BÀN VỀ NHÂN VẬT VÀ TÍNH CÁCH TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC

Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách v.v… Và cần chú ý thêm một điều: Thực ra, khái niệm nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi rộng hơn nhiều, đó không chỉ là con người, những con người có tên hoặc không tên, được khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, mà còn có thể là những sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách của con người, được dùng như những phương thức khác nhau để biểu hiện con người. Đó là nhân vật Dế Mèn, võ sĩ Bọ Ngựa, con mèo lười trong truyện thiếu nhi của Tô Hoài; là vầng trăng, bông hoa hồng trong thơ Bác v.v… Cũng có khi, đó không phải là những con người, sự vật cụ thể, mà chỉ là một hiện tượng về con người hoặc có liên quan tới con người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm; chẳng hạn nói Nhân dân là nhân vật chính của “Chiến tranh và hòa bình”, thời gian là nhân vật chính trong sáng tác của Sêkhốp v.v…

            Các loại hình nhân vật rất đa dạng. Xét về vai trò nhân vật trong tác phẩm, có thể nói tới nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm. Nhân vật chính là nhân vật xuất hiện nhiều hơn cả trong tác phẩm, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tập trung đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Truyện Kiều có nhiều nhân vật chính, đó là Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến… Trong số những nhân vật chính của tác phẩm lại có thể có nhân vật được thể hiện đặc biệt nổi bật, có ý nghĩa tư tưởng – thẩm mĩ sâu sắc nhất, đó là nhân vật trung tâm. Ở “Truyện Kiều” nhân vật trung tâm là Thúy Kiều, ở “Tắt Đèn” là chị Dậu, ở “Rừng xà nu” là T’nú. Bên cạnh các nhân vật chính có thể nói tới các nhân vật phụ. Những nhân vật này hoặc được thể hiện khá sinh động như Lí Cường, bà cô Thị Nở, hoặc chỉ được nhắc qua một vài tình tiết như anh đi thả ống lươn, bà chủ quán, những người đi chợ buổi sớm (truyện Chí Phèo của Nam Cao). Xét về phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lí tưởng xã hội của nhà văn, lại có thể nói tới nhân vật chính diện (còn gọi là nhân vật tích cực) và nhân vật phản diện (còn gọi là nhân vật tiêu cực). Nhân vật chính diện thường được tác giả đề cao và khẳng định, đó là nhân vật mang lý tưởng, quan điểm tư tưởng và đạo đức tốt đẹp của tác giả, của thời đại; khi nhân vật này có ý nghĩa mẫu mực cao độ cho lối sống của một tầng lớp, một giai cấp, một dân tộc thì nó được gọi là nhân vật lí tưởng. Còn nhân vật phản diện tất nhiên nằm trong sự phê phán, phủ định của tác giả, đó là những nhân vật mang phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí tưởng, đối lập về tính cách với nhân vật chính diện. Trong truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, có thể dễ dàng nhận thấy hai tuyến nhân vật này, đó là Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Vương Tử Trực và cha con Võ Thể Loan, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm v.v… Ở đây, cũng cần lưu ý, khái niệm nhân vật chính diện và nhân vật phản diện đều thuộc phạm trù lịch sử, chúng tương ứng với khuynh hướng xã hội và quan niệm đạo đức của từng thời đại, do đó không nên xem xét, phân loại chúng một cách máy móc, áp đặt. Trong văn học cổ đại và trung cổ có loại nhân vật thường xuất hiện chỉ để thực hiện một số chức năng nhất định, ví dụ: Chức năng cứu thế, chức năng cho phép màu, thử thách lòng tốt và ban phát hạnh phúc như ông Bụt trong “Tấm Cám”; chức năng cản trở, hãm hại người tốt như mụ phù thủy trong “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”… Loại nhân vật này thường không có đời sống nội tâm, chủ yếu được thể hiện ở những hành động bề ngoài và có tính cách không đổi từ đầu đến cuối tác phẩm. Sau nữa, có thể nói tới loại nhân vật tư tưởng, thường được nhà văn sáng tạo để minh họa cho một quan điểm tư tưởng của mình, hoặc để thể hiện một tư tưởng nào đó của thời đại. Trong “Những người khốn khổ” (V. Huygô), Jave là nhân vật thể hiện tư tưởng phụng sự pháp luật nhà nước, còn Giăng-van-giăng lại là nhân vật thể hiện tư tưởng nhân đạo phụng sự con người… Ngoài ra, còn có thể nói tới một số loại hình nhân vật khác, nhưng nhìn chung khi phân định loại hình nhân vật phải rất linh hoạt dựa trên cơ sở khả năng phản ánh hiện thực của chúng và ý đồ tư tưởng của nhà văn.

