Số ngày làm Thủ tướng của ông Lý có giới hạn, trên thực tế không đầy 1.000 ngày. Khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) sửa đổi Hiến pháp của Trung Quốc vào năm 2018 để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch nước, văn bản này vẫn giữ nguyên giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với thủ tướng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: THX
Ông Lý hoặc sẽ phải nghỉ hưu sớm một chút (ông sẽ 67 tuổi tại Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 20 vào năm 2022, độ tuổi mà các chính trị gia trong Bộ Chính trị Trung Quốc thường được bầu nhiệm kỳ 5 năm mới) hoặc chuyển sang một vị trí khác, ví dụ như chủ tịch của Ủy ban thường vụ NPC hay hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, tương tự như những gì ông Lý Bằng từng làm năm 1998.
Chọn người kế nhiệm
Vì mọi sự chú ý đều tập trung vào những gì Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ làm vào năm 2022 nên dư luận thường bỏ qua một câu hỏi quan trọng: Ai sẽ kế nhiệm vị trí thủ tướng của ông Lý?
Thông thường, hiện đã phải rõ ai sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc và người đó theo thông lệ là phó thủ tướng thứ nhất đương nhiệm, người cũng là thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị (PSC).
Hàn Chính, đương kim Phó thủ tướng sẽ 68 tuổi vào năm 2022, độ tuổi nghỉ hưu truyền thống. Khó có khả năng ông được thăng chức sau độ tuổi này.
Một số người có thể cho rằng việc ai sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc không thực sự đáng quan tâm vì đây là vị trí không có thực quyền. Tuy nhiên, theo Andrei Lungu, Chủ tịch Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương của Romania, dù chức thủ tướng có thể có ảnh hưởng hạn chế khi đề ra khung chính sách chung, nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách.
Quan trọng hơn, thủ tướng tiếp theo cũng có thể là chính trị gia quyền lực thứ 2 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), nên người này sẽ có điều kiện tốt nhất để kế nhiệm ông Tập. Liệu chính khách này có thể duy trì quyền lực hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các kỹ năng chính trị cá nhân, mạng lưới và tính toán quyền lực không lường trước được.
Tất cả các thủ tướng Trung Quốc trong thời kỳ cải cách và mở cửa trước đây đều từng kinh qua chức phó thủ tướng, dù chỉ trong vài tháng. Thực tế có một tiền lệ phó thủ tướng không phải thành viên PSC về sau trở thành thủ tướng là ông Ôn Gia Bảo trong giai đoạn 2002 – 2003.
Việc làm quen với cách thức hoạt động của Quốc vụ viện là điều kiện tiên quyết hợp lý. Nếu tiền lệ này được tuân theo thì hiện chỉ có 5 ứng viên cho vai trò kế nhiệm ông Lý gồm Uông Dương, Hàn Chính, Tôn Xuân Lan, Hồ Xuân Hoa và Lưu Hạc. Vương Kỳ Sơn, Phó Thủ tướng trong giai đoạn 2008 – 2013 và Phó chủ tịch đương nhiệm sẽ 74 tuổi vào thời điểm diễn ra đại hội đảng tiếp theo nên rất khó có khả năng ông sẽ được cân nhắc cho bất kỳ vị trí nào khác.
Nếu tính thêm tiền lệ 68 tuổi nghỉ hưu thì chỉ còn lại 2 lựa chọn là ứng viên Uông Dương và Hồ Xuân Hoa. Điều đó làm hạn chế nghiêm trọng phạm vi lựa chọn, nên dù hai chính khách này vẫn có cơ hội trở thành thủ tướng, nhiều khả năng giới lãnh đạo Trung Quốc đang xem xét một danh sách bao gồm nhiều cái tên hơn.
Gần như chắc chắn, trừ khi có một quyết định hoàn toàn chưa từng có tiền lệ, thủ tướng tiếp theo phải là một thành viên trong Bộ Chính trị đương nhiệm.
