“Cá thần” trăm tuổi
Khi chúng tôi hỏi về loài “cá thần” được nuôi rộng rãi tại xã Tân Lập, huyện Lục Yên, ông Dương Vũ Hào, Trưởng Công an xã Tân Lập cười lớn và mách rằng: Loài cá này giống hệt với “cá thần” ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng cá ở đây được người dân nuôi để ăn thịt từ lâu nay. Mấy năm gần đây, nhiều thương lái đến hỏi mua “cá thần” với giá cao nên người dân bán gần hết.
Hiện trong xã vẫn còn trên chục hộ nuôi loài cá này. Tuy nhiên chỉ còn 1 – 2 hộ giữ được cá có trọng lượng từ 10 – 16kg với tuổi thọ từ 80 – 120 năm. Số hộ còn lại chủ yếu nuôi cá bé có trọng lượng từ 1 – 6kg.
Theo sự giới thiệu của ông Hào, chúng tôi tìm đến gia đình anh Hứa Trung Úy ở thôn Úc, xã tân Lập. Gia đình anh Úy là một trong hai hộ ở Tân Lập còn giữ được 20 con “cá thần” có trọng lượng trên 10kg. Ao cá của gia đình anh thuộc loại cổ nhất ở Tân Lập.
Anh Úy kể lại: Ngày trước khi anh còn nhỏ thường thấy cố nội và bố ra sông Chảy xúc “cá thần” khi mùa lũ về. Hồi đó cố nội thường đem theo một cái thùng đựng nước suối trong, hễ xúc được “cá thần” là ông cho riêng vào thùng nước đem về nuôi, còn những loại cá khác thì bỏ chung vào một túi.
Nếu tính theo đời người thì 20 con cá trong ao đã sống qua 3 đời, tương đương khoảng 100 năm. “Đã nhiều năm lũ ống quét qua ao cá thần, gia đình chúng tôi cứ đinh ninh là cá đã theo nước trôi đi hết. Thế nhưng, sau lũ thấy cá vẫn còn nguyên trong ao không mất con nào. Vì thế nên nhiều người trong xã học theo gia đình tôi nuôi “cá thần”, anh Úy cho biết.
Sở hữu ao “cá thần” lớn nhất là gia đình ông Triệu Hứa Mai ở thôn Úc. Gia đình ông Mai mới nuôi “cá thần” được gần chục năm, nhưng số lượng cá trong ao lên tới gần trăm con. Ông Mai tiết lộ: Ông mua loài cá này từ những hộ dân khác trong xã Tân Lập. Ngoài ra, ông còn lặn lội lên Hà Giang để tìm mua cá giống về nuôi.
Cá bỗng ở Yên Bái giống với loài “cá thần” ở Thanh Hóa
“Cá thần” ăn nhiều, chậm lớn
Theo quan sát của chúng tôi, loài “cá thần” nuôi ở xã Tân Lập có đặc điểm rất giống với “cá thần” ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Môi và vây cá có màu đỏ, mình thon, dài.
Anh Úy cho biết: “Cá thần” ăn rất nhiều, ăn tạp. Thức ăn của chúng từ lá sắn, cỏ, chuối cho đến lợn chết, gà chết. Có hôm gia đình anh làm thịt lợn ở ao, chỉ trong nháy mắt lũ cá lao lên đớp mất bộ lòng và tranh nhau chén sạch. Tuy nhiên, loài cá này lại cực kỳ chậm lớn. Nếu nuôi tốt thì phải mất 30 – 40 năm cá mới đạt được trọng lượng 5 – 6kg. Có một đặc điểm là ở giai đoạn cá con đến khoảng 2kg cá lớn nhanh như cá trắm cá mè, nhưng khi đạt trọng lượng từ 3kg trở lên thì cực kỳ chậm lớn. Chính vì thế nên gia đình anh đã nuôi cá gần trăm năm rồi mà cá chỉ đạt được trọng lượng trên 10kg.