            Từ khái niệm nhân vật tới khái niệm tính cách và tính cách điển hình là những mức độ khác nhau về chất lượng tư tưởng – nghệ thuật của sự thể hiện con người trong tác phẩm văn học. Chẳng hạn, trong truyện “Chí Phèo” có rất nhiều nhân vật như Bá Kiến, bà ba vợ Bá Kiến, Lí Cường, Thị Nở, bà cô Thị Nở, anh đi thả ống lươn, bà chủ quán, Đội Tảo, Binh Chức, Năm Thọ, Chí Phèo, Tự Lãng, anh thuyền chài, những người đi chợ buổi sớm v.v…; nhưng trong số đó rõ ràng chỉ các nhân vật như Bá Kiến, Lí Cường, Thị  Nở, Binh Chức, Năm Thọ, Chí Phèo mới là các nhân vật có tính cách (còn gọi là tính cách nhân vật, hoặc nói gọn hơn là tính cách); và trong các tính cách ấy chỉ có Bá Kiến, Chí Phèo mới xứng đáng là những tính cách điển hình (hay nhân vật điển hình). Trong nghiên cứu văn học, theo nghĩa rộng nhất của nó, khái niệm nhân vật mới là hình ảnh về con người, khái niệm tính cách đã là hình tượng về con người, còn khái niệm tính cách điển hình chính là điển hình về con người; và như vậy, dùng khái niệm nhân vật là chỉ đối tượng được nói đến, còn dùng khái niệm tính cách và tính cách điển hình là đã bao hàm cả sự đánh giá về chất lượng tư tưởng – nghệ thuật của đối tượng đó.

            Tính cách có một vai trò hết sức quan trọng đối với cả nội dung và hình thức của tác phẩm văn học. Đối với nội dung, tính cách có nhiệm vụ cụ thể hóa sự thực hiện của chủ đề tư tưởng tác phẩm, hay nói cụ thể hơn, thông qua sự hoạt động và mối quan hệ giữa các tính cách, người đọc sẽ đi đến một sự khái quát hóa về mặt nhận thức tư tưởng. Tính cách cũng là nhân tố chủ yếu tạo nên diễn biến của các sự kiện trong qúa trình phát triển của cốt truyện. Cũng qua hệ thống tính cách, người đọc có thể đánh giá khả năng biểu hiện nội dung của các yếu tố hình thức như ngôn ngữ, kết cấu, những quy luật loại thể, các biện pháp thể hiện… Tóm lại, có thể nói như Heghen: “Tính cách là điểm trung tâm của mối quan hệ giữa nội dung và hình thức”, còn Đôtxtoiepxki thì khẳng định: “Đối với nhà văn, toàn bộ vấn đề là ở tính cách”.

            Thực ra cũng cần phải nói tới một cách hiểu khác về khái niệm “tính cách”. Chẳng hạn, đọc “Tam quốc diễn nghĩa” người ta nhận xét: “Tào Tháo là nhân vật có tính cách đa nghi, gian hùng, Lưu Bị có tính cách khoan dung, độ lượng, thương người”…, ở đó khái niệm “tính cách” được hiểu là những đặc điểm, những phẩm chất nào đó của nhân vật được thể hiện tương đối rõ nét. Nhưng như đã nói ở trên, chủ yếu khái niệm “tính cách” được dùng theo cách hiểu sau đây: Tính cách cũng là nhân vật, nhưng là nhân vật được thể hiện với một chất lượng tư tưởng và nghệ thuật cao hơn, tuy chưa đạt đến mức độ là những điển hình.

