Ăn đa dạng thực phẩm giúp hệ tiêu hóa trẻ khỏe mạnh

Chế độ ăn nhiều thịt, ít rau; lạm dụng muối, chất béo; uống ít nước… dễ khiến trẻ rối loạn tiêu hóa, theo Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng VN.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam nhận nhiều câu hỏi của độc giả nhờ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp cho con, tại buổi Tư vấn trực tuyến “‘Giải pháp dinh dưỡng cho hệ tiêu hóa của trẻ” diễn ra lúc 14h-16h trên VnExpress.

Theo bác sĩ Diệp, bữa ăn cho bé phải có các loại thực phẩm phù hợp với từng lứa tuổi, đảm bảo sự cân đối của các nhóm chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, rau, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa.

Dưới đây là phần tư vấn của bác sĩ đến các độc giả.

– Nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ vậy bác sĩ? Có phải do ăn uống hay còn nguyên nhân gì khác? (Nguyễn Đăng Nguyên)

Chào bạn,

Rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ em. Các nguyên nhân chính gồm:

– Các bệnh thực thể như bệnh phình đại tràng, đại tràng dài, viêm dạ dày ruột, viêm đại tràng; nhiễm ký sinh trùng, bệnh lý gan mật…

– Các yếu tố sinh lý: thỉnh thoảng trẻ có tình trạng táo bón, rối loạn tiêu hóa ở các giai đoạn chuyển từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc, khi bắt đầu đi học, mới ăn món ăn mới. Tình trạng này thường nhanh hết, trẻ vẫn vui chơi, tăng trưởng tốt.

– Chế độ ăn không phù hợp: trẻ được cho ăn không cân đối các chất dinh dưỡng (nhiều thịt, ít rau…), chọn sữa không phù hợp, chế biến nhiều muối, nhiều chất béo quá mức, uống ít nước…

– Một số nguyên nhân cơ năng như bé ít hoạt động thể lực, ngồi tĩnh tại nhiều. Ví dụ bé mải mê thiết bị thông minh, tivi thường hay nhịn tiểu, đi ngoài khiến bé dễ bị táo bón, rối loạn tiêu hoá.

– Một số bé bị stress cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa.

Ăn đa dạng thực phẩm giúp hệ tiêu hóa trẻ khỏe mạnh

– Thưa bác sĩ, con gái em 18 tháng tuổi, cháu rất biếng ăn, bé đi ngoài thì lúc đặc lúc lại lỏng. Có ngày, sáng cháu đi phân lỏng nhưng chiều lại đi dạng đặc sệt. Em rất lo không biết con em có bị rối loạn tiêu hóa không và có phải cho cháu dùng thuốc gì không? Rất mong bác sĩ hỗ trợ ạ (Hoàng Linh)

Chào em, theo mô tả của em, với các triệu chứng lâm sàng như trên, bé đang bị rối loạn tiêu hóa. Trước khi quyết định có phải dùng thuốc hay không, em nên xem lại chế độ ăn, các loại sữa bé đang dùng và cân nặng hiện tại.

Hầu hết trẻ em ở lứa tuổi này bị rối loạn tiêu hóa do thay đổi chế độ ăn từ lỏng sang đặc đến rất đặc. Nếu không chọn thực phẩm, sữa và cách chế biến phù hợp dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Em nên thu xếp đưa bé đến khám tại chuyên khoa nhi, dinh dưỡng để tìm ra nguyên nhân, từ đó có cách điều trị phù hợp. Không nên tự ý bổ sung các loại men tiêu hóa kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng vi khuẩn ruột.

– Dấu hiệu nào cho biết trẻ đang khó chịu và gặp vấn đề về tiêu hóa? Có phải đứa trẻ nào cũng bị không bác sĩ? (Phương My My)

Hầu như trẻ nhỏ đều có lúc bị rối loạn tiêu hóa. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra sớm tình trạng rối loạn tiêu hóa, tìm nguyên nhân và có những biện pháp khắc phục.  

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa tương đối dễ nhận diện gồm đầy bụng, nôn chớ, táo bón, tiêu chảy, ăn không tiêu, tiêu phân sống… Một số triệu chứng mơ hồ nhưng hay đi kèm rối loạn tiêu hóa như ngủ không sâu hay trằn trọc, khóc khi đi ngoài. 

