‘Bà chúa thơ Nôm’ trong tranh vẽ xưa. Ảnh: TL
Thông tin về nữ thi sĩ này trên trang Wikipedia viết: “Hồ Xuân Hương (chữ Hán: 胡春香, 1772 – 1822) sống ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, mà hiện tại vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi”. Ở phần tiểu sử, trang nêu khá ngắn gọn: “Không có bất cứ tư liệu cổ điển nào chép về lai lịch và hành trạng của Hồ Xuân Hương, bà chỉ thực sự được hậu thế biết đến qua sách Giai nhân dị mặc của học giả Nguyễn Hữu Tiến. Cũng vì cớ đó, việc có hay không một nhân vật tên Hồ Xuân Hương hiện còn là câu hỏi ngỏ”.
Trước thông tin khá ít ỏi về Hồ Xuân Hương thì cuốn Lược khảo văn học (tập 3) của GS Nguyễn Văn Trung (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) đã hé hộ nhiều vấn đề lý thú liên quan đến nghi án văn chương về “bà chúa thơ Nôm”.
Hồ Xuân Hương – tác giả những bài thơ chữ Hán?
Đánh giá về Hồ Xuân Hương, Lược khảo văn học (tập 3) nhận định: “Về tác phẩm, chỉ có tập thơ Nôm nói là của Hồ Xuân Hương xuất bản lần đầu tiên vào năm 1913 do Xuân Lan ấn hành, có nhan đề Xuân Hương thi tập. Về tác giả, người đầu tiên đưa ra những giai thoại truyền thuyết về cuộc đời Hồ Xuân Hương là Nguyễn Hữu Tiến nhưng cuốn sách không phải là công trình biên khảo nghiêm túc, có ghi chú xuất xứ, chỉ dẫn nguồn gốc mà chỉ là một truyện ký, tiểu thuyết hóa. Nhưng chính cuốn sách lại là tài liệu hầu như độc nhất mà các người viết về Hồ Xuân Hương sau này dựa vào để trình bày tiểu sử và phê bình thơ bà”.
GS Nguyễn Văn Trung cung cấp thêm những “tài liệu khá xác thực chứng tỏ có một nữ thi sĩ tên là Hồ Xuân Hương, tác giả một số bài thơ chữ Hán” qua một số phát hiện của ông Trần Thanh Mại. Đó là tập thơ Diệu Liên (chữ Hán) khắc in năm 1867 của nữ thi sĩ Mai Am, con gái thứ 25 của vua Minh Mạng, có vài bài tựa nhắc tên Hồ Xuân Hương: “Xem nước Nam ta mở mang bờ cõi, kể đã hàng trăm hàng nghìn năm, trong khoảng thời gian ấy đứng về thơ phụ nữ mà nói thì trước kia chỉ có Phạm Lam Anh, và gần đây có Hồ Xuân Hương” (bài tựa của Quảng Khuê – tức Trương Đăng Quế). Bài tựa của Trương Bỉnh Thuyên (một nhà nho Trung Quốc) viết có câu: “Phạm Lam Anh và Hồ Xuân Hương là hai người phụ nữ hay thơ của nước VN”.
Ở tập Cẩm Ngữ (nhiều tác giả), bài Viêm bang tú khí có nói đến Hồ Xuân Hương (Hà Nội) cùng với Đoàn Thị Điểm (Bắc Ninh), Phạm Lam Anh (Quảng Nam), Thanh Quan (Nam Định) bằng lời lẽ có cánh. Ngoài ra, tập Bắc hành trong bộ Thượng Sơn thi tập của Tùng Thiện Vương cũng từng nhắc tới nữ thi sĩ hay bản thơ chép tay của nhà nho đất Nam Định Nguyễn Đình Hồ, trong 300 bài bằng Hán văn thì có 2 bài đề của Hồ Xuân Hương.
Những phát hiện thú vị về “bà chúa thơ nôm”
GS Nguyễn Văn Trung tiết lộ tiếp chuyện Thư viện Khoa học T.Ư (Hà Nội) phát hiện tài liệu liên quan đến tiểu sử, thân thế thơ văn của Hồ Xuân Hương, đó là tập thơ Lưu Hương ký (gồm chữ Hán và chữ Nôm) với lời tựa của một người đồng quận. Theo đó, lời tựa Nham Giác Phu viết trong sách khẳng định có một thi sĩ tên Hồ Xuân Hương mà mình đã từng gặp khi đến thành Thăng Long: “Sang mùa xuân năm Giáp Tuất (1814), tôi tìm đến chỗ ở của cô, hai bên mừng mừng tủi tủi. Xuân Hương liền cầm tập Lưu Hương ký đưa tôi xem và bảo rằng: Đây là tất cả văn thơ trong đời tôi từ trước đến nay, nhờ anh làm cho tôi bài tựa…”. Vì có hai chữ “tất cả” nên GS Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Nếu thật, phải chăng những bài thơ Nôm vẫn gán cho Hồ Xuân Hương không phải là Hồ Xuân Hương – tác giả của tập thơ trên?”.
Chưa kể lời tựa của Nham Giác Phu còn ghi Hồ Xuân Hương là em gái ông lớn Hồ, tức Hồ Sĩ Đống (1738 – 1785). Về điều này, GS Nguyễn Văn Trung phân tích: “Theo Hồ gia phả hợp tộc phả ký, Hồ Sĩ Đống là con Hồ Sĩ Danh, như vậy Hồ Xuân Hương là con Hồ Sĩ Danh chứ không phải con Hồ Phi Diễn, là anh em con chú con bác rất xa, phải ngược lên tới đời thứ mười mới cùng một ông tổ. Trong tập Lưu Hương ký, những người đàn ông đi vào đời Hồ Xuân Hương không phải là ông Phủ Vĩnh Tường, ông Tổng Cóc hay Chiêu Hổ, mà là những Tốn Phong Thị, Mai Sơn Phủ, Thanh Liên, Chí Hiên và có lẽ cả… Nguyễn Du nữa, vì bài Nhớ người cũ có chú thích ngay dưới đầu đề: “Hầu, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân”. Vì vậy, cùng với việc so sánh với những bài thơ trong Lưu Hương ký với nhiều tác phẩm Nôm quen thuộc lâu nay vẫn cho là của Hồ Xuân Hương như Bánh trôi nước, Lấy chồng chung…, tác giả Lược khảo văn học rút ra nhận xét: “Lưu Hương ký kém xa về nghệ thuật và ý tứ, tâm tình. Một đằng nghiêm túc, đứng đắn, một đằng tục, táo bạo”.
“Qua tập thơ Lưu Hương ký, có thể khẳng định có một thi sĩ tên là Hồ Xuân Hương – tác giả một số bài thơ chữ Hán và chữ Nôm, nhưng chưa thể khẳng định được Hồ Xuân Hương – tác giả Lưu Hương ký cũng là tác giả của những bài thơ Nôm quen thuộc vẫn gán cho nàng. Do đó, bao lâu chưa tìm ra sử liệu minh chứng, cần phải coi những bài thơ Nôm từ trước gán cho Hồ Xuân Hương thuộc loại vô danh, khuyết danh”, GS Nguyễn Văn Trung nhận định.