Theo một số học giả, lựa chọn thông thường, theo truyền thống cho vị trí thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc sẽ là Hồ Xuân Hoa, hiện là phó thủ tướng thứ 3. Chính khách này thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 6 và mới 59 tuổi khi diễn ra đại hội đảng năm 2022, nên ông sẽ có thể phục vụ 2 nhiệm kỳ, bất kể truyền thống tuổi nghỉ hưu có thay đổi hay không.
Hai khả năng nữa là ông Lưu Hạc (người sẽ 70 tuổi vào năm 2022) hoặc nhà lãnh đạo thế hệ thứ 6 – Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư thành ủy Trùng Khánh.
Ông Lưu sẽ là một lựa chọn cấp tiến, nhưng hợp lý. Lợi thế của ông là một nhà kinh tế có năng lực, được đánh giá cao và có kinh nghiệm đảm trách chức phó thủ tướng.
Trần Mẫn Nhĩ là một lựa chọn khả dĩ. Song, ông Trần chưa có kinh nghiệm trong Quốc vụ viện và tương đối ít kinh nghiệm điều hành nền kinh tế. Ông làm việc cho đảng nhiều hơn và có nhiều kinh nghiệm về tuyên giáo hơn.
Sứ mệnh khó khăn
Trước khi xem xét Bộ Chính trị, cũng có 3 lựa chọn khác ở PSC là Uông Dương (67 tuổi vào năm 2022), Vương Hỗ Ninh (66 hoặc 67 tuổi vào năm 2022) và Triệu Lạc Tế (65 tuổi vào năm 2022). Trong đó, Uông Dương là ủy viên Bộ Chính trị từ năm 2007 và cũng là người duy nhất trong ba người có kinh nghiệm ở Quốc vụ viện (ông là Phó Thủ tướng giai đoạn 2013 – 2018).
Việc chọn ông Uông có vẻ hợp lý nếu không tính đến thực tế nếu Thủ tướng Lý nghỉ hưu ở tuổi 67, theo lẽ thông thường, ông Uông cũng nên làm điều tương tự.
Vương Hỗ Ninh và Triệu Lạc Tế thì thiếu kinh nghiệm với Quốc vụ viện. Ông Vương thậm chí còn chưa lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh, trong khi ông Triệu từng là Bí thư của các tỉnh Thanh Hải với khoảng 5 triệu dân và Thiểm Tây với gần 37 triệu dân. Câu hỏi không phải là liệu họ có đủ khả năng lãnh đạo chính phủ Trung Quốc hay không mà là liệu lãnh đạo Trung Quốc có chấp nhận mạo hiểm hay không.
Cuối cùng, vẫn còn một vài khả năng trong Bộ Chính trị rộng lớn hơn, nơi các ông Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ đều là thành viên. Thái Kỳ, Bí thư thành ủy Bắc Kinh; Lý Cường, Bí thư thành ủy Thượng Hải; Lý Hi, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông hay thậm chí Đinh Tiết Tường, Chủ nhiệm Văn phòng TƯ đảng và Hoàng Khôn Minh, Trưởng ban tuyên giáo của CPC đều có thể được cân nhắc.
Theo học giả Lungu, việc lựa chọn thủ tướng tiếp theo rất quan trọng đối với Trung Quốc, không chỉ vì các kỹ năng và năng lực điều hành đất nước của người đó mà còn vì tính biểu tượng của chính lựa chọn đó.
Bất kỳ ai trở thành thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc vào năm 2023 sẽ đối mặt với một sứ mệnh khó khăn: đưa đất nước vượt qua một giai đoạn đầy thử thách khi các cải cách cần phải được đẩy nhanh và sự bất bình đẳng cần phải được xử lý trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, các vấn đề nợ tiếp tục ám ảnh nền kinh tế và môi trường bên ngoài sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Những gì từng dễ dự đoán hiện đã trở thành bài toán hóc búa trong “kỷ nguyên mới”.
Quỳnh Anh (Theo The Diplomat)
Trước ĐH Đảng 20, Trung Quốc thay hàng loạt lãnh đạo để mang lại ‘dòng máu mới’
Mặc dù đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra vào năm 2022, nhưng nước này đã có những thay đổi lớn về đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh ngay trong 2020.