– Rối loạn tiêu hóa cứ lặp đi lặp lại nhiều như vậy có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ không?  (Châu Thị Thy)

Chào Thy, 

Rối loạn tiêu hóa tái đi tái lại và kéo dài ở trẻ em hay người lớn đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Hậu quả của rối loạn tiêu hóa với sức khỏe của trẻ em nhiều hơn người lớn vì trẻ em cần được tăng trưởng tốt về thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Những hậu quả chính của rối loạn tiêu hóa ở trẻ em gồm suy dinh dưỡng nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, giảm sức đề kháng hay mắc các bệnh nhiễm trùng. 

– Bé gái nhà mình vừa tròn 12 tháng tuổi, bé nặng 9kg, cao 71cm vậy đã đạt chuẩn chưa? Mình chỉ sợ bé lùn nên muốn hỏi bác sĩ ăn những loại thức ăn gì giúp bé phát triển chiều cao? Cám ơn bác sĩ nhiều lắm.

(Thu Phương, 33 tuổi, quận 1)

Chào bạn,

Với thông tin bạn cung cấp , bé bị thiếu cân nặng và chiều cao so với chuẩn dành cho trẻ 12 tháng tuổi. Bé cần được thăm khám để tìm ra nguyên nhân chậm tăng trưởng, mẹ sẽ được hướng dẫn thực hành nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là thực đơn giàu dinh dưỡng, đủ các vi chất hỗ trợ phát triển cân nặng và chiều cao để bé có thể bắt kịp đà tăng trưởng.

Trước mắt, bạn nên tiếp tục cho bé bú mẹ. Trong trường hợp không còn sữa mẹ, cần chọn loại sữa dành cho trẻ một tuổi. Các bữa ăn dặm của trẻ phải đảm bảo sự cân đối, đầy đủ các nhóm thực phẩm bao gồm: chất đạm, chất béo, bột đường, rau, củ.

Các chất dinh dưỡng sau có vai trò hỗ trợ phát triển chiều cao: chất đạm, vitamin D, vitamin nhóm B, canxi, photpho, magie, kẽm, iot… Để chọn lựa được các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng hỗ trợ phát triển chiều cao cho trẻ em, bạn nên tham khảo thêm các thực đơn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ do các đơn vị chuyên khoa của Bộ Y tế xây dựng.

– Bé nhà em một tuổi 15 ngày. Em cho bé ăn đầy đủ chất nhưng hấp thu kém chỉ 9,2 kg. Bé cũng nhác ăn lắm, có cách nào để bé siêng ăn và tăng cân đều đặn không thưa bác sĩ? Em xin cám ơn bác sĩ.  (Thúy, 30 tuổi, quận 1)

Chào em, 

Đúng là bé có cân nặng chưa tốt lắm. Nguyên nhân chính có thể do bé biếng ăn. Để bé có thể tăng cân và chiều cao tốt, em nên tiếp tục cho bé bú mẹ, trong trường hợp không còn sữa mẹ mới chọn các loại sữa công thức và cần chọn loại sữa công thức dành cho trẻ trên một tuổi. Em nên chế biến các bữa ăn dặm đủ năng lượng. Chọn các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, nhóm B và các chất khoáng như kẽm, iốt, sắt… sẽ giúp bé hấp thu các chất dinh dưỡng tốt để tăng cân và chiều cao. Ở tuổi này, bé cần 3 bữa sữa và 3 bữa ăn dặm có đủ chất đạm (thịt gà, thịt heo, thịt bò, cá, tôm, trứng…), chất béo (khoảng 7-10ml dầu ăn cho mỗi bữa ăn dặm), chất bột đường (30gam cho mỗi chén ăn dặm), rau (3 muỗng canh cho mỗi chén ăn dặm). 

Ăn đa dạng thực phẩm giúp hệ tiêu hóa trẻ khỏe mạnh - 1

– Thưa bác sĩ, con trai em năm nay 7 tuổi, thỉnh thoảng buổi đêm ngủ con hay mơ và nôn (con thường tỉnh dậy lúc 23-24h), vậy bác sĩ cho em hỏi con bị sao ạ? (Trần Thanh Thảo, 35 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội)

Bé thỉnh thoảng hay bị nôn trong đêm có khả năng là do trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày hoặc chỉ là vì bé ăn quá no, quá muộn vào buổi tối. Em nên cho bé đi khám để loại trừ các bệnh lý thực thể. Nếu chỉ do chế độ và thói quen ăn uống chưa hợp lý thì sau khi điều chỉnh, tình trạng này sẽ cải thiện nhanh chóng. Các bé trai ở tầm 6-7 tuổi, nếu ban ngày quá hiếu động, hay chơi game, xem các loại phim hành động thì đêm thường hay ngủ mơ.

