Bên cạnh thói quen vệ sinh răng miệng, ăn uống hợp lý cũng giúp củng cố độ chắc khỏe của răng và nướu. Để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bạn đọc cần nắm rõ “Nên ăn gì để răng chắc khỏe?”.
Ăn gì để răng chắc khỏe? 10 Thực phẩm nên bổ sung
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe răng miệng. Cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp củng cố men răng và tăng độ đàn hồi cho nướu, từ đó có thể hạn chế các vấn đề nha khoa như mòn men răng, sâu răng, viêm nướu răng, răng ê buốt,…
Ngoài ra, ăn uống hợp lý cũng giúp nâng cao sức đề kháng – yếu tố cơ bản để bảo vệ sức khỏe răng miệng và kiểm soát số lượng vi khuẩn có hại thường trú trong khoang miệng. Thực tế cho thấy, những người bị suy nhược cơ thể và sức khỏe kém có nguy cơ bị sâu răng, viêm nướu răng và viêm nha chu cao. Hơn nữa khi mắc phải các bệnh răng miệng, sức khỏe kém sẽ khiến cho bệnh tiến triển nhanh và nhiều khả năng sẽ gây ra các biến chứng nặng nề.
Bên cạnh vệ sinh răng miệng, ăn gì để chắc răng cũng là vấn đề cần quan tâm nếu muốn bảo vệ sức khỏe răng miệng lâu dài. Một số gợi ý sau sẽ giúp bạn đọc xây dựng được chế độ ăn uống hợp lý và khoa học:
1. Các loại cá tốt cho sức khỏe răng miệng
Cá là nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng. Với vô số những lợi ích đối với cơ thể, các bác sĩ thường khuyến khích bổ sung ít nhất 2 – 3 bữa cá/ tuần. Cá cung cấp cho cơ thể axit amin, Omega 3, vitamin và khoáng chất.
Đặc biệt, vitamin D và canxi trong cá sẽ giúp chắc răng và đẩy nhanh quá trình tái khoáng. Do đó, nên chú ý bổ sung cá thường xuyên nếu muốn răng chắc khỏe và hệ miễn dịch tốt. Trong những giai đoạn như mọc răng sữa và thay răng, nên chú ý bổ sung cá vào thực đơn ăn uống để phòng ngừa thiểu sản men răng, men răng mỏng, răng ê buốt,…
2. Rong biển
Rong biển là thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật nhưng chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và đa dạng. Bên cạnh chất xơ, rong biển cung cấp cho cơ thể các vitamin và khoáng chất thiết yếu như canxi, magie, kẽm, folate, vitamin C, E, K, A,…
Dinh dưỡng trong rong biển giúp nâng cao thể trạng và cải thiện độ chắc khỏe của răng. Ngoài ra, ăn rong biển 1 lần/ tuần còn giúp phòng ngừa bướu cổ và các bệnh lý về tuyến giáp nhờ hàm lượng i-ốt cao. Tuy nhiên, rong biển sinh sống ở vùng biển sâu nên có thể tích lũy kim loại nặng. Do đó, bạn nên chỉ nên bổ sung 1 lần/ tuần và nên lựa chọn rong biển của những thương hiệu uy tín.
3. Rau xanh và củ quả
Rau xanh và củ quả là những nhóm thực phẩm lành mạnh nên có trong bữa ăn hằng ngày. Nhóm thực phẩm này cung cấp cho cơ thể nhiều chất xơ, khoáng chất, vitamin, chất chống oxy hóa.
Trong đó, chất xơ từ rau củ giúp trung hòa axit lactic từ các loại vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Bên cạnh đó, chất xơ còn giúp làm sạch mảng bám và ngăn ngừa vôi răng. Các khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa trong rau củ sẽ củng cố độ chắc khỏe của nướu răng.
Ngoài những lợi ích đối với sức khỏe răng miệng, rau xanh và củ quả còn tốt cho tim mạch, đường tiêu hóa, thị lực và não bộ. Với vô số những lợi ích kể trên, bạn nên thêm rau củ quả vào bữa ăn hằng ngày.
4. Các loại đậu
Ít người biết rằng, các loại đậu là nhóm thực phẩm rất tốt cho sức khỏe răng miệng. So với thịt, đậu cung cấp axit amin đa dạng không kém. Axit amin sẽ chuyển hóa thành đạm và thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen – một loại protein đặc biệt có tác dụng kết nối các mô tế bào. Collagen giúp nướu răng bám chặt vào chân răng và ngăn hiện tượng tụt lợi hở chân răng.
Bên cạnh axit amin dồi dào, các loại đậu còn chứa chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin thiết yếu. Tương tự như các nhóm thực phẩm trên, đậu giúp cải thiện hệ miễn dịch và tăng cường độ chắc khỏe của răng. Đặc biệt, chất chống oxy hóa trong đậu có thể loại bỏ các yếu tố gây viêm và gốc tự do, từ đó làm chậm quá trình thoái hóa răng và xương hàm.
Nếu ăn chay, bạn hoàn toàn có thể cải thiện sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng bằng các loại đậu như đậu phộng, đậu nành, đậu đỏ, đậu đen,… Tuy nhiên, một số loại đậu có thể gây dị ứng nên người có cơ địa nhạy cảm cần phải lưu ý khi sử dụng.