            Tính cách mang bản sắc riêng, độc đáo của một con người cá biệt, cụ thể, nhưng lại mang những nét chung, tiêu biểu cho nhiều người khác ở một mức độ nhất định, đồng thời nó có một qúa trình phát triển hợp với logic cuộc sống; tóm lại, nó có tính riêng, tính chung và tính logic. Tính chung (hay tính khái quát, tính phổ biến) của tính cách là sự tổng hợp và nâng cao những nét tiêu biểu có ở nhiều người cùng một nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác, giai cấp, dân tộc, thời đại… với tính cách đó; trong những biểu hiện ấy, tính chung về mặt giai cấp là quan trọng nhất, vì nó quyết định bản chất xã hội của tính cách. Tính chung luôn có mối liên hệ mật thiết với tính riêng, bởi suy đến cùng, tính cách chính là sự biểu hiện cái chung qua cái riêng, và nói như Xâytlin trong “Lao động nhà văn”: “Tính cách là sự phản ánh những mặt bản chất của hiện thực dưới hình thức cá tính hóa, và độc đáo, là một nội dung phức hợp trong một hình thức đơn nhất”. Có thể quan niệm tính riêng (hay tính cụ thể, tính cá biệt) của tính cách là tập hợp của những nét bền vững và độc đáo, làm cho nó phân biệt rõ ràng với những tính cách khác về hình thể, tính tình, tâm lí, phương thức hành động…; trong đó tính chất cá biệt của các trạng thái tâm lí là quan trọng nhất vì nó quyết định bản sắc cá nhân của tính cách; Đây cũng chính là đặc điểm để các nhà nghiên cứu về L.Tônxtôi cho rằng mỗi nhân vật của ông đều có một “chứng minh thư tâm lí” riêng. Thật dễ nhận thấy những người lính trẻ trong “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu cùng có tính chung là dũng cảm, lạc quan, yêu đời, say mê lí tưởng, nhưng mỗi người trong số họ lại có một “gương mặt tâm hồn” riêng, không ai giống ai: nếu Lữ hồn nhiên, mơ mộng thì Cận lại trầm tĩnh, chín chắn; nếu Khuê khôn ngoan, láu lỉnh thì Lượng mộc mạc, đa cảm; tương tự  “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã khắc họa được những cô gái thanh niên xung phong đầy cá tính dù ở họ đều có chung tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn và có tình cảm đồng chí đồng đội keo sơn gắn bó: Chị Thao chín chắn, từng trải trong công việc nhưng lại sợ vắt và máu, lông mày tỉa nhỏ như que tăm, áo lót cái nào cũng thêu chỉ màu… Nho thì trông như một que kem trắng, thích để nguyên quần áo ướt sau khi tắm và thích ăn kẹo chanh còn Phương Định thì thoạt trông có vẻ kiêu kì nhưng thật ra một cô gái mộng mơ, thích soi gương, ngồi bó gối mơ màng và hát… Còn tính logic của tính cách chẳng phải là cái gì khác mà chính là cái logic khách quan của đời sống được thể hiện thông qua tính cách, biến thành cái bản chất bên trong của tính cách, quyết định sức sống của tính cách. Tính logic là sự phát triển trong toàn bộ cuộc đời, trong từng diễn biến tư tưởng, tình cảm, hành động của tính cách theo những quy luật tất yếu của đời sống, những quy luật đó là chung cho nhiều người. Cũng vì thế, khi tính cách phát triển, theo những quy luật như vậy thì nó đã thể hiện một phần của tính chung; mặt khác, mỗi tính cách đều có thể thực hiện những quy luật chung theo cách riêng để phù hợp với cuộc đời cụ thể của mình. Do đó, khi tính cách đã có lính logic thì đồng thời nó đã thể hiện phần nào cả tính chung và tính riêng.