– Thỉnh thoảng bé ở nhà em đi ngoài có bọt và phân xanh, đó có phải là triệu chứng của rối loạn tiêu hóa không? Em có phải đưa bé đi khám nếu thấy dấu hiệu đó không bác sĩ? (Phạm Thanh Thanh)

Chào em, 

Bé đi ngoài có bọt và phân xanh là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa. Phân màu xanh chủ yếu do thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn. Em nên cho bé đi khám chuyên khoa nhi, dinh dưỡng, tiêu hóa để khắc phục tình trạng này tránh ảnh hưởng đến tăng trưởng của bé.

– Bé từ lúc được tập ngồi bô ít đi ngoài hẳn, hầu như 3-4 ngày mới đi một lần, phải làm sao để cải thiện tình trạng táo bón này ạ?  (Võ Thị Kiều Minh)

Chào em, 

Táo bón thường gặp ở trẻ nhỏ khi thức ăn chứa nhiều chất đạm và ít chất khoáng, cũng có thể do con uống nhiều sữa bò, sữa bột vì ít sữa mẹ. Để giảm tình trạng táo bón, em nên cho bé uống nhiều nước, cho thêm nhiều chất xơ từ rau xanh và quả chín đối với trẻ đã ăn dặm, massage bụng cho bé mỗi ngày để kích thích tăng nhu động ruột. Đối với trẻ sử dụng sữa công thức, em nên tìm chọn loại sữa có HMO (Human Milk Oligosaccharides), bổ sung thêm chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa như FOS (Fructo Oligosaccharides). 

– Thưa bác sĩ cho em hỏi là khi bé bị tiêu chảy 2 ngày thì có nên đưa đi bệnh viện liền không? Mong bác hướng dẫn cách xử lý ạ (Lê Thị Lệ Minh)

Nếu bé chỉ tiêu chảy nhẹ, phân không có đàm máu, bé không sốt, vẫn chơi đùa, không có tình trạng mất nước, bạn có thể theo dõi tại nhà. Cho bé uống nước oresol sau mỗi lần đi tiêu và khi bé khát nước, chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu hóa, tiếp tục cho bú mẹ.

Trong trường hợp đi tiêu nhiều lần, phân lỏng nhiều nước hoặc có đàm máu, bé khát, thở nhanh, da khô, nhăn, sốt… bạn cần cho bé đi bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

Ăn đa dạng thực phẩm giúp hệ tiêu hóa trẻ khỏe mạnh - 2

– Bé nhà em lười ăn nên rau rất ít khi bé ăn nên bé hay bị táo bón, mỗi lần đi là mặt đỏ tía tai rất thương. Xin chuyên gia tư vấn giúp em làm cách nào để bé ăn rau và không bị táo bón? Em xin cám ơn.  (My, 35 tuổi, quận 10)

Chào em, 

Hầu hết trẻ em đều không thích ăn rau và không ăn được nhiều rau, lý do chính là do rau xơ, cứng, mùi vị và màu sắc không hấp dẫn. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do cha mẹ không tập cho trẻ ăn rau từ khi trẻ còn bé, chế biến các món có rau chưa đủ hấp dẫn và chưa phù hợp với khả năng nhai, nuốt của trẻ. Đôi khi, sự sốt ruột của cha mẹ về việc bé không ăn rau còn khiến trẻ cảm thấy bị ức chế, áp đặt và lại từ chối ăn rau. 

Một số nguyên tắc có thể ăn được nhiều rau như sau:

– Chọn các loại rau, củ có màu sắc đa dạng mà không quá xơ như cà rốt, củ cải trắng, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông vàng, ớt chuông đỏ, đu đủ chín vừa… cắt thành các thỏi nhỏ, có kích cỡ tương đương với ngón tay của trẻ để cho trẻ tự cầm, nắm, nhai. Trẻ sẽ cảm nhận và thích thú hơn cách hầm nhừ, băm nhỏ, trộn lẫn trong cùng một chén thức ăn.

– Tập cho trẻ làm quen với các loại rau mới mỗi tuần 1-2 loại. 

