Bẩn chung thì sạch riêng ai?
Những ngày này, các trung tâm thương mại, cửa hàng sách, đường phố đã lác đác có người đưa con đi mua sắm đồ dùng học tập, những món ăn lâu ngày không được thưởng thức. Tuy không đông đúc, tấp nập, không được ngồi ăn tại chỗ hay thoải mái bỏ khẩu trang nói cười như những ngày bình thường trước nhưng những hình ảnh này khiến nhiều người ấm lòng. Vậy là, có thể những ngày giông bão cũng qua dần, con người sẽ không “sống trong sợ hãi” nữa mà tiến tới một khoảng thời gian dần sống chung với dịch bệnh trong thế chủ động.
Khẩu trang sử dụng xong bị vứt bừa bãi nơi công cộng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh
Dù vậy, để giai đoạn ấy đến nhanh, đưa Hà Nội cũng như cả nước trở lại nhịp sống bình thường mới nhanh hay không thì phụ thuộc vào trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng này, trước khi toàn bộ người dân trong độ tuổi được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, trước khi có những loại thuốc chữa bệnh hữu hiệu hơn nữa thì mỗi chúng ta cần chung tay giữ gìn hơn nữa không gian chung. Đó chính là bằng việc tiếp tục phát huy lối ứng xử văn minh nơi công cộng để trung tâm thương mại, hiệu sách, cửa hàng ăn uống, đường phố hay tiệm cắt tóc, ngõ xóm… đều phải sạch sẽ, an toàn như ở nhà mình.
Bởi lẽ, bẩn chung không thể sạch riêng ai được. Cái bẩn này không chỉ mất vệ sinh, gây mùi xú uế, mất mĩ quan như thuở trước nữa mà còn liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Nếu trước đây, trên đường phố, ngoài bãi rác, ở bất cứ đâu chúng ta thấy mẩu thuốc lá, túi thức ăn thừa, lõi bắp ngô, chiếc bánh mì ăn dở, bãi nước bọt, cốc đựng nước hoa quả với ống hút cắm ở trên, khẩu trang… vứt bừa bãi thì ta chỉ cảm thấy bẩn, ghê, quay mặt đi là xong.
Giờ đây, tất cả những thứ này đều có thể mang theo virus SARS-CoV-2, gây nên dịch bệnh Covid-19, là nguồn lây nhiễm, là thủ phạm tạo nên dịch bệnh có thể khiến những người đứng gần, chẳng may hít phải trong không khí có thể bị bệnh. Chính bởi vậy, mỗi người đều cần có ý thức hơn với những thứ rác thải này.
Hộp sữa và khẩu trang vứt bừa bãi nơi không gian chung như thế này mang theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm bệnh
Chị Huệ (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết thời gian giãn cách chị không ra khỏi nhà, nay được nhúc nhắc đi lại, chị ra ngõ tập thể dục, dắt con đi chơi quanh khu vui chơi ở gần nhà. Nhiều lần chị hết hồn vì thấy một cốc nước ai đó để hờ hững ngay bờ tường, góc cột điện. Những lúc ấy, chị vội kéo con về nhà ngay, sát khuẩn cẩn thận, thay hết quần áo.
“Cẩn thận không thừa. Trong khi mình đến chiếc khẩu trang còn phải cho vào túi nilon gói kín lại rồi mới vứt đi thì việc vứt những thứ đã tiếp xúc với miệng, nước bọt ra chềnh ềnh ở không gian chung như vậy vừa phản cảm vừa rất nguy hiểm”, chị Huệ chia sẻ.
Chị Tâm (ở quận Hà Đông, Hà Nội) thậm chí còn phải viết dòng chữ “Cấm nhổ bậy” rồi in ra nhiều tờ giấy, dán lên khắp các nơi trong ngõ nhà mình. Chị rất sợ khi bước chân ra đường gặp phải cảnh tượng một ông nào đó đang bỏ khẩu trang, vươn cổ ra nhổ bậy. “Mùa dịch bệnh như thế này, hành vi xấu ấy mà không bị loại bỏ thì còn gây nên biết bao nhiêu nỗi lo”, chị Tâm rùng mình nói.
Rõ ràng, nếu như ai cũng chỉ giữ sạch ngôi nhà mình, đôi tay mình mà đẩy cái bẩn ra chốn công cộng thì người khác sẽ phải “lĩnh đủ”. Mà nếu trung tâm thương mại ấy, góc sân ấy, cửa hàng ấy… có người bị dương tính với virus thì liệu tất cả những người tiếp xúc, đến địa điểm ấy có an toàn không, đó là điều ai cũng có thể hiểu được. Bởi vậy, cẩn thận, giữ gìn cho cả mình và người khác, đó mới là cách ứng xử văn minh, nhân ái, phù hợp trong điều kiện dịch bệnh như thế này.
