Ngày 18/05/2022 16:00 PM (GMT+7)
Trứng gà là món ăn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của nhiều người. Không chỉ trứng gà chín mà ngay cả trứng gà sống cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nếu bạn đang muốn bổ sung nhiều protein và chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống của mình thì trứng là một lựa chọn hoàn hảo. Trứng chứa các chất dinh dưỡng vi lượng và đa lượng quan trọng, đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe.
Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng của trứng sống và thành phần dinh dưỡng của trứng nấu chín có một số khác biệt rõ rệt. Trứng gà khi ăn sống cũng có thể đem lại nhiều lợi ích.
Thành phần dinh dưỡng của trứng gà sống
Trứng gà sống rất giàu protein chất lượng cao, chất béo lành mạnh, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa bảo vệ mắt và nhiều chất dinh dưỡng khác. Một quả trứng gà sống trung bình chứa:
– Chất đạm: 6g
– Chất béo: 5g
– Magie: 5mg (tương đương 1% DV – giá trị dinh dưỡng hàng ngày)
– Canxi: 28mg (tương đương 2% DV)
– Phốt pho: 99mg (tương đương 8% DV)
– Kali: 69mg (tương đương 1% DV)
– Vitamin D: 41 IU (tương đương 5% DV)
Ngoài ra, một quả trứng gà sống còn chứa 147mg choline (tương đương 27% DV). Choline là một chất dinh dưỡng thiết yếu đã được chứng minh là có tác động tích cực đến chức năng não. Choline cũng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tim mạch.
Trứng gà sống cũng chứa nhiều lutein và zeaxanthin. Những chất chống oxy hóa quan trọng này giúp bảo vệ đôi mắt của bạn và có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt do tuổi tác.
Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết tất cả các chất dinh dưỡng này đều tập trung trong lòng đỏ. Lòng trắng trứng chủ yếu bao gồm protein.
Ăn trứng gà sống có tác dụng gì?
1. Tốt cho não bộ
Như đã nói ở trên, trứng gà sống rất giàu choline, một hợp chất quan trọng có tác động tích cực đến chức năng não, hỗ trợ sự phát triển của não. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng thiếu choline có thể gây ra rối loạn thần kinh và giảm chức năng nhận thức. Sự thiếu hụt choline cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer hay mất trí nhớ.
2. Giúp xương chắc khỏe
Trong trứng gà sống có chứa hàm lượng canxi khá dồi dào. Đây là một khoáng chất vô cùng quan trọng đối với chức năng của xương. Việc bổ sung đầy đủ canxi sẽ giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa các bệnh về xương như loãng xương, mất xương… Hơn nữa, vitamin D trong trứng gà sống cũng giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi hơn.
3. Giảm nguy cơ mắc ung thư
Lòng đỏ trứng gà sống chứa nhiều choline. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng hợp chất này có tác dụng tăng cường chức năng gan và giảm nguy cơ mức ung thư vú ở phụ nữ.
Ngoài ra, trứng gà sống cũng chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, có tác dụng chống lại quá trình stress oxy hóa – một trong những tác nhân lớn gây nên ung thư.
4. Bảo vệ thị lực
Ngoài choline, trứng gà sống còn chứa các hợp chất lutein và zeaxanthin. Hai chất này có tác dụng chống oxy, bảo vệ mắt khỏi tia UV và giảm nguy cơ đục thủy tinh thể do tuổi già.
5. Tăng cường hệ miễn dịch
Trứng có chứa nhiều selen, đây là chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch và cân bằng hormone tuyến giáp. Chúng ta có thể ăn bổ sung từ 1-2 quả trứng vào bữa sáng để giúp cơ thể chống lại cơ chế nhiễm trùng, xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh.
6. Tốt cho da và tóc
Trứng gà sống chứa vitamin B, là loại vitamin cần thiết cho da, tóc, mắt và gan khỏe mạnh, cải thiện tóc, móng tay và da của chúng ta. Trong khi đó, trứng còn có chứa nguồn biotin dồi dào, giúp cơ thể chuyển hóa chất béo và carb thành năng lượng.
7. Làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể
Trứng gà có chứa hầu hết các chất dinh dưỡng mà cơ thể chúng ta cần. Vậy nên nhiều người cho rằng bổ sung trứng mỗi ngày trong thực đơn có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
8. Cải thiện chất lượng tinh trùng ở nam giới
Trong trứng gà sống có chứa khoáng chất kẽm, có lợi cho quá trình sản xuất tinh trùng và cải thiện chất lượng tinh trùng. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chứng minh hàm lượng kẽm trong mỗi quả trứng gà có thể thúc đẩy tốc độ di chuyển của tinh trùng, giảm nguy cơ mắc các bệnh ở tuyến tiền liệt.
Những nguy cơ khi ăn trứng gà sống
Mặc dù trứng gà sống có nhiều lợi ích nhưng nó cũng có thể gây ra một số nguy cơ cho sức khỏe:
1. Trứng sống có thể làm giảm hấp thụ protein
Trứng là một trong những nguồn cung cấp protein động vật tốt nhất. Trứng chứa đủ 9 loại axit amin thiết yếu, được coi là nguồn protein hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học lại chỉ ra rằng việc ăn trứng sống có thể làm giảm sự hấp thụ của cơ thể đối với các protein chất lượng này.
Nghiên cứu đã so sánh sự hấp thụ protein từ cả trứng nấu chín và sống, kết quả cho thấy 90% protein trong trứng nấu chín được hấp thụ, trong khi chỉ 50% protein trong trứng sống được hấp thụ. Hơn thế nữa, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng protein trong trứng chín sẽ dễ tiêu hóa hơn so với trứng sống.
2. Lòng trắng trứng sống có thể cản trở sự hấp thụ biotin
Biotin là một loại vitamin B hòa tan trong nước, còn được gọi là vitamin B7. Vitamin này tham gia vào quá trình sản xuất glucose và axit béo của cơ thể. Nó cũng quan trọng đối với phụ nữ mang thai.
Trong khi lòng đỏ trứng cung cấp một nguồn biotin tốt cho chế độ ăn uống, thì lòng trắng trứng sống lại chứa một loại protein gọi là avidin. Avidin liên kết với biotin trong ruột non, ngăn cản sự hấp thụ biotin. Ngược lại, vì nhiệt phá hủy avidin nên trứng gà chín không gây cản trở sự hấp thụ biotin.
3. Trứng sống có thể bị nhiễm vi khuẩn
Trứng sống có thể chứa Salmonella, một loại vi khuẩn có hại. Nhiễm khuẩn Salmonella có thể xảy ra theo 2 cách: Trong quá trình hình thành trứng khi vi khuẩn Salmonella nhiễm vào bên ngoài trứng và xâm nhập qua màng vỏ; hoặc trong quá trình xử lý, bảo quản thực phẩm.
Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella bao gồm co thắt dạ dày, tiêu chảy, nôn mửa và sốt. Nó có thể kéo dài từ 4-7 ngày, gây ra nhiều khó chịu và bất tiện. Trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm khuẩn Salmonella có thể bị co thắt tử cung, dẫn đến sinh non. Người lớn tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai nên tránh ăn trứng gà sống.
Nguồn tham khảo:
Is Eating Raw Eggs Safe and Healthy? – Đăng tải trên trang tin y tế Health Line – Xuất bản ngày 19/7/2021.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/
Theo K.H (Gia đình & Xã hội)