– Chế biến món các có rau phù hợp với số lượng răng của trẻ. Chỉ khi trẻ đã có đủ răng hàm mới chọn các loại rau cứng, nhiều xơ.

– Cha mẹ và những người thân trong gia đình cần làm gương cho trẻ bằng cách ăn cùng nhau và bữa ăn có các loại rau giống như trẻ đang ăn. 

– Động viên, khuyến khích, không “mua chuộc” (ví dụ con ăn rau đi rồi mẹ cho đi chơi nhà banh), hù dọa trẻ. 

– Chào bác sĩ.
Con gái em năm nay được 2 tuổi, nặng 10,3 kg. Cháu ăn uống bình thường, nhưng sau khi ăn hay uống sữa thì bụng thường căng tròn, cứng, cảm giác đầy bụng. Từ khi bé đi học thì hay bị táo bón, 3-4 ngày mới đi ngoài 1 lần. Gần đây cháu bị viêm dạ dày ruột cấp, uống ít sữa bụng cũng căng cứng lên. Cho em hỏi hiện tượng bụng bé như vậy có phải do rối loạn hệ tiêu hóa hay không? Cách điều trị như thế nào ạ? Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ ạ. Cảm ơn bác! (Linh Trần, 30 tuổi, Hồ Chí Minh)

Chào Linh,

Bé gái 2 tuổi có cân nặng trung bình là 11,5 kg. Con em đang thiếu cân nặng so với chuẩn. Theo mô tả của em, nguyên nhân chính do bé bị rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, ruột, không dung nạp được loại sữa mà bé đang sử dụng.

Với tình trạng này, em nên đưa bé đi khám chuyên khoa tiêu hóa, dinh dưỡng nhi để được hướng dẫn chọn loại sữa, thực phẩm, chế biến thực đơn. Bé có thể phải sử dụng một số thuốc điều trị phù hợp để giải quyết tình trạng trên, phục hồi dinh dưỡng trong giai đoạn trẻ cần tăng trưởng tốt nhất.

– Tôi thấy một số loại sữa, chẳng hạn như Similac có chứa HMO, FOS. Những dưỡng chất đó có tác động thế nào đến hệ tiêu hoá của bé?  (Lê Thị Thắm)

Chào bạn

HMO, FOS là một trong những tiêu chí quan trọng giúp mẹ chọn mua sữa cho con. 

HMO (Human Milk Oligosaccharides) là loại dưỡng chất có nhiều thứ 3 trong sữa mẹ. HMO có là nguồn thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa giúp tạo ra sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột và tạo ra các axit béo chuỗi ngắn để bảo vệ niêm mạc ruột. Dưỡng chất này còn hoạt động như một mồi nhử ức chế sự bám dính của các vi khuẩn gây bệnh vào tế bào ruột, nhờ đó giúp giảm nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp.

FOS (Fructo Oligosaccharides) là một loại prebiotic thuộc nhóm chất xơ hòa tan. FOS là nguồn thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa giúp duy trì sự cân bằng các vi khuẩn có lợi ở đường ruột, bảo vệ niêm mạc ruột, phòng ngừa táo bón. Trên thị trường có một số dòng sữa công thức có chứa dưỡng chất HMO và FOS góp phần hỗ trợ cho đường tiêu hóa của bé phát triển khỏe mạnh. 

– Con em được 26 tháng, nặng 9,2 kg, cơ thể bé kém hấp thu, hay đi phân sống. Vậy có giải pháp nào giúp hạn chế bé đi phân sống và hấp thu tốt không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Hoài, 27 tuổi, Tuyên Hòa, Phú Yên)

Chào bạn,

Với cân nặng này, bé đang bị suy dinh dưỡng thấp còi, nguyên nhân là do tình trạng kém hấp thu. Bé cần được can thiệp dinh dưỡng tích cực để thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng và bắt kịp đà tăng trưởng.

Để giải quyết tình trạng này, em nên cho bé đi khám và theo dõi định kỳ ở các đơn vị chuyên khoa dinh dưỡng. Bé cần được cho ăn dặm với các thực phẩm giàu năng lượng, giàu dinh dưỡng và dễ hấp thu. Em có thể chọn các loại sữa công thức có bổ sung HMO, FOS để hỗ trợ tiêu hóa, hấp thu nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Bạn nên bổ sung cho bé thêm một bữa sữa so với chế độ ăn thông thường để bắt kịp đà tăng trưởng.

