Dân gian truyền tai nhau việc xông lá trầu đau mắt đỏ mang lại hiệu quả cao. Song thực hư thế nào thì nhiều người còn chưa rõ.
Đau mắt đỏ hầu hết là do virus, vi khuẩn gây ra nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc. Nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi sau 4 – 5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan để lâu không điều trị hoặc chữa không đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm, loét giác mạc. Dân gian truyền miệng chuyện trị đau mắt đỏ bằng cách xông lá trầu không, nhưng liệu đây có phải là phương pháp tốt và đáng làm theo hay không?
1. Thực hư chuyện xông lá trầu đau mắt đỏ
Trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng và kháng khuẩn rất hiệu quả. Ngoài ra, 100g lá trầu không chứa tới 2,4% tinh dầu. Tinh dầu có trong lá trầu không với hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như: Phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ… đồng thời có tính kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm. Dựa trên những tính chất đó, nhiều người tự ý xông lá trầu không để trị đau mắt đỏ. Họ tin rằng với đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm mạnh mẽ, khi xông hơi, lá trầu không sẽ bốc lên tinh dầu bay vào mắt, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây đau mắt đỏ, mang lại hiệu quả chữa trị cao.
Thực tế thì cho thấy, xông lá trầu đau mắt đỏ là một phương pháp hoàn toàn sai lầm. Cụ thể, xông lá trầu không chỉ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn như gây bỏng, loét giác mạc. Bác sĩ Đặng Văn Quế (Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt DND) cho biết, lá trầu chứa tinh dầu nóng dễ gây nhiễm khuẩn cho mắt, đồng thời khiến mắt bỏng do sức nóng của hơi nước. Khi vừa xông xong bệnh nhân sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm mắt nên dễ lầm tưởng trầu không có tác dụng chữa bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh loại lá này có tác dụng chữa trị đau mắt đỏ, ngược lại nó có thể làm cho mắt phù nề hoặc bị nhiễm khuẩn nặng hơn, nhất là trong trường hợp người dùng không rửa sạch lá trước khi xông.
Xông lá trầu đau mắt đỏ là một phương pháp sai lầm.
2. Điều trị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ hiện trên thị trường chưa có thuốc đặc chủng điều trị căn bệnh này. Việc điều trị chủ yếu đi theo hướng khắc phục các triệu chứng mà bệnh gây nên.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi dùng kháng sinh trị đau mắt đỏ chỉ nên dùng loại thuốc tra, nhỏ tại chỗ, kháng sinh phổ rộng để phòng ngừa nhiễm trùng cơ hội trên bệnh nhân. Các loại thuốc đó bao gồm: tobramycine 0.3% (tobrex, toeycine), quinolone (oflovid, okacin, vigamox), neomycine và polymycine B (cebemycine).
Ngoài ra, vệ sinh đau mắt đỏ bằng cách sử dụng nước muối sinh lý 0,9% cũng mang lại hiệu quả cao. Chúng có tác dụng rửa trôi mầm bệnh, chất tiết và gỉ mắt, làm dịu mắt đang bị cộm rát khó chịu.
Ngoài việc dùng thuốc điều trị đau mắt đỏ theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi nhiều, che chắn kĩ mắt khi đi ra ngoài hay thường xuyên vệ sinh gối, ga giường đều đặn… để bệnh chóng lành nhé.
Vệ sinh đau mắt đỏ bằng nước muối sinh lý giúp bệnh chóng khỏi hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.