5. Sữa và chế phẩm từ sữa
Để răng chắc khỏe, bạn có thể bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,… Sữa là nguồn cung cấp đạm, vitamin D và canxi dồi dào. Những thành phần dinh dưỡng trong sữa rất tốt cho xương và răng. Do đó, nếu răng yếu, men răng mỏng và dễ ê buốt, bạn không nên bỏ qua nhóm thực phẩm này trong chế độ ăn.
Thực tế, không chỉ sữa bò mà các loại sữa hạt và đậu cũng rất tốt cho răng. Các loại sữa thực vật ít đạm hơn nhưng rất nhiều khoáng chất và chất chống oxy hóa. Ngoài ra, sữa hạt và đậu không chứa lactose nên sẽ rất thích hợp với người không dung nạp lactose có trong sữa động vật.
6. Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C được biết đến là thành phần dinh dưỡng cho tốt cho hệ miễn dịch. Thực phẩm giàu vitamin C nên được bổ sung vào giai đoạn chuyển mùa hoặc khi cơ thể suy nhược để nâng cao sức đề kháng và phòng tránh các bệnh viêm nhiễm.
Vitamin C cũng là một trong những loại vitamin tốt cho sức khỏe răng miệng. Vitamin C giúp củng cố hệ miễn dịch nên có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra, loại vitamin này cũng tham gia vào quá trình sản sinh collagen giúp lợi chắc khỏe, bám chặt vào chân răng và cải thiện tình trạng tụt lợi, viêm lợi, chảy máu chân răng hiệu quả.
Bên cạnh đó, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C còn có thể phòng ngừa nhiệt miệng và ổn định hệ vi khuẩn trong khoang miệng. Do đó, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, ổi, dứa, sơ ri, dâu tây,… vào chế độ dinh dưỡng.
7. Trà xanh, trà đen giúp răng chắc khỏe
Trà xanh, trà đen là thức uống được yêu thích với hương thơm đặc trưng và cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa. Nhiều ý kiến cho rằng, các chất chống oxy hóa trong trà xanh như catechin giúp kháng viêm, bảo vệ sức khỏe nha chu và ngăn ngừa tiêu xương răng.
Uống trà xanh và trà đen có thể trung hòa nồng độ axit trong nước bọt, từ đó làm giảm tích tụ mảng bám và vôi răng. Bên cạnh đó, trà xanh còn chứa nhiều fluor – khoáng chất có tác dụng củng cố độ chắc khỏe của men răng. Nhờ đó có thể ngăn được hiện tượng hủy khoáng và giảm nguy cơ mắc bệnh sâu răng đáng kể.
Ngoài ra, mùi hương tự nhiên trong trà xanh và trà đen còn có thể khử mùi hôi miệng và mang lại hơi thở thơm mát. Đây cũng là lý do ngoài bạc hà, tinh chất trà xanh thường được sử dụng để sản xuất nước súc miệng, kem đánh răng và kẹo cao su.
8. Các loại hải sản
Ngoài cá, bạn cũng có thể bổ sung các loại hải sản để giúp răng chắc khỏe và củng cố độ đàn hồi của mô nướu. Các loại hải sản cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin, khoáng chất và đạm. Đây đều là những thành phần dinh dưỡng cần thiết để nâng cao sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng.
So với các nhóm thực phẩm khác, hải sản chứa nhiều canxi hơn. Do đó, nên tăng cường bổ sung các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, tép,… trong thời gian thay răng và khi đang mang thai. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung nhóm thực phẩm này để đẩy nhanh quá trình lành thương sau khi nhổ răng khôn.
9. Thịt – Thực phẩm tốt cho sức khỏe răng miệng
Thịt là nguồn cung cấp đạm dồi dào cho cơ thể. Đạm thúc đẩy sản sinh collagen giúp nướu răng đàn hồi và bám chặt vào chân răng. Bên cạnh đó, ăn thịt giúp tạo ra môi trường kiềm có khả năng trung hòa axit từ vi khuẩn bài tiết – tác nhân chính gây ra quá trình hủy khoáng khiến men răng và ngà răng bị tiêu hủy.
Ngoài ra, thịt còn chứa nhiều vitamin nhóm B. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, thiếu hụt vitamin B là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ nhiệt miệng. Do đó, nếu thường xuyên bị nhiệt miệng và muốn củng cố độ chắc khỏe của răng, đừng quên bổ sung các loại thịt vào chế độ dinh dưỡng.
10. Nước khoáng
Uống đủ 2 lít nước/ ngày là cách chăm sóc răng miệng đơn giản và hiệu quả. Cung cấp đủ nước giúp quá trình bài tiết nước bọt diễn ra thuận lợi. Bên cạnh tác dụng làm mềm thức ăn và hỗ trợ tiêu hóa, nước bọt còn thúc đẩy quá trình tái khoáng và trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết.
Sự bài tiết nước bọt của khoang miệng giúp ổn định môi trường sinh lý, ngăn sự phát triển quá mức của vi khuẩn và phòng ngừa hôi miệng. Để củng cố độ chắc khỏe của răng, bạn nên bổ sung nước khoáng thay vì nước lọc như bình thường. Nước khoáng chứa hàm lượng khoáng chất cao giúp củng cố men răng và bù lấp những lỗ sâu li ti trên bề mặt răng.
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng. Hy vọng qua những thông tin hữu ích trong bài viết, bạn đọc đã nắm rõ “Ăn gì để răng chắc khỏe?” để xây dựng được thực đơn ăn uống hợp lý. Bên cạnh đó, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh răng miệng để ngăn ngừa tích tụ mảng bám và vôi răng.
5/5 – (1 bình chọn)