– Sữa công thức có làm bé táo bón không bác sĩ ơi? Tôi đang dự định cho con uống thêm sữa nhưng đọc trên mạng thấy nhiều thông tin cho rằng sữa công thức dễ làm bé đau bụng nên hoang mang quá. Ngoài ra, tôi còn thấy thông tin dầu cọ còn làm bé táo bón, nhờ bác sĩ giải đáp. Xin bác sĩ tư vấn loại sữa cho bé 3 tuổi.  (Lý Thị Mỹ Chi)

Chào em, 

Trẻ nuôi sữa công thức thường dễ bị táo bón hơn trẻ nuôi bằng sữa mẹ. Nếu vì lý do nào đó cha mẹ quyết định cho con bú sữa công thức thì nên chú ý lựa chọn các dòng sữa có bổ sung các dưỡng chất tăng cường sức đề kháng và giúp hệ tiêu hoá khỏe mạnh như HMO, FOS. 

Dầu cọ cũng thường được bổ sung vào trong một số các loại thực phẩm chế biến sẵn, trong đó có sữa. Dầu cọ trong thành phần có nhiều axit béo bão hòa, nhất là axit palmitic. Khi vào trong cơ thể, axit palmitic sẽ kết hợp với canxi trong sữa khiến canxi khó hấp thu hơn, làm cứng phân nên có thể gây ra tình trạng táo bón. 

Bé con em đã 3 tuổi vẫn cần tiếp tục được uống sữa hàng ngày. Em nên chọn loại sữa công thức dành cho trẻ tuổi từ trên 3 tuổi. Vì bé hay bị táo bón nên lưu ý trong thành phần sữa nếu có HMO, FOS, không có dầu cọ sẽ thích hợp cho con em. 

Ăn đa dạng thực phẩm giúp hệ tiêu hóa trẻ khỏe mạnh - 3

– Bác sĩ cho mình hỏi bữa ăn chính vào buổi tối cho bé tốt nhất là trước mấy giờ, để đảm bảo cho bé được tiêu hóa tốt nhất? (Thy, 30 tuổi, quận 1)

Chào bạn,

Bữa chính vào buổi tối của trẻ nên ăn trong khoảng thời gian từ 17-18 giờ, không nên cho trẻ ăn bữa chính sau 19 giờ để đảm bảo tiêu hóa, hấp thu tốt nhất các chất dinh dưỡng. Các bữa ăn thêm sau bữa chính vào buổi tối nên lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu như sữa. Số bữa ăn thêm sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ.

– Tôi không biết lý do tại sao cứ mỗi lần chuyển mùa, con tôi lại rất hay bị rối loạn tiêu hóa, khó tiêu. Nhờ bác sĩ giải đáp và tư vấn cách khắc phục ạ (Nguyễn Thị Diệp)

Chào bạn, 

Khi chuyển mùa, các yếu tố môi trường khiến cho các loại vi sinh vật phát triển nhanh nên trẻ dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, đường hô hấp và vì vậy cũng hay bị rối loạn tiêu hóa. Để phòng ngừa tình trạng này, cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tránh cho trẻ ra ngoài trời vào giữa trưa, giữ ấm, hạn chế thay đổi nhiệt độ môi trường quá đột ngột. Mẹ lưu ý chọn lựa và chế biến món ăn đảm bảo vệ sinh, an toàn. Các thực phẩm tăng cường sức đề kháng như thịt, cá, trái cây như đu đủ, nho, chuối, táo… Mẹ nên ưu tiên trong thực đơn của trẻ chọn sữa có chứa dưỡng chất HMO vì hỗ trợ tăng sức đề kháng. 

– Thưa bác sĩ, em thấy mọi người khuyên nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong nửa năm đầu. Nhưng hiện sữa của em đang có dấu hiệu ngừng lại dù bé nhà chỉ mới 4 tháng tuổi. Bác sĩ cho em hỏi em có thể tập cho bé loại thức ăn khác và nên cho ăn như thế nào để vẫn đảm bảo sức khỏe, hệ tiêu hóa cho bé? (Nguyễn Hạ Vân, 29 tuổi, Quận 5, HCM)

Chào Vân,

Em nên cố gắng hết sức để có nhiều sữa mẹ cho bé bú vì những lợi ích rất tốt của sữa mẹ. Em cố gắng thực hiện những điều sau cải thiện tình trạng thiếu sữa:

– Ngủ đủ giấc, tối thiểu 7 tiếng ban đêm, một tiếng vào buổi trưa.

