Bài 2: Hậu quả từ sự lơi là của người lớn

Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn quá nuông chiều, bao bọc, khiến con em mình trở nên coi thường pháp luật, thiếu sự tự giác.

>>> Bài 1: Nạn nhân cũng là “tội đồ”

Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm luật giao thông diễn ra ngày một phổ biến. Ảnh: Phạm Công
Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm luật giao thông diễn ra ngày một phổ biến. Ảnh: Phạm Công

Thương không đúng cách

Theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia, trung bình mỗi năm có tới 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì TNGT trên cả nước. Học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông kể trên; tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông trong nhóm này có xu hướng gia tăng. Những tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm, mà nạn nhân là những em học sinh vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội, từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020, đã xử lý 4.530 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trung tá Trần Quang Vinh – Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội cho biết, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt từ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản được kiểm soát, các em bắt đầu đi học trở lại.

“Nguyên nhân chính dẫn đến việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ, do các em chưa có ý thức tốt trong việc chấp hành quy định của pháp luật cũng như chưa nhận thức hết được những hậu quả do tai nạn giao thông để lại” – Trung tá Trần Quang Vinh cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Đức Giang – Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội, cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã có một bộ phận thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông, điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, lạng lách, đánh võng, đem theo hung khí khi tham gia giao thông… Nguyên nhân chủ yếu từ góc độ quản lý của gia đình. Nhiều trường hợp khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, gia đình mới biết con em mình điều khiển xe máy gây mất trật tự, an toàn giao thông”.

Theo ông Tạ Đức Giang, nhiều bậc cha mẹ không quản lý chặt chẽ, không nắm được con có những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đáng lo ngại hơn, khi có không ít gia đình sẵn sàng mua cho con xe mô tô, xe gắn máy để tham gia giao thông khi các cháu chưa đủ tuổi cũng như chưa có giấy phép lái xe.

Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho rằng, thanh thiếu niên đang trong độ tuổi tò mò, thích thể hiện, đôi khi những lời khiêu khích hay rủ rê của bạn bè cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm Luật Giao thông. “Thiếu sự đồng hành, bảo ban của phụ huynh, các em có thể trượt dài vào những hành vi thiếu ý thức, vi phạm luật, gây nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng. Thương con mà chỉ biết chiều chuộng, không giáo dục nghiêm khắc, thấu đáo là thương không đúng cách” – ông Tạ Đức Giang nói.

Thiếu giáo dục trực quan

Bên cạnh sự nuông chiều của không ít bậc phụ huynh, cũng cần nhìn nhận rõ rằng kiến thức về ATGT chưa được tuyên truyền phổ biến một cách sinh động, ấn tượng, thường xuyên, liên tục đến giới trẻ.

Có con đang theo học tại một trường THPT trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội, anh Lê Quang Huy chia sẻ: “Con nhà tôi lên cấp 3 thì gia đình mua xe máy cho cháu đi học vì không thể đưa đón hàng ngày. Tôi cũng dặn dò cháu luôn phải chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhưng khi cháu ra khỏi nhà thì không thể quản lý được”.

Đã 3 lần phải đi nộp phạt cho con vì bị lực lượng chức năng giữ xe, anh Lê Quang Huy cho rằng, gia đình chỉ có thể giáo dục bằng cách thường xuyên nhắc nhở chứ không còn biện pháp nào khác.

Mới 14 tuổi nhưng đã được sử dụng xe máy điện để đi học, em Nguyễn Đức Hùng, trú tại xã Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội cho biết: “Chiếc xe này trước đây của chị gái em. Chị đi học đại học nên em xin bố mẹ cho chiếc xe này để đi. Ban đầu gia đình cũng không cho, nhưng sau vài lần thấy em đi được nên không ai nói gì nữa”.

Khi được hỏi nhà trường có cho phép sử dụng xe này đi học hay không? Em Nguyễn Đức Hùng đáp: “Chỉ cần gửi ở quán nước gần trường rồi đi bộ vào là được. Khi di chuyển thì chọn những con đường nhỏ, ngõ ngách để tránh bị cảnh sát giao thông bắt giữ”.

Có thể thấy rằng, việc phối hợp quản lý thanh thiếu niên giữa nhà trường và gia đình chưa thực sự đem lại hiệu quả khi gia đình chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở còn nhà trường chỉ cấm các em đi xe đến trường còn đi ngoài đường, thậm chí gửi xe ở cổng trường lại ngoài phạm vi quản lý.

TS xã hội học Vũ Thị Hạnh nhận định: “Ngay cả các bài học về ATGT trong nhà trường cũng vẫn nặng tính lý thuyết, thiếu trực quan, không để lại ấn tượng sâu sắc cho thanh thiếu niên”. Bà Vũ Thị Hạnh cho hay, tại nhiều nước trên thế giới, việc giáo dục kiến thức ATGT luôn đi kèm với những buổi thực nghiệm, diễn tả những tình huống tai nạn thực tế cho thanh thiếu niên xem, để các em hiểu và biết sợ tai nạn giao thông, đem lại hiệu quả thiết thực hơn hẳn.

Mặt khác, TS Vũ Thị Hạnh cho rằng, nhiều phụ huynh khi tham gia giao thông cùng các còn đôi lúc vô tư vi phạm Luật Giao thông đường bộ như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều…, đã nêu gương xấu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của trẻ. Không ít thanh thiếu niên đã có thái độ coi thường luật giao thông bắt nguồn ngay từ chính những hành vi vô ý của cha mẹ hàng ngày.

Trung tá Trần Quang Vinh cho rằng, dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp khiến việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục tại các trường học còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc giáo dục pháp luật về an toàn giao thông chưa được chú trọng đúng mức cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ gia tăng.

 

Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ đang cho phép người từ 16 – 18 tuổi được sử dụng xe mô tô từ 50cm3 trở xuống, vì vậy nhiều gia đình đã chọn mua xe cho con. Cá biệt, nhiều em được mua xe máy, xe máy điện khi mới chỉ đang học THCS. Sự nuông chiều này là một trong những hiểm hoạ đối với chính các em và cộng đồng xung quanh.

TS xã hội học Vũ Thị Hạnh

 

 

Không ít bậc phụ huynh, khi con em bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm gây mất trật tự, ATGT luôn sẵn sàng đến nộp phạt, xin xỏ, lấy xe về lại tiếp tục giao cho con sử dụng, khiến các em ngày càng “nhờn” luật. Sự nuông chiều đó không chỉ làm cho thanh thiếu niên mất đi sự tự giác, thiếu ý thức, văn hoá giao thông mà vô hình chung còn khiến các em hình thành nhân cách lệch chuẩn trong tương lai.

Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Hà Nội Tạ Đức Giang

(Còn nữa)

Rate this post

Viết một bình luận