, thậm chí bị thương tích, tai nạn giao thông phải vào bệnh viện cấp cứu! Những người tự mua thêm phiền toái, tự mình “làm khó, làm khổ” chính mình như thế đã đánh mất một cái Tết an lành!

Trong tâm niệm, nguyện vọng sâu xa của mỗi người, ai cũng mong muốn được tận hưởng một cái Tết an lành đúng nghĩa. Muốn hướng tới và hiện thực hóa điều đó, thật ra không khó khăn gì. Mỗi người hãy cố gắng giữ gìn sao cho “thân lành, tâm lành, ngôn lành”. Ăn uống hợp vệ sinh, chừng mực, điều độ, đi lại thận trọng là giữ được “thân lành”. Sống thân thiện, nhân hậu, thủy chung là thể hiện “tâm lành”. Nói năng nhã nhặn, giao tiếp niềm nở, ứng xử tinh tế, đối đáp với nhau có văn hóa là biểu hiện “ngôn lành”. Mỗi người, mỗi nhà cùng chung ý thức giữ gìn “thân lành, tâm lành, ngôn lành” trong dịp đầu năm mới chính là góp sức, góp phần làm cho cả xã hội, cả dân tộc ta được hưởng những ngày Tết an lành trọn vẹn.

THIỆN VĂN

Rate this post

Viết một bình luận