– Uống đủ nước, tối thiểu 2 lít. Em nên uống 500-600ml sữa mỗi ngày.

– Ăn ba bữa chính, 2 bữa phụ. Bữa phụ nên dùng sữa.

– Cho bé bú thường xuyên, bú đều cả hai bên vú.

Nếu em đã hết sức cố gắng mà vẫn không có sữa mẹ mới bắt buộc cho bé sử dụng sữa công thức. Chúc hai mẹ con luôn khỏe mạnh.

– Em chưa biết chọn loại sữa công thức có những chất gì để tốt cho tiêu hóa của con bác sĩ?   (Văn ánh linh)

Chào em, 

Em có thể lưu ý đến loại sữa có chứa HMO (Human Milk Oligosaccharides) là dưỡng chất có nhiều thứ 3 trong sữa mẹ (sau lactose, lipids hoặc fats). HMO có vai trò quan trọng cho sức khỏe đường tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ. Sữa có thành phần FOS là một prebiotic nguồn thức ăn cho vi sinh vật có lợi ở đường ruột, đồng thời có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh không có lợi. Quá trình chuyển hóa FOS ở đại tràng cũng sản sinh ra khí và nước sẽ làm cho phân mềm xốp, giúp quá trình tiêu hoá dễ dàng và phòng ngừa táo bón. Trên thị trường, có những dòng sữa chứa dưỡng chất HMO, FOS tốt cho hệ tiêu hóa của bé.

– Cháu nhà tôi được 3 tháng tuổi. Tôi muốn hỏi là đưa sữa bột vào khẩu phần ăn của trẻ hằng ngày thế nào cho hợp lý thưa bác sĩ? (Yến, 30 tuổi, Quận 1)

Chào em,

Bé mới ba tháng tuổi nên nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ vì lợi ích tối ưu của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ và chính cả mẹ. Em không nên cho bé bú sữa bột mà cố gắng để nuôi con bằng sữa mẹ.

– Con trai tôi được 4 tuổi. Bé hay kêu đau bụng và đòi đi vệ sinh. Có lúc bé đi được luôn, có lúc ngồi rất lâu mới đi được. Bé hay bị kích thích như đang ăn cơm lại đòi đi vệ sinh, có ngày đi đến 3 lần, phân của bé lúc nát, lúc bình thường. Đi khám bác sĩ chỉ chuẩn đoán bé rối loạn tiêu hóa.

Tình trạng của bé thường xuyên bị như vậy, bé hay lười ăn. Tôi muốn nhờ bác sĩ tư vấn tôi nên có chế độ bữa ăn cho con như thế nào? (Lê Thị Thu Hà, 35 tuổi)

Chào bạn, 

Đúng là bé đang bị rối loạn tiêu hóa và có biểu hiện viêm đại tràng kích thích. Chế độ ăn của bé nên như sau:

Ngày ăn 3 bữa chính, 3 bữa phụ, các bữa chính đều cần chọn thực phẩm dễ hấp thu, dễ tiêu hóa, đảm bảo sự cân đối giữa chất bột đường (cơm, mì, nui…), chất đạm (ưu tiên chọn thịt nạt như thịt gà, thịt heo, thịt bò, cá nạc), rau (chọn các loại rau có lá xanh, mềm như mồng tơi, cải ngọt, bông cải; hạn chế chọn các loại rau củ có nhiều xơ, có tính sinh hơi như cà rốt, bắp cải…), chất béo (chọn dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu gạo…) 

– Bữa phụ nên chọn sữa có bổ sung HMO, FOS, probiotic.

– Chia nhỏ bữa ăn. 

– Con em 22 tháng, 12 kg, cao 83cm, vậy có lùn lắm không bác sĩ? Cháu ngủ không ngon, hay giật mình quấy khóc. Cháu biếng ăn rau nên thường bị táo bón. Bác tư vấn cách nào cải thiện ạ? Cảm ơn bác sĩ (Đào Thảo Viên, 31 tuổi, Binh Duong)

Với chiều cao cân nặng này, nếu là gái thì bé đang phát triển bình thường, không bị lùn. Nếu là bé trai, bạn có thể yên tâm vì bé thuộc giới hạn phát triển bình thường.