Để mùa thu vẫn là mùa đẹp nhất trong năm của Hà Nội
Mùa thu là mùa đã đi vào thi ca, vào nhạc họa, vào nỗi nhung nhớ yêu thương của biết bao người trót “phải lòng” đất này. Dù vậy, lúc này cũng là lúc thời tiết chuyển từ hạ sang đông, giao mùa rất dễ khiến con người bị nhiễm lạnh, bị bệnh, sức đề kháng suy giảm. Thêm vào đó, không khí hanh khô, hệ hô hấp cũng phải làm việc với cường độ lớn hơn để đảm bảo lọc bụi, giảm các nguy cơ gây bệnh do vi khuẩn, virus bên ngoài xâm nhập, tấn công con người.
Do vậy, vào những lúc nhạy cảm như thế này, mỗi người cần phải làm điều gì đó để trợ giúp đắc lực cho hệ thống phòng vệ của bản thân. “Con ong làm mật yêu hoa, con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời. Con người muốn sống con ơi, phải yêu đồng chí yêu người anh em”, câu thơ mẹ hát ru ta từ trong nôi cho ta biết mối quan hệ cộng sinh giữa vạn vật với môi trường xung quanh. Con cá không thể khỏe khi làn nước bẩn, con chim không thể khỏe khi bầu trời ô nhiễm, con người cũng vậy, không thể sống tốt nếu không gian mình sinh sống có quá nhiều nguy cơ.
Khi thời tiết mát dịu, khi ở nhà sau hai tháng giãn cách, người ta có xu hướng ra đường nhiều hơn, tận hưởng không khí trong lành, bầu trời thoáng đãng, đó là điều dễ hiểu nhưng như vậy cũng kéo theo bao nhiêu nguy cơ.
Khi Hà Nội vẫn còn rải rác các ca F0 phát hiện được trong cộng đồng, nghĩa là ở bất cứ nơi đâu tại nơi công cộng, với lượng người từ các vùng khác nhau đi lại nhiều, hít thở nhiều cũng sẽ mang đến thêm nhiều nguy cơ lây nhiễm nếu chúng ta không phòng bị nghiêm ngặt.
Những hành vi vứt rác thải bừa bãi như thế này cần phải được chấm dứt triệt để
Không gian nơi công cộng vốn là tài sản chung, nay lại càng quý giá hơn khi từng phần, từng phần được mở lại để đón người dân Thủ đô trở lại hoạt động bình thường. Anh Hải (Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể do con gái thèm ăn bún chả, anh đi mua về cho con, gặp ngay một “ông” vô ý thức, đứng gần chỗ người bán hàng đang dỡ chả, múc nước chấm ra mà cứ gỡ khẩu trang hắt xì hơi liên tục đến chục cái. Hoảng quá, anh vội nhường luôn cho người đàn ông này lấy phần của mình trước rồi lặng lẽ lấy cớ chờ lâu, đi sang hàng khác mua chứ không dám dùng những thứ nước chấm, chả, bún có khi bị người kia hắt xì hơi bắn hết vào nữa.
Còn chị Minh Anh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng rất phẫn nộ, đến mức suýt cãi nhau khi đưa con ra chơi ở sân chung dưới khu tập thể, một đôi trai gái cứ bỏ khẩu trang ra nói chuyện với nhau rồi thi thoảng lại còn có những hành động thân mật như thơm má, hôn môi nhau trước mặt trẻ con.
Khi dắt con về để “lánh nạn” rồi quay lại vẫn thấy hai bạn trẻ này cứ ngồi lì ở đó, ăn bánh mì xong vứt luôn lên nắp thùng rác, giấy lau miệng thì vứt luôn dưới chân ghế và tệ hơn là còn ăn kẹo cao su xong bỏ luôn bã xuống bãi cỏ bên cạnh, chị Minh Anh làm ầm lên, gọi cả mấy người lớn trong khu đến nói gay gắt thì hai bạn trẻ kia mới rời đi.
“Bình thường mình không khắt khe đến thế đâu nhưng vừa mới nới lỏng giãn cách, những hành động này quá thiếu văn hóa, sợ ảnh hưởng đến không gian chung, sợ những bạn trẻ khác theo thế cứ muốn làm gì thì làm nên mình phải làm căng để đừng bao giờ tái diễn như thế nữa”, chị Minh Anh cho biết.
Như vậy, để giữ gìn không gian chung sạch sẽ, không có các nguy cơ gây lây nhiễm bệnh thì mỗi người không chỉ tự ý thức mà còn phải tăng cường cả giám sát, phản ứng để triệt để chấm dứt những hành vi gây hại đến nơi công cộng. Có như thế chúng ta mới yên tâm chờ ngày Hà Nội bình thường trở lại sớm được.
(Còn nữa)