            Nhân vật và tính cách là những yếu tố thuộc nội dung, nhưng các biện pháp thể hiện chúng sao cho thật sinh động, hấp dẫn lại thuộc về hình thức của tác phẩm. Trước hết, phương tiện cơ bản để thực hiện các biện pháp đó là các chi tiết – những nét cụ thể mà nhà văn sử dụng để miêu tả ngoại hình, nội tâm, hành động của nhân vật, cũng như những cảnh vật, sự kiện có liên quan đến nhân vật đó. Đan dệt hàng loạt chi tiết với nhau mới có được một bức tranh bằng ngôn ngữ có thể tạo nên một ấn tượng tương đối xác định về nhân vật. Các chi tiết cần được sắp xếp, bố trí thật chặt chẽ, không thừa hoặc thiếu, có một quá trình phát triển logic – nghĩa là chúng liên quan với nhau một cách tất yếu.

            Các chi tiết đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động miêu tả ngoại hình và miêu tả hành động của nhân vật. Ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong…, tóm lại là toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật. Nhà văn có thể khắc họa ngoại hình nhân vật một cách trực tiếp thông qua ngôn ngữ người kể chuyện, chẳng hạn Nam Cao miêu tả văn sĩ Hoàng: “Anh Hoàng đi ra. Anh vẫn bước khệnh khạng, thong thả bởi vì người khí to béo quá, vừa bước vừa bơi hai cánh tay kềnh kệnh ra hai bên, những khối thịt bên dưới nách kềnh ra và trông tủn ngủn như ngắn quá…” (Đôi mắt). Cũng có khi ngoại hình nhân vật được miêu tả một cách gián tiếp qua ngôn ngữ hoặc cái nhìn của một nhân vật khác trong tác phẩm (như ngoại hình Kim Trọng qua mắt Kiều trong buổi gặp gỡ đầu tiên). Ngoại hình nhân vật có thể được nhà văn tập trung miêu tả trong một đoạn văn ngắn gọn, nhưng cũng có thể được miêu tả một cách rải rác, xen kẽ giữa các chương, đoạn, qua những tình huống và hoạt động khác nhau của nhân vật. Đó có thể là những nét của toàn thân hoặc chỉ là một vài đặc điểm nổi bật nhất trong diện mạo của nhân vật… Nhìn chung, ngoại hình nhân vật được thể hiện sinh động sẽ góp phần bộc lộ tính cách nhân vật, đặc biệt nó có tác dụng khá rõ trong việc cá biệt hóa nhân vật. Còn hành động của nhân vật không chỉ là yếu tố cần thiết để bộc lộ tính cách mà còn là yếu tố không thể thiếu thúc đẩy sự diễn biến của cốt truyện trong tác phẩm.  Đó chính là những việc làm cụ thể của nhân vật trong quan hệ ứng xử với các nhân vật khác và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Cũng như miêu tả ngoại hình, việc miêu tả hành động của nhân vật có thể được thực hiện thông qua ngôn ngữ người kể chuyện hoặc qua ngôn ngữ của nhân vật khác. Đáng chú ý là hành động của nhân vật phải được miêu tả một cách nhất quán, và ở điểm này lời khuyên của L. Tônxtôi rất có ý nghĩa: “Hãy sống cuộc sống của các nhân vật được miêu tả và tự các nhân vật sẽ làm những gì mà họ cần phải làm do tính cách của họ”.

 

            Cuối cùng, các nhà văn còn chú ý biểu hiện ngôn ngữ của nhân vật, bởi vì ngôn ngữ là một căn cứ quan trọng để biểu đạt phẩm chất và tính cách của mỗi con người, nó đóng vai trò quan trọng trong qúa trình cá biệt hóa nhân vật. Những đoạn đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm của nhân vật, tự chúng “vang lên”, để nhân vật tự biểu lộ, phơi bày những diễn biến tâm trạng của mình. Văn học Việt Nam và thế giới đã ghi nhận những điển hình nhân vật và tính cách nhiều khi chỉ thông qua ngôn ngữ nhân vật: những Chí Phèo, AQ, Tào Tháo… đã minh chứng cho điều đó, còn M.Gorki khi nói về những ông chủ nhà băng trong tiểu thuyết “Miếng da lừa của” Bandăc đã viết: “Ở đây, Bandăc chỉ dùng những lời trò chuyện rời rạc bên bàn ăn mà vẽ lên được những khuôn mặt và những tính cách rõ nét đến lạ lùng”.

Rate this post

Viết một bình luận