Tình trạng ngủ không ngon, hay giật mình quấy khóc có thể do bé bị táo bón.

Hầu hết trẻ em đều không thích ăn rau và không ăn được nhiều rau, do rau xơ, cứng, mùi vị và màu sắc không hấp dẫn. Bạn có thể giúp bé ăn thêm rau bằng những cách sau:

– Chọn các loại rau, củ có màu sắc đa dạng như cà rốt, củ cải trắng, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, đu đủ chín vừa… cắt thành các thỏi nhỏ cho trẻ tự cầm, nắm, nhai. Trẻ sẽ cảm nhận và thích thú hơn.

– Tập cho trẻ làm quen với các loại rau mới mỗi tuần.

– Chế biến các món có rau phù hợp với số lượng răng của trẻ. Chỉ khi trẻ đã có đủ răng hàm mới chọn các loại rau cứng, nhiều xơ.

– Cha mẹ và những người thân trong gia đình nên động viên, khuyến khích bằng cách ăn cùng nhau và bữa ăn có các loại rau giống như trẻ đang ăn.

– Tôi có đọc thông tin về dưỡng chất HMO, nhưng không hiểu HMO là gì, có tốt cho bé không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em có nên sữa có chứa HMO không? Em không có sữa nên dùng sữa công thức cho bé. Bé nhà em thường bị rối loạn tiêu hóa nên em rất phân vân.  (Nguyễn Phú Quí)

Chào em, 

HMO là thuộc nhóm carbohydrates bao gồm vài trăm loại khác nhau có trong sữa mẹ. HMO có vai trò quan trọng với sự tăng trưởng của trẻ, nhất là duy trì sự khỏe mạnh của hệ vi sinh đường ruột. HMO giúp tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch giảm tình trạng nhiễm trùng và các bệnh hô hấp. Sau khoảng 15 năm nghiên cứu, Viện dinh dưỡng Abbott đã đưa được 2’ FL – HMO vào sữa Similac Eye-Q Plus HMO. Đã có nghiên cứu lâm sàng cho thấy, dùng sữa có bổ sung HMO giảm 66% nhiễm trùng hô hấp, 52% các bệnh lý nhiễm trùng nói chung, giảm 36% chứng đau quặn bụng so với sữa công thức không có bổ sung HMO. 

Em không có sữa mẹ là điều đáng tiếc. Với các bằng chứng như trên, em có thể chọn sữa có chứa HMO, FOS sẽ phù hợp với tình trạng hiện tại của con mình. 

– Giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho hệ tiêu hóa của trẻ là gì thưa bác sĩ? (Ngọc Như, 27 tuổi, Nghệ An)

Chào em, 

Các giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho hệ tiêu hóa của trẻ là chọn lựa các loại thực phẩm phù hợp với từng lứa tuổi, đảm bảo sự cân đối của các nhóm chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, rau, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa. Lựa chọn các dưỡng chất hỗ trợ cho hệ tiêu hóa còn non trẻ như HMO, FOS.

– Cho bú mẹ hoàn toàn với trẻ dưới 6 tháng, không cai sữa mẹ trước khi trẻ 12 tháng nên kéo dài thời gian bú mẹ 18-24 tháng. 

– Cho trẻ ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng, không cho trẻ ăn dặm sớm hay quá trễ vì dễ dẫn đến rối loạn hấp thu, rối loạn tiêu hóa.

– Tiếp tục sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa hàng ngày sau khi cai sữa mẹ. Khi chọn sữa cho bé, mẹ nên chọn sữa có bổ sung HMO và không chứa dầu cọ, để bảo vệ tốt nhất cho bé và hệ tiêu hóa được khỏe mạnh, không lo bé bị táo bón hay nóng. Các nghiên cứu lâm cho thấy công thức dinh dưỡng chứa HMO giúp giảm tỷ lệ nhiễm trùng ở bé.

– Hạn chế cho trẻ ăn mặn, nhiều đường, uống nước có ga.

– Đảm bảo cung cấp đủ chất xơ, vitamin, chất khoáng theo nhu cầu của lứa tuổi.

– Lượng rau hàng ngày ở trẻ tuổi mầm non cần đảm bảo trung bình 200g. Tập cho trẻ thói quen ăn đa dạng các loại thực phẩm.

VnExpress

Rate this post

Viết một bình luận