Cũng theo anh Úy, cá ở đây chỉ sống được ở nơi có nguồn nước suối trong mát, tốt nhất là nước trong ao phải được thay liên tục. Ngoài ra, loài cá này đẻ rất ít, một con “cá thần” phải nuôi khoảng 10 năm mới bắt đầu sinh đẻ, chúng chỉ đẻ được ở những nơi có nguồn nước suối trong mát và không được nuôi lẫn với những loài cá khác. Tỷ lệ cá con sống sót rất thấp sau mỗi lần đẻ, ví dụ như cá đẻ ra khoảng 100 con thì chỉ sống được 20 – 30 con là nhiều.
Chính vì cá đẻ ít nên ở một số trại cá ở tỉnh Hà Giang đã tìm cách thụ tinh nhân tạo cho cá và nuôi trong các bể ươm để thu được tỷ lệ cá sống sót cao hơn. Khoảng ba năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi cá ở Tân Lập đã lên đến Hà Giang tìm mua loại cá này về nuôi và nhân giống.
Ao “cá thần” của gia đình ông Triệu Hứa Mai
“Cá thần” lên thớt
Từ nhiều năm nay, người dân huyện Lục Yên ăn thịt “cá thần” để tẩm bổ mà không thấy biểu hiện gì về chết chóc hay ngộ độc như những lời đồn thồi về ăn thịt “cá thần” như ở tỉnh Thanh Hóa.
Anh Hứa Trung Úy tiết lộ: Thịt của loài cá này dai, thơm, ngọt thịt hơn những loại cá khác, chính vì thế nên rất được ưa chuộng.
Cách đây ba năm, khi mượn thợ dựng nhà mỗi ngày gia đình anh thịt một con “cá thần” để đãi thợ. Thịt hết cá bé anh lại bắt tiếp mấy con cá “cụ” trăm tuổi. Một hôm có một người khách đến chơi thấy anh giết cá nhiều quá lền gạ mua với giá 200.000đ/1kg để bán đi nhà hàng. Anh Úy thấy từ trước đến nay chưa có ai hỏi mua cá với giá cao như thế nên bán vài con để lấy tiền tiêu vặt. Sau đó ít lâu không biết thương lái ở đâu rầm rầm kéo đến trả giá 500.000đ/1kg khiến anh bất ngờ vì giá “cá thần” đắt bằng cả một con trâu.
Hiện “cá thần” đang trở thành món ăn đặc sản được nhiều nhà hàng ở khu vực phía Bắc săn lùng. Một chủ nhà hàng tên Mỹ ở đường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái cho biết: Món cá bỗng được rất nhiều người ưa chuộng, vì vị thịt cá bỗng khác lạ so với những loài cá khác. Mấy tháng nay, lượng cá bỗng cổ ở Yên Bái hiếm dần, nhiều người phải lên tận Hà Giang mua cá với giá từ 500.000 – 700.000đ/1kg.
Cá bỗng có trọng lượng trên 10kg được nuôi trong ao của gia đình anh Hứa Trung Úy
Theo TS Nguyễn Văn Hảo, chuyên gia về Ngư loài học, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản I, loài cá lạ ở Yên Bái có tên là cá bỗng, tên giống là spinibar bus, tên loài là sinensis. Loài cá ở Yên Bái có cùng tên giống với “cá thần” ở Thanh Hóa, nhưng tên loài thì khác nhau. Đặc điểm phân biệt cá ở Yên Bái với “cá thần” ở Thanh Hóa ở chỗ “cá thần” có khởi điểm vây lưng ở trước khởi điểm vây bụng, còn cá Yên Bái có khởi điểm vây lưng ở sau khởi điểm vây bụng. Cả “cá thần” ở Thanh Hóa và cá bỗng ở Yên Bái đều được nuôi để làm thực phẩm. Không chỉ có ở Việt Nam, loài cá này cũng được nuôi nhiều ở Trung Quốc.