Càng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, nguy cơ ung thư da của bạn càng cao. Hãy phòng ngừa và bảo vệ cơ thể bạn bằng những lời khuyên đơn giản sau.
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời và các nguồn khác của bức xạ tia cực tím (UV) có liên quan rõ rệt với nguy cơ lớn mắc các loại ung thư da. Kể từ khi ung thư da được chẩn đoán có ở trên một triệu người Mỹ mỗi năm (và số lượng này đang tăng lên), các chuyên gia từ Hiệp hội Ung thư Mỹ, Viện Ung thư Quốc gia, Học viện Da liễu Mỹ, Mạng lưới ung thư toàn quốc gia, và nhiều tổ chức khác cùng nhất trí trong việc cần phải có những khuyến cáo mạnh mẽ để mọi người giảm bớt việc tiếp xúc có hại với ánh nắng mặt trời.
Nghe thì đơn giản, nhưng tiếp xúc bao lâu thì là quá nhiều? Tiếp xúc như thế nào là có nguy cơ? Những cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể là gì?
Dưới đây là những câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp về việc tiếp xúc ánh nắng mặt trời một cách an toàn.
Có phải tôi đang có nguy cơ bị ung thư da?
Mọi người thuộc mọi chủng tộc và màu da đều có thể mắc phải bệnh ung thư da, nhưng một số người lại nhạy cảm hơn những người khác. Nếu bạn có một hoặc nhiều hơn các yếu tố nguy cơ sau đây thì bạn nên đặc biệt quan tâm đến việc giảm tiếp xúc với tia cực tím:
- Da trắng
- Mắt màu xanh lam, xanh lục hoặc màu hạt dẻ
- Tóc vàng hoặc đỏ
- Có tàn nhang
- Có nốt ruồi (đặc biệt là từ 50 nốt trở lên)
- Gia đình hoặc cá nhân có tiền sử mắc ung thư da
Khi nào và ở đâu thì ánh sáng mặt trời gây nguy hiểm nhất?
Bức xạ tia cực tím từ mặt trời đặc biệt gây tổn hại lớn tới cơ thể dưới một số điều kiện nhất định, bao gồm:
- Từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều
- Từ giữa mùa xuân đến giữa mùa thu
- Ở những vùng có vĩ độ gần đường xích đạo (ví dụ, Florida)
- Ở những nơi có độ cao lớn
- Khi không có mây che phủ dày (và các đám mây chỉ chặn được 20 phần trăm lượng tia UV)
- Gần nơi có nước, tuyết, hoặc có bề mặt phản chiếu ánh sáng cao
Ảnh hưởng không tốt của ánh nắng mặt trời được tích lũy theo thời gian, vì vậy nếu bạn thấy mình thường xuyên ở trong những điều kiện trên thì việc có những hình thức bảo vệ phù hợp phải được ưu tiên.
Hãy nhớ rằng bên cạnh ung thư da, ánh nắng mặt trời còn có thể gây đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác, gây suy giảm hệ thống miễn dịch, tạo nên các đốm da không đẹp mắt, nếp nhăn và nám da, lão hóa da.
Cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân là gì?
Nếu bạn trả lời là ‘kem chống nắng’ thì có thể bạn phải nghĩ lại.
Cách hiệu quả nhất thực ra là chỉ cần tránh xa ánh nắng mặt trời vào mùa hè ở những thời điểm nguy hiểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu điều đó là không thể, hãy mặc quần áo dài, kín, dày dặn và đội một chiếc mũ rộng vành.
Sau đó mới đến việc dùng kem chống nắng và bạn cần nhớ kem chống nắng không phải là có tác dụng bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời hoàn toàn và bạn không nên chỉ dựa vào kem chống nắng.
Dưới đây là một số mẹo để bảo vệ cơ thể:
- Đeo kính mắt được bảo đảm là có tác dụng bảo vệ mắt bạn khỏi 99 đến 100% tia UVA và UVB (phổ rộng).
- Bôi khoảng 28g (đầy một lòng bàn tay) kem chống nắng lên mọi phần da bị hở 15 phút trước khi đi ra ngoài. Loại kem chống nắng phải đảm bảo có yếu tố chống nắng (SPF) từ 15 trở lên và có bảo vệ (UVA và UVB) phổ rộng. Nên sử dụng kem chống nắng dạng sữa (lotion) hoặc dạng kem (cream) là loại bám trên da lâu hơn, do đó cung cấp sự bảo vệ tốt hơn.
- Kem chống nắng không có PABA được khuyến cáo cho những người có làn da nhạy cảm. Những người da nhạy cảm cũng nên tránh chất oxybenzone và dioxybenzone. Sản phẩm có chứa avobenzone (Parsol 1789), ecamsule, kẽm oxit hoặc titan dioxide được coi là loại kem chống nắng phổ rộng và do đó bảo vệ cơ thể chống lại tia UVB và hầu hết tia UVA, cũng như giúp giảm sự phát triển của các nếp nhăn và sự lão hóa da.
- Tùy thuộc vào hoạt động của bạn (bơi, đổ mồ hôi) mà kem chống nắng nên được sử dụng ít nhất hai giờ một lần.
- Chỉ số SPF trên kem chống nắng chỉ ra thời gian bao lâu, trong điều kiện lý tưởng mà một người có thể ở dưới ánh nắng mặt trời mà da không bắt đầu chuyển sang màu đỏ (bị cháy nắng) so với thời gian da bắt đầu bị cháy nắng. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy những con số này đôi khi được phóng đại.
- Tránh đi nhuộm da, làm dám ra, hoặc sử dụng giường, đèn có tia cực tím.
Trẻ em có cần được bảo vệ nhiều hơn?
Đúng vậy. Có tới 50 phần trăm thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời của mỗi cá nhân diễn ra trước tuổi trưởng thành. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng trẻ em càng bị cháy nắng nhiều thì càng có khả năng cao phát triển bệnh ung thư da sau này. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời là điều đặc biệt quan trọng. Dưới đây là một vài lời khuyên:
- Không được để trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời ở mọi lúc. Hơn nữa, kem chống nắng cũng không được dùng cho trẻ ở độ tuổi này.
- Đối với trẻ em trên sáu tháng tuổi, dùng kem chống nắng mỗi khi đưa trẻ đi ra ngoài.
- Đồ bơi cho trẻ em phải làm từ vải chống nắng và được thiết kế để che phủ đứa trẻ từ cổ đến đầu gối luôn có sẵn và khá phổ biến.
Có phải nhuộm da không có hại như ánh nắng mặt trời?
Sai. Các loại đèn nhuộm da tỏa ra tia UVA và thường cả UVB và có thể gây tổn thương da nghiêm trọng về lâu dài và góp phần gây ung thư da. Hãy nhớ rằng, nhuộm da là một dấu hiệu của tổn thương da và không hề bảo vệ da khỏi bị tổn thương sau này. Các chuyên gia nhắc nhở bạn nên ưu tiên cho sức khỏe của mình hơn nhan sắc và nên tránh xa việc nhuộm da.
Ánh nắng mặt trời gây ra khoảng 90% các trường hợp ung thư da. Cắt giảm lượng phơi nhiễm tia UV và bức xạ tia cực tím là một cách rất đơn giản, dễ dàng và hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư đáng sợ sau này.