Ai cũng biết hầu hết loài gấu đều ngủ đông, nhưng đố bạn chúng có “đi nặng” khi ngủ không?

Vào cuối mỗi mùa thu, hầu hết các loài gấu trên thế giới sẽ trở nên “dễ tính” hơn, ít tấn công những người đi vào lãnh thổ của chúng, thay vào đó, chúng sẽ tập trung dạo quanh khu vực của mình để tìm nơi “ngã lưng” qua suốt mùa đông lạnh giá.

Thời gian ngủ đông của loài gấu có thể kéo dài đến gần 6 tháng, và trong khoảng thời gian này, một số loài, như gấu đen (tên khoa học: Ursus americanus), có thể giảm nhịp tim của nó từ 55 nhịp/phút xuống chỉ còn 9 nhịp/phút, giảm tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể đến 53%. Nhân tiện, chúng không hề “đi nặng” trong suốt khoảng thời gian ngủ đông.

Để hiểu thêm những gì diễn ra bên trong cơ thể gấu khi chúng ngủ đông, chúng ta cần phải biết ngủ đông là gì, và tại sao quá trình ngủ của loài gấu không thật sự đúng là “ngủ đông”.

Về mặt cốt lõi, ngủ đông là khi một loài động vật rơi vào trạng thái hoàn toàn không vận động, lưu lượng máu và tỷ lệ trao đổi chất giảm đến mức gần như không thể chịu được đối với những loài không ngủ đông, ví dụ như con người chúng ta.

Một số loài, như sóc đất Bắc cực, được biết đến như là loài ngủ đông thật sự vì chúng có thể giảm nhiệt độ cơ thể đến dưới mức đóng băng, khiến chúng trở thành một…que kem sống, sẽ “tan chảy” khi mùa xuân đến.

Mặt khác, với loài gấu, chúng luôn giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cao khi ngủ đông, điều này là để giữ ấm cho các gấu con, cũng như để cảnh giác với các mối nguy hiểm rình rập bên ngoài.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng loài gấu thật ra không hề ngủ đông, nhưng số khác lại cho rằng đây là trạng thái “ngủ đông siêu cấp” vì việc có thể cảnh giác môi trường xung quanh, giữ nhiệt độ cơ thể cao, đồng thời không cần ăn uống, di chuyển, hay đi “nặng” quả thật rất siêu phàm.

“Theo tôi, gấu là loài ngủ đông cừ khôi nhất”, nhà nghiên cứu Brian Barnes, người đã có 3 năm nghiên cứu loài gấu đen cho biết. “Cơ thể của chúng là một hệ sinh thái khép kín. Chúng có thể trải qua mùa đông chỉ với oxy, đó là tất cả những gì chúng cần”.

Vậy thì làm thế nào chúng có thể ngủ đông mà không cần “đi nặng”, chúng sẽ chặn “cửa hậu” lại.

Từ rất lâu về trước, khi các nhà nghiên cứu lần đầu tiên tìm hiểu cách gấu ngủ đông, họ thường tìm thấy rất nhiều chất không xác định được ngay trong ruột gấu. Khi đó, họ cho rằng chất chặn đường ruột này được tạo ra từ các loại thực vật mà chúng ăn, và chính lông của chúng, nói chung là những thứ khó tiêu hóa.

Lúc đó, người ta đã cho rằng chế độ ăn uống kỳ lạ này được gấu áp dụng để vệ sinh đường tiêu hóa của chúng và tạo ra một nút chặn, ngăn bất kỳ chất thải mới nào di chuyển cho đến mùa xuân.


Loài gấu thường liếm cơ thể mình ngay cả khi ngủ

Loài gấu thường liếm cơ thể mình ngay cả khi ngủ

Nhưng một nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng gấu không thật sự “ăn kiêng” để nhằm tạo ra chất chặn đường ruột lại. Thay vào đó, các chất nội tiết đường ruột à tế bào liên tục được tạo ra trong quá trình ngủ đông, tạo ra chất thải ngay cả khi gấu không có gì ăn.

“Trong 5 đến 7 tháng ngủ trong hang, gấu tích trữ chất thải ở vị trí gần cuối đường ruột để tạo ra nút chặn có đường kính từ 3,8 đến 6,4cm”, Trung tâm Gấu Bắc Mỹ giải thích.

“Nút chặn chất thải đơn giản chỉ là chất thải được chứa trong ruột quá lâu đến mức mà thành ruột đã hấp thụ hết chất lỏng ra khỏi chúng, khiến chúng trở nên khô và cứng”.

Căn cứ vào những đoạn băng ghi hình trong hang gấu, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra lý do mà các chất như thực vật, lông, thường được tìm thấy trong nút chặn chất thải là vì gấu thường dành phần lớn thời gian để liếm mình ngay cả khi ngủ, khiến lá cây, lông và một số thứ khác lọt vào ruột.

Sau quá trình ngủ đông kéo dài khoảng 7 tháng, các con gấu thì “gỡ nút chặn” ngay ngoài cửa hang. Các nút chặn này thường rất nhẹ mùi và không gây khó chịu.

Như vậy là bạn đã biết rồi đó, gấu không đi nặng khi ngủ đông vì cơ thể nó liên tục tạo ra các tế bào, tạo nên chất thải dù cả khi không có thức ăn. Các chất này được tích trữ để tạo thành “nút chặn”, giúp chúng không cần phải “đi nặng” khi ngủ, dù sao thì chẳng có loài vật nào muốn bị phá rối giấc ngủ bởi cái lý do “khó ngửi” đó cả, nhỉ?

PS: Bạn có thể tra Google từ “bear’s plug” để xem hình dáng cái “nút chặn” là như thế nào.

Tham khảo: ScienceAlert

Rate this post